Thứ năm, 20/10/2022, 22:48 PM

Hình tượng hoàng hậu Maya trong mỹ thuật Phật giáo

Hoàng hậu Maya (Pāli: Mayadevi) là mẹ ruột của Đức Phật Gautama. Bà là người chị gái của Mahāpajāpatī Gotamī, vị Tỳ-kheo-ni Phật giáo đầu tiên được Đức Phật tôn phong.

Theo truyền thống Phật giáo, hoàng hậu Maya đã chết sau khi Đức Phật ra đời, thường được cho là bảy ngày sau đó, và tái sinh ở cõi trời theo tín niệm Hindu giáo và Phật giáo, một khuôn mẫu được cho là theo cùng sự ra đời của tất cả các vị Phật. Vì vậy, hoàng hậu Maya đã không nuôi dạy người con trai của mình, mà thay vào đó Đức Phật được người dì là Mahāpajāpatī Gotamī nuôi nấng. Tuy nhiên, hoàng hậu Maya thỉnh thoảng từ cõi trời hạ thế để đưa ra lời khuyên/chỉ dẫn cho người con trai của mình.(1)

Từ Maya có nghĩa là “ảo ảnh/ảo giác” trong tiếng Phạn. Maya cũng được gọi là Mahamaya/Maya vĩ đại, Hán dịch: Đại Huyễn Hóa, Đại Thuật, Diệu. Và Mayadevi/Thiên nữ Maya.  Ở Tây Tạng, bà được gọi là Gyutrulma, và trong tiếng Nhật được biết như là Maya-bunin. Ngoài ra ở Sri Lanka còn được gọi là Mahamaya Devi/Đại Thiên nữ Maya.

Về hình tượng, trong văn học và mỹ thuật Phật giáo, hoàng hậu Maya được miêu tả là một người phụ nữ xinh đẹp và sung mãn. Vẻ đẹp của bà lấp lánh như quặng vàng thuần khiết. Bà có những lọn tóc thơm như con ong đen lớn. Đôi mắt như cánh hoa sen, răng như những vì sao trên cõi trời. (Lalitavistara Sūtra/Kinh Đại trang nghiêm)

Mặc dù đôi khi hoàng hậu Maya được thể hiện trong những cảnh khác nhau của cuộc đời bà, chẳng hạn như giấc mơ điềm báo việc hoàng hậu mang thai Đức Phật Gautama, hoàng hậu sinh con hay ngay sau khi sinh, hoàng hậu cùng với người chồng, nhà vua Suddhodana tìm kiếm những lời tiên tri về tương lai của con trai hay đôi khi thấy miêu tả khi Đức Phật đi lên cõi trời Tavatimsa/Đao lợi. Nhưng hoàng hậu Maya thường xuất hiện nhiều nhất trong các loại tác phẩm nghệ thuật nói về sự kiện Phật Đản sinh, một sự kiện thường được thừa nhận đã diễn ra ở  Lumbini/Lâm-tỳ-ni, Nepal ngày nay. 

Hình ảnh Đức Phật đản sinh

Hình ảnh Đức Phật đản sinh

Giấc mơ của hoàng hậu Maya

Maya kết hôn với nhà vua Suddhodana/Tịnh Phạn (Pāli: Suddhodana), người cai trị thị tộc Sakya của Kapilvastu/Ca-tỳ-la-vệ. Maya là con gái của người chú nhà vua Suddhodhana và do đó bà là người em họ của nhà vua. Cha bà là Subhuti/Tu-bồ-đề, quốc vương của Devadaha/Thiên Tý.

Hoàng hậu Maya và nhà vua Suddhodhana không có con trong hai mươi năm kết hôn. Theo truyền thuyết, một đêm trăng tròn, khi ngủ trong cung điện, hoàng hậu có một giấc mơ thật sống động. Bà cảm nhận thấy như mình bị bốn deva (chư thiên) mang đến hồ Anotatta nằm trên dãy Himalaya. Sau khi tắm trong hồ, các chư thiên này đã mặc cho bà những bộ cánh cõi trời, xức dầu thơm và điểm trang với những bông hoa thiêng. Ngay sau đó một con voi trắng, vòi quấn quanh một bông hoa sen trắng, xuất hiện và đi vòng quanh Maya ba lần, sau đó đi vào bụng của bà từ bên phải. Cuối cùng, con voi biến mất và hoàng hậu choàng tỉnh giấc. Bà biết rằng một thông điệp quan trọng đã được gửi đến, vì con voi là biểu trưng cho sự vĩ đại/cao cả/lớn lao. Ngày hôm sau, 64 vị Bà-la-môn cam đoan với nhà vua và hoàng hậu rằng bà đã thụ thai một người con trai, người sẽ trở thành một vị Chuyển luân vương/Cakravartin, hay một vị Phật.

Đề tài giấc mơ của hoàng hậu Maya được thể hiện phổ biến trên bích họa trong chánh điện và sala các chùa theo Phật giáo Nam tông cũng như một số ít trên tranh vải cuộn Tây Tạng (thangka), Trung Quốc, Nhật Bản và phù điêu trên đá tại chùa tháp Ấn Độ như Sanchi, Bharhut…

Trong các tác phẩm chạm khắc đề tài này, các nghệ nhân thể hiện hoàng hậu đang ngủ, cùng với ba người hầu bao quanh, một trong số những người hầu phẩy chauri (một dạng phất trần của Ấn Độ để xua đuổi sự quấy nhiễu của muỗi mòng). Một bình/vại nước được đặt gần nơi đầu giường, dưới chân nó là một nén trầm hương. Đề tài này được lặp đi lặp lại trong nhiều thế kỷ và là một đề tài quan trọng trong thời kỳ mỹ thuật Phật giáo Gandhara, phong cách mỹ thuật chịu ảnh hưởng Hy Lạp.

Còn bích họa phổ biến thể hiện giấc mơ diễn ra trong một căn phòng rộng lớn với một chiếc giường theo phong cách phương Tây. Trong một ô tranh, hoàng hậu Maya đắm chìm trong giấc mơ về con voi trắng đang đi tới hay con voi trắng nhỏ vần vũ trong mây bên trên ngoài khung cửa sổ sát cạnh bên chiếc giường mà hoàng hậu đang ngủ; với những người hầu đứng ngồi, kẻ cầm quạt/lọng, người cầm đuốc vây quanh hoàng hậu. Hiếm hoi thấy thể hiện con voi trắng quỵ gối bên dưới giường của hoàng hậu. Có nghệ nhân còn thể hiện chư thiên nâng bốn chiếc chân giường mà hoàng hậu đang ngủ. Đôi khi, đề tài này được thể hiện trong bối cảnh của một khu vườn hay bên hành lang cung điện nhưng rất ít phổ biến.

Phật đản sinh hay bảy bước sen nở

Truyền thống Phật giáo coi Lumbini, ngày nay ở Nepal, là nơi Đức Phật đã được sinh ra đờ(2). Ngài lớn lên ở Kapilavastu. Không rõ địa điểm chính xác của Kapilavastu cổ đại(3). Nó có thể là Piprahwa, Uttar Pradesh, ở Ấn Độ ngày nay(4) , hoặc Tilaurakot ở Nepal ngày nay. Cả hai nơi này đều thuộc về lãnh thổ Sakya, và tọa lạc cách nhau chỉ khoảng 15 dặm (24km)(5). 

Ngày Đức Phật ra đời được cử hành rộng rãi ở các quốc gia Phật giáo Nguyên thủy, được gọi là lễ Vesak/Phật đản(6). Ngày sinh của Đức Phật được gọi là Buddha Purnima  ở Nepal, Bangladesh và Ấn Độ vì Ngài được tin là đã được sinh ra vào một ngày trăng tròn. Nhiều nguồn tài liệu cho rằng mẹ của Đức Phật đã chết khi sinh, sau đó một vài ngày hoặc bảy ngày sau đó. Cậu bé được đặt tên là Siddhārtha (Pāli: Siddhattha), có nghĩa là “người đạt được mục tiêu của mình”.  

Các kinh văn buổi đầu cho thấy Gautama không thỏa mãn với các giáo lý tôn giáo thống trị vào thời đại của mình cho nên đã ra đi tìm kiếm tôn giáo/tín ngưỡng cho mình, được cho là đã bị thúc đẩy bởi mối quan tâm hiện hữu đối với tình trạng của con người(7). 

Theo truyền thống Phật giáo, tiền kiếp Đức Phật là một vị Bồ-tát ở cõi trời Tusita/Đâu Suất, và quyết định lấy hình dạng của một con voi trắng để được tái sinh trên cõi đất lần cuối cùng. Hoàng hậu Maya đã sinh ra Siddhārtha vào khoảng năm 563 tr.TL. Thai kỳ kéo dài mười tháng âm lịch. Theo phong tục, hoàng hậu trở về nhà cha mẹ ruột của mình để sinh nở. Trên đường đi, bà bước xuống từ chiếc kiệu để có thể đi bộ dưới những tán cây, trong vườn hoa xinh đẹp của vườn Lâm-tỳ-ni, Nepal. Maya Devi rất vui mừng khi đi đến vườn hoa và đã sinh con trong khi đứng nắm giữ một nhánh cây vô ưu/asoka (có nguồn tài liệu cho rằng cây thala/sala). Truyền thuyết kể rằng Thái tử Siddhārtha hiện ra từ phía bên phải của hoàng hậu mà không gây bất cứ sự đau đớn hay tổn thương nào.

Một số ghi chép cho rằng bà đã tắm cho Thái tử đầu tiên trong ao Puskarini ở Lâm-tỳ-ni. Nhưng truyền thuyết kể rằng, chư thiên đã khiến trời mưa hay hoan hỷ tạo ra cơn mưa hoa đầy trời (mãn thiên hoa vũ) rơi xuống mình Phật hài đồng, đồng thời rắc xuống mình Ngài phấn thơm hòa trong nước hoa để tắm cho đứa trẻ mới sinh.

Đức Phật không bước vào thế giới theo lối thông thường mà như đi xuống từ cõi trời. Ngài tỏa sáng rực rỡ như ánh mặt trời tỏa sáng xuống mặt đất, với những hào quang giống như vàng chiếu sáng tất thảy mọi không gian xung quanh Ngài. Ngay lập tức, ngài bước bảy bước, một cách vững chắc và với những bước dài. Quan sát bốn hướng, và giơ tay phải, Ngài tuyên bố đây là lần tái sinh cuối cùng vì ngài đã là Bậc Giác ngộ.

Đề tài này thấy phổ biến tạo tác trên tranh vải cuộn, phù điêu tượng tròn, bích họa ở các chùa tháp Phật giáo Nam tông lẫn Bắc tông; cũng như được thể hiện thường xuyên cả ở Ấn Độ lẫn Trung Hoa và Nhật Bản. Trong các bích họa, một cách đặc trưng, việc mô tả “cổ điển” về sự ra đời được kết hợp với bảy bước đi sen nở của Thái tử Siddhartha trong tư thế đứng với một tay chỉ lên trời ở trung tâm bức họa. Ở bên phải là hoàng hậu Maya thường được thể hiện với tay nắm lấy một cành cây cùng các nữ tỳ đứng quây màn để tránh cho hoàng hậu khỏi cái nhìn vô ý khi bà sắp sửa sinh. Những tỳ nữ này đôi khi còn được thể hiện cầm lọng hay quỳ gối chắp tay hướng về phía Thái tử. Bên trái là chư tiên đảnh lễ/tấu nhạc cùng thần Brahma đưa hai tay như đón lấy Thái tử hoặc cầm khăn hay bình nước rót tắm cho Thái tử. Đề tài này thường thể hiện trong khung cảnh một khu vườn hay bên ven đường. 

Một số tranh thangka của Tây Tạng, đề tài này còn thể hiện tổng thể với trung tâm bức tranh là hoàng hậu Maya với lấy nhánh cây với chư thiên vây quanh. Đức Phật được thể hiện bán thân khuất trong tấm khăn được chư thiên nâng hai đầu, túm lại dạng cánh võng như hứng từ hông bên phải của hoàng hậu; còn 4 góc tranh là Đức Phật lúc này là một vị Bồ-tát được chư thiên thỉnh cầu tái sinh thành người nên cõi đất ở góc trái trên; Bồ-tát hóa thân thành bạch tượng được chư thiên đưa xuống tái sinh vào bụng mẹ - hoàng hậu Maya ở góc phải trên; Phật đản sinh được biểu thị trần truồng trong tư thế Vô úy ấn và bảy bước mà Ngài đi được tượng trưng bằng từng ấy bông hoa sen cùng chư thiên vây lấy Ngài ở góc trái bên dưới; và cảnh hoàng hậu Maya ngủ nơi cung điện với hầu cận bên ngoài ở góc phải dưới. 

Ở Nhật Bản, trong số những tượng tròn thể hiện đề tài này, đặc biệt hoàng hậu Maya, mặc chiếc áo có tay dài, rộng, từ cánh tay áo bên phải xuất hiện Thái tử Sakyamuni, hai bàn tay chắp lại, một ám chỉ đến cách thế siêu nhiên mà hoàng hậu sinh ra Ngài(8).

Hay đôi khi hoàng hậu được thể hiện đơn lẻ bên cạnh một cái cây như trong dạng thức vươn người với lấy một nhánh cây với Đức Phật hài đồng hiện ra ở bên hông phải hay bước đi bảy bước bên dưới hoặc chỉ mình hoàng hậu trong tư thế với một tay được thể hiện khá đa dạng trong tượng tròn của mỹ thuật đương đại.

Học giả Phật giáo Miranda Shaw nói rằng hoàng hậu Maya được miêu tả trong cảnh Phật Đản sinh theo khuôn mẫu đã được thiết lập trong các thể hiện Phật giáo trước đó về các vị thần cây cổ đại được biết đến như là yakshi/yaksini/dạ-xoa nữ.

Ở đây hoàng hậu Maya được mô tả với đặc trưng của một yakshi (thường được thể hiện với cánh tay vươn lên chạm vào một nhánh cây và thân hình uốn éo uyển chuyển mà tiếng Phạn gọi là tribhanga, có nghĩa là 3 điểm uốn cong). Đó là người phụ nữ trẻ khỏa thân có khuôn mặt tròn, mỉm cười, hông rộng, eo thon, vai rộng và ngực tròn đầy. Cũng như yakshi, hoàng hậu cũng được miêu tả cường điệu hóa - theo trường phái nhục cảm - để tăng vẻ uyển chuyển, quyến rũ của người phụ nữ nhằm liên kết họ với sự sung mãn và phì nhiêu. Do đó, kiểu thức Salabhanjika (salabhanjika hoặc shalabhanjika là tác phẩm điêu khắc thể hiện một phụ nữ, với các đặc trưng nữ tính cách điệu, đứng gần một cái cây và nắm một cành cây. Tên của những hình tượng này xuất phát từ tiếng Phạn alabhanjika, có nghĩa là “bẻ gãy một nhánh cây”. Chúng còn được gọi là madanakai  madanika hoặc shilabalika), cũng được xác định là hình mẫu của tư thế hoàng hậu Maya khi hoàng hậu sinh Đức Phật Gautama dưới cây vô ưu/asoka trong vườn Lumbini. Bà với tay nắm lấy cành cây vô ưu và Đức Phật sinh ra từ hông... (9). 

Có sự tương tự giữa các nền văn hóa khi đề cập đến giấc mơ điềm báo mà hoàng hậu Maya mơ thấy trước khi thụ thai. Câu chuyện về cuộc đời của Đức Phật theo Kinh tạng Pāli kể rằng mẹ Ngài không tham gia vào các hoạt động giao phối hay vui chơi với bất kỳ suy nghĩ nào về những người đàn ông khác trong suốt quá trình mang thai. Nó không đề cập rằng Siddhartha được thụ thai mà không có bất kỳ hoạt động giao phối nào giữa cha mẹ Ngài. Mẹ của Đức Phật không phải là một trinh nữ, nhưng Đức Phật là thành quả của một tín niệm kỳ diệu và một sự sinh nở diệu kỳ. Mahavastu (Đại sự, tác phẩm tiểu sử về Đức Phật của phái Thuyết xuất thế bộ) và Lalitavistara (Kinh Đại trang nghiêm) rõ ràng đã nói rằng không có hành động xác thịt diễn ra trong tín niệm về Đức Phật; Buddhacarita (Phật bản hạnh tập kinh) cũng đề cập vấn đề này một cách mơ hồ. Trong kinh Mahapadana (kinh Đại bổn), thuộc Trường bộ, có nói về hóa thân của Đức Phật Vipassi/Tỳ Bà Thi…

Z.P.Thundy đã khảo sát những điểm tương đồng và khác biệt giữa những câu chuyện về sự hạ sinh Đức Phật của hoàng hậu Maya và Chúa Jesus của Đức Mẹ Mary và lưu ý rằng trong khi có thể có những điểm tương đồng, cũng có những khác biệt. Ví dụ như Đức Mẹ Mary sống lâu hơn Chúa Jesus sau khi nuôi nấng Đức Chúa, nhưng hoàng hậu Maya qua đời sau khi Đức Phật ra đời bảy ngày, như tất cả các bà mẹ của các vị Phật đều như vậy trong truyền thống Phật giáo. Thundy không khẳng định rằng có bất kỳ bằng chứng lịch sử nào cho thấy những câu chuyện về sự ra đời của Chúa Jesus bắt nguồn từ các truyền thống Phật giáo, nhưng cho thấy rằng “có lẽ đã đến lúc mà các học giả Ki-tô giáo phải lưu ý đến các nguồn gốc ý tưởng của truyền thống Phật giáo”(10).

Tuy nhiên, các học giả khác đã bác bỏ bất kỳ ảnh hưởng nào, ví dụ Paula Fredriksen tuyên bố rằng không có công trình học thuật nghiêm túc nào đặt Jesus bên ngoài bối cảnh của Do Thái giáo Palestine ở thế kỷ thứ nhất(11). Eddy và Boyd tuyên bố rằng không có bằng chứng nào về ảnh hưởng lịch sử của các nguồn gốc bên ngoài đối với các tác giả của Tân ước, và hầu hết các học giả đều đồng ý rằng bất kỳ sự ảnh hưởng lịch sử nào như vậy đối với Ki-tô giáo là hoàn toàn không thể tin được vì người Do Thái Galilean độc thần thế kỷ thứ nhất sẽ không đề cập đến những gì họ coi như là những câu chuyện ngoại giáo(12). 

X.A.Tôgarev trong Các hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng, nói về nguồn gốc của sự “thụ thai vô tội” khi cho rằng sở dĩ một người phụ nữ có thai là do một vật nào đó ở bên ngoài (mang hình thái đứa trẻ hoặc hình dạng khác) đột nhập vào thân thể của người phụ nữ ấy. Biểu tượng đó trong ý thức của con người (người Ôxtơrâylia) đã gắn liền với hệ thống các tín ngưỡng tô-tem linh thiêng: kẻ tạo ra cái thai và làm sinh con đẻ cái - đó là “tổ tiên” tô-tem, là một nhân vật linh thiêng của thần thoại tôn giáo. Vì thế bản thân ý niệm về sự hóa thân của tô-tem mang tính chất tôn giáo(13). Ở đây, hình tượng bạch tượng nhập thai cho thấy đây là một quan niệm có nguồn gốc từ tín lý xa xưa. Mặt khác, mô-típ sự sinh đẻ thần kỳ là một mô-típ phổ biến trong kho tàng truyện dân gian kể về các anh hùng, các bậc thánh nhân. Điều muốn nói ở đây là câu chuyện về bạch tượng nhập thai là một thực tại văn hóa và câu chuyện phải được hiểu đây là một hư cấu nghệ thuật gắn với Đức Phật ra đời - một thực tại lịch sử.

Tại các quốc gia theo Phật giáo, ngày lễ Phật đản là một dịp vui mừng cho mọi gia đình. Trong lễ hội, các bức tranh vẽ về hoàng hậu Maya thụ thai thần kỳ, hoàng hậu Đản sinh Đức Phật… thường được trưng bày một cách trang trọng. 

Lời tiên tri của Asita

Asita/A Tư Đà hoặc Kaladevala hoặc Kanhasiri là một ẩn sĩ khổ hạnh của Ấn Độ cổ đại vào thế kỷ thứ VI trước TL. Trong suốt cuộc lễ nhân dịp chào mừng Thái tử Siddhārthara đời, nhà tiên tri Asita đã đi từ ngọn núi nơi ông cư ngụ đến và tuyên bố rằng đứa trẻ sẽ trở thành một bậc chuyển luân vương (chakravartin) hoặc một sadhu/vị Thánh sống vĩ đại(14). Theo những ghi chép truyền thống, điều này đã xảy ra sau khi Siddhartha đặt chân Ngài lên tóc Asita và Asita kiểm tra các vết bớt. Trong sự kinh ngạc, ông nhận xét rằng đứa trẻ có những dấu hiệu siêu phàm trên thân thể; ví dụ, bàn chân độc nhất hằn in dấu hình bánh xe, ngón tay và chân có màng, giữa lông mày có một xoắn tròn mềm mại. Tràn đầy xúc động, nhà hiền triết tiên đoán rằng hoàng tử sẽ không quan tâm đến những vấn đề thế tục. Chàng sẽ từ bỏ vương quốc và nỗ lực đạt đến sự giác ngộ. Do đó, chàng sẽ rời bỏ những vọng tưởng tối tăm của thế giới này để tìm ra con đường chấm dứt luân hồi sinh tử, và giải thoát.

Cái tên Asita theo nghĩa đen có nghĩa là “không đeo bám”, trong khi Kanhasiri có nghĩa là “sự huy hoàng đen tối”. Asita được miêu tả như mang một mái tóc rối(15).

Trong nội dung này thì hoàng hậu Maya cùng nhà vua và triều thần ngồi trên ghế ở một bên với một bên là những nhà tiên tri khác, còn nhà tiên tri Asita, phổ biến thể hiện là một ông lão râu tóc bạc phơ mặc da hổ hay phục trang Bà-la-môn trắng, hoặc ít thấy hơn là phục trang thường dân, còn đứa bé Thái tử Siddhartha thì đứng trên đầu ngài Asita. 

Đôi khi vị Thái tử trẻ tuổi được trình bày là được hoàng hậu ẵm bồng còn vua cha thì đứng sát bên hoặc cùng ngồi trên ngai trước mặt các nhà tiên tri. 

Đi lên cõi trời Tavatimsa(16)

Sau khi Siddhartha đạt được giác ngộ và trở thành Đức Phật, Ngài đến thăm mẹ trên cõi trời trong ba tháng để tỏ lòng thành kính và giảng pháp.

Những Đức Phật quá khứ đã từng lên cõi trời thuyết pháp cho mẹ nên Đức Phật quyết định làm theo tiền lệ. Bước chân phải đặt lên đỉnh núi Yugandhara và để ngón chân trái ở trên núi Sumeru, rồi với sải chân khác, Ngài đến cõi trời Tavatimsa/Đao Lợi và ngồi trên một tảng đá lớn gọi là Pandukambala, ngai vàng của thần Indra, dưới cây prajipata cõi trời. Phụng sự bởi các vị thần của mười nghìn thế giới, Ngài thuyết giảng cho mẹ mình, trình bày chi tiết về Abhidharma (A-tỳ-đạt-ma, A-tỳ-đàm, Vi diệu pháp) trong ba tháng. Rồi vào một ngày rằm, khi Đức Phật chuẩn bị trở về cõi đất, thần Indra đã chuẩn bị bộ ba chiếc cầu thang, một bằng vàng cho các vị thần, một bằng bạc cho thần Brahma và một bằng ngọc ở chính giữa cho Đức Phật đi xuống. Các vị thần cầm ô và quạt nghi lễ theo hầu. Đức Phật trở về cõi đất tại cửa ngõ thành phố của Sakassa. Khi Ngài chạm chân xuống đất, tất cả mọi người có mặt đạt được cái nhìn toàn diện về các cõi khác nhau, từ cõi trời cao nhất của thần Brahma, đến cõi thấp nhất ở địa ngục sâu thẳm. Đó là một trong các sự kiện vĩ đại.

Đây là một trong những đề tài được thể hiện tráng lệ nhất trong các bích họa và cũng khá phổ biến thấy trên các tranh cuộn vẽ trên vải. Đôi khi, bích họa về chủ đề này lại khá lạm dụng khi thể hiện sự đông đúc người. Ở cách thể hiện phức tạp và chi tiết hơn, bức tranh thể hiện chiều kích không gian từ cõi trời: Đức Phật ngồi dưới cội cây thuyết pháp cho mẹ, chư thiên cõi trời trên nền mây trời và cung điện cõi trời nhấp nhô ẩn hiện; sát bên dưới miêu tả Đức Phật đứng trên tòa sen bước xuống trên chiếc cầu thang uốn éo với ba màu được mô tả theo kinh là vàng, bạc và xanh lục ngọc (ngày nay để bức tranh thêm nổi bật và nhiều màu sắc, chiếc cầu thang còn được thay bằng màu vàng, đỏ/hồng, xanh dương…), chạy dài theo thành lan can là hình tượng rắn thần naga bảy đầu; với Thần Brahma cầm lọng và Thần Indra cầm bát khất thực đi hầu hai bên Đức Phật. Bên dưới cầu thang, một bên là chư Tăng, một bên là các thành viên hoàng tộc và các tín đồ quỳ gối chắp tay đảnh lễ Ngài. Đôi khi, ở thể hiện này, bên trên là mây trời với chư tiên đàn hát, rải hoa và đảnh lễ… trên nền cung điện cõi trần cùng sông núi; đôi khi còn thể hiện Đức Phật ngồi trên đài bệ dưới chân cầu thang này. Trong nội dung này, hoàng hậu Maya thể hiện như một vị thiên nữ không hề phân biệt với chư thiên khác. Để nhận biết, bà luôn an vị ở trung tâm, đối diện với Đức Phật.

Nói tóm lại, trong mỹ thuật Phật giáo, hoàng hậu Maya tuy không phải là một nhân vật trung tâm nhưng đã được dành cho một vị trí quan trọng. Đây là đề tài mỹ thuật Phật giáo có một lịch sử lâu đời và để lại một khối lượng tác phẩm đáng chú ý. Đề tài này cho đến nay vẫn còn là ý tưởng sáng tạo của đông đảo nghệ nhân, nghệ sĩ và đã có nhiều thành tựu mới mẻ, mỹ lệ. 

Chú thích:

(1) Theo: 

- Miranda Shaw (2006). Buddhist Goddesses of India, tr.45-46.

- E. J. Thomas (2000). History of Buddhist Thought, tr.4.

- Thích Minh Cảnh chủ biên. Từ điển Phật học Huệ Quang. Tập 5: L, M, N, NG; tr.3989.

- Thích Minh Cảnh chủ biên. Từ điển Phật học Huệ Quang. Tập 6: NGH, NH, O, PH; tr. 5449.

(2) Weise, Kai (2013). The Sacred Garden of Lumbini - Perceptions of Buddha’s Birthplace. UNESCO.

(3) Trainor, Kevin (2010). “Kapilavastu”, trong sách Keown, Damien; Prebish, Charles S. Encyclopedia of Buddhism. Routledge xb, tr.436-437. 

(4) Nakamura, Hajime (1980). Indian Buddhism: a survey with bibliographical notes. Motilal Banarsidass xb, tr.18. 

(5) Huntington, John C (1986). “Sowing the Seeds of the Lotus”. Orientation xb, tr.46-58.

(6) Turpie, D (2001). Wesak And The Re-Creation of Buddhist Tradition. Đại học McGill xb, tr.3.

(7) Hamilton, Sue (2000). Early Buddhism: A New Approach: The I of the Beholder. Routledge xb, tr. 47.

(8) Louis Frederic, Phan Quang Định (dịch). Tranh tượng & thần phổ Phật giáo. NXB.Mỹ Thuật, 2005, tr.139-141.

(9) Xem thêm: 

Heinrich Zimmer (1946). Myths and Symbols in Indian Art and Civilization.

Eckard Schleberger. Die indische Götterwelt. Gestalt, Ausdruck und Sinnbild Eugen Diederich Verlag. Cologne xb. 

Buddhistische Bilderwelt. Hans Wolfgang Schumann, Ein ikonographisches Handbuch des Mahayana- und Tantrayana-Buddhismus. Eugen Diederichs Verlag. Cologne xb. 

(10) Zacharias P. Thundy (1993). Buddha and Christ - Nativity stories and Indian traditions. E. J. Brill xb tr.95-96.

(11) Fredriksen, Paula (2000). From Jesus to Christ. Đại học Yale xb, tr.xxvi.

(12) Paul R. Eddy, Gregory A. Boyd (2007). The Jesus legend: a case for the historical reliability of the synoptic gospels. Học viện Baker xb, tr.53-54

(13) X.A. Tôgarev (1994). Các hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng. NXB.Chính Trị Quốc Gia, tr.89

(14)  Narada (1992). A Manual of Buddhism, Buddha Educational Foundation/Quỹ Phật học xb. 

(15)  Narada (2006). The Buddha and His Teachings. Jaico xb, tr.3-4. 

(16) Xem:

- Johnston Edward H (2004). Buddhacarita or Acts of Buddha, Motilal Bnarsidass xb.

- Rachet Guy (2000). Lalitavistara, Vie et Doctrine du Buddha Tibétain, Éditions Sand xb.

- Lopez Donald S (2004). Buddhist Scriptures, Penguin Books xb.

- Vittorio Roveda, Sothon Yem (2009). Buddhist painting in Cambodia. River book xb, tr.127-170.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Phật giáo Việt Nam và sự dung hợp tam giáo thời Trần

Nghiên cứu 14:00 30/11/2024

Có thể thấy, Phật giáo - Nho giáo và Đạo giáo đã có sự dung hòa, bổ sung cho nhau để cùng hướng đến xây dựng đời sống tinh thần và đời sống nhân văn cho xã hội.

Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước

Nghiên cứu 08:45 25/11/2024

Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần

Nghiên cứu 09:40 15/11/2024

Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Xem thêm