Lợi ích của Thiền định đối với khoa học và trí tuệ não bộ (II)
Thiền định không bao giờ trở nên mâu thuẫn với nghiên cứu khoa học. Đúng hơn, thiền định đã là một công cụ có giá trị trong bộ công cụ khoa học, đặc biệt là khi cố gắng tìm hiểu tâm thức con người.
> Thiền định giúp bộ não của một nhà sư 41 tuổi như 33 tuổi
Đào từ hai đầu
Khoa học đã phát hiện rằng rất khó để giải mã những điều huyền bí của tâm thức, chủ yếu vì chúng ta thiếu những công cụ hữu hiệu. Nhiều người, kể cả nhiều nhà khoa học, có khuynh hướng lẫn lộn về tâm với não, nhưng chúng thực sự là những sự kiện rất khác nhau. Não là một mạng lưới vật chất những tế bào não, những khớp nối tế bào não và các phản ứng sinh hóa. Tâm là một luồng kinh nghiệm chủ quan, chẳng hạn như đau đớn, dễ chịu, giận ghét, yêu thương…
Các nhà nghiên cứu về sinh học cho rằng bằng cách nào đó não sản xuất ra tâm, và rằng các phản ứng sinh hóa trong hàng tỷ tế bào não bằng cách nào đó sản xuất ra những kinh nghiệm như đau đớn hay thương yêu. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng ta tuyệt đối không có một giải thích nào về việc tâm xuất hiện từ não ra sao. Làm thế nào khi hàng tỷ tế bào kích thích những tín hiệu điện theo những mô thức nào đó thì ta cảm thấy đau đớn; và khi những tế bào ấy kích thích theo một mô thức khác thì ta cảm thấy yêu thương? Chúng ta không có được một chút manh mối nào cả. Vì thế, ngay cả khi tâm quả thực xuất hiện từ não đi chăng nữa, ít nhất là vào lúc này, việc nghiên cứu về tâm là một công việc khác với việc nghiên cứu về não.
Bài thực hành thiền định quán niệm hơi thở hàng ngày
Việc nghiên cứu về não đang có những bước tiến nhảy vọt nhờ sự trợ giúp của kính hiển vi, máy quét chụp não và máy điện toán có khả năng xử lý cao. Nhưng chúng ta không thể thấy được tâm nhờ một kính hiển vi hay một máy chụp quét não. Những thiết bị này cho phép chúng ta phát hiện những hoạt động điện học và sinh hóa học trong não bộ nhưng không cho phép chúng ta tiếp cận bất kỳ một kinh nghiệm chủ quan nào kết hợp với những hoạt động ấy. Cho đến bây giờ là năm 2018, tâm thức duy nhất tôi có thể tiếp cận trực tiếp là tâm của chính tôi. Nếu tôi muốn biết những chúng sinh khác đang kinh nghiệm những gì, tôi chỉ có thể dựa trên những báo cáo thứ cấp, chắc chắn là phải chịu ảnh hưởng của những sự giới hạn và méo mó.
Tất nhiên, chúng ta có thể thu thập rất nhiều báo cáo thứ cấp từ rất nhiều người khác nhau, và sử dụng phương pháp thống kê để nhận dạng những mô thức hồi quy. Những phương pháp như vậy đã cho phép những nhà tâm lý học và các nhà khoa học về não bộ không chỉ gặt hái được nhiều hiểu biết về tâm mà còn giúp cải thiện kể cả cứu được mạng sống của cả hàng triệu người. Tuy nhiên, rất khó để vượt qua một số điểm quan trọng khi nhà nghiên cứu chỉ sử dụng những báo cáo thứ cấp. Trong khoa học, khi bạn nghiên cứu một hiện tượng đặc biệt, điều tốt nhất là phải quan sát trực tiếp hiện tượng ấy. Chẳng hạn, các nhà nhân học đã sử dụng sâu rộng các nguồn thông tin thứ cấp, nhưng khi muốn thực sự hiểu rõ về nền văn hóa của dân Samoa, sớm hay muộn, họ cũng phải ba-lô lên vai để đến thăm quần đảo Samoa.
Tất nhiên, viếng thăm không thôi cũng chưa đủ. Một trang nhật ký mạng được viết bởi một anh chàng du lịch ba-lô đã đi khắp quần đảo Samoa không thể được coi là một bản nghiên cứu nhân học có tính cách khoa học, bởi vì những người đi du lịch như vậy thiếu những công cụ và sự huấn luyện cần thiết. Những quan sát của họ thường là quá ngẫu nhiên và đầy thiên kiến. Để trở thành một nhà nhân học đáng tin cậy, ta phải học quan sát về văn hóa loài người theo một cách khách quan và có phương pháp, hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi những ý niệm hay phán đoán có sẵn. Đó là điều bạn học tập ở khoa nhân học và là điều cho phép các nhà nhân học đóng một vai trò sinh động trong việc nối liền những khoảng cách giữa các nền văn hóa của loài người.
Nghiên cứu về những bí ẩn tuyệt vời của Thiền định
Việc nghiên cứu khoa học về tâm thức con người hiếm khi tuân theo mô hình của khoa nhân học. Trong khi các nhà nhân học thường báo cáo về những chuyến viếng thăm của họ đến những vùng đảo xa hay những xứ sở huyền bí, các học giả trong lĩnh vực ý thức hiếm khi thực hiện những hành trình cá nhân vào các vương quốc của tâm.
Vì tâm duy nhất mà tôi có thể trực tiếp quan sát được chỉ là tâm của chính tôi; và bất kể việc quan sát văn hóa Samoa không thiên kiến không bị ảnh hưởng bỏi những phán đoán có sẵn là điều khó khăn đến thế nào chăng nữa, thì việc quan sát tâm thức của chính tôi một cách khách quan cũng vẫn khó khăn hơn. Ngược lại, trong khi các học giả nghiên cứu về tâm đã phát triển nhiều công cụ để thu thập và phân tích những báo cáo thứ cấp, khi vấn đề là nghiên cứu vào chính tâm thức của mình thì chúng ta mới chỉ gãi trên bề mặt.
Trong tình trạng thiếu hẳn những phương pháp hiện đại để quan sát tâm, chúng ta có thể thử một số công cụ đã được phát triển bởi các nền văn minh tiền hiện đại. Nhiều nền văn hóa cổ đã cung hiến rất nhiều sự chú ý vào việc nghiên cứu tâm thức, và họ không hề dựa vào việc thu thập những báo cáo thứ cấp mà dựa vào việc huấn luyện người ta quan sát tâm của chính mình một cách có hệ thống. Những phương pháp mà người cổ đại đã phát triển có thể được gọi chung dưới thuật ngữ tổng quát là thiền định. Ngày nay, thuật ngữ này thường bị gắn liền với tôn giáo và sự huyền bí, nhưng về nguyên tắc, thiền định là bất kỳ phương pháp nào được dùng để quan sát trực tiếp tâm thức của một người. Quả nhiên, nhiều tôn giáo đã sử dụng sâu rộng những kỹ thuật thiền định khác nhau, nhưng điều dó không có nghĩa thiền định phải là tôn giáo. Nhiều tôn giáo cũng sử dụng rộng rãi nhiều loại sách vở, nhưng đâu có nghĩa sử dụng sách vở là một cách thực hành tôn giáo!
Thiền định có thể đảo ngược quá trình lão hóa của bộ não
Trải qua hàng ngàn năm, loài người đã phát triển hàng trăm kỹ thuật thiền định khác nhau, với nhiều sai biệt về nguyên tắc và hiệu quả. Tôi chỉ có kinh nghiệm cá nhân với một phương pháp – Vipassana – và đó là phương pháp duy nhất mà tôi có thể bàn luận với một chút thẩm quyền. Như một số những kỹ thuật thiền định khác, người ta cho rằng Vipassana đã được phát kiến ở Ấn Độ trong thời cổ bởi Đức Phật. Trải qua nhiều thế kỷ, một số câu chuyện và lý thuyết được gán cho Đức Phật, thường là không có chứng cứ ủng hộ. Tuy nhiên, để thiền định, chúng ta chẳng cần phải tin bất kỳ điều gì trong số những truyền thuyết ấy. Vị thầy mà từ ngài tôi đã được truyền thụ về Vipassana, Goenka, là một người hướng đạo hết sức thực tiễn. Ngài lặp đi lặp lại những chỉ dẫn đối với môn sinh rằng khi quan sát tâm của chính mình, họ phải gạt ra một bên tất cả những mô tả thứ cấp, mọi học thuyết tôn giáo và mọi sự phỏng đoán triết học, chỉ tập trung vào kinh nghiệm của chính mình và bất kỳ thực tại gì mà họ thực sự gặp phải. Hàng ngày, nhiều môn sinh được phép vào phòng của ngài để tìm kiếm sự hướng dẫn và đặt những câu hỏi. Ngay lối vào phòng, một tấm bảng ghi hàng chữ: “Hãy tránh mọi thảo luận lý thuyết và triết học, tập trung câu hỏi vào vấn đề liên quan đến việc thực hành thực sự của mình”.
Thực hành thực sự nghĩa là quan sát các cảm giác của thân và những phản ứng của tâm đối với những cảm giác ấy theo một cách có phương pháp, miên mật và khách quan, nhờ đó phát hiện những hình mẫu căn bản của tâm. Đôi khi, có người biến việc thiền định thành việc theo đuổi những kinh nghiệm riêng về trạng thái sung sướng và đê mê. Thế nhưng thực sự, ý thức là điều bí mật vĩ đại nhất của vũ trụ, và những cảm giác bức bối hay ngứa ngáy, dù chỉ là mỗi mảnh của ý thức, cũng huyền bí như cảm giác của trạng thái hỷ lạc hay sự hợp nhất với vũ trụ vậy. Người thực hành thiền định theo phương pháp Vipassana phải thận trọng không bao giờ bám vào việc tìm kiếm những kinh nghiệm đặc biệt, mà phải tập trung vào việc hiểu biết thực tại về tâm thức của chính mình, bất kể thực tại ấy có thể là gì.
Thiền định Phật giáo và khoa sinh học
Trong những năm gần đây, các học giả thuộc lĩnh vực tâm và não đã thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng về những kỹ thuật thiền định này, nhưng cho đến nay, hầu hết các nhà nghiên cứu vẫn chỉ sử dụng công cụ này một cách gián tiếp. Nhà khoa học đặc trưng ấy không thực sự tự mình thực hành thiền định. Thay vào đó, người này mời những thiền giả có kinh nghiệm đến phòng thí nghiệm của mình, phủ lên đầu các vị thiền giả ấy những điện cực, đề nghị các vị ấy thực hành thiền rồi quan sát những hoạt động của não do việc thiền định mang lại.
Việc này có thể dạy cho chúng ta nhiều điều thú vị về não, nhưng nếu mục đích của nghiên cứu là để hiểu về tâm thì chúng ta vẫn bỏ sót những hiểu biết sâu sắc quan trọng nhất. Điều đó cũng giống như một người cố gắng tìm hiểu cấu trúc của vật chất bằng cách quan sát một tảng đá thông qua một chiếc thấu kính. Bạn đến gặp người ấy, trao cho người ấy một chiếc kính hiển vi và bảo, “Hãy thử cái này xem. Ông có thể thấy rõ hơn”. Người ấy nhận chiếc kính hiển vi, nhặt chiếc thấu kính đáng tin cậy của mình lên, và cẩn thận quan sát qua chiếc thấu kính ấy thứ vật chất mà chiếc kính hiển vi vừa tạo ra…
Thiền định là công cụ dùng để quan sát trực tiếp tâm. Bạn sẽ bỏ sót rất nhiều tiềm năng của công cụ ấy nếu thay vì tự mình thiền định, bạn lại giám sát những hoạt động điện học trong não của một thiền giả khác.
Chắc chắn, tôi không đề nghị bỏ qua những dụng cụ và sự thực hành hiện tại về việc nghiên cứu não. Thiền định không thể thay thế những điều ấy, nhưng có thể bổ sung cho chúng. Điều này cũng giống như việc các kỹ sư đào một đường hầm xuyên qua một ngọn núi khổng lồ. Tại sao lại chỉ đào từ một phía? Cùng lúc đào từ hai phía sẽ tốt hơn. Nếu não và tâm chỉ là một và giống hệt nhau, cả hai đoạn đường hầm chắc chắn phải gặp nhau. Nhưng nếu não và tâm không phải là như nhau? Khi ấy điều quan trọng hơn tất cả là phải đào vào tâm, chứ không chỉ đào vào não.
Lợi ích của thiền định đối với bệnh nhân ung thư
Một số trường đại học và phòng thí nghiệm quả thực đã bắt đầu sử dụng việc thiền định như một công cụ nghiên cứu chứ không chỉ là một đối tượng cho việc nghiên cứu não. Thế nhưng tiến trình này vẫn còn ở giai đoạn ấu trĩ, nhất là vì nó đòi hỏi sự đầu tư phi thường về phần nhà nghiên cứu. Hoạt động thiền định nghiêm túc đòi hỏi một tinh thần kỷ luật khủng khiếp. Nếu bạn cố gắng quan sát khách quan những cảm giác của mình, điều đầu tiên bạn nhận thấy sẽ là tâm thức sao mà phóng túng và hấp tấp đến vậy. Ngay cả khi bạn tập trung chú ý vào việc quan sát một cảm giác tương đối rõ rệt như hơi thởvào và ra hốc mũi mình, tâm thức của bạn thường cũng chỉ thực hiện công việc ấy không quá vài giây đồng hồ trước khi nó đánh mất sự tập trung và bắt đầu lang thang vào những tư tưởng, ký ức và mơ mộng.
Khi ống kính hiển vi lạc mất tiêu điểm, chúng ta chỉ việc quay chiếc cần điều chỉnh. Nếu chiếc cần điều chỉnh ấy hư, ta có thể gọi một người thợ máy sửa lại. Nhưng khi tâm thức lạc mất tiêu điểm, ta không thể sửa chữa dễ dàng như vậy. Thường thường người ta phải chấp nhận sự rèn luyện lâu dài, làm cho tâm dịu lại và biết tập trung, sau đó tâm mới có thể tự quan sát nó một cách khách quan và có phương pháp.
Có lẽ, trong tương lai chúng ta có thể nuốt một viên thuốc nào đó và thành tựu được sự tập trung trong khoảnh khắc. Nhưng vì thiền định nhắm đến việc thăm dò tâm chứ không chỉ tập trung tâm, một biện pháp đi tắt như vậy có thể chứng tỏ là phản tác dụng. Thuốc có thể làm cho ta trở nên bén nhạy và tập trung, nhưng cùng lúc, nó có thể ngăn cản ta thăm dò toàn thể phạm vi hoạt động của tâm. Sau nữa, ngay cả ngày nay chúng ta có thể tập trung tâm bởi việc xem một bộ phim có tình tiết ly kỳ trên mản ảnh truyền hình – nhưng tâm ấy quá tập trung vào nội dung phim đến nỗi nó không thể quan sát những động lực của chính nó.
Thế nhưng ngay cả khi chúng ta chưa thể tin cậy vào những công cụ kỹ thuật nhỏ nhặt ấy, chúng ta cũng không nên bỏ cuộc. Chúng ta có thể được truyền cảm hứng bởi những nhà nhân học, những nhà sinh vật học hay những phi hành gia. Các nhà nhân học và sinh vật học trải qua hàng nhiều năm ở những nơi xa xôi phơi mình trước những hoàn cảnh nguy hiểm và bệnh tật. Các phi hành gia tận hiến hàng năm trời chấp nhận những chế độ đào tạo khó khăn, chuẩn bị cho những chuyến du hành đầy bất trắc ở ngoại tầng không gian. Nếu loài người chúng ta sẵn sàng thực hiện những cố gắng như vậy để hiểu biết thêm về những nền văn hóa xa lạ, những giống sinh vật chưa nghe nói tới, những hành tinh vời vợi, có thể chúng ta cũng nên làm việc với cùng sự cần cù như vậy để hiểu rõ về tâm thức của chính mình. Và tốt hơn, chúng ta nên hiểu rõ về tâm thức của chính mình trước khi những thuật toán vận hành bởi trí thông minh nhân tạo có đủ điều kiện thay thế chúng ta làm chủ vũ trụ này.
Nguyên tác: Meditation, trích trong 21 Lessons for the 21st Century, Yuval Noah Harari.
Nguyễn Văn Nhật dịch
> Xem thêm: Đâu là đúng: Sức mạnh phi thường từ…thiền:
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Kiến thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?
Kiến thức 08:00 11/12/2024Những hành giả tông Tịnh Độ hiện nay gần như ai cũng biết và tham gia lễ kỷ niệm vía Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong các kinh văn có đề cập đến lịch sử Phật A Di Đà thì tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.
Xem thêm