Không sát sinh
Người Phật tử tại gia khi đã quy y Tam Bảo thì nên phát nguyện thọ trì năm giới. Muốn giữ được giới thì chúng ta phải hiểu giới là gì? Vì sao chúng ta phải giữ giới? Lợi ích của việc giữ giới như thế nào?
Đó là hàng loạt những câu hỏi mà người cư sĩ tại gia cần phải hiểu, bởi vì, có hiểu đúng thì chúng ta mới giữ giới cho được.
Theo Thanh Tịnh Đạo Luận, giới có bốn nghĩa:
- Giới là nền tảng của tất cả thiện pháp. Thiện pháp ở đây chỉ cho các quả vị tu chứng thuộc về giải thoát. Không có giới sẽ không có định, không có định sẽ không có tuệ, và như vậy sẽ không có đạo quả giải thoát.
- Giới nghĩa là thanh lương. Thanh lương có nghĩa là làm cho tâm thanh tịnh, trong sạch. Nhờ giới ngăn chặn tội lỗi, không làm điều ác mà tâm ta được thanh tịnh khỏi tham, sân và si mê.
- Giới nghĩa là kết hợp. Kết hợp thân, lời nói và tâm ý cùng chung một hướng, đó là hướng thiện, không phạm vào ác.
- Giới có nghĩa là chế ngự khỏi các việc ác theo năm cách:
1. Nhờ nhớ đến giới bổn đã thọ mà không phạm vào tội lỗi.
2. Nhờ hộ trì các căn.
3. Nhờ tinh tấn, chế ngự được những bất thiện pháp.
4. Nhờ kham nhẫn, nhận chịu để giới được giữ trong sạch.
5. Nhờ trí tuệ chế ngự được tất cả bất thiện pháp, khiến không gây oan trái, oán thù, không dính tội lỗi”(1).
Mỗi tháng ngày 14 và 30 âm lịch, quý vị về chùa dự lễ sám hối. Sau thời lạy hồng danh Phật, một vị thầy sẽ đại diện cho chư Tăng, đọc lại giới bổn cho quý vị nghe những giới mà mình đã thọ nhận.
Sát sinh phải chịu quả báo nặng nề
Giới thứ nhất, không được giết hại chúng sinh:
“Không được giết hại chúng sinh, là trên từ Thánh nhân, sư Tăng, phụ mẫu, dưới cho đến loài bò bay cựa động vi tế côn trùng, phải có lòng từ bi hộ mạng chúng (2).
“Ý thức được những khổ đau do sự sát hại gây ra, con xin học theo hạnh đại bi để bảo vệ sự sống của mọi người mọi loài. Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hằng ngày của con”(3).
Phạm điều giới sát sinh hợp đủ năm chi pháp:
1. Chúng sinh có sinh mạng (pāṇo).
2. Biết rõ chúng sinh có sinh mạng (pāṇasaññitā).
3. Tâm nghĩ giết hại chúng sinh (vadhakacittaṃ).
4. Cố gắng giết hại chúng sinh (payogo).
5. Chúng sinh ấy chết do sự cố gắng (tena maraṇaṃ).
Nếu người nào có đầy đủ năm chi pháp này thì người ấy phạm điều giới sát sinh. Nếu không đủ năm chi pháp thì không phạm điều giới sát sinh”(4).
Bảo vệ mạng sống của chúng sinh là bổn phận của người con Phật. Người cư sĩ tại gia giữ gìn giới thứ nhất không làm tổn hại các bậc Thánh nhân, thầy tổ, cha mẹ. Thậm chí cho đến các loài súc sinh, côn trùng có tình thức, có mạng sống cũng không nên giết. Chẳng những không được giết, mà còn không được bảo người khác giết, không vui vẻ trước cái chết của chúng sinh. Sinh mạng có giá trị quý báu, không vì giận tức, thù hận mà tìm phương tiện để giết; cũng không vì nuôi sống sắc thân tứ đại mà giết hại những loài súc sinh để uống máu, ăn thịt.
Vì sao phải giữ giới không sát sinh?
Tôn trọng mạng sống của chúng sinh. Mỗi người sinh ra trong cuộc đời này đều có quyền được sống, không ai có quyền cướp đi mạng sống của kẻ khác bằng bất kỳ hình thức nào. Con người ai cũng sợ đau, sợ mất mạng, giữ gìn tính mạng cho người khác cũng chính là bảo vệ thân thể của chính mình.
Kinh Lời Vàng (thi hóa Dhammapada Sutta), Tỳ-kheo Giới Đức chép:
“Ai ai cũng sợ gươm đao
Ai ai cũng sợ máu đào thây phơi
Bụng ta suy hiểu bụng người
Chớ nên giết hại, xúi lời giết nhau!
Ai ai cũng sợ gươm đao
Người người mạng sống mong sao bảo toàn
Bụng ta hiểu bụng thế gian
Chớ nên giết hại, xúi bàn giết nhau!”(5).
(Thi Kệ Pháp Cú 129-130).
Tôn trọng Phật tánh bình đẳng, vì theo giáo lý của nhà Phật thì chúng sinh đều có tánh giác, đều có thể tu tập đạt đến giác ngộ.
Nuôi dưỡng, phát triển tâm từ bi đến muôn loài. Việc giết hại sẽ đem lại khổ đau cho con người và muôn loài. Cắt đứt mạng sống của chúng sinh là đồng nghĩa với tâm từ bi bị tổn hại.
Chướng ngăn Thánh đạo. Kinh Trường Bộ chép: “Vua A-xà-thế vì tội giết cha mà phạm vào tội ngũ nghịch. Đức Phật đã xác chứng rằng nếu vua A-xà-thế không giết chết phụ thân của mình thì vua A-xà-thế đã chứng được Thánh quả”(6).
Lợi ích của việc giữ giới không sát sinh:
Người không dùng dao gậy sát hại chúng sinh thì trong tâm luôn được an lạc hạnh phúc. Trong gia đình thì được vợ chồng con cái kính trọng, luôn là tấm gương sáng cho các con, các cháu noi theo. Ngoài xã hội thì được mọi người yêu mến tôn trọng, lời nói có giá trị, được mọi người tin tưởng, muốn thân cận. Không bị tổn thất về tài sản, hiện đời sống an vui. Sau khi chết không phải trả quả báo vì giết hại, tránh rơi vào ba đường ác.
Người không não hại, đánh đập hay cướp đoạt mạng sống chúng sinh bằng hành động tự mình giết, sai người khác giết, hoan hỷ, tán thán, ca ngợi sự giết hại chúng sinh thì được trường thọ sống lâu.
Không phạm giới sát sinh thì không lo sợ quả báo, vì thế tu tập dễ nhiếp tâm, tu tập mau đạt kết quả. Tâm không sợ hãi thì có được sự vững chãi, có định thì phát tuệ. Đây chính là cái nhân để thăng tiến trên lộ trình đạt đến chân-thiện-mỹ.
Người giữ giới không sát sinh được thiện thần bảo hộ
Quả báo của việc phạm giới sát sinh:
Pháp luật quy định giết người thì phạm vào tù tội, nếu tình tiết nặng có thể bị xử tử hình. Khi ta giết người hay một con vật, thì sự oán hận sẽ dâng cao. Họ vì sức yếu nên không thể chống trả, chỉ chờ cơ hội để báo thù, rồi oan oan tương báo không có ngày chấm dứt.
Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt số 135 có chép: “Ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại chúng sinh. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu được đi đến loài người, chỗ nào người ấy sinh ra, người ấy phải đoản mạng. Con đường ấy đưa đến đoản mạng, này thanh niên, tức là sát sinh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loài hữu tình”(7).
Tăng Chi Bộ Kinh chép: “Ðầy đủ ba pháp, này các Tỷ-kheo, tương xứng như vậy, bị rơi vào địa ngục. Thế nào là ba? Tự mình sát sinh, khích lệ người khác sát sinh, tùy hỷ sự sát sinh. Ðầy đủ ba pháp này, này các Tỷ-kheo, tương xứng như vậy, bị rơi vào địa ngục”(8).
Trên con đường tu tập để thanh lọc tâm ý, trừ bỏ những tham lam, nóng giận và ích kỷ, người con Phật phải lấy giới làm thầy, lấy giới làm nơi nương tựa. Giới còn Phật pháp còn, nơi nào giới được tuân giữ thì nơi ấy có an vui, có hạnh phúc. Một người giữ giới thì một người có lợi ích, nhà nhà giữ giới thì gia đình hạnh phúc, toàn xã hội giữ giới thì đất nước an vui thái bình. Chính vì thế, những người con của đức Thế Tôn hãy học giới, tu tập giới, để mang lại niềm vui cho mình và cho muôn loài, để thăng tiến trên lộ trình trở tu tập, để xứng đáng là người đệ tử thuần thành của đức Phật.
Chú thích:
1. Thích Phước Sơn, Thanh Tịnh Đạo Luận Toản Yếu, Nxb Phương Đông, 2010, tr. 23.
2. Thích Thiện Hòa (Việt dịch), Tỳ-kheo Giới Kinh, Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 11.
3. Thích Nhất Hạnh, Trái Tim Của Bụt, Nxb Tổng Hợp Tp. HCM 2009, tr. 200.
4. Tỳ-kheo Hộ Pháp (biên soạn), Ngũ Giới Là Thường Giới Của Mọi Nhà, Nxb Tôn Giáo, 2017, tr. 18.
5. Tỳ-kheo Giới Đức, Kinh Lời Vàng (thi hóa Dhammapada Sutta), Nxb Thuận Hóa, 1995, thi kệ 309-310.
6. ĐTKVNNT, Kinh Trường Bộ, VNCPHVN, Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 87.
7. ĐTKVN, Kinh Trung Bộ, tập 3, VNCPHVN, 1992, tr. 475.
8. ĐTKVN, Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, VNCPHVN, 1996, tr. 546-547.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Kiến thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?
Kiến thức 08:00 11/12/2024Những hành giả tông Tịnh Độ hiện nay gần như ai cũng biết và tham gia lễ kỷ niệm vía Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong các kinh văn có đề cập đến lịch sử Phật A Di Đà thì tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.
Xem thêm