Lòng trắc ẩn
Hậu thế và ngay cả ở thời đại ngày nay, người ta cần và sẽ nhớ nhiều hơn đến cái đẹp, đến lòng trắc ẩn và nhân hậu.
“Có cây ngô đồng cho chim Phượng đậu
Có người đứng đó cho tình thương sâu”
(Thiền sư Thích Nhất Hạnh)
Tôi nhớ có một bài văn đạt giải nhất trong cuộc thi học sinh giỏi văn 12 có trích dẫn câu thế này:
“Trước khi chết, có lần vua Phổ cầm tay Mozart nói: “Ta tiêu biểu cho trật tự, người tiêu biểu cho cái đẹp. Biết đâu hậu thế sẽ quên ta và nhắc đến ngươi?”.
Cái đẹp - vốn dĩ không giới hạn trong những gì là thơ ca, là nghệ thuật. Cái đẹp vĩ đại nhất chính là nét đẹp của lòng trắc ẩn.
Xã hội ngày nay đề cao quyền tự do ngôn luận, đề cao quyền tự do báo chí và mạng xã hội trở thành một phần dường như không thể thiếu trong đời sống người trẻ. Người người trở thành "nhà báo", thành người kể chuyện. Và cũng từ đó, thông tin mà chúng ta thấy hàng ngày đầy rẫy những trần trụi, đầy rẫy những điều tưởng chừng như riêng tư được trưng ra nhan nhản kèm theo những bình luận từ góc nhìn đầy phiến diện nên cũng mang đầy sự phán xét, cay độc.
Chính vì sự xuất hiện của những “nhà báo” như vậy, cùng sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh trong tay, mọi quyền cá nhân của bạn, mọi hoạt động từ khi thức dậy, lúc vào nhà vệ sinh hay phòng ngủ, bất cứ lúc nào cũng có thể trở thành đề tài được sử dụng để đưa lên mạng xã hội và phục vụ cho một ý đồ nào đó. Nói về việc tốt, nói về việc xấu, nói với hình thức ngụy biện tinh vi bằng lời lẽ có vẻ tốt đẹp nhưng lại có mục đích sâu xa để bêu riếu, kích bác và ảnh hưởng không tốt đến người khác.
Bỗng nhiên, chúng ta trở thành người có thể đang bị theo dõi bất cứ khi nào. Tất nhiên, có thể bạn sẽ nói, tôi không làm gì sai, không làm việc gì xấu thì có gì phải sợ? Vâng, bạn chẳng có gì sai cả. Nhưng bạn có nghĩ mình phải đề phòng cả với người xưa nay tưởng như gần gũi và sẽ sống tốt với mình? Cố nhiên sẽ có những bông đùa, sẽ có khi vụng dại, sẽ có lúc giận dữ, sẽ có lúc yếu mềm...
Nếu một trong những khoảnh khắc ấy được đưa ra và cắt xén để minh họa cho một ý đồ được lập sẵn, bạn hiển nhiên trở thành kẻ đúng như đại thi hào Nguyễn Du khi nói về Từ Hải giữa trận tiền: “Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”. Tất nhiên, việc sa cơ của Từ Hải không thể đem ra so với việc tôi vừa nêu, nhưng khi đã ở trong một cái bẫy, với lòng tin sẵn có và sự không phòng bị, chúng ta chẳng thể biết được mình sẽ thế nào.
Nhà văn Milan Kundera từng phát biểu: "Chúng ta đang sống trong một thời đại mà cuộc sống riêng tư bị tiêu diệt. Dần dần con người tự đánh mất vị giác của mình về cuộc sống riêng tư và cảm giác của mình về nó. Không có bí mật sẽ chẳng có gì cả, cả tình yêu lẫn tình bạn".
Riêng tư, ấy chính là những điều thầm kín. Và ngay trong giới chính trường, người ta cũng thường chọn cách lật đổ nhau bằng cách xâm phạm vào quyền riêng tư ấy. Từ những chính khách cho đến các tổ chức tôn giáo đều có thể sẽ bị xô ngã. Những âm mưu lật đổ ấy luôn được dựng lên từ những kích bác, những sự lợi dụng bất cẩn hay phút yếu đuối của bản năng con người.
Đi xa hơn, là cả những vụng dại trong hành xử khi bị đẩy vào đường cùng, khi họ đã sa cơ, ngã ngựa. Xiềng xích ấy, được nhân danh đạo đức một cách tàn ác và đầy xảo trá nhưng cũng lại rất đúng lúc với thói a dua theo trào lưu, dễ dãi tùy tiện phán xét người khác của những kẻ cạn cợt.
Câu chuyện về sự thật và dối trá kể rằng:
“Sự Thật và Dối Trá có lần gặp nhau.
- Hôm nay là ngày đẹp trời.
Sự Thật ngó nhìn xung quanh, nhìn lên bầu trời, thực sự là ngày đẹp trời. Họ đi cùng nhau một lúc cho đến khi tới bên một giếng to đầy nước. Dối Trá thò tay xuống nước và quay sang nói với Sự Thật:
- Nước sạch và ấm, nếu bạn muốn thì chúng ta cùng nhau bơi?
Sự Thật lại thấy nghi ngờ bèn nhúng tay vào nước và thấy nước thật sự dễ chịu. Cả hai cùng bơi lội một lúc, đột nhiên Dối Trá chạy lên khỏi giếng, lấy quần áo của Sự Thật và biến mất.
Sự Thật tức giận, trần truồng trèo lên khỏi giếng, chạy khắp nơi tìm kiếm Dối Trá để lấy lại quần áo của mình. Mọi người thấy Sự Thật trần truồng thì liền nhìn tránh sang hướng khác vì sượng sùng hoặc tức giận. Sự Thật tội nghiệp thấy xấu hổ bèn quay lại giếng và náu mình ở đó mãi mãi.
Kể từ đó, Dối Trá đi khắp thế giới, khoác áo như Sự Thật, đáp ứng nhu cầu của thế giới, và không một ai muốn nhìn thấy Sự Thật trần trụi”.
Đạo đức cũng có những cái gọi là “sự thật” và “dối trá” ở những bình diện tiếp xúc khác nhau. Người ta nhao đi bình phẩm, nhận xét hay tìm cho ra sự thật, nhưng nghệ thuật sống và cái thực sự gọi là nhân tâm, là lòng trắc ẩn và điều nên làm nhất lại nằm ở nơi con người ta biết giải thích một cách nhân hậu những sai lầm của người khác.
Đúng hay sai, có hay không, tốt hay không tốt, được phép hay không được phép... mọi sự là tương đối tùy thuộc bối cảnh, thời điểm và thế giới quan của mỗi thể chế, mỗi xã hội và nhóm cộng đồng.
Trên thế giới, có bộ lạc quan niệm người thân trong gia đình mà chết, cả nhà cả họ phải xẻ thịt chia nhau ăn, để người thân thành máu thịt, còn lại mãi trong họ mới gọi là hiếu. Họ mà thấy chôn xuống đất thì cho là vô cùng bất hiếu.
Và ta thì ngược lại.
Ta không thể đem lý luận trong bối cảnh xã hội mình sinh ra và lớn lên để áp đặt quan niệm của họ.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng viết:
“Luật lệ nhiều khi như màn lưới sắt
Giam người trong kiếp trầm luân thương đau
...
Nhưng lòng nhân ái, như bàn tay Phật
Phá tan địa ngục đập nát u sầu”
Người ta vẫn có thể nhân danh đạo đức xã hội làm xiềng xích, làm cái bẫy cho một mưu đồ nhằm xô ngã giá trị con người. Nhưng đó sẽ không bao giờ là đạo đức thực sự. Chỉ có lòng nhân ái, mới có ý nghĩa như cánh tay của Phật để cứu vớt người ra khỏi trầm luân.
Thời đức Phật còn tại thế, ngài vẫn điềm nhiên khi có vị tỳ kheo đang tu mà muốn về thăm gia đình vợ con. Nếu sau khi về mà vị đó muốn trở lại, Đức Phật vẫn mừng vui tiếp nhận. Ngài không cho đó là điều xấu xa tệ hại. Đức Phật cho tỳ kheo tăng có quyền hoàn tục đến 7 lần.
Nếu các tỳ kheo khác thắc mắc, Phật lại kể câu chuyện duyên nợ tiền kiếp của vị tỳ kheo kia cho chúng hội biết mà không gieo những chướng duyên cản trở con đường tu đạo. Còn việc tu đạo mau hay chậm của mỗi người Phật không can thiệp vào nhân quả đã gieo của vị ấy.
Trong cuộc sống ngày nay, khi những điều riêng tư bị xâm phạm, những chuyện ái dục và những vụng dại mềm yếu trong hành xử bất chợt của một ai đó khi ở vào hoàn cảnh khó xử đối với cá nhân họ không còn được chia sẻ, được thấu hiểu và tôn trọng, con người trở thành kẻ phán xét lẫn nhau và định đoạt giá trị của chính mình.
Chính bản thân tôi cũng nhiều lần được nghe người này người kia nói về người quen của mình, rằng vị ấy thế là sai quá, xấu quá, hư quá... nhưng tôi tin, một người tu mà người ấy nhân hậu thế, người ấy tụng kinh tha thiết chú tâm thế, người ấy luôn làm những việc lợi người và có ích cho xã hội thế thì không thể là một người xấu được.
Tôi cũng tin, một bạn trẻ viết được những dòng chữ đầy hiểu biết và thấu đáo thế, bạn trẻ hành xử tế nhị thế sẽ không thể là kẻ đạo đức giả được. Tôi tin, một người phụ nữ nếu họ yêu con trẻ của người khác, họ chăm con của họ một cách dịu dàng thế, họ không thể làm ác và xấu xa được.
Có người hỏi thầy tôi về một vị tỳ kheo phạm giới thì có thể giác ngộ không? Thầy tôi từng trả lời: “Phạm giới mà thấy ra được sự thật, thấy ra được bài học cho mình, thì tốt hơn là không phạm giới mà không giác ngộ ra được điều gì cả”.
Quan trọng không phải là sai lầm hay không, mà là ta học được gì từ sai lầm ấy. Và khi nào học xong bài học ấy rồi, người mắc sai sẽ có cái thấu đáo và trải nghiệm khác hẳn với kẻ chưa từng được biết đến chúng.
Cũng như tôi, tôi cũng có những vụng dại, và có thể bài học của tôi chưa dừng lại nếu như tôi vẫn còn chưa thực sự đủ vững chãi và thấu đáo. Nhưng nếu đó là điều cần thiết cho cuộc đời của tôi thì tôi sẵn sàng đón nhận. Suy cho cùng, cũng giống như việc chữa bệnh vậy. Chữa sống quan trọng, nhưng “chữa chết” còn quan trọng hơn. Để người ta biết sống khỏe, biết chết lành cũng như để họ biết mừng vui trong khi hưởng phước đức và biết mỉm cười để sống thuần từ, nhân hậu và vững vàng, điềm đạm khi gặp chướng duyên, nghịch cảnh!
Xin lấy lời của một người thầy tôi quen trên mạng xã hội làm lời kết cho đôi dòng tản mạn này. Hậu thế và ngay cả ở thời đại ngày nay, người ta cần và sẽ nhớ nhiều hơn đến cái đẹp, đến lòng trắc ẩn và nhân hậu.
“Đừng bao giờ tìm lòng tốt và lời tốt ở trong một đám đông đang gây lộn. Vì khi họ ngừng gây lộn lòng tốt sẽ lại trở về”.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm