Khía cạnh Phật pháp trong chấp tác
Trong “Phật Thuyết Kinh A Di Đà” có đoạn: “Hoa xanh tỏa ánh sáng xanh, hoa vàng tỏa ánh sáng vàng, hoa đỏ tỏa ánh sáng đỏ, hoa trắng tỏa ánh sáng trắng, hương sen tỏa ra vi diệu và tinh khiết” [1].
Đây là cái nhìn cực kỳ hiện đại và nhân văn bởi hoa sen căn tính là gì thì cứ dùng căn tính ấy mà tỏa sáng, miễn sao hương sen vẫn vi diệu và tinh khiết. Không phải vì màu vàng đang là màu thời thượng mà một bông sen xanh phải cố gắng ép mình phát ra thứ ánh sáng giống vàng. Chính vậy, Phật pháp đưa đến sự giải thoát, giải thoát khỏi mọi khái niệm, phá chấp, vượt khỏi ý tưởng lưỡng biên bởi hết thảy các pháp đều là Phật pháp và việc chấp tác cũng vậy.
Chấp tác là gì?
Với một người mới tập tu, chấp tác hay chấp lao phục dịch là việc đầu tiên mà họ phải trải qua. Việc chấp tác rất đa dạng, có thể kể đến như quét dọn chùa chiền, bao sái tượng pháp, thiêu hương thắp đèn, nấu cơm, làm vườn, tưới cây… Công việc tuy nhiều nhưng vẫn cần những điểm chung, như: có sự sắp xếp của tri sự để các việc không quá nhiều không chồng chéo, không quá áp lực, hay một người phải ôm quá nhiều việc dẫn đến sự vội vàng, mệt mỏi, buông xuôi.
Nghe qua có vẻ nhàm chán vậy mà vẫn có các vị ngộ đạo, chứng quả nhờ vào chấp tác, như ngài Châu-lợi Bàn-đặc quét dọn và tư duy việc quét dọn mà đắc A-la-hán [2], Lục tổ Huệ Năng chuyên tâm chẻ củi giã gạo [3], Lý Công Uẩn được nuôi dạy trong chùa mà lên ngôi vua [4]… Chứ chẳng phải đến lúc tiến đàn Cụ túc đầy đủ giới pháp mới gọi là Phật pháp, đến nỗi Tổ Quy Sơn phải than “Hà nãi tài đăng giới phẩm, tiện ngôn ngã thị Tỉ khiêu” (Tại sao vừa thụ giới đã vội xưng là đại đức cao tăng) [5].
Chấp tác: Giới - định - tuệ
Vì sao lại nói chấp lao phục dịch lại gồm đủ cả Phật pháp trong đó? Trước hết, chấp tác là tu Giới – Định – Tuệ. Hành giả có một bộ Tì ni nhật dụng với đủ hiển ngôn và mật chú [6] để quán tưởng trong cả ngày và khi chấp tác, cũng không ai cấm hành giả không được phép tự sáng tác thêm các bài kệ để nhiếp tâm cho phù hợp với thời đại và công việc. Những bài kệ đó giúp hành giả có chính niệm và “giới”, điều phục vọng tâm và an trụ chân tâm [7]. Bởi khi thầm nhẩm bài kệ, hành giả không để suy nghĩ lăng xăng các chốn, thân mà chuyên chú vào công việc, miệng không chuyện trò huyên thuyên. Khi giữ giới, có niệm thì định phát sinh, hành giả có sức tập trung, chuyên tâm vào việc làm, nhờ vậy mà có trí tuệ [8].
Chấp tác: Quán vô thường - duyên sinh - vô ngã
Trí tuệ phát sinh từ việc chấp tác này trước hết là trí tuệ hiểu rõ việc mình đang làm là gì, làm có đàng hoàng không, có từ tốn không, có cẩn trọng không, sau là hiểu được mối liên hệ giữa bản chất việc đó và các công việc khác, với các cá nhân khác để có sự sắp xếp phù hợp, trôi chảy và không gây phiền nhiễu cho những người xung quanh. Nhưng cao nhất, tuệ này giúp hành giả thấy được pháp duyên sinh. Không có bài thuyết giảng hay nếu không có một giảng đường thanh tịnh, không có buổi công phu thành tựu nếu không có bữa cơm đạo vị… Rõ ràng, một là tất cả, tất cả là một. Đây là tinh thần của Duyên sinh và Vô ngã [9]. Mọi người, mọi việc, dù nhỏ bé nhất đều tác thành cho sự tu tập giác ngộ của cá nhân và tập thể, cho nên đều quan trọng và đáng được coi trọng như nhau.
Và khi chấp tác thì ta biết, dù có lau sạch mấy, ngày mai cũng sẽ bẩn, hay một cơn bão cuốn qua là mất không công sức vừa quét. Tuy vô thường vậy nhưng không có tâm lý buông xuôi, mà trân trọng những gì đang có, cố gắng giữ gìn cho trang nghiêm, gọn gàng. Nếu lỡ có ai hay cơn gió nào đó gây lộn xộn thì hành giả cũng không dễ nổi giận hay ôm hiềm hận, đó chỉ là vô thường, vô ngã, là không, là pháp tu hành xả và là công phu để tiếp tục thôi.
Chấp tác: Tư lợi - lợi tha
Hiểu như thế, có trí tuệ như thế, hành giả sẽ không còn phân biệt sang hèn, cao thấp, tốt xấu, mà chỉ còn sự biết ơn, trân quý thành quả lao động, các nhân duyên giúp đỡ, sự bao dung, tha thứ, bình yên mà thôi. Và trên nền hiểu biết ấy, hành giả phát khởi tình thương chân chính, lòng từ bi rộng lớn, tinh thần bình đẳng với mọi người xung quanh, biết đặt mình vào hoàn cảnh và tâm thế của người khác, hay chính là “quán nội thân như thân, quán ngoại thân như thân” theo tinh thần của Tứ niệm xứ [10].
Đồng thời, chấp tác quả thực có tác dụng rèn tâm rất tốt. Hành giả thấy mình có sự đóng góp cho chùa viện thì tự khắc thấy có sự gắn bó, gần gũi với Tam Bảo hơn, tin tưởng vào Phật pháp hơn. Sự gắn kết này khác với dính mắc bởi nó đưa đến dục như ý túc: mong chùa cảnh thanh bình làm nơi tựa nương cho chúng tu tập. Tư tưởng của hành giả dần dần bén tương dưa. Đồng thời việc chấp tác theo tinh thần Giới – Định – Tuệ giúp hành giả lắng tâm, xa rời sự huyên náo xô bồ ngoài đời.
Hơn nữa, phần lớn các việc chấp tác có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với người khác. Đó có thể là người cùng làm chung hoặc người phân công công việc. Trong mối tương quan với họ, hành giả cần áp dụng phép Lục hòa và Tứ nhiếp pháp để việc chấp tác thành tu tập, thành tựu cho nhau, chứ không phải áp đặt, gây khó khăn hay tị nạnh nhau [11]. Ngoài ra, người thầy, người trụ trì qua việc quan sát đệ tử chấp tác sẽ hiểu được tâm tính của đệ tử mà có phương pháp dạy bảo phù hợp, quán được căn cơ của họ mà trao cho pháp tu thích ứng để họ có thể hạ thủ công phu, thỏa nguyện tu hành.
Chấp tác: Bi - trí - dũng
Thêm vào đó, lao động chấp tác giúp máu huyết lưu thông, mang lại sức khỏe dẻo dai. Nếu chẳng có sức khỏe thì việc tu quả sẽ rất khó khăn. Như thế, chấp tác chứa đủ Bi – Trí – Dũng chứ chẳng phải việc thường.
Hành giả quay lại với chính mình, quán xét nội tâm, tự vấn việc đang làm đã có nhiều từ bi chưa? Có chính niệm chưa? Hành giả biết rất rõ, rửa bát thấy nồi còn vương cơm thì gom lại đem cho chim cá ăn hay để trôi xuống cống? Mở cửa có biết mình đang mở cửa không, có để tâm mở cửa cho nhẹ nhàng hay không? Nếp này hành giả tự lực và cũng một phần nhờ những người xung quanh nhắc nhở. Chính ý thức biết phản quan tự kỉ [12], tự rọi đèn vào soi nhà mình là phép tu rất mạnh, giúp hành giả thôi dần những câu chuyện về việc của người khác, thôi dần những khổ đau do tri giác sai lầm mang lại, thôi dần chạy theo những thứ phù phiếm danh lợi hay dục vọng ngọt ít đắng nhiều [13].
Trong chốn không môn có thiền ngữ “lấm rửa, lệch kê”. Không chỉ kê lại mâm bồng hay sửa lại nén hương cho ngay mà chính là kê lại, chỉnh lại những tà tâm, tà niệm của mình. Không chỉ lau sạch những bụi nhơ trên ban bệ, cọ rửa những rác rếu mà chính là lau rửa, dọn dẹp cho sạch cỏ, tỏ đường cái vườn tâm của mình, để hiển lộ chân như Phật tính bên trong. Và nếu để ý, việc làm các công việc một cách kính cẩn, tinh tế, nhẹ nhàng, chân thành, có chính niệm, đầy từ bi và trí tuệ là đang ươm vào, huân vào tâm những chủng tử ngay thẳng, tốt lành. Ánh sáng tới thì bóng đêm được đẩy lùi, những hạt giống tốt phát triển thì những hạt giống xấu sẽ thu nhỏ lại, khiến những điều kiện phát khởi phiền não giảm đi [14]. Đây là điều mà chẳng phải người yếu đuối có thể làm nổi.
Cổ nhân cũng dạy “chấp lao phục dịch, trưởng tự phúc cơ” (lao động chấp tác giúp làm lớn nền phúc), và “phúc tuệ lưỡng toàn phương tác Phật” (phúc đức và trí tuệ đầy đủ mới thành Phật). Sự siêng năng tinh tiến làm lành, làm cẩn thận, làm cung kính, tránh làm bát nháo, bất cẩn tạo nên công đức (cái đức do tu tập, do dụng công mà có), phúc đức cho người tu. Người tu mà không có phúc, không có công đức thì khác nào phàm phu bạc địa, thiên long thiện thần làm sao ủng hộ?
Quả thật, chẳng thể xem nhẹ một việc nào, việc nào cũng có Phật pháp, cũng đóng góp những hương thơm diệu khiết cho đời. Chẳng cứ phải là sen vàng, là trụ trì, là pháp sư mới làm được Phật sự, một bông sen xanh, một chú tiểu nhỏ cũng đang mang tự tính Tam Bảo, cũng có thể giúp ích cho đời, cho đạo. Việc chấp tác tuy có vẻ nhỏ mà sức dung chứa chẳng thể nghĩ bàn. Việc quét nhà đúng pháp có đủ Giới – Định – Tuệ, Bi – Trí – Dũng, cả ba mươi bảy phẩm trợ đạo pháp, vô thường, duyên sinh, vô ngã.
Chú thích:
[1] Đoàn Trung Còn – Hiệu đính Hán văn, Nguyễn Minh Hiển – Hiệu đính Việt văn: Nguyễn Minh Tiến (2010), Chư Kinh Tập Yếu, Kinh A-Di-Đà (phần dịch nghĩa), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.28.
[2] Thích Đức Thắng dịch, Tuệ Sỹ chú thích (2011), Tăng Nhất A- Hàm Tập 1, 20. Phẩm Thiện Tri Thức, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, tr.347.
[3] Lục Tổ Huệ Năng, Thích Duy Lực dịch và chú giải (1992), Kinh Pháp Bảo Đàn, Tủ sách Tổ sư thiền, tr.8.
[4] Thích Mật Thể (1994), Việt Nam Phật giáo sử lược, Nhà sách Minh Đức, Đà Nẵng, tr.118.
[5] Tỷ kheo Trí Quang (2010), Tổng tập Giới pháp xuất gia (Tập 1 & 2), 3. Sáu tiểu phẩm hộ giới: Ba, Cảnh Sách: Dịch Âm Dịch Nghĩa, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, tr.2044.
[6] Tỳ kheo Huệ Lưu sao lục (1967), Tì Ni nhật dụng yếu lược, Chùa Thiên Phước, tr.3-13.
[7] Thích Nữ Phước Hoàn (Như Thanh) chú giải (2015), Tỳ Ni nhật dụng yếu giải, Mục lục, Nxb. Taiwan, tr.10.
[8] Tỷ kheo Trí Quang (2010), Tổng tập giới pháp xuất gia (tập 1 & 2), 2. Sáu giới pháp xuất gia: Sáu, Sa Di Ni Giới: Lược Giải, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, tr.1654.
[9] Thích Chơn Thiện (2009), Phật học khái luận, Tiết I: Duyên khởi và vô ngã, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, tr.179.
[10] Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại tập 3 – Bộ A-Hàm III – Kinh Trung A-Hàm Số 1, 98. Kinh Niệm Xứ, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, tr.784.
[11] Thích Chơn Thiện (2009), Phật học khái luận, Tiết VI: Tinh thần giáo dục của Thế Tôn và sự liên hệ giữa Ngài với các đệ tử, chư thiên, ác ma và ngoại đạo, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, tr.107.
[12] Thích Nguyên Hùng (2014), Tổng quan bốn bộ A-Hàm, Toát Yếu Kinh Trung A-Hàm, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.295.
[13] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch (1996), Kinh Tăng Chi Bộ 2, Chương V Năm Pháp VIII. Phẩm Chiến Sĩ, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.467.
[14] Chân Đoan Nghiêm (2021), Sự vận hành của tâm, Nxb. Phụ nữ Việt Nam.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Kiến thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Kiến thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Xem thêm