Làm sao biết cha mẹ đã già?
Cha mẹ thường nhìn đứa con 50 tuổi đầu của mình như một đứa con nít, còn đứa con lúc nào cũng nhìn cha mẹ như một người... lớn, chớ không thấy cha mẹ đã già!
Mà già đến nhanh lắm! Cho nên muốn biết cha mẹ đã... già chưa thì chỉ còn có cách quan sát họ đã có những dấu hiệu tâm sinh lý và những vấn đề về sức khỏe của tuổi già chưa mà thôi. Biết sớm thì tốt, nhưng biết để quan tâm chăm sóc, can thiệp kịp thời thôi chớ không phải để “dán nhãn” cho họ đã già nua, lỗi thời, rồi không để họ còn được tự chủ, độc lập gì nữa cả!
Trước hết quan sát... cái bề ngoài của họ. Họ có lơ là chuyện ăn mặc thái quá không? Có “mặc kệ” sao cũng được mọi thứ về chăm sóc bản thân mình không? Trí nhớ còn tốt không hay đã bắt đầu lẩm cẩm, quên trước quên sau, nhắc đi nhắc lại hoài một chuyện? Có loay hoay tìm kiếng lão, kêu mất kiếng dù đang đeo trên mắt không? Có nghễnh ngãng nghiêng tai bên này bên kia để nghe cho rõ hơn không? Có kêu TiVi mờ, báo chí sao in chữ ngày càng nhỏ khó đọc không? Có dễ trượt, dễ té, bước đi chầm chậm, lê chân trên mặt đất để tránh bị vấp không? Có kêu đau lưng nhức mỏi thường xuyên không? Có bỏ quên chìa khóa, điện thoại nơi này nơi kia, tìm kiếm vất vả không? Có thỉnh thoảng quên tắt lò ga, quên khoá cửa... không?
Chờ đến lúc họ không nhớ con cháu đứa nào là đứa nào, quên cả đường đi lối về và quên cả tên vợ tên chồng thì tình trạng đã quá nặng!
Rồi để ý coi họ ăn uống có còn biết ngon không? Họ ngủ có dễ không hay trằn trọc loay hoay suốt đêm? Họ có còn ham đi đây đi đó, cà phê cà pháo với bạn bè không?
Có còn mê coi đá banh, tennis... như xưa không? Có ôm TiVi suốt ngày rồi nhầm tưởng cảnh tượng trong phim ảnh là sự thật ngoài đời không?
Rồi để ý coi họ có bắt đầu thở hào hển nặng nhọc... khi leo cầu thang trong nhà không? Họ có bắt đầu đái đêm nhiều lần hay dễ bị dị ứng khi ăn một món đồ ăn quen thuộc không? Họ có bị bón thường xuyên không?...
Tóm lại, quan sát kỹ một chút sẽ thấy những thay đổi và tốc độ thay đổi ngày càng nhanh của một người già. Và, có “kế hoạch già” cho họ là một cách báo hiếu tốt đẹp nhất!
Sức khỏe là yếu tố quan trọng nhất để có một tuổi già hạnh phúc, có chất lượng cuộc sống tốt nhất. Thật là một sai lầm lớn khi ta nghĩ rằng già sẽ đến từ từ, cứ từ từ mà thích nghi, mà giải quyết mọi chuyện lần lượt. Không đâu. Già nó xồng xộc trên trời rơi xuống, dưới đất vọt lên. Nó lãnh đạm, “vô cảm”, bởi nhiệm vụ nó phải thế. Nó thú vị bởi nó không phân biệt. Giàu nghèo sang hèn, da trắng da đen... đều phải già, nếu sống lâu dĩ nhiên!
Nhưng, như vậy phải chăng làm ta sẽ nhìn đời bi quan? Không đâu. Trái lại, nó làm cho cuộc sống của ta có chất lượng hơn, có ý nghĩa hơn trong từng năm, từng tháng, từng ngày. Tại những nước có tuổi thọ rất cao hiện nay như Nhật, Thụy Điển có những chương trình chăm sóc cho người già khá tốt cả về mặt sức khỏe cũng như về tâm lý xã hội. Rèn luyện thể lực để duy trì sức khoẻ, dinh dưỡng đúng cách để tránh bệnh mạn tính, người già còn được học vi tính để có thể “giao du” với bạn bè trên khắp thế giới qua mạng... Họ vừa có thể sống trong gia đình với con cháu, lại vừa sống với nhóm bạn cùng lứa, tâm đầu ý hợp!
Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) định nghĩa “Sức khỏe là một tình trạng hoàn toàn sảng khoái (well-being) về thể chất, tâm thần và xã hội, chớ không phải chỉ là không có bệnh hay tật”. Đây là một định nghĩa nói chung, còn với người già thì định nghĩa có khác một chút: Sức khỏe của người già chủ yếu là phát triển và duy trì được sự sảng khoái và hoạt động chức năng về tâm thần, xã hội và thể chất của họ. Sự khác biệt ở chỗ đã đưa vấn đề “tâm thần” lên hàng đầu: phát triển và duy trì được sự sảng khoái và hoạt động chức năng tốt nhất về tâm thần (mental), sau đó mới nói đến xã hội (social) và thể chất (physical), bởi ai cũng biết tuổi già, thể chất đã dần rệu rã, quá “date”, nên chất lượng cuộc sống chính nằm ở “tâm thần” có an lạc, hạnh phúc hay không mà thôi!
Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) khuyến khích một tuổi già năng động, sáng tạo, sống hữu ích cùng với con cháu trong một gia đình thì tốt hơn là cách ly họ, xa lánh họ. Khẩu hiệu đưa ra là: “Già không phải là một gánh nặng mà là một nguồn lực”.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm