Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 16/09/2022, 10:03 AM

Hiểu đúng về nghiệp

Khi có một điều không may mắn, bất như ý xảy đến thì đa phần chúng ta đều nghĩ và thậm chí đổ lỗi là do nghiệp. Nói về nghiệp, mọi người đều cho đó là chủ trương của đạo Phật.

Thực chất, Đức Phật tuy có dạy về nhân quả - nghiệp báo nhưng Ngài không hề nói rằng tất cả những gì chúng ta gặp phải trong đời sống hiện tại đều do tác động hay ảnh hưởng của nghiệp kiếp trước. Nếu ai nói vậy thì đã rơi vào thuyết định mệnh hay thuyết nghiệp của đạo Jain (Kỳ-na giáo).

Chủ trương nghiệp của đạo Jain

“Phàm cảm giác gì con người này lãnh thọ, lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các nghiệp quá khứ”1.

Dựa theo lời Đức Phật dạy về nghiệp, ta có thể nói rằng quan điểm trên của đạo Jain là không chính xác. Vì sao? Vì nếu đúng thật tất cả các cảm thọ ở hiện tại đều do nhân của quá khứ đời trước thì ta đã rơi vào thuyết định mệnh, tức mọi việc đã được an bài, được sắp xếp và đã sinh ra ở đời thì ta chỉ có gánh chịu, chấp nhận mà thôi. Nếu mọi chuyện đã được an bài thì ta học, làm việc, nỗ lực có ích gì? Bởi tất cả đã được định sẵn rồi thì ta có làm gì cũng vô ích nên phải chấp nhận, đây là quan điểm về nghiệp của đạo Jain.

Phản biện lại quan điểm nghiệp của đạo Jain, Đức Phật nói rằng: “Như vậy, thời theo các Tôn giả, do nhân nghiệp quá khứ, sẽ trở thành người sát sanh; (...); do nhân nghiệp quá khứ, sẽ trở thành người tà kiến”2.

Ngài dạy thêm rằng những ai chỉ dựa vào nghiệp quá khứ thì sẽ không có ước muốn, không có sự tinh tấn và không xác quyết được rằng “Đây là việc phải làm” hay “Đây là việc không nên làm”3.

Đạo Jain chủ trương “thân tội”, họ quy tất cả là do thân tác thành, vì chỉ nhìn thấy thân tạo tội nên họ thực hành khổ hạnh một cách tinh cần, tinh tấn nhưng điều này không đem lại kết quả giải thoát nào cả. Đây cũng chính là điều mà Đức Phật đã nhận ra khi thực hành pháp khổ hạnh, đó là tư tưởng sai lầm, là điều nên từ bỏ. Và trí tuệ sẽ không thể phát sinh trong một thân thể không có sức sống, ốm yếu, sắp ngã quỵ và càng khổ hạnh một cách tinh cần, tinh tấn sẽ chỉ đem lại các khổ thọ cho thân và tâm mà thôi, hoàn toàn không có lợi ích.

Nếu không tìm hiểu kỹ về những lời dạy của Đức Phật, chúng ta có thể nhầm lẫn những quan điểm về nghiệp của đạo Jain rồi cho là của đạo Phật.

Nếu không tìm hiểu kỹ về những lời dạy của Đức Phật, chúng ta có thể nhầm lẫn những quan điểm về nghiệp của đạo Jain rồi cho là của đạo Phật.

Nghiệp theo quan điểm của đạo Phật

“Ta chủ trương ý nghiệp là tối trọng, để tác thành ác ý, để diễn tiến ác nghiệp, thân nghiệp không bằng được, khẩu nghiệp không bằng được”4.

Sau khi khổ hạnh suốt 6 năm mà vẫn không thành tựu đạo quả, Đạo sĩ Gotama đã tìm ra con đường giữa (trung đạo-tránh xa hai cực đoan), vừa không khổ hạnh ép xác một cách vô ích lại không hưởng thụ dục lạc xa hoa sinh đắm nhiễm. Ngài phát hiện ra tất cả nghiệp đều phát xuất từ nơi suy nghĩ, tâm ý của chúng ta chứ không phải do thân và miệng, thân miệng cũng tạo nghiệp nhưng chủ đạo, dẫn dắt vẫn là ý nghiệp.

Ý nghiệp chính là “cetana” nghĩa là tác ý, hay còn gọi là tư tâm sở, tức những hành động có chủ ý, có tác động dẫn đến nghiệp.

Đức Phật không chủ trương khổ ở hiện tại để hưởng vui ở tương lai (như đạo Jain) mà Ngài dạy chúng ta nên làm các việc thiện lành ở hiện tại để được một tương lai tươi sáng tốt đẹp hơn. Bởi quá khứ thì đã trôi qua, chúng ta có tìm cầu cũng không ích lợi. Không những thế, chúng ta cũng không rõ biết về quá khứ, vậy mãi nhìn về quá khứ để làm gì?

Đạo Phật cũng hướng con người đến tương lai nhưng tương lai không hoàn toàn mang ý nghĩa là đời sau mà ngay trong đời sống hiện tại. Như hiện tại nghèo khó, chúng ta hoàn toàn có thể cố gắng, phấn đấu học tập và làm việc thì tương lai sẽ no ấm. Còn nếu không mong thoát nghèo mà chỉ biết an phận, xem như số phận mình phải chấp nhận thì hiện tại và tương lai của ta sẽ chẳng bao giờ thoát khỏi nghèo khổ. Đó cũng chính là hoạt dụng của “cetana”, có chức năng chuyển nghiệp và người chuyển nghiệp chính là tự thân chúng ta chứ không một ai khác cả.

Đức Phật không những dạy chúng ta nên tránh xa điều dữ mà Ngài còn dạy cố gắng nỗ lực làm các việc thiện lành trong khả năng của mình. Vì không làm việc ác là lợi ích cho bản thân, còn làm lành sẽ đem lại ích lợi cho nhiều người, cho cuộc đời và tất cả chúng sinh.

Mục đích của người học Phật là an lạc, giác ngộ và giải thoát, muốn được như thế thì ngay trong hiện tại ta phải hiểu rõ về nghiệp mà Đức Phật đã dạy để tích cực tạo ra nghiệp mới thiện lành, chuyển xấu thành tốt, hóa khổ thành vui.

Mục đích của người học Phật là an lạc, giác ngộ và giải thoát, muốn được như thế thì ngay trong hiện tại ta phải hiểu rõ về nghiệp mà Đức Phật đã dạy để tích cực tạo ra nghiệp mới thiện lành, chuyển xấu thành tốt, hóa khổ thành vui.

Những nhầm lẫn về nghiệp của đạo Jain và đạo Phật

Nếu không tìm hiểu kỹ về những lời dạy của Đức Phật, chúng ta có thể nhầm lẫn những quan điểm về nghiệp của đạo Jain rồi cho là của đạo Phật.

Thực tế là mỗi khi có điều không may xảy đến, chúng ta thường nói rằng do “đổ nghiệp” hay “do nghiệp kiếp trước”, nếu nói như vậy ta rất dễ bị rơi vào quan điểm nghiệp của đạo Jain. Cứ đổ hết cho nghiệp kiếp trước, dù là bị bệnh, bị trộm, thất nghiệp, bị lừa gạt, thi rớt, học yếu, v.v... bất cứ thứ gì xảy ra mà ta không muốn, không thích hoặc không tốt thì ta đều phán cho nó một từ đó là nghiệp, mặc dù không hiểu nhiều về nghiệp.

Đức Phật xác định rằng, có nghiệp quá khứ (đời trước) và nó có tác động nhất định đến đời sống hiện tại của ta một phần hay một phương diện nào đó. Tuy nhiên, Đức Phật đã thấy rõ, biết rõ mọi việc, mọi vật nên mới có thể nói như vậy. Hiện thời ai có thể thấy được như Đức Phật chăng? Nếu có thì họ được quyền nói như vậy. Còn chính bản thân người viết chưa có được cái thấy như vậy nên sẽ không bao giờ dám nói đó có phải do nghiệp quá khứ (đời trước) hay không vì rất nhiều vấn đề chỉ do nghiệp của đời này.

Thật ra, đó có phải là nghiệp kiếp trước hay không thì có gì quan trọng? Điều quan trọng và thiết thực là ta đã và đang làm gì ở hiện tại, tạo nghiệp mới thiện lành để chuyển hóa thực tiễn hay không. Vì nghiệp thì có thể chuyển được, đó mới là cái hay của cuộc sống, là điều thú vị trong giáo lý nghiệp của đạo Phật. Nếu Đức Phật cũng nói nghiệp như các vị ngoại đạo kia thì ta học theo Ngài để làm gì, vì nghiệp đâu có thay đổi được. Chính vì thế mỗi người học Phật, nên tìm hiểu và chiêm nghiệm sâu về những lời Đức Phật dạy để tránh những nhầm lẫn hay ngộ nhận đáng tiếc.

Đạo Jain tuy có những điểm giống Phật giáo như không chấp nhận thẩm quyền của Veda, không chấp nhận việc tế lễ, không làm các việc bất thiện, có giáo lý nhân quả, có chủ trương về nghiệp. Nhưng quan điểm về nghiệp không tương đồng khi nói nghiệplà hoàn toàn do nhân quá khứ đời trước, với chủ trương “thân tội”nên họ nỗ lực khổ hạnh ép xác.

Tuy cả hai đều có chủ trương về nghiệp nhưng chúng ta có thể thấy rất rõ rằng chủ trương nghiệp của đạo Jain rất phiến diện, chủ trương “thân tội” vốn không phù hợp và nếu ta thực hành, tư duy theo sẽ không có lợi ích. Phật giáo chủ trương nhân quả-nghiệp báo rất rõ ràng, minh bạch, phù hợp với chân lý nếu ta tư duy và thực hành theo đúng như những gì Đức Phật đã dạy sẽ có nhiều lợi ích.

Tranh vẽ quang cảnh truyền giáo của đạo Jain

Tranh vẽ quang cảnh truyền giáo của đạo Jain

Quan trọng là tạo nghiệp mới thiện lành

Mong rằng mỗi khi gặp việc không may xảy đến, chúng ta đừng vội kết luận và đổ tất cả đó là do nghiệp đời trước bởi rất nhiều điều là nghiệp của đời này. Nghiệp theo Phật giáo có nghiệp cũ và nghiệp mới. Nghiệp cũ được tạo ra từ đời trước hay quá khứ của đời này. Nghiệp mới là những tạo tác xảy ra gần đây. Điều quan trọng là chúng ta có thể chủ động tạo nghiệp mới thiện lành, nhất là năng lực của nghiệp mới có thể tác động lên nghiệp cũ khiến cho chuyển hóa, thay đổi thực tiễn, khiến chuyện lớn hóa nhỏ, việc nhỏ hóa không.

Kinh Tăng chi bộ (phẩm Hạt muối) Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, ví như có người bỏ nắm muối vào trong một chén nước nhỏ, nước trong chén ấy vì nắm muối trở thành mặn và không uống được. Nhưng có người bỏ nắm muối vào nước sông Hằng, khối nước ấy rất lớn không vì nắm muối này mà trở thành mặn và không uống được”. Nắm muối là nghiệp cũ, nước trong chén hay nước sông Hằng là nghiệp mới. Vì thế, nếu chúng ta nỗ lực tạo ra nghiệp mới thiện lành như nước sông Hằng thì ngại gì nghiệp cũ.

Mục đích của người học Phật là an lạc, giác ngộ và giải thoát, muốn được như thế thì ngay trong hiện tại ta phải hiểu rõ về nghiệp mà Đức Phật đã dạy để tích cực tạo ra nghiệp mới thiện lành, chuyển xấu thành tốt, hóa khổ thành vui.

-----------------------------

1- Kinh Trung bộ, 101. Kinh Devadaha (Devadaha sutta), HT.Thích Minh Châu dịch, (2012), Nxb Tôn Giáo - Hà Nội, trang 271.

2 - Kinh Tăng chi bộ, chương Ba pháp, VII. Phẩm Lớn, 61. Sở y xứ (Titthayatana), HT.Thích Minh Châu dịch, (1996), Nxb Tôn Giáo - Hà Nội, trang 311-312.

3 - Sđd, trang 313.

4 - Kinh Trung bộ, 56. Kinh Ưu-ba-ly (Upali sutta), HT.Thích Minh Châu dịch, (2012), Nxb Tôn Giáo - Hà Nội, trang 456.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Khéo học sẽ thấy được pháp chân thật

Kiến thức 12:00 08/11/2024

Tất cả quý Phật tử học Phật pháp lâu rồi nhưng có thấy được chân giáo pháp chưa?

Lòng tin là tài sản tối thượng

Kiến thức 10:39 08/11/2024

Trong các thứ tài sản, theo tuệ giác Thế Tôn, thì lòng tin là tối thượng. Quan niệm này kể ra cũng lạ nhưng nếu lắng lòng chiêm nghiệm lời Phật thì trực nhận rằng tài sản chỉ là cái đến sau, là kết quả của lòng tin.

Chính tín

Kiến thức 09:59 08/11/2024

Theo tuệ giác Thế Tôn, đối với mọi quan điểm, tư tưởng nên thận trọng, chớ vội tin, cần hoài nghi và xét lại tất cả. Dù nghi ngờ là một trong những phiền não làm chướng ngại thánh đạo nhưng trong nhận thức, hoài nghi là một biểu hiện của trí tuệ vì "đại nghi tức đại ngộ".

Tứ vô lượng tâm: Bốn pháp thiền phát triển tâm từ bi hỷ xả

Kiến thức 09:15 08/11/2024

Từ bi hỷ xả là những phẩm chất quan trọng của tâm Phật vốn có sẵn trong ta, tu tập, khơi dậy, phát triển tâm tứ vô lượng tâm là sống với tâm Phật, hoàn toàn thuận hướng giác ngộ giải thoát.

Xem thêm