Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 21/05/2019, 11:43 AM

Im lặng hùng tráng

Tôi tên Long. Nhắc lại tên mình như vậy là vì nó được đặt ra một cách đặc biệt: tên tôi cũng là tên ông nội mình - một điều người Việt Nam luôn tránh.

Má đặt tên tôi trùng với tên ông nội là do hận. Má từng viết nhiều trong cuốn nhật ký sờn cũ, những dòng chữ mà có lần tôi đọc được, toàn nước mắt. Câu chuyện thuộc về người lớn, tôi không đủ trải nghiệm phán xét ai đúng, ai sai trong mối nhân duyên giữa má, ba tôi và gia đình nội. Tôi chỉ biết qua lời kể của má, ngoại và hàng xóm.

Bài liên quan

Má tôi hồi đó đẹp gái, ba tôi hát hay, đàn giỏi. Ba người Quảng Ngãi, năm đó 20 tuổi đã theo ông nội đi đây đó làm các công trình thủy lợi, đường xá. Đó là những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, mới chiến tranh không lâu, làng quê nào cũng cần được xây dựng, cải tạo trong tinh thần "hợp tác xã". Đội xây dựng của ông nội tôi ở rải rác trong xóm của ngoại. Ba tôi ở hẳn nhà bà ngoại.

Ngoại xem ba con như con ruột, quý lắm. Có lẽ ngoại mến ba và tin rằng sau này ba sẽ cưới má tôi như ước hẹn đầu đời má được nghe. Nhưng rồi, công trình ở Quảng Nam quê tôi xong hết, ba và đội xây dựng rời đi, để lại nơi má tôi một bào thai nhỏ. Ba biết nhưng không nói với gia đình. Má vò võ ngóng trông trong khi cái bụng lớn dần.

"Hàng xóm dị nghị, cả nhà lo lắng, má đã muốn chết phần vì buồn tủi số phận long đong, lỡ lầm, phần muốn trả thù ba tôi bội bạc, thất hứa, nhưng rồi nghĩ tới con, tới ngoại nên thôi", má tôi nói. Tôi được sinh ra trong nghèo khó, mình ngoại một tay lo cho hai má con. Ông nội dù có trở lại nhưng rồi những hiểu lầm đã đẩy mọi người đi xa nhau hơn. Bên nội, bên ngoại tôi thành ra biền biệt, ba tôi không quay lại dù biết má con tôi vẫn ở đó.

Ngày đi làm khai sinh, má lấy tên nội để đặt cho tôi vì hận, muốn để cho người ta kêu tôi bằng tên ông mình. Bà kể: "Má biết đó là điều không nên, nhưng lúc đó má không nghĩ được vậy". Nếu ngày đó má chín chắn hơn, không dễ dãi trong tình cảm và cứng rắn thì sẽ không lầm lỡ.

Năm tôi học lớp 7, có người hàng xóm rủ má đi chùa. Ban đầu chỉ là làm công quả, tụng kinh, rồi nghe băng giảng của các vị sư như Hoà thượng Thanh Từ, Hoà thượng Trí Quảng. Má dần khai ngộ. Việc gánh một quang gánh dù nhẹ mà đi lâu, đi xa cũng làm mình tốn sức, huống hồ phải ôm cục đá trong lòng mà sống bấy lâu nay.

Má tôi dần buông những ý niệm khổ đau đã đeo mình mười mấy năm. Đỉnh cao của việc buông xả là má hủy bỏ cuốn nhật ký ghi chép "món nợ" ba tôi gây ra. "Mười mấy năm ôm trong lòng mình nỗi phiền giận khiến má không khác gì ở địa ngục, tự giam hãm và tự thiêu đốt lòng mình. Chỉ khi đặt gánh khổ đau, giận hờn xuống thì mình mới khỏe, mới an", má mỉm cười.

Giờ đây, má đã buông xả. Hiện tại mới quan trọng. Hiện tại đó, má đang có tôi, một người khỏe mạnh, thương má rất nhiều. "Khi lòng mình buông bỏ được những điều bất như ý, mình sẽ hạnh phúc", má nhiều lần dặn tôi.

Thường, ai cũng dễ tha thứ cho lỗi của mình nhưng ít khi bỏ qua lỗi của người, nhất là khi họ đã sai với mình. Tôi nghĩ đó là tâm vị kỷ và chính nó đưa tới sự bạo động trong lời nói, việc làm.

Một cái tên được đặt cho con trong lúc phiền não, buồn đau, oán giận cũng mang dấu tích của sự bạo động, muốn trả đũa quá khứ. Chỉ khi người ta nhận diện sự việc đầy đủ hơn, với cái tâm rộng mở, không phân biệt thì mới chuyển hóa nổi loạn thành bình an. Như má tôi đã thấy: "Trong cái rủi, má có cái may là có con để an ủi". Thi thoảng tôi hỏi: "Má còn giận ba không?" - "Ông ấy đã vắng mặt trong lòng má lâu rồi".

Tôi là Phật tử thực tập theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh, may mắn được nghe Thầy giảng trực tiếp trong cả ba lần Thiền sư về Việt Nam, trong đó có một lần vào Đại lễ Phật đản năm 2008 cùng dịp này. Một trong những tư tưởng mà thầy Thích Nhất Hạnh giảng dạy là tinh thần bất bạo động bằng phương pháp thực tập "im lặng hùng tráng". Nó là một phần của tinh thần bất bạo động.

Bất bạo động là việc mỗi người có thể thực tập hằng ngày để thay đổi thói quen nuôi dưỡng sự bất như ý, giận dữ trong tâm, từ đó dùng lời lẽ nhuốm màu bạo lực, tấn công người khác, hay "nói lời cay đắng" với nhau, hoặc "phóng đao trên mạng" khi tương tác với người dù lạ hay quen. Để giữ gìn hòa bình trong chính mình, mỗi người phải để ý kiểm soát từ ý nghĩ, lời nói, hành động (gọi là ý-khẩu-thân). Khi đó, ta đang thực tập sự thấu hiểu, thương yêu, chia sẻ và buông bỏ.

Theo thầy Thích Nhất Hạnh, im lặng hùng tráng chính là không nói gì trong sự chánh niệm. "Mình biết rõ mình đang im lặng, mình im lặng vì mình biết lúc này những lời nói của mình sẽ gây đổ vỡ hoặc sẽ gây sát thương, làm cho người khác đau khổ và bản thân mình cũng khổ".

Im lặng khi đó cũng là thể hiện tình thương với mình và với người: mình không muốn ai phải khổ, không muốn tạo ra niềm đau cho ai. Im lặng đúng lúc là một sự hiến tặng niềm vui, là thức ăn tinh thần giúp nuôi dưỡng bên trong của mình và của người. Một đồng nghiệp tôi, vẫn chơi mạng xã hội, vẫn làm báo nhưng tránh gây ồn ào, anh tránh tham gia những phát biểu tiêu cực, chỉ chia sẻ trên trang cá nhân điều nhẹ nhàng bởi anh muốn tạo ra một nơi bình tâm cho mọi người, "tâm bình thế giới bình, tâm an vạn sự an".

Ngày Phật đản giờ đây mỗi năm lại được tổ chức quy mô hơn năm trước, tôi không biết liệu có thêm bao nhiêu người trong chúng ta thực sự thấm thía triết lý giản đơn của đức Phật, để xã hội bớt nhiễu loạn hơn. Chỉ khi mỗi người tự giải quyết được vấn đề bên trong mình, không còn nhiều sân si thì mới có thể bớt gây ra lời nói, hành động bạo lực, bình tĩnh trước mọi bất như ý ta đang tiếp nhận mỗi ngày.

Lời nói không là dao

mà cắt lòng đau nhói

Lời nói không là khói

mà mắt lại cay cay.

(Khuyết danh)

Bài liên quan

(*) Tác giả bài viết là Cư sĩ Lưu Đình Long, hiện công tác tại báo Giác Ngộ, bài đăng lại từ VNExpress.net.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Bài thơ về cơm chùa

Góc nhìn Phật tử 17:16 26/04/2024

Tôi còn nhớ hôm đó, khi mặt trời đã lừ đừ lặn về hướng Tây xa xa có những rặng núi xanh rì, tôi ra khỏi tam quan của chùa để trở về nhà…

Đối trị phiền não khi niệm Phật

Góc nhìn Phật tử 11:05 26/04/2024

Thực ra không phải tới lúc niệm Phật chúng ta mới có phiền não, hoặc nhận biết ra chúng ta đang có, thậm chí quá nhiều phiền não, mà nói cho đúng: phiền não đã có trong chúng ta từ vô lượng kiếp tới nay.

Trường sinh bất tử qua cái nhìn của nhà Phật

Góc nhìn Phật tử 21:39 25/04/2024

Từ ngàn xưa, con người đã hằng nung nấu, ôm ấp ước mơ được trường sinh bất tử. Tuy nhiên, sự bất tử trường sinh dường như chỉ thấy có được trong những câu chuyện thần thoại hoang đường, hay truyền thuyết mơ hồ viễn vông.

Lành thay nếu được là học trò của Đức Phật

Góc nhìn Phật tử 14:37 25/04/2024

Giả như có một lần úp mặt vào lòng bàn tay suy ngẫm, ta sẽ thấy con người ngay từ lúc thoát thai đã chịu bất công: người rạng ngời tướng tốt ủ yên trong gấm vóc lụa là, kẻ đui què câm điếc lại còn sinh trong gia đình bần tiện.

Xem thêm