Khổ đau và hạnh phúc
Để hóa giải khổ đau, Đức Phật dạy ta phải trực diện nó, nhận diện để biết được bản chất thực của nó thuộc loại nào; thuộc thân hay tâm, do chính mình hay ngoại cảnh, tác động ra sao đối với mình. Biết được nguyên nhân, ta có ngay phương cách đối trị và bước đầu ta đã bớt khổ tức có an lạc.
Ví như nhà ở thành phố bị dột có thể là một kinh nghiệm hay: ba bên bốn bề tường thành bao bọc, mái lại bị trần che kín, thấy nước giọt đó mà chẳng biết dột ở đâu. Thật là bực bội và khổ sở vô cùng! Cho đến khi phát hiện được lỗ hổng ở góc mái, mặc dù chưa khắc phục được nước dột nhưng chỉ cần biết chỗ dột (nguyên nhân) là đã thở phào nhẹ nhõm, nỗi khổ đã vơi bớt. Chỉ cần trám đúng chỗ thủng là xong. Một ví dụ khác, cơ thể có triệu chứng bần thần, uể oải, tức ngực - không biết bệnh gì đây. Có người đã hoảng lên, mất ăn bỏ ngủ, ai bày gì làm nấy, bệnh đã không giảm lại tăng thêm. Người khác, ngược lại tỉnh rụi cứ làm việc, ăn chơi, uống rượu, hút thuốc. Cả hai thái độ thái quá, quá lo lắng hay bất cập xem thường đều không phù hợp. Đức Phật dạy ta phải mạnh dạn nhận ra mình đang có bệnh và bình tĩnh tìm nguyên nhân để có giải pháp trị liệu thích hợp. Thật vậy, chỉ cần được một bác sĩ phát hiện đúng tình trạng là không phải ung thư hoặc ung thư nhưng mới giai đoạn đầu còn chữa được. Chỉ cần biết thế, tuy bệnh chưa lành nhưng đã thấy nhẹ ra, không còn phải lo lắng khổ sở. Trong kinh Tập Sanh, Phật dạy: "Cái gì đã xảy ra cho ta, nếu quán chiếu sâu sắc vào tự thân nó là ta đã bắt đầu đi trên đường giải thoát".
Đạo Phật cho đời là bể khổ có đúng chăng?
Biết quán chiếu sâu sắc, Đức Phật dạy ta thấy ngay trong khổ đau đã sẵn có mầm mống, có bóng dáng của an vui hạnh phúc. Chưa bị lạnh làm sao biết sự thú vị khi được trùm trong chăn ấm. Không bị cái đói hành hạ làm sao biết hạnh phúc khi được ăn no. Không khổ đau làm sao biết thảnh thơi an lạc. Khổ đau được tạo nên từ những cái không phải khổ đau. Cũng thế, hạnh phúc được tạo nên bằng những cái không phải hạnh phúc. Như thế, phải chăng khổ đau và hạnh phúc tương quan duyên sinh! Ta khổ sở vì cơn đau răng hay đau đầu hành hạ nhưng lạ thay khi cơn đau qua đi, ta vội quên ngay không biết đến cảm giác an lạc khi không bị đau răng hay đau đầu. Như thế thực sự có đau răng, đau đầu thì ta phải biết có nỗi sung sướng khi không đau răng, đau đầu. Đó chẳng phải hạnh phúc? Không mấy ai ý thức niềm hạnh phúc khi có đôi mắt sáng, nhìn thấy được mọi vật, thấy người quen kẻ lạ, thấy người thân yêu, thấy trời xanh mây trắng… mà lại cho là điều bình thường rồi truy tìm hạnh phúc một nơi khác, chưa có hoặc không bao giờ có! Cho đến khi mắt bị hỏng không còn trông thấy, mới hiểu ra là có một cặp mắt bình thường quả là mầu nhiệm. Bao người vô tình bỏ lỡ không biết sống với mầu nhiệm của cuộc sống trong giây phút hiện tại mà cứ rong ruổi theo quá khứ hay mơ ước tương lai, đâm ra lo lắng, ưu tư khổ sở! Cũng như để ban tặng cho con người những hạt ngọc trai long lanh và quý giá, con trai biển đã trải qua những cơn đau vật vã tột cùng (do thiên nhiên hoặc con người tạo ra). Để sống còn, nó đã phải tiết ra một chất tạm gọi ‘chất men’ bao bọc hạt cát. Tất nhiên, có con không đủ bản lĩnh đã phải chết! Con người có thể học bài học từ loài trai chế tác hạnh phúc từ khổ đau…
Theo giáo lý đạo Phật, con người là một giả hợp gồm năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Sắc tức là thân và tâm gồm thọ, tưởng, hành, thức. Cơ thể gặp trục trặc sinh bệnh tật hoặc tuổi già, thân thể lão hóa đau nhức… là khổ về thân. Khi lo lắng, giận dữ, buồn phiền… là khổ về tâm. Thân và tâm có mối quan hệ chặt chẽ: Thân bị bệnh thì tâm khổ đã đành nhưng tâm bất an, lo lắng sẽ ảnh hưởng đến thân… ăn mất ngon, ngủ không yên thì cũng khổ. Nhưng khổ không phải do năm uẩn hay năm uẩn vô thường… mà khổ chủ yếu do khát ái năm uẩn thành ra thủ chấp, vướng mắc tạo ra khổ "như cái vòng luẩn quẩn". Và gốc rễ của mọi khổ đau đều do vô minh tức thái độ lầm lẫn, bám víu vào "cái ta" (chấp ngã) và cái "của ta" (chấp pháp). Nói cách khác, nguyên nhân chủ yếu của mọi nỗi khổ xuất phát từ "tưởng", tức vọng tưởng hay tri giác sai lầm phát xuất từ vô minh! Tưởng lầm sợi dây là con rắn đâm sợ hãi, thân này giả hợp mà cho là thật đâm ra vướng mắc! Tưởng của cải vật chất là thật, là vĩnh cửu muốn sở hữu mãi mãi nên chấp giữ… Lịch sử tồn tại của nhân loại từ ngàn xưa cho đến tận ngày nay với những cuộc chiến tranh tàn khốc đều có nguyên nhân từ các xung đột tôn giáo, ý thức hệ… nguồn gốc đều bắt đầu từ vọng tưởng tức tri giác sai lầm. Đức Phật dạy phải nhận diện nó chính là vô minh tức thiếu trí tuệ dẫn đến tham sân si, cội nguồn của mọi khổ đau. Do đó, Phật dạy phải "viễn ly điên đảo mộng tưởng" mới đạt "cứu cánh Niết bàn".
Hoạnh tử: Nỗi đau và tiếng chuông nhắc nhở!
Trong cuộc sống, người nào gặp khổ đau, bất trắc... khi cùng đường, bế tắc họ mới tìm đến chùa chỉ khấn vái, cầu xin; hay khi cơ thể đau ốm, bệnh tật mà vẫn ăn nhậu, hút thuốc, bài bạc, rượu chè trác táng phung phí sức khỏe; hoặc gặp cảnh túng thiếu, nợ nần không biết dè sẻn, cứ tiêu xài phung phí… lại đến chùa cầu xin Phật, Bồ tát cứu khổ cứu nạn; Phật, Bồ tát dù có lòng đại từ đại bi cũng chỉ cho ta con đường, chứ không ai có thể làm thay cho ai, vì nghiệp nhân ai gây nấy chịu! Mọi sự vật lớn nhỏ sinh ra đều có nhân duyên tạo nên và hoàn cảnh khổ đau hay hạnh phúc của mỗi người đều do chính mỗi người tạo nên. Do đó, người có bệnh muốn lành bệnh, trước hết phải biết mình có bệnh ra sức tìm thầy tìm thuốc, đến bệnh viện truy cho ra nguyên nhân, sau đó tiến hành chữa trị… Cũng thế, muốn thoát khổ đau, trước tiên là phải nhận ra nỗi khổ đau, tìm ra nguyên nhân thì mới có giải pháp phù hợp để trị liệu nhằm chấm dứt khổ đau!
"Khổ đau và hạnh phúc vốn không hai, là hai mặt của cùng một thực tại. Hạnh phúc không thể tìm đâu khác ngoài khổ đau!". Lời dạy minh triết của Đức Phật đã đem lại niềm tin nơi khả năng đoạn trừ khổ đau và đạt an vui hạnh phúc của con người. Đức Phật dạy: "Chỉ nhận diện khổ đau, mỉm cười với nó, ngay đó ta có an vui hạnh phúc!". Khác với các tôn giáo hữu thần đặt cược đời người vào quyền năng tối thượng của một đấng thần linh (Trời hay Thượng đế) có quyền ban ân, giáng họa hay đặt niềm tin vào sự an bài của số mệnh. Họ luôn thụ động chờ đợi sự cứu rỗi hay may mắn tình cờ… nên bế tắc đau khổ vẫn cứ mãi khổ đau! Đạo Phật trái lại, lời Phật dạy trước tiên là một phương cách thực tập thực tiễn và hữu hiệu nhằm trị liệu khổ đau, chế tác an lạc để từ đó có an vui hạnh phúc! Lời Phật dạy đã mở hướng cho tôi, cho bạn và biết bao nhiêu người, mặc dầu hoàn cảnh có thể vẫn vậy, chưa thay đổi nhiều nhưng thái độ đã khác. Như thế là đã có được an vui!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Sự tiến hóa nào cũng cần đánh đổi
Góc nhìn Phật tử 09:50 02/11/2024Nhân duyên quả là một tiến trình mà không phải mắt thường có thể nhìn thấy, nếu không nội quán huân tu, khai mở tâm trí để thấy rõ cội nguồn tử sinh mà thôi tạo tác, thì mỗi chúng sanh phải chịu từng khổ vui của sự sống chết để học hết bài học của nhân quả, ái luyến, chấp thủ, luân hồi...
Hạnh phúc khi biết an trú tâm trong hiện tại, bây giờ và ở đây
Góc nhìn Phật tử 08:30 02/11/2024Có một người khi sanh tiền rất hiền lương, hay giúp đỡ người khác nên sau khi chết sanh lên thiên giới và được phong làm thiên sứ. Thiên sứ thường xuống trần gian làm việc thiện, giúp đỡ người khác để cảm nhận hương vị của hạnh phúc.
Thấy rõ nhân - duyên - quả để an nhiên
Góc nhìn Phật tử 13:04 01/11/2024Lập gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, có con cái sum vầy và nuôi dạy chúng nên người là niềm vui, hạnh phúc đồng thời cũng là mong muốn chính đáng của mọi người. Tuy nhiên, không phải ai mong muốn gì cũng đều được như nguyện.
Trăm năm thoáng chốc mộng nhân sinh
Góc nhìn Phật tử 19:00 31/10/2024Gom lấy trăm năm đổi tình, tiền/ Lòng trần được mấy phút an yên? / Lợi danh rồi cũng vô thường mất/ Để cả hư tâm gánh muộn phiền...
Xem thêm