Thứ tư, 05/05/2021, 09:06 AM

Lời kêu gọi tại Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam

Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch tại Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam được tổ chức vào năm 1981 đánh dấu một bước ngoặt lớn, thực hiện một bước tiến mới, tiếp nối cuộc hành trình vẻ vang hơn hai ngàn năm hoằng pháp, độ sinh của Phật giáo.

Quang cảnh Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Quang cảnh Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Kính bạch Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng, Ni.

Kính thưa đồng bào Phật tử trong và ngoài nước.

Thực hiện ước nguyện thiết tha bao đời của Tăng, Ni và Phật tử cả nước, Đại hội Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam đã được triệu tập, do thư mời của Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam, và khai diễn từ ngày 4 đến 7 tháng 11 năm 1981 tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội.

Đây là Đại hội Phật giáo có tầm quan trọng lịch sử, đã tập hợp 165 đại biểu, gồm các hàng giáo phẩm lãnh đạo và các Phật tử tiêu biểu đại diện cho 9 tổ chức, giáo hội, hệ phái Phật giáo cả nước sau đây:

- Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam.

- Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất.

- Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

- Ban liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh.

- Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam.

- Giáo hội Thiên Thai giáo quán tông.

- Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam.

- Hội đoàn kết sư sãi Yêu nước miền Tây Nam Bộ.

- Hội Phật học Nam Việt.

Ý thức sâu sắc trách nhiệm lớn lao đối với lịch sử truyền bá giáo lý Phật Đà từ 2000 năm nay, đối với vận mệnh và tiền đồ của Phật giáo Việt Nam cũng như đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu, các đại biểu bất luận ở tổ chức, giáo hội, hệ phái nào, cũng đều đem tất cả nhiệt tình và thành tâm thiện chí đóng góp cho đại hội, qua thái độ cởi mở và cảm thông với tinh thần đoàn kết và xây dựng của mình. Do đó, đại hội đã diễn tiến hài hòa trong tinh thần đồng đạo, thắm tình ruột thịt và đã thu hoạch được những thành quả vô cùng lớn lao sau đây:

1) Hoàn thành xây dựng và biểu quyết thông qua một bản Hiến chương cho giáo hội có nội dung đoàn kết và thống nhất thực sự, thể hiện tinh thần dân chủ, vô ngã, vị tha và lục hòa của Phật giáo.

2) Thảo luận và biểu quyết thông qua bản Đại cương chương trình hoạt động của Giáo hội, gồm sáu điểm:

a. Thực hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần hòa hợp đại chúng giữa các giáo phái và tăng tín đồ.

b. Hoằng dương chính pháp, chấn hưng tư tưởng trong sáng và tích cực của giáo lý Đức Phật.

c. Đào tạo Tăng, Ni và hướng dẫn việc tu hành của Phật tử.

d. Phát huy truyền thống yêu nước và gắn bó với dân tộc, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

đ. Xây dựng kinh tế nhà chùa, nhằm giải quyết đời sống của Tăng, Ni và góp phần lợi ích cho xã hội.

e. Phát triển quan hệ hữu nghị với Phật tử trên thế giới, góp phần vào việc xây dựng hòa bình và an lạc cho nhân loại.

3) Suy tôn Hội đồng Chứng minh và suy cử Hội đồng Trị sự Trung ương.

Để tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, với người thầy của Cách mạng Việt Nam, toàn thể đại biểu Đại hội, thay mặt cho Tăng, Ni Phật tử cả nước đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Toàn thể đại biểu Đại hội đã đến chào cụ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Đại hội cũng được cụ Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước đến thăm và phát biểu ý kiến.

Trong buổi lễ khai mạc, Đại hội lại được cụ Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến dự và phát biểu ý kiến.

Trong buổi lễ bế mạc, Đại hội đã gửi thư lên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, báo cáo kết quả tốt đẹp của Đại hội và cam kết tiếp tục thực hiện truyền thống yêu nước và tinh thần đoàn kết với cộng đồng dân tộc.

Kính bạch Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng, Ni.

Kính thưa đồng bào Phật tử trong và ngoài nước.

Với sự thành công viên mãn của Đại hội lịch sử này, chúng ta đang thực hiện một bước tiến mới, tiếp nối cuộc hành trình vẻ vang hai ngàn năm hoằng pháp, độ sinh của Phật giáo chúng ta trên Tổ quốc thân yêu. Từ đây chúng ta có thêm cơ sở thuận lợi mới để bảo đảm tín ngưỡng và phương pháp tu hành đúng chính pháp, phát huy tinh thần Bi, Trí, Dũng và nền văn hoá nhân bản của Phật giáo trong thời kỳ nước ta đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, thể hiện cao hơn nữa truyền thống yêu nước và gắn bó hài hòa giữa đạo và đời, đóng góp tích cực hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng hòa bình và an  ninh cho nhân loại.Từ nay chúng ta không còn là Phật tử của miền Nam, miền Trung hay miền Bắc, không còn bị gò bó chia cách bởi tổ chức này hay hình thức nọ, mà đều là Phật tử Việt Nam, thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước.

Để thực hiện tốt đẹp lý tưởng, cũng như các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của Giáo hội, sau Đại hội này, chúng ta hãy ra sức phấn đấu biến thành hiện thực những điểm trong Hiến chương và Chương trình hành động mà Đại hội đã thông qua.

Giáo hội thiết tha kêu gọi Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng, Ni và Phật tử cả nước nhiệt tình hưởng ứng, chung sức chung lòng, kề vai sát cánh cùng Giáo hội làm tròn trách nhiệm lớn lao mà Tổ quốc Việt Nam đang đòi hỏi và lịch sử Giáo hội Phật giáo Việt Nam hằng giao phó.

Cầu chúc Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng, Ni và Phật tử thân tâm thường an lạc.

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chùa Quán Sứ, Hà Nội ngày 7.11.1981

TM Đoàn Chủ tịch Đại hội Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam

Hòa thượng THÍCH TRÍ THỦ

Trích theo tài liệu: Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 - 2012) - Người thực hiện: Nguyễn Đại Đồng - Nhà xuất bản Tôn giáo 2012.

Để trở thành một Phật tử theo lời dạy của HT. Thích Trí Thủ

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Tính tất yếu và giá trị lịch sử sự ra đời Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981

40 năm Giáo hội 12:30 26/04/2022

Sự thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam là kết quả của quá trình vận động lâu dài, bền bỉ và hợp quy luật khách quan, đáp ứng yêu cầu lịch sử đặt ra.

Kỷ cương là nền tảng cho sự ổn định và phát triển bền vững của Giáo hội Phật giáo Việt Nam

40 năm Giáo hội 12:59 22/02/2022

Những thách thức khó khăn do yếu tố chủ quan lẫn khách quan mà chúng tôi đề cập ở đây chính là vấn đề kỷ cương trong sinh hoạt Giáo hội hiện nay.

Chặng đường 40 năm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam

40 năm Giáo hội 11:10 08/11/2021

Đạo Phật đi vào cuộc đời, đánh thức trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân, và cả những người tu sĩ ! Giáo lý của nhà Phật không cho phép chúng ta có quyền cao hơn một quốc gia dân tộc mà phải dấn thân, phụng sự nơi quốc độ mà ta có duyên đầu thai vào, giữ gìn sự chung thủy sắc son.

Toàn văn phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập GHPGVN

40 năm Giáo hội 08:51 08/11/2021

Sáng ngày 07/11/2021, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã long trọng tổ chức Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội (07/11/1981 – 07/11/2021) với sự tham dự của chư Tôn giáo phẩm Ban Thường trực HĐCM, Ban Thường trực HĐTS, 13 Ban, Viện Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành.

Xem thêm