Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa
Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng.
Thiền sư Pháp Loa - Đệ nhị tổ thiền phái Trúc Lâm
Thiền sư Pháp Loa (1284-1330), có tên tục là Đồng Kiên Cương, sinh ngày 23/5/1284, quê ở Cửu La, huyện Chí Linh, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang, nay thuộc xã Ái Quốc, thành phố Hải Dương tỉnh Hải Dương. Cha ngài là ông Đồng Thuần Mậu, mẹ là Vũ Từ Cửu.
Pháp Loa là một thiền nhân Việt Nam thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Sư là môn đệ của Trần Nhân Tông. Ngài là người đã ấn hành Đại tạng kinh tại Việt Nam khoảng năm 1329 và đã để lại nhiều tác phẩm thiền học và luận thuyết về các kinh Nhập Lăng Già, Diệu pháp liên hoa, Bát Nhã balamatda.
Tương truyền, mẹ ngài từng nằm mộng thấy dị nhân trao cho kiếm thân và sau đó mang thai. Trước đó bà đã sinh 8 người con gái, nên khi có ông, tưởng sẽ là gái nữa, nên thất vọng uống thuốc phá thai. Phá tới bốn lần mà thai không hư, vì thế khi sinh, ông được đặt tên là Kiên Cương, có nghĩa là “cứng rắn”.
Từ khi còn nhỏ, Sư đã có chí khác thường, không nói lời ác, không thích đồ cay nồng, không ăn thịt cá.
Năm 1304, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (Trúc Lâm) đi khắp nơi trong nước, có ý tìm người kế thừa. Khi xa giá vừa đến thôn, Kiên Cương đỉnh lễ xin xuất gia, Trúc Lâm bảo ngay: “Đứa bé này có đạo nhãn, sau này hắn là pháp khí” và cho theo về thụ giới Sa-di. Điều Ngự lại báo sư đến Quỳnh Quán học nơi Hoà thượng Tính Giác. Khi đã có sở đắc, sư từ tạ trở về với Trúc Lâm.
Hồi đó ông được Trúc Lâm đặt tên là Thiện Lai. Thiện Lai hỏi hòa thượng Tính Giác đủ các loại câu hỏi, nhưng hòa thượng chưa khai thị cho ông được. Ông đọc kinh Lăng Nghiêm đến đoạn A Nan bảy lần hỏi về vị trí của tâm và đoạn nói về khách trần, thì bổng thấy có chỗ sở ngộ. Một hôm ông về tham yết Phật Hoàng Trần Nhân Tông, gặp lúc Trúc Lâm đang thăng đường cử bài tụng Thái Dương Ô Kê, thì trong tâm chợt tỉnh. Trúc Lâm biết thế liền bảo đi theo bên mình.
Thiền sư Pháp Loa - Nhị tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
Một hôm, ông trình Trúc Lâm một bài tụng về “tam yếu” bị Trúc Lâm gạch một gạch dài từ trên xuống dưới. Bốn lần thỉnh cầu, Trúc Lâm vẫn không chỉ giáo, bảo về tự mình tham khảo. Ðêm ấy, ông về phòng nổ lực thiền quán. Quá nữa đêm, nhận thấy hoa đèn rụng, ông bèn đại ngộ. Liền đem chỗ sở ngộ ấy lên trình lên Trúc Lâm và được ấn chứng. Từ đó ông phát nguyện tu theo 12 hạnh đầu đà, bắt chước Trúc Lâm.
Năm 1305, ông được Trúc Lâm cho thọ giới Tỳ Khưu và Bồ Tát, và cho hiệu là Pháp Loa. Năm 1306, ông được lập làm giảng chủ chùa Báo Ân. Năm 1307 cùng với 6 vị đệ tử khác của Trúc Lâm, ông được Trúc Lâm dạy cho bộ Ðại Tuệ Ngữ Lục trên am Quán Trú. Tháng năm năm đó, trên am Ðình Trú, vào ngày rằm, ông được Trúc Lâm trao y bát và tâm kệ.
Như vậy là ông được đắc pháp chỉ sau hơn 3 năm tu học. Mồng 1 Tết năm Mậu thân (1308) ông được chính thức làm trụ trì chùa Báo Ân ở Siêu Loại, được giao cho chức vụ Tổ thứ hai của thiền phái Trúc Lâm. Năm đó nhà nước cũng cho chùa 100 mẫu ruộng và cấp người cày để lấy hoa lợi cho chùa.
Thiền sư Pháp Loa với lời di ngôn cho đệ tử
Sư chuyên giảng kinh Hoa nghiêm, mỗi lần giảng cả ngàn người nghe. Tiếc rằng về sau kinh này đã bị Trương Phụ thời nhà Minh phá hủy, ngày nay không còn. Sư có nhiều đệ tử đắc pháp mà người để lại tên tuổi đến ngày nay trong thiền học và thi ca là Huyền Quang. Năm 1330, Sư lâm bệnh nặng, đệ tử xin bài kệ, Sư viết:
“Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn
Tứ thập dư niên mộng huyễn gian
Trân trọng chư nhân hưu tá vẫn
Na biên phong nguyệt cánh nhĩ khoan”
Dịch nghĩa:
“Muôn duyên cắt đứt, tâm thân nhàn
Hơn bốn mươi năm cõi mộng tàn
Giã biệt! Xin đừng theo hỏi nữa
Bên kia trăng gió mặc thênh thang”
Trong cuốn “Thơ thiền Việt Nam luận giải” Thượng tọa Thích Thanh Điện và TS Phạm Thị Thanh Hương đã cho rằng: “Đại ý bài thơ muốn nói đến là cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao - vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.
“Muôn duyên cắt đứt, tâm thân nhàn”, thiền sư đã cho chúng ta thấy rõ làm thể nào đề có được cái thân nhàn. Quán chiếu lại những việc đã qua, những gì đã làm chỉ là mộng ảo.
Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn, đồng nghĩa với muôn duyên buông hết một thân nhàn, cái tinh thần của Thiền sư Pháp Loa, nào là cái duyên thế gian, duyên xuất gia, duyên Phật sự... dù làm được bao nhiêu việc lớn lao đó, nhưng muốn có một thân nhàn thì phải biết buông hết muôn duyên.
“Hơn bốn mươi năm cõi mộng tàn”, nghĩa là hơn bốn mươi năm giấc mộng đài - ngài thọ 47 tuổi, ngài biết cái đã làm được dù có như thế nào, bao nhiêu phật sự lớn lao. Đó chỉ là làm mộng thôi, ngài cũng phủi nhẹ hết.
Tôn giả Pháp Loa: Hình ảnh của sự đạt ngộ
“Giã biệt! Xin đừng theo hỏi nữa
Bên kia trăng gió mặc thênh thang”
nghĩa là đừng hỏi những việc đã làm đó. Ngài cho rằng, mọi việc mà ngài đã làm chỉ là làm mộng, những gì đã qua, đã làm ngài không còn bận tâm nữa. Dù cái chết đến và sau khi bỏ thân này rồi thì cái biết chân thật cái ta chân thật đó mới chính là cái thường còn, không già, không bệnh chết, không sinh không diệt.
Qua bài thơ, Thiền sư Pháp Loa muốn gửi một thông điệp rằng, mọi việc trên thế gian chỉ là mộng ảo. Cuộc đời của kiếp người cũng chỉ là mộng ảo nên không chấp, không lưu luyến, không mê đắm. Khi buông bỏ được thì thân tâm sẽ nhẹ nhàng thanh thản.
Phật luôn ở trong tâm của mỗi chúng ta, ai ai cũng có, cũng đủ và cũng có thể thành để chúng ta trở nên thanh cao thánh thiện. Chỉ vì chúng ta không biết Phật ở trong tâm nên mới dính chấp vào lý, sự..., phụ thuộc vào Kinh Lục, săn đuổi theo cái thấy, cái nghe, khiến mỗi đời người trở thành nô lệ cứ lăn theo phiền não luân hồi.
Trong khi đó, Kinh Lục thì trùng trùng điệp điệp, nhiều như lá trong rừng, như cát ở biển, giấy mực văn từ không thể kể hết. Lý, Sự thì ở muôn nơi, muôn vật... Do đó, nếu chúng ta cứ lăn trôi theo những cái nhìn, cái thấy, cái nghe mà không biết trở về tìm lại chính mình thì dù có tụng niệm bao nhiêu kinh lục, lên núi, hay xuống biển để tìm Phật thì cũng không thể thấy.
Sự hiện diện của Thơ thiền đã góp một phần không nhỏ cho mạch nguồn Phật pháp được tiếp tục lưu chảy mãi, giúp cho chúng ta được tiếp cận Phật pháp dưới đa dạng các hình thức và Thơ thiền có thể được coi là một pháp môn đặc biệt giúp chúng ta tiếp cận những tinh túy nhất của Giáo lý Phật pháp thông qua trí giác ngộ của thiền sư.
Trên cơ sở của nghệ thuật sử dụng ngôn từ đậm đà chất thơ dễ đi vào lòng người, do đó chức năng khai mở tâm giải thoát cho tâm của Thơ thiền cũng trở nên tinh tế hơn, nhạy bén hơn vượt lên những giáo điều khô khan cứng ngắc.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Kiến thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Nói về Tứ niệm xứ
Kiến thức 10:40 02/11/2024Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Xem thêm