Hiểu rõ hơn về kinh Đại thừa, kinh Nguyên thủy
Từ chiếc nôi Ấn Độ, Phật giáo truyền xuống phương Nam thì gọi là Nam truyền, truyền lên phương Bắc thì gọi là Bắc truyền. Hiện, trên thế giới có hai truyền thống Phật giáo lớn, đó là Phật giáo Nam tông (Nam truyền) và Phật giáo Bắc tông (Bắc truyền).
Theo đó, kinh điển Phật giáo Nam tông được chép bằng tiếng Pali. Kinh điển Phật giáo Bắc tông được chép bằng tiếng Sanskrit.
Lời Ban Biên tập
Kinh Phật là một tạng trong Tam tạng Thánh điển, gồm kinh - luật - luận. Trong loạt bài "Sự diệu dụng của kinh Phật", khởi đăng từ ngày 1/1/2025, Ban Biên tập mong muốn giúp quý bạn đọc hiểu rõ hơn về hệ thống kinh tạng Bắc truyền, Nam truyền, những công năng, diệu dụng khi tụng đọc, ứng dụng vào đời sống; sự mầu nhiệm của tâm kinh, tụng kinh Pali/ Nguyên thủy khó không; ấn tống kinh sách và giá trị...Kính mời quý vị cùng theo dõi loạt bài này và có chia sẻ, góp ý, lan tỏa nếu thấy lợi lạc cho tự thân cũng như người hữu duyên.
Kinh Đại thừa và kinh Nguyên thủy
Thượng tọa Thích Quảng Tánh, người phụ trách Tổ tư vấn và chuyên trang Phật học báo Giác Ngộ cho biết, kinh điển Phật giáo Bắc tông bằng tiếng Sanskrit được các nhà sư Ấn Độ (Tây Vực nói chung) lần lượt mang đến và dịch ra tiếng Trung Hoa, kết hợp với các kinh điển do các nhà sư Trung Hoa đi Ấn Độ thỉnh về, theo thời gian kết tập thành kinh điển Hán tạng.
"Những ai nói kinh điển Phật giáo Hán tạng (Bắc tông, Đại thừa) do các vị Tổ Trung Hoa viết ra là hoàn toàn không chính xác. Nghiên cứu lịch sử truyền dịch kinh điển Hán tạng và tìm hiểu xuất xứ của các bản kinh sẽ thấy rõ phần lớn kinh điển Phật giáo (Hán tạng) được dịch từ tiếng Sanskrit (Phạn ngữ) sang Hán ngữ", Thượng tọa Thích Quảng Tánh nói.
Nói về kinh điển Nguyên thủy và Đại thừa, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN bày tỏ: "Tôi nhận ra các kinh điển Đại thừa đã được triển khai từ gốc của kinh Nguyên thủy, mới có các Bồ-tát xuất hiện. Như vậy, có thể nói Bồ-tát cũng từ kinh Nguyên thủy mà ra. Thật vậy, Phật giáo Nguyên thủy chỉ có Bồ-tát Di Lặc, nhưng qua kinh Đại thừa có nhiều Bồ-tát. Và triển khai rộng ra, có Bồ-tát nhân gian là những người ở nhân gian, nhưng có lòng thương người và cứu được nhiều người thoát khổ đau. Xa hơn, chúng ta có các Bồ-tát vô hình. Xa hơn nữa, tới kinh Pháp hoa, xuất hiện Bồ-tát bản địa đóng vai trò rất quan trọng".
Nói thêm, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng cho rằng, từ Phật giáo Nguyên thủy sang Phật giáo Đại thừa, ta coi là một, không phải khác. Và ngược lại, nhìn từ Đại thừa về Nguyên thủy cũng mang tính nhất quán.
"Nếu chúng ta chấp pháp môn nào, thường cho rằng chỉ có pháp môn đó là pháp Phật và chống lại các pháp môn khác, làm Phật giáo suy yếu. Lịch sử đã cho thấy bài học đắt giá này", ngài nói.
Tính tương đồng
Thượng tọa Thích Quảng Tánh chia sẻ, trong kinh điển Phật giáo Hán tạng (Bắc tông, Đại thừa) tuy có một số kinh được trước tác tại Trung Hoa, nhưng phủ nhận toàn bộ kinh điển ấy không phải do Phật Thích Ca thuyết là một sự thiển cận và hẹp hòi.
Vị Thượng tọa có bề dày hàng chục năm khảo cứu kinh điển hai tạng Nam, Bắc truyền này cho rằng, người học Phật cũng cần biết rằng, ngay cả Kinh tạng Pali, được xem là Nguyên thủy, gần với lời dạy của Đức Phật nhất cũng được ghi chép khá muộn về sau (khoảng từ 300 đến 500 năm sau Phật Niết-bàn). Trong khoảng thời gian trên dưới bốn thế kỷ, kinh Phật được gìn giữ và lưu truyền chủ yếu nhờ vào trí nhớ, thuộc lòng và truyền miệng. Vì thế, nghi vấn về một số yếu tố hậu tác trong Kinh tạng Pali (dù không nhiều) cũng đã được các nhà nghiên cứu đặt ra.
"Để phân biệt kinh nào đúng và kinh nào không đúng lời Phật dạy, người học Phật cần dựa vào Tam pháp ấn. Đức Phật đã dạy về Ba dấu ấn Chánh pháp là vô thường-khổ-vô ngã. Những kinh văn, dù được ghi bất cứ ngôn ngữ nào, nếu thiếu vắng ba dấu ấn này thì không phải Chánh pháp, người học Phật cần thận trọng khi đọc tụng, nghiên cứu và phụng hành. Còn lại những kinh văn nào có đầy đủ ba dấu ấn Chánh pháp thì hãy thọ trì".
Trong bài giảng "Những tương đồng giữa kinh Đại thừa & kinh Nguyên thủy", Đức Đệ tứ Pháp chủ khẳng định: "Về lịch sử, chúng ta có thể thấy từ Phật giáo Nguyên thủy tiến lên Phật giáo Bộ phái, cho đến Phật giáo Đại thừa. Vì vậy, Phật giáo Đại thừa được coi là đỉnh cao trí tuệ của đạo Phật. Và khi chúng ta có cái nhìn xuyên suốt về sự diễn tiến của Phật giáo như vậy thì tất yếu chúng ta cũng nhận thấy tư tưởng Đại thừa phát xuất từ Nguyên thủy mà phát triển lên".
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng cho rằng, kinh Nguyên thủy phát triển cho phù hợp với thực tại cuộc sống của từng thời kỳ khác nhau, từng quốc gia khác nhau mà hình thành kinh điển Đại thừa, trong đó nổi bật bộ kinh Hoa nghiêm.
"Vì vậy, điều tôi muốn chia sẻ với huynh đệ rằng kinh Đại thừa và kinh Nguyên thủy phải khớp với nhau", ngài nói.
Giải thích cho sự khớp nhau đó, Đức Pháp chủ chia sẻ thêm rằng, Phật giáo Nguyên thủy, sau khi Phật vào Niết-bàn thì Tỳ-kheo tu hành, chỉ nương giáo pháp và nương tự thân mình. Phật nói, giáo pháp của Phật ví như ngón tay chỉ mặt trăng, như thuyền bè để qua sông, cho nên chúng ta phải tự hành trì pháp và nương vào chính mình mà thôi.
Lý này được Phật giáo Đại thừa triển khai thành đồng thể Tam bảo. Nghĩa là trong thân chúng ta đều có Phật, Pháp, Tăng, tức Tỳ-kheo phải có trí tuệ, không phạm sai lầm nào và phải hòa hợp được với tất cả, hòa hợp với Tăng đoàn, với tất cả mọi người, với vũ trụ; vì nếu không hòa hợp, chắc chắn không thể tồn tại.
Kinh Nguyên thủy nói rằng những gì Phật cần nói, Ngài đã nói, cho nên kinh Nguyên thủy chỉ suy nghĩ và căn cứ vào những gì Phật đã nói.
Trong khi kinh Đại thừa diễn tả là nương ánh quang Phật, tức nương trí tuệ Phật, nghĩa là kinh Đại thừa suy nghiệm về tu chứng của Phật, về những gì Phật chưa nói, để có được cái thấy chính xác rằng chúng sanh nghĩ gì, cần gì, có khả năng gì mà theo đó đáp ứng, thể hiện yếu nghĩa tùy duyên. Điều này xác minh rằng hành giả Đại thừa đã triển khai từ kinh Nguyên thủy những yếu nghĩa cốt lõi mà Phật muốn nói qua cánh cửa Vô lượng nghĩa đi vào bộ kinh cao tột là kinh Pháp hoa.
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hiểu rõ hơn về kinh Đại thừa, kinh Nguyên thủy
Xiển dương Đạo pháp 09:25 03/01/2025Từ chiếc nôi Ấn Độ, Phật giáo truyền xuống phương Nam thì gọi là Nam truyền, truyền lên phương Bắc thì gọi là Bắc truyền. Hiện, trên thế giới có hai truyền thống Phật giáo lớn, đó là Phật giáo Nam tông (Nam truyền) và Phật giáo Bắc tông (Bắc truyền).
Ánh sáng giác ngộ từ câu kinh Phật
Xiển dương Đạo pháp 07:07 02/01/2025Kinh trong Phật giáo được dùng để chỉ cho lời Phật dạy dưới hình thức văn tự hay truyền khẩu, có giá trị hướng thượng, phát triển đạo đức, nuôi lớn thiền định, phát sanh trí tuệ, giúp cho người đọc tụng đạt được an lạc và hạnh phúc.
Kinh Phật là gì?
Xiển dương Đạo pháp 07:08 01/01/2025Kinh Phật được hiểu đơn giản là những lời dạy của Đức Phật, được các vị đệ tử của Ngài truyền thừa lại nhờ vào truyền thống tụng đọc thuộc lòng rồi truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và khi có hệ thống chữ viết mới ghi chép lại thành dạng văn bản.
Bỏ hết tất cả
Xiển dương Đạo pháp 20:00 26/12/2024Đối với người học đạo, nên chuẩn bị tâm lý bỏ lại hết để mà đi.
Xem thêm