Hỏi đáp với thiền sư S.N. Goenka về sự chứng nghiệm
Có nhiều cách để kiểm chứng khi một người thực sự kinh nghiệm Niết bàn. Muốn làm được như vậy, người thầy phải được huấn luyện đúng cách.
Câu Hỏi: Tôi thắc mắc không biết chúng ta có thể chữa trị những ý nghĩ ám ảnh như chữa trị đau đớn về thể xác không?
Thiền Sư S. N. Goenka: Bạn chỉ việc chấp nhận là có những tư tưởng hay cảm xúc bị ám ảnh trong tâm. Đó là những gì bị dồn nén ở dưới sâu, và bây giờ xuất hiện ở tầng lớp ý thức. Đừng đi sâu vào chi tiết. Cứ chấp nhận cảm xúc là cảm xúc. Bạn cảm thấy cảm giác gì kèm theo cảm xúc. Không thể nào có cảm xúc mà thiếu cảm giác ở tầng lớp thể xác. Hãy cứ quan sát cảm giác.
Vậy ta có tìm hiểu loại cảm giác nào thì liên quan đến một loại cảm xúc cụ thể nào không?
Hãy quan sát bất cứ cảm giác nào xuất hiện. Chúng ta không thể tìm biết loại cảm giác nào liên hệ đến loại cảm xúc nào. Vì vậy đừng bao giờ cố gắng làm điều đó. Làm như vậy chỉ phí công mà thôi. Ở một lúc nào đó, một cảm xúc nảy sinh trong tâm, thì bất cứ cảm giác nào bạn cảm nhận ở thân đều liên quan đến cảm xúc đó. Cứ quan sát cảm giác đó và hiểu rằng: “Những cảm giác đó đều vô thường. Và cảm xúc này cũng vô thường. Ta hãy xem nó kéo dài bao lâu.” Bạn sẽ thấy rằng bạn đã chặt cái gốc của cảm xúc, và cảm xúc sẽ qua đi.
Theo ý thiền sư thì cảm xúc và cảm giác là một?
Chúng chỉ là hai mặt của một đồng xu. Cảm xúc thuộc về tâm, và cảm giác thuộc về thân. Cả hai liên quan mật thiết với nhau. Thật ra bất cứ cảm xúc nào nảy sinh trong tâm thì đồng thời cũng phải có một cảm giác xuất hiện trong thân. Đây là luật thiên nhiên.
Vậy cảm xúc thuộc về tâm?
Chắc chắn là như vậy.
Nhưng tâm cũng là cả cơ thể?
Nó liên quan mật thiết với toàn cơ thể.
Ý thức hiện diện trong mọi nguyên tử của cơ thể sao?
Phải. Vì vậy cảm giác liên quan đến một cảm xúc cụ thể có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào trong cơ thể. Nếu bạn quan sát những cảm giác ở khắp mọi nơi trong cơ thể, thì chắc chắn bạn đang quan sát một cảm giác có liên quan đến cảm xúc đó. Và bạn không còn vướng mắc vào cảm xúc đó nữa.
Nhưng nếu ta ngồi thiền mà không thể cảm nhận một cảm giác nào thì sự ngồi thiền còn có ích lợi gì không?
Nếu bạn ngồi và quan sát hơi thở, tâm sẽ được an tĩnh và tập trung. Nhưng trừ phi bạn cảm nhận cảm giác, tiến trình thanh lọc không thể tới được tầng lớp sâu hơn. Dưới đáy sâu của tâm, các phản ứng bắt đầu với cảm giác, điều này xảy ra không ngừng.
Trong cuộc sống hằng ngày, nếu ta có vài ba phút giữ yên tĩnh và quan sát cảm giác thì có lợi ích không?
Có chứ. Khi bạn không có việc gì làm, bạn nên ý thức về những cảm giác trong cơ thể, ngay cả khi mắt vẫn mở.
Làm sao người thầy biết được đệ tử của mình đã chứng nghiệm Niết bàn?
Có nhiều cách để kiểm chứng khi một người thực sự kinh nghiệm Niết bàn. Muốn làm được như vậy, người thầy phải được huấn luyện đúng cách.
Làm sao hành giả tự mình nhận biết?
Do sự thay đổi đến trong cuộc đời họ. Những người nào thực sự kinh nghiệm được Niết bàn trở nên thánh thiện và có tâm thanh tịnh. Họ không còn phạm năm giới. Thay vì che giấu lỗi lầm, họ công khai nhận lỗi và cố gắng để không tái phạm. Họ không còn bị ràng buộc vào những lễ nghi vì thấy những điều đó chỉ là hình thức bên ngoài trống rỗng nếu không có kinh nghiệm thực sự. Họ có một niềm tin không lay chuyển vào con đường dẫn đến giải thoát. Họ không tiếp tục tìm kiếm những con đường khác. Và cuối cùng họ không còn ảo tưởng gì về cái ngã nữa. Nếu có người tự nhận là mình đã kinh nghiệm Niết bàn nhưng tâm vẫn còn bất tịnh và vẫn có những hành động sai quấy như xưa, thì chắc chắn phải có điều gì đó không đúng. Lối sống của họ phải cho thấy họ có thực sự trải nghiệm Niết- bàn hay không.
Một vị thầy cấp “giấy chứng nhận” cho đệ tử, công bố rằng họ đã đạt đến Niết-bàn, điều đó là sai. Làm như vậy chỉ tạo nên cạnh tranh trong sự bồi đắp cái ngã cho cả thầy lẫn trò. Học trò chỉ cố để có được giấy chứng nhận, còn thầy thì càng cấp nhiều giấy chứng nhận càng được nổi danh. Kinh nghiệm Niết bàn chỉ là thứ yếu. Việc cấp giấy chứng nhận trở nên quan trọng hơn, và tất cả trở thành một trò chơi điên rồ. Dhamma (Pháp) thanh tịnh chỉ để giúp người, và sự giúp người tốt lành nhất là nhìn thấy người học trò thật sự kinh nghiệm được Niết bàn và được giải thoát. Tất cả mục đích của người thầy và sự giảng dạy ở chỗ thực lòng giúp người học, chứ không phải để phô trương bản ngã. Đây không phải là một trò giải trí.
Xin thiền sư cho biết giữa phân tâm học và Vipassana khác nhau như thế nào?
Trong phân tâm học, bạn cố gắng nhớ lại những biến cố trong quá khứ đã có ảnh hưởng sâu đậm đến sự điều kiện hóa tâm. Còn Vipassana thì dẫn hành giả vào tận tầng lớp sâu nhất của tâm, nơi sự điều kiện hóa thực sự khởi đầu. Trong phân tâm học, mọi biến cố mà ta cố nhớ lại, đều ghi lại một cảm giác trên cơ thể. Do sự quan sát những cảm giác trên khắp cơ thể với một tâm quân bình, thiền giả đã khiến cho vô số các lớp nghiệp trồi lên và tiêu tan đi. Thiền giả đối phó với sự tạo nghiệp ở tận gốc rễ của nó, và có thể thoát khỏi nó một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Lòng bi mẫn đích thực là như thế nào?
Là muốn phục vụ người khác, là muốn giúp người khác thoát khỏi khổ đau. Nhưng nhất thiết không được bám chấp. Nếu bạn khóc lóc vì sự đau khổ của người khác thì bạn chỉ làm mình khổ mà thôi. Đó không phải là con đường của Pháp. Nếu bạn thực sự có lòng bi mẫn thực sự, thì với tất cả tình thương, bạn đem hết khả năng mình ra giúp đỡ người khác. Nếu thất bại, bạn mỉm cười và tìm cách khác để giúp. Bạn giúp người nhưng không lo lắng về kết quả của sự giúp đỡ đó. Đó là lòng bi mẫn thực sự, thực hiện từ một tâm quân bình.
Thiền sư có cho Vipassana là con đường độc nhất dẫn đến giác ngộ?
Giác ngộ đạt được do sự quan sát bản thân và tẩy trừ nghiệp. Làm được điều đó là Vipassana, dù bạn muốn gọi nó là gì cũng được. Một số người chưa từng nghe đến Vipassana nhưng tiến trình đã khởi sự tác động một cách tự nhiên trong họ. Điều này đã xảy ra trong trường hợp của một số thánh nhân Ấn Độ, căn cứ vào lời họ nói. Vì họ không học kỹ thuật từng bước một nên họ không thể giải thích một cách rõ ràng cho người khác hiểu. Ở đây, bạn có cơ hội học hỏi kỹ thuật từng bước một, nó sẽ dẫn bạn tới giác ngộ.
Hỏi đáp cùng Thiền Sư S.N. Goenka – Trích từ cuốn Nghệ Thuật Sống
Bài viết trích từ cuốn Nghệ Thuật Sống – The Art Of Living – Thiền Sư S.N. Goenka & William Hart.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Sử dụng khoai tây cần thận trọng vì có thể ngộ độc, tử vong?
Sống an vui 11:18 05/11/2024Những củ khoai tây mọc mầm, có màu xanh, vị đắng dễ dẫn tới nguy cơ ngộ độc, thậm chí tử vong.
Nụ cười của chú hề
Sống an vui 07:35 05/11/2024Rõ ràng ai cũng muốn sống với những cảm xúc chân thật, mộc mạc thể hiện những tâm sự của mình cho tâm hồn thoải mái, cho cõi lòng nhẹ nhõm nhưng thực tế cuộc đời thì chưa hẳn đã hoàn toàn chấp nhận các sự thật ấy.
Bình an thực sự chỉ khi có tâm thanh tịnh
Sống an vui 05:55 05/11/2024Trưa một ngày hè, tôi rời phố thị, tìm về chùa làng, nơi tôi đã từng đến những ngày tâm tư rối bời. Không gian yên tĩnh với những tán cây xanh, tiếng chim ríu rít, và mùi hương trầm nhẹ nhàng khiến lòng tôi nhẹ bẫng. Đã lâu rồi, tôi không cảm thấy mình thật sự “được” sống như vậy.
Sự yên bình trong lòng là hạnh phúc
Sống an vui 13:00 04/11/2024Dưới bầu trời rộng lớn, ta cảm nhận được sự tự do và thanh thản. Đôi khi, chỉ cần đứng dưới bóng cây, nhìn những đám mây trôi qua, ta đã cảm thấy nhẹ nhàng và tự do như chim bay trên bầu trời xanh thẳm.
Xem thêm