Khi gặp thị phi chúng ta nên làm gì?
Thị phi là một yếu tố hiển nhiên trong cuộc sống nó giống như gió bụi giữa hư không. Thị phi hiểu đơn giản là dư luận, là lời đồn, Trong đó tiếng Hán Việt thì “thị” là đúng, “phi” là sai, “thị phi” đi chung với nhau ý muốn nói miệng đời không lường được, ai muốn nói đúng nói sai thế nào thì nói.
Các pháp tương đối ở thế gian luôn tồn tại hai phạm trù đối lập đó là trắng và đen, thương và ghét, đêm và ngày, buồn và vui …Tuy nó là những cặp tương phản nhau nhưng luôn tồn tại song song và không thể tách rời, đặc biệt nhờ vậy mà nó mới tạo nên cuộc sống. Nếu chỉ có đặc mà không có rỗng thì cái chén không có công năng chứa đựng, nếu chỉ có tối mà không có sáng con người sẽ chẳng thể làm được gì. Vì vậy đừng mong cầu rằng chỉ có thị mà không có phi.
Thị phi thỉnh thoảng làm cho người ta đau đầu, bất an, cảm thấy mệt mỏi và có khi suy sụp, mất niềm tin vào cuộc sống. Những lúc như vậy chúng ta nghĩ rằng phải tránh xa nơi này, tìm đến một nơi không có những người “big mouth” để tìm một cuộc sống yên ổn hơn. Nhưng điều đó là không thể, bởi vì ở nơi đâu có con người thì ở nơi đó có cả thiện - ác, đúng - sai.
Phần lớn thị phi phát xuất từ lòng đố kị giữa con người với nhau, bởi lẽ rằng cảm thông với nỗi khổ của người khác thì dễ mà hân hoan với thành công của người thì rất khó. Khi thấy một ai đó thành đạt hay được nhiều người yêu thương hơn mình chúng ta thường có khuynh hướng khó chịu, và tìm cách chỉ ra những lỗi nhỏ nhất của họ, soi mói đời tư của họ thay vì nhìn những những ưu điểm hay những đóng góp của họ cho mọi người. Thị phi có đôi khi là sản phẩm của tâm thức con người dệt nên. Chúng ta quan sát ai đó bằng cặp mắt nhỏ hẹp của mình từ xa rồi cho rằng họ thế này thế kia. Chúng ta đánh giá những việc làm của các bậc hiền trí qua lăng kính, qua tâm lượng phàm phu của mình mà cho đó là phải quấy, thanh ô. Tất cả nói cho cùng cũng đều là do tâm thức của chúng ta đầy ắp những phiền não, trái tim của chúng ta nhỏ hẹp không thể dung chứa được những ưu khuyết của nhân gian.
Sống trên đời không ai tránh khỏi được thị phi yêu ghét, ngay cả đức Thế Tôn hay các bậc Thánh cũng không tránh khỏi huống hồ gì chúng ta. Đứng trước những thị phi nhân ngã người thường dễ mất bình tĩnh, chạy Đông chạy Tây để phân bua hư thật, tìm cách đáp trả hơn thua cho đến cùng. Tuy nhiên kẻ trí thì an nhiên tự tại, chỉ lặng lẽ ngồi nhìn nó đến đi, sanh diệt. Bởi lẽ rằng hơn ai hết họ biết họ đang làm gì, biết làm chủ và kiểm soát tâm họ không vì những tiếng lao xao đó len lõi vào tâm để đánh mất sự quân bình nội tại. Chính vì vậy cuộc sống họ luôn thảnh thơi.
Kinh Tứ Thập Nhị Chương Đức Phật dạy: "Có người nghe ta giữ đạo, thực hành tâm đại nhân từ, nên đến mắng ta; ta im lặng không phản ứng. Người kia mắng xong, ta liền hỏi: "Ông đem lễ vật biếu người khác, người kia không nhận thì lễ vật ấy trở về với ông không?". Đáp: "Về chứ". Ta bảo: "Nay ông mắng ta, ta không nhận thì tự ông rước họa vào thân, giống như bóng theo hình, rốt cuộc không thể tránh khỏi. Vậy, hãy cẩn thận, đừng làm điều ác".
Đặc biệt trong nhà thiền còn có câu chuyện về thiền sư Hakuin. Có một cô gái con nhà danh giá gần chùa bị chữa hoang, nên gia đình cô xem đây là việc xấu hổ, cha cô tra khảo, đánh đập rất bạo. Ban đầu cô định quyết tâm không khai nhưng sau đó cô thiết nghĩ nông cạn rằng khai đại thiền sư Hakuin ở chùa gần nhà là khỏe nhất. Vì thiền sư vốn nổi tiếng, đông đệ tử, ai cũng kính trọng, hơn nữa thiền sư vốn từ bi nên không chối, không kiện ngược hay làm khổ cô. Thế là cô khai đứa con ấy là con của thiền sư.
Gia đình cô tức giận nhưng kiên nhẫn chờ đứa con được sinh ra buộc cô gái phải mang tới trả cho thiền sư.
Khi gia đình cô mang đưa bé tới thả vào tay thiền sư và bảo: “Đấy, con của ông đấy, ông giữ mà nuôi lấy, đồ đạo đức giả”.
Hakuin: “Thế à!”
Thông tin được loan ra và dân chúng dị nghị, nghi ngờ, xầm xì, khinh thường. Họ cho rằng ông ấy mà tu hành gì, đồ đạo đức giả… rồi đệ tử cũng dần dần bỏ ra đi gần hết.
Không có sữa cho đứa bé, đệ tử xa lánh nên đích thân thiền sư phải bồng đứa bé ngày ngày đi xin sữa, bị người đời chê bai, dè bỉu.
Một thời gian, cô gái thấy điều ấy thật nhẫn tâm và tội lỗi nên quyết tâm nói ra sự thật. Cô khai đứa bé đó là con của cô và chàng bán cá tanh hôi ở chợ.
Cha mẹ cô nghe xong liền hoảng hốt, cảm thấy tội lỗi vô cùng nên tức tốc dẫn con gái tới chùa dập đầu sám hối với thiền sư và xin cháu về.
Thiền sư nghe xong, bảo: “Thế à!”.
Sự tình câu chuyện lại được loan ra và dân chúng cũng như đệ tử cảm phục đức nhẫn nhục và tâm lượng thản nhiên tốt đẹp của thiền sư nên lần lượt kéo về và danh tiếng lại hơn xưa.
Lời đồn xuất phát từ những tâm địa xấu, từ những cái miệng không xinh gây tổn thương đau khổ đến người khác vô cùng. Nhất là ngày nay trên hệ thống internet rất dễ dàng, chỉ có một cái click chuột là cả ba ngàn thế giới hiện ra, đủ tốt đủ xấu. Những lời đồn vì thế được truyền đi càng nhanh chóng và dễ dàng hơn. Và cũng chính vì vậy sự nguy hại của nó càng khôn lường hơn. Nó làm cho người bị đồn cảm thấy xấu hổ, tuyệt vọng, nếu không đủ sáng suốt họ sẽ nghĩ quẫn và đi tìm cái chết.
Thiết nghĩ rằng là con người ai ai cũng có những ưu và khuyết điểm trong tính cách, những sai trái trong việc làm, chẳng có ai là hoàn hảo cả. Biết như vậy chúng ta nên hiểu và thông cảm lẫn nhau để tránh gây đau thương cho nhau dù chỉ bằng một lời nói vô tình hay cố ý. Cho nên tu tập khẩu nghiệp tuy có vẻ đơn giản song có khi cả đời chúng ta không làm được. Chính vì vậy đừng vì những lời đồn của dư luận mà hùa theo đánh giá chỉ trích việc làm của một ai đó khi chúng ta không phải là người trong cuộc. Người xưa có câu “Họa tùng khẩu xuất, bệnh tùng khẩu nhập" (Tai họa từ miệng mà ra, bệnh tật từ miệng mà vào). Nếu không muốn rước họa vào thân thì nên cẩn trọng lời nói, biết lắng nghe, biết quan sát và dùng trí tuệ để nhận định những đúng sai hư thật trên cuộc đời. Nếu gặp những thị phị trong cuộc sống thì nên bình tâm quán chiếu lại chính mình, không hơn thua, không phân bua, chỉ lặng lẽ quan sát nó đến đi như lời Thế Tôn dạy: “Bất cứ cái gì thuộc về bản chất của sinh đều thuộc về bản chất của diệt”. Là những người học Phật chúng ta thừa hưởng cả kho tàng quý giá mà Thế Tôn đã để lại, vậy thì ngần ngại gì mà ta không đem vào trong cuộc đời mình và biến nó thành chất liệu sống, để cuộc sống mỗi ngày nhẹ nhàng và an vui hơn.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Theo Phật giáo, con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu?
Hỏi - Đáp 17:46 18/12/2024Thưa Ngài, theo triết học cuả Phật giáo thi con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu?
Cảnh giới của "Lâm chung mộng kiến bỉ Phật” như thế nào?
Hỏi - Đáp 12:27 18/12/2024Kinh Vô Lượng Thọ có đoạn: “Lâm chung mộng kiến bỉ Phật” (mạng chung mộng thấy Đức Phật A Di Đà), xin giải thích cảnh giới này như thế nào? Nếu ở trong mộng gặp A Di Đà Phật, chẳng may bị người thân quyến thuộc gọi tỉnh giấc, có phải là đánh mất cơ hội vãng sanh rồi không?
Lưu thông sách về Tây phương cực lạc sẽ tạo nghiệp ác?
Hỏi - Đáp 12:15 18/12/2024Con đem sách Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Du Ký giới thiệu nhưng có đồng tu nói sách đó nói không đúng sự thật, lưu thông sẽ tạo nghiệp, xin lão Hòa thượng khai thị.
Dọn cơm cúng thế nào cho đúng?
Hỏi - Đáp 11:14 08/12/2024Tôi thường thấy lúc cúng vong, có ba chén cơm để ngang nhau...
Xem thêm