Hỏi đáp về Phật giáo và Đức Phật (2)
Phật có phải là vị thần linh hay không? Không. Ngài không bao giờ tự xưng là thần linh, là con của một thần linh hay là sứ giả của một thần linh.
VẤN: Đức Phật có phải là một thần linh không?
ĐÁP: Không, Ngài không phải thần linh. Ngài không bao giờ tự xưng là thần linh, là con của một thần linh hay là sứ giả của một thần linh. Ngài là một con người đã tự cải thiện để trở nên toàn hảo, và dạy rằng nếu ta noi theo gương lành ấy, chính ta cũng có thể trở nên toàn hảo như Ngài.
VẤN: Nếu Đức Phật không phải là thần linh, tại sao người ta sùng kính lễ bái Ngài?
ĐÁP: Có nhiều cách lễ bái khác nhau. Khi lễ bái thần linh, người ta tán thán công đức và tôn vinh, dâng cúng lễ vật và van xin ân huệ, tin tưởng rằng vị thần linh sẽ lắng tai nghe lời mình tán thán công đức, sẽ nhận lãnh lễ vật, và sẽ thoả mãn lời cầu nguyện của mình. Người Phật tử không tự nuông chiều trong loại lễ bái ấy.
Còn phương cách lễ bái khác là để tỏ lòng tôn kính người hay vật mà mình khâm phục. Khi vị thầy giáo bước vào phòng, ta đứng dậy. Khi gặp người đáng tôn kính, ta xá chào. Khi nghe quốc thiều trổi lên, ta nghiêm chỉnh đứng chào. Đó là những cử chỉ tôn kính và lễ bái để tỏ lòng cảm phục và kính mộ của ta đối với một người hay một vật nào. Đó là loại lễ bái của người Phật tử. Một pho tượng Phật trong tư thế ngồi với hai tay dịu dàng đặt trên vế, với nụ cười tự tại, từ ái và bi mẫn, nhắc nhở chúng ta nỗ lực phát triển tình thương và an định nội tâm. Hương trầm nhắc ta mùi hương thâm diệu của giới đức, ngọn đèn tượng trưng ánh sáng của trí tuệ, và những cành hoa sớm nở tối tàn khơi dậy nơi ta ý niệm về đặc tướng vô thường của vạn pháp. Khi lễ lạy, ta bày tỏ lòng tri ân đối với Đức Phật, vì Ngài đã ban truyền cho ta những lời dạy vô cùng hữu ích. Đó là ý nghĩa của lễ lạy trong Phật giáo.
VẤN: Nhưng tôi có nghe nói rằng người Phật tử lễ bái thần tượng.
ĐÁP: Những lời phát biểu tương tự chỉ biểu lộ tình trạng kém hiểu biết của người nói. Tự điển định nghĩa thần tượng là "một hình ảnh hay một pho tượng được tôn sùng như thần linh". Như chúng ta đã thấy, người Phật tử không tin rằng Đức Phật là một thần linh, thì làm sao họ có thể tin rằng một khúc gỗ hay một khối kim khí là một thần linh? Tất cả các tôn giáo đều dùng biểu tượng để diễn đạt những khái niệm khác nhau. Đạo Lão dùng âm dương để tượng trưng trạng thái hòa diệu của hai cái đối nghịch. Đạo Sikh dùng lưỡi kiếm để tượng trưng sự chiến đấu tinh thần. Trong Ky-tô giáo, con cá được dùng để tượng trưng cho sự hy sinh của Chúa Giê-su. Trong Phật giáo, pho tượng Phật tượng trưng tính nhân bản của giáo lý nhà Phật, rằng Phật giáo lấy con người làm nồng cốt, không phải thần linh, rằng chúng ta phải quay nhìn vào bên trong, không phải hướng ra bên ngoài, để tìm trạng thái toàn hảo và trí tuệ. Như vậy, nói rằng người Phật tử sùng bái thần tượng là không đúng.
VẤN: Tại sao người ta đốt giấy tiền vàng bạc và làm đủ điều kỳ dị trong chùa?
ĐÁP: Đối với ta, có nhiều chuyện hình như rất kỳ lạ khi ta chưa thấu hiểu. Thay vì bác bỏ những lạ kỳ tương tự, ta nên cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của nó. Đúng rằng lối hành lễ của người Phật tử đôi khi bắt nguồn từ những tín ngưỡng dị đoan và những hiểu biết lầm lạc trong dân gian, hơn là từ những lời dạy của Đức Phật. Những hiểu biết lầm lạc này không phải chỉ có trong Phật giáo.
Chính Đức Phật đã dạy rất rành rẽ và với nhiều chi tiết, ta không thể đổ lỗi cho Ngài nếu có vài người không hiểu biết đầy đủ. Có câu châm ngôn: "Nếu người kia lâm bệnh mà không tìm cách chữa trị, mặc dầu có lương y ở sẵn bên cạnh, lỗi không phải tại vị lương y ấy. Cùng thế ấy, nếu người kia bị chứng bệnh ô nhiễm làm bứt rứt dày vò, mà không nhờ đến sự giúp đỡ của Đức Phật, thì lỗi ấy không phải tại Đức Phật" (JN 28-9). Ta cũng không nên xét đoán Phật giáo hay bất luận tôn giáo nào khác vì có người tín đồ thực hành sai lạc. Nếu bạn muốn hiểu biết giáo lý thật sự của Đức Phật, hãy đọc những lời Phật dạy, hoặc nói chuyện với những ai thông hiểu Phật pháp đúng đắn.
VẤN: Nếu Phật giáo là tốt, tại sao các quốc gia Phật giáo lại nghèo như vậy?
ĐÁP: Nghèo, nếu bạn muốn nói rằng vài quốc gia Phật giáo nghèo nàn về mặt kinh tế, thì quả đúng như thế. Nhưng, nếu xét về "phẩm chất của đời sống", thì có lẽ vài quốc gia Phật giáo rõ thật là khá giàu. Chẳng hạn như Hoa Kỳ, là một quốc gia phong phú cường thịnh, nhưng tỷ lệ số người phạm trọng tội cũng là cao nhất trên thế giới, hằng triệu người già yếu bị con cháu lãng quên và chết cô đơn trong các trại dưỡng lão, tình trạng bạo động trong gia đình và trẻ con bị ngược đãi là những vấn đề quan trọng. Trong ba gia đình có một cặp vợ chồng ly dị, báo chí và phim ảnh khiêu dâm là một kỹ nghệ lớn. Tuy là giàu có về mặt tiền của, nhưng phẩm chất của đời sống thì có lẽ quả thật là nghèo nàn.
Bây giờ hãy thử nhìn xem các quốc gia có truyền thống Phật giáo, ta sẽ thấy rất khác biệt. Tại các xứ đó, cha mẹ được con cái trọng đãi và tôn kính, tỷ lệ tội phạm tương đối thấp, trường hợp ly dị và tự sát tương đối ít xảy ra, và các giá trị truyền thống như hòa nhã, rộng lượng bố thí, hiếu khách, bao dung và kính trọng người khác vẫn còn vững mạnh. Về mặt kinh tế thì hậu tiến, nhưng về phẩm chất của đời sống thì có lẽ cao hơn những quốc gia giàu có phồn thịnh như Hoa Kỳ. Nhưng nếu ta chỉ xét về mặt kinh tế mà thôi, ta cũng nên biết rằng một trong những quốc gia có nền kinh tế vững mạnh nhất trên thế giới ngày nay là Nhật Bản, và 93% người Nhật tự xem mình là Phật tử.
VẤN: Tại sao ít khi nghe nói đến người Phật tử làm những công tác từ thiện?
ĐÁP: Có lẽ bởi vì người Phật tử không cảm thấy cần phải khoe khoang những hành động từ thiện của họ. Nhiều năm trước, một nhà lãnh đạo Phật giáo Nhật Bản tên là Nikkho Nirwano nhận lãnh giải thưởng Templeton Prize vì ông có những công tác đem lại sự hòa hợp và khuyến khích tình thân hữu giữa các tôn giáo. Cùng thế ấy, mới đây, một nhà sư người Thái Lan vừa nhận lãnh giải thưởng trứ danh Magsaysay Prize, vì ngài có những công tác thượng thặng trong việc bài trừ ma túy. Vào năm 1987, một nhà sư Thái khác, Đại đức Kantayapiwat, được thưởng giải Norwegian Children’s Peace Prize vì trong nhiều năm, ngài đã gia công giúp đỡ trẻ con vô gia cư trong những vùng thôn dã. Còn những công tác xã hội rộng lớn của Hội Western Buddhist Order nhằm giúp người nghèo ở Ấn Độ thì sao? Họ xây cất những trường học, thành lập những trung tâm nhằm trợ giúp trẻ con, những bệnh viện, và những cơ sở kỹ nghệ ở tầm mức nhỏ để tự túc.
Cũng như những người ở các tôn giáo khác, người Phật tử cũng xem các việc mà họ thực hiện để giúp người khác là một trong những phương cách thực hành Giáo Pháp, nhưng họ tin rằng những việc ấy phải được làm một cách âm thầm lặng lẽ và không lấy đó làm hãnh diện, tự mãn, xem mình là trọng. Do đó, bạn không được nghe nhiều về những công tác từ thiện xã hội của họ.
Đáp bởi Tỳ kheo Shravasti Dhammika
(Ông là một nhà sư người Úc. Ngài là giảng sư lỗi lạc về môn Phật giáo và các Tôn giáo Á Châu tại các trường đại học, trên các đài truyền hình và truyền thanh tại Úc và khắp nơi trong vùng Đông Nam Á).
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Ngày Phật thành đạo hãy tự ngẫm tới mình
Phật giáo thường thức 12:46 03/01/2025Lý đáng người tu chúng ta phải thấy ngày Phật Thành Đạo là ngày tối quan trọng. Vì nếu không thành đạo, đức Phật không thể giảng giải Phật pháp, giáo hóa chúng sanh.
“Cơn vô thường mau chóng, sự sống chết lớn lao”
Phật giáo thường thức 09:58 03/01/2025Trong đạo lý Thập Nhị Nhân Duyên, đức Phật đã truy nguyên cho thấy rõ "sự sanh già bịnh chết, lo thương sầu khổ", đều do một niệm mê mờ đầu tiên, gọi là vô minh.
Trí tuệ là gì?
Phật giáo thường thức 08:45 03/01/2025Trí tuệ là gì? Đơn giản khi Thầy đưa tay lên, ai cũng liền thấy rõ phải không? Đó là trí tuệ, nó vốn bình thường như vậy chứ không phải là cái gì cao siêu, ghê gớm.
Ý nghĩa nhân văn cao nhất về sự thành đạo của đức Phật
Phật giáo thường thức 08:30 03/01/2025Không ngôn từ nào có thể diễn tả trọn vẹn ý nghĩa thành đạo của Phật, chỉ có thể nói vài ý nghĩa sau đây...
Xem thêm