Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 30/09/2020, 08:09 AM

Mối quan hệ giữa mẹ và thai nhi theo quan điểm Phật giáo

Giữa người mẹ và thai nhi có một sự liên kết đặc biệt và thú vị. Đứa trẻ trong bào thai chịu tác động của người mẹ là điều đã được chứng minh trong khoa học.

Ảnh hưởng của người mẹ đối với thai nhi

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thế giới hiện đại khoa học phát triển cùng những phương tiện kỹ thuật cho ta thấy tầm ảnh hưởng của người mẹ tác động lên thai nhi. Giữa người mẹ và thai nhi có một sự liên kết đặc biệt và thú vị. Trong thời kỳ mang thai, mẹ và con có sự hợp nhất với nhau về thể chất, sinh lý và tinh thần. Tâm trạng của người mẹ mang thai tự đồng hóa với đứa con trong bụng, khoa học đã chứng minh “Thai phụ bị stress kéo dài, nghiêm trọng thường sinh non, em bé rất cáu kỉnh. Điều này là do stress làm tiết nội tiết tố, khiến giảm lượng oxy dẫn đến làm tăng nhịp tim đập và mức độ hoạt động của thai” (1).

Cụ thể: “Những nghiên cứu sinh lý học hiện đại đã phát hiện ra, tâm trạng của người mẹ sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến lượng nội tiết, mà các vật chất trong nội tiết sẽ theo máu thấm vào bên trong cơ thể thai nhi, khiến thai nhi tiếp nhận những ảnh hưởng xấu hoặc tốt. Nếu thai phụ mang tâm trạng căng thẳng, lo âu hay buồn rầu thì tuyến tố thượng thận và hormone của vỏ tuyến thượng thận sẽ tăng cao rồi theo máu thấm vào bên trong cơ thể thai nhi khiến tim đập nhanh hơn, thai nhi có những cử động bất thường, số lần động thai thậm chí có thể tăng gấp bốn lần, nghiêm trọng hơn khiến thai bị dị dạng” (2).

Maria Montessori phân tích yếu tố trước khi thụ thai: “Sự sống bắt đầu ở thời điểm cá thể được thụ thai. Nếu quá trình thụ thai đến từ hai sinh thể thuần khiết, chứ không phải những người nghiện rượu hay nghiện thuốc phiện… thì cá thể được sinh ra sẽ thoát khỏi một số khó khăn di truyền nhất định trong đời. Sự phát triển tốt của bào thai phụ thuộc vào quá trình thụ thai” (3).

Thai nhi 1,6kg bị phá bỏ ở tuần thai 31 sống lại kỳ diệu

Về khía cạnh nhận thức, trong tác phẩm “Tìm lại chính mình”, Menis Yousry đã đưa ra nhiều lập luận rằng trong trường hợp người mẹ không muốn giữ lại bào thai hay có những xung đột, khó chịu trong thời gian mang thai thì đứa trẻ trong bụng có thể cảm thấy ngôi nhà đầu tiên của nó không an toàn. Bụng mẹ là trải nghiệm đầu tiên và là ngôi nhà đầu tiên mà đứa trẻ chưa chào đời biết đến, nếu môi trường đó bị ảnh hưởng bởi cảm xúc lo lắng, sự hắt hủi bên trong của người mẹ thì đứa trẻ trước tiên sẽ có cảm giác thế giới là một nơi không thân thiện. Những ý nghĩ và cảm xúc của người mẹ khi mang thai có thể in sâu vào tinh thần của đứa con chưa chào đời đến mức chúng có thể tồn tại trong suốt cuộc đời của đứa trẻ. Từ những cảm xúc này quy định, định hướng đời sống cảm xúc của đứa trẻ và từ đó có thể tạo ra các mối đe dọa. Nếu trong quá trình phát triển, đứa bé trong bụng mẹ cảm thấy không an toàn thì nó cũng có một dự đoán vô thức rằng thế giới mà nó sắp chào đời cũng giống như thế giới mà nó đã trải nghiệm trong bụng mẹ. Đứa trẻ sẽ hướng tới một tính cách nhất định trong cách nhìn nhận người khác và cuộc sống ở bên ngoài của nó sẽ khó khăn hơn (4). Trong “Sản phụ tập”, Trương Diệu Tôn đời Thanh có nói: “Thai nhi trong bụng mẹ, lấy khí của mẹ làm khí, lấy huyết của mẹ làm huyết, mẹ thở cũng thở, mẹ hít cũng hít, mẹ nhân từ thì khí huyết trong sạch mà sanh con tánh thuần, ác tâm thì khí huyết vẩn đục mà sanh con tánh xấu…” (5).

Larissa G. Duncan và Nancy Bardacke đã nghiên cứu về sự ảnh hưởng của mẹ đối với con và các mối quan hệ như sau: “Ngoài mối liên quan đến kết quả sinh nở bất lợi, căng thẳng của mẹ là một yếu tố quan trọng trong nguyên nhân của trầm cảm sau sinh, xung đột vợ chồng tăng sau sinh và chất lượng của sự gắn bó giữa mẹ và con. Hơn nữa, căng thẳng nuôi dạy con cái có liên quan đến một loạt các đặc điểm nuôi dạy con không lành mạnh, rất phổ biến ở những bậc cha mẹ ngược đãi, bỏ bê và có liên quan đến kết quả bất lợi lâu dài đối với con cái, bao gồm cả bệnh tật và tử vong” (6).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Sự tác động của người mẹ lên thai nhi là điều đã được khoa học ngày nay nghiên cứu, kiểm chứng. Em bé chia sẻ tất cả những cảm xúc của mẹ, nên muốn em bé được thoải mái, vui vẻ nhất thì mẹ lúc nào cũng phải sống trong tâm trạng vui vẻ. Tùy theo tâm trạng của mẹ mà cơ thể sẽ tiết ra các loại hormone khác nhau, chẳng hạn như hạnh phúc thì cơ thể sẽ tiết ra dopamine, lúc sợ hãi là adrenaline, lúc được âu yếm là gonadotropin. Các hormone này sẽ đi qua dây rốn truyền vào máu em bé. Do đó hễ mẹ vui thì em bé sẽ vui, mẹ lo lắng bất an thì em bé cũng sẽ bất an. Đức Đại-lai Lạt-ma từng nhắc đến trong quyển “Trái tim Phật đạo” rằng: “Khi cha mẹ là những người nhiệt tâm, an lạc và điềm tĩnh, nói chung con cái họ cũng sẽ phát triển những thái độ và hành vi đó” (7).

Tác giả Lê Nguyên Phương cho rằng: “Giây phút đầu đời giữa mẹ và con cũng có thể xem như điểm đầu trong ‘hành trình chuyển nghiệp’ của mẹ cho con. Những người phụ nữ gặp căng thẳng hay bị trầm cảm trong thời gian mang thai thường có độ hormone cortisol cao trong máu hơn các bà mẹ khỏe mạnh bình an. Việc tiếp xúc với lượng cortisol cao trong máu khiến cho trẻ bị sinh non, nhẹ cân và kém phát triển, chính đứa trẻ cũng mang lượng hormone này trong máu cao hơn trẻ bình thường. Điều này khiến chúng dễ trở nên căng thẳng, tình khí khó chịu hơn, khó dỗ dành hơn. Không chỉ vậy, khi lớn lên, chúng có nguy cơ gặp nhiều khó khăn về các mặt giao tiếp xã hội và cảm xúc, đặc biệt là các chứng rối loạn tính cách”(8).

Khoa học hiện nay đã chứng minh nhưng điều đó đã được Đức Phật tuyên bố cách đây hàng thế kỷ. Kinh “Trường thọ diệt tội”: “Ở giữa hai nơi, ruột non ruột già, giống như địa ngục, bị hai tảng đá, đè ép thân thể, nếu mẹ ăn nóng thì con như ở địa ngục nóng, Mẹ ăn thức lạnh, như địa ngục lạnh” (9). Kinh Đại Bửu Tích cũng nêu rõ: “Người mẹ ăn nhiều hay ăn ít, ăn ngon ăn dở, ăn khô ăn ướt, ăn đắng cay mặn chua nóng lạnh, hoặc dâm dục, đi gấp nhảy nhót, nằm lâu ngồi lâu, thân thai đều cảm thọ khổ não” (10).

Khi nói đến vấn đề này, Tiến sĩ Thích Nhật Từ nhận định: “Mọi sự biến đổi về thể chất và tinh thần người mẹ đều là nhân tố tác động qua lại với con cái. Mọi sự đau buồn của mẹ sẽ ảnh hưởng, thậm chí có thể loại trừ đứa con thân yêu vô tội đang từng giờ từng ngày lớn lên trong lòng mẹ. Hờn giận sẽ chứa đựng mâu thuẫn, lòng tin sẽ bị mất và là nguồn gốc sinh ra tội lỗi. Ảnh hưởng này ở trẻ sinh ra bị mắc bệnh tự bế (autism, tự kỉ…), gặp ở trẻ trai gấp bốn lần trẻ gái, biểu hiện phát triển trí tuệ chậm, ít linh hoạt, phản ứng chậm. Theo Trung tâm Nghiên cứu tâm lý ở trẻ em thấy 1/3 trẻ em đến khám có vấn đề tâm lý khi mẹ mang thai, mức độ tùy thuộc vào đời sống sinh học tâm lý và cảm xúc của mẹ” (11).

Những nghiên cứu trên là cơ sở của thai giáo, giáo dục, định hướng tính cách và làm nền tảng cho sự phát triển toàn diện của trẻ sau này.

Hãy trân trọng sự sống của thai nhi vô tội

Ảnh hưởng thai nhi đối với người mẹ

Các nhà khoa học thường chỉ nói một chiều cá tính của người mẹ ảnh hưởng đến người con, không thấy họ nói đến tiến trình ảnh hưởng cá tính của thai nhi truyền sang người mẹ như trong kinh Phật đã nói. Có chăng cũng chỉ nhắc đến sự thay đổi căn bản trên hình thể do thai tác động lên người mẹ như tác phẩm “Quãng đời trong bụng mẹ”: “Ảnh hưởng giữa mẹ và thai bao giờ cũng ảnh hưởng hai chiều. Nghiên cứu xem thai đã ảnh hưởng trở lại mẹ như thế nào đã làm các nhà khoa học từ ngạc nhiên tới chỗ say mê, vì không ngờ cái thai bé tí lại có thể gây biến đổi to lớn đến thế… nét mặt bà mẹ có thai thay đổi, sự thay đổi về nội tiết, thành bụng sẽ dãn ra, dáng đi thay đổi, phù chân…”(12). Sự biến đổi như trên cũng không nói lên được điều gì, bởi đây là sự biến đổi căn bản mà hầu như các thai phụ đều biểu hiện.

Theo John Medina cho rằng các nhà nghiên cứu khoa học biết rất rõ sự thay đổi của cơ thể người mẹ mang thai như thế nào, nhưng cho đến giờ vẫn chưa giải thích được tại sao thai phụ lại có những ham thích như thế. Sự thay đổi được xem xét cụ thể như sau: Bà bầu có những trải nghiệm kỳ lạ về sở thích hay việc ghét đồ ăn thức uống khi bước vào thai kỳ, ví dụ, đột nhiên thích những món bình thường vẫn kinh hãi và ghê sợ những món bình thường vẫn mê mẩn. Có người đột nhiên yêu thích ba tháng liền món phở cuốn với nước chanh, có người  đâm nghiện các món mà thường ngày không thích đụng tới. Và các nhà khoa học lại tìm tòi lý do, họ cho rằng đây là tín hiệu của em bé thông báo nhu cầu dinh dưỡng của mình, hay cơ thể thiếu sắt của bà mẹ là lý do… nhưng tất cả dữ liệu quá mong manh (13).

Miriam Stoppard cũng cho rằng “… khẩu vị lúc mang thai người mẹ sẽ thèm ăn các món ăn kỳ lạ và chán ngấy các món ăn thường ngày vẫn ưa thích” (14).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đây là sự khác biệt rất rõ giữa thai giáo thông thường và thai giáo dựa trên quan điểm Phật giáo - mục đích chuyển nghiệp và gieo hạt giống tốt lành cho cả mẹ và thai nhi. Đứa con trong bụng làm thay đổi cả tính tình người mẹ, người mẹ đó trước đây có thể không thèm món này, món nọ nhưng bây giờ lại thèm; hay tính tình có sự thay đổi. Ít ai chú ý đến vấn đề này bởi hầu hết họ không nghĩ đến sự tác động ngược lại của thai nhi lên người mẹ theo hai chiều tích cực và tiêu cực. Dựa trên kinh điển Phật giáo, có thể kể nhiều trường hợp làm minh chứng.

Thứ nhất: Hoàng hậu Maya là một điển hình. Bà thích thực hiện các hoạt động nhân từ, đạo đức, và từ thiện  xã hội  gấp nhiều lần so với trước đây. Bởi  hạt giống của Ngài Tất-đạt-đa là hạt giống từ bi, tuệ giác và  tình thương. Chính yếu  tính này đã  tác động  làm cho bào thai được thay đổi ở mức độ tích cực, làm Bà phát triển thêm những tính tốt sẵn có trong tâm. Kinh “Hy hữu vị tằng hữu pháp” tán thán Hoàng hậu Māya khi đang mang thai Thái tử Siddhārtha: “Khi Bồ-tát  nhập mẫu thai, này Ananda, Mẹ Bồ-tát không khởi dục tâm đối với một nam nhân nào, Mẹ Bồ-tát giữ giới một cách an nhiên, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, không uống rượu… Khi Bồ-tát nhập mẫu thai, Mẹ Bồ-tát không bị bệnh tật gì, Bà sống với tâm hoan hỷ, với tâm khoan khoái…” (15).

Suốt  thời gian  thánh mẫu  Māya mang thai  thái tử  Siddhārtha, vốn là người  nhân từ, Bà  lại trở nên nhân từ hơn; Bà phát tâm bố thí, cúng dường, làm nhiều việc phước thiện. Sự thay đổi cá tính từ tốt trở thành tốt hơn của hoàng hậu Māya, phần lớn là do ảnh hưởng từ thánh hạnh của cái thai trong bụng.

Trường hợp Xá-lợi-phất cũng tương tự, Ngài  được sinh ra trong một  gia đình  thuộc dòng  Bà-lamôn. Thân phụ của Tôn giả đã từng là một luận sư nổi tiếng của đạo Bà-la-môn. Thân mẫu Tôn giả, trong thời gian  mang thai  Tôn giả  thì  tâm trí  trở nên linh mẫn khác thường, trí tuệ vượt trội đến nỗi ông em ruột của bà là Câu-hi-la, vốn dĩ cũng là một tay nghị luận đương thời, mà cũng phải  chịu thua  Bà. Bởi vậy, ông rất lấy làm hổ thẹn, phải bỏ nhà mà đi. Ông biết rằng chị mình đã chịu ảnh hưởng của cái bào thai, và đứa bé đang nằm trong bụng mẹ kia, sau này nhất định sẽ là một bậc có trí tuệ hơn người (16). Đó là sự ảnh hưởng về mặt tích cực.

Kinh Tạp A-hàm cũng nêu rõ vài trường hợp như thế: “Bà-la-môn tên là A-kỳ-ni-đạt-đa, thông đạt kinh luận Tỳđà. Bà-la-môn này sẽ cưới vợ, sau đó có chúng sanh trung ấm sẽ đến làm con. Lúc vào thai mẹ, người mẹ rất thích luận nghị cùng người. Bà-la-môn này liền hỏi các ông thầy tướng. Thầy tướng trả lời rằng: ‘Vì chúng sanh ở trong thai này sẽ thông đạt tất cả các luận thuyết, cho nên khiến người mẹ sanh ra tâm ưa thích luận nghị với người như vậy’. Như vậy, khi đủ ngày tháng, ra khỏi thai mẹ, trở thành một đồng tử thông đạt tất cả các thứ kinh luận” (17).

“Trong ấp Ba-liên-phất này sẽ có đại thương chủ tên là Tu-đà-na, có chúng sanh trung ấm đến nhập thai mẹ. Chúng sanh kia khi vào thai mẹ, khiến cho người mẹ chất trực, nhu hòa, không có tâm niệm tà, các căn trầm lặng. Bấy giờ thương chủ liền hỏi các ông thầy tướng. Thầy tướng trả lời rằng: Vì chúng sanh ở trong thai cực kỳ lương thiện cho nên khiến cho người mẹ như vậy” (17).

Về mặt tiêu cực, có thể nêu ra trường hợp vua A-xà-thế (Ajātasattu). Khi mang thai A-xà-thế, người mẹ thèm lạ lùng một món kỳ lạ; đó là thèm mút vài giọt máu trong bàn tay mặt của vua Bình Sa. Vì quá thương con, nhà vua đã lấy dao rạch tay để hoàng hậu hút máu mình. Các nhà tiên tri cho rằng đứa con sẽ là người thù của cha sau này, do tác động lên người mẹ mà khát máu cha. Do đó có tên là Ajātasattu - có nghĩa là kẻ thù chưa sanh. Sau này chính Ajātasattu đã giết chết cha mình (18). Tất cả ảnh hưởng trên, theo giáo lý nhà Phật, là do ảnh hưởng từ nghiệp của đứa bé làm người mẹ sanh tâm tham đắm các mùi vị bất tịnh, thích ăn những thức ăn cấu bẩn. Do tâm sân của thai nhi ảnh hưởng khiến người mẹ có những cơn nóng giận vô cớ. Do tâm tham của thai nhi, trong thời gian mang thai tâm sinh lý của người mẹ có những khát khao hơn lúc bình thường.

Kinh Đại Bửu Tích lý giải: “Nếu đứa con ấy đời trước từng chứa hợp các nghiệp đọa lạc làm cho thân ấy tay chân tung hoành chẳng chuyển trở được, do nghiệp ác nên chết trong bụng mẹ. Lúc ấy người mẹ chịu nhiều đau khổ hoặc phải chết. Nếu đứa con ấy đời trước tu nghiệp thiện tạo nhơn trường thọ. Lúc sắp sanh ra mẹ con an ổn không có các nạn khổ như trên” (19).

Tương tự trong kinh Vu-lan: “Nếu con hiếu thuận thì ra êm xuôi, mẹ không đau đớn gì. Con mà ngỗ nghịch thì cào thì đạp, làm mẹ đau đớn như xé như cắt” (20). Đây là một biểu hiện vật lý, nếu như quá trình giáo dục của người đó không tốt, họ sẽ có khuynh hướng  đi theo quán tính nghiệp đã gieo trồng, mà đôi lúc không cưỡng lại nổi. Cá tính được đính kèm khi con người có mặt dưới hình thức là một phôi thai.

Kết luận

Giữa người mẹ và thai nhi có một sự liên kết đặc biệt và thú vị. Đứa trẻ trong bào thai chịu tác động của người mẹ là điều đã được chứng minh trong khoa học; nhưng những tác động ngược lại của thai nhi lên mẹ là nét độc đáo, cần được nghiên cứu, thẩm định. Những cơ sở này trở thành nền tảng quan trọng cho sự phát triển về thể chất lẫn tâm lý của đứa trẻ không chỉ là một chặng đường mà còn cả cuộc đời. Do có những ảnh hưởng hai chiều giữa người mẹ và thai nhi, ta phải ý thức về trách nhiệm của mình với vấn đề chuyển hóa nghiệp lực của đứa bé ngay từ khi còn trong bụng thông qua người mẹ.

Trên cơ sở đó, người mẹ khi mang thai muốn đứa con được như ý nguyện của mình nên gieo vào thai nhi những thói quen tốt thông qua đạo đức, nhân cách người mẹ. Nhờ sự giáo dục, gieo trồng hạt giống tập thành liên tục đó mà hạt giống bản chất bất thiện của thai nhi sẽ được lấn át, chuyển hóa, hạt giống tốt đẹp được tăng trưởng.

Do vậy “nghiệp quả xấu từ vô tỷ quá khứ có thể được cải biến bằng những ý chí và hành động lành mạnh trong đời sống hiện tại, để làm nẩy mầm cho nghiệp báo tốt trong tương lai” (21).

Chăm sóc thai nhi trong ba tháng thai kỳ theo tinh thần Phật giáo

Chú thích:

1. Robert V. Kail & John C. Cavanaugh (2006), Nghiên cứu về sự phát triển con người, Nguyễn Kiên Trường dịch, Nxb Văn Hóa - Thông Tin, HN, tr.88

2. Phùng Đức Toàn (2013), Phương án 0 tuổi - chiếc nôi ươm hạt giống tài năng, Nxb Lao Động - Xã Hội, HN, tr.64

3. Maria Montessori (2013), Trí tuệ thẩm thấu, Thanh Vân dịch, Nxb Lao Động - Xã Hội, HN, tr.253

4. Menis Yousry (2018), Tìm lại chính mình, Nguyễn Bích Lan dịch, Nxb Phụ Nữ, HN, tr.23.

5. Cao Khiết (2007), Nghệ thuật giáo dục thai nhi, Nguyễn Thị Hà dịch, Nxb Đà Nẵng, TP.HCM, tr.176.

6. Larissa G. Duncan  - Nancy Bardacke (2010).

7. Nguyên Cẩn (2009), Ảnh hưởng giáo dục Phật giáo với người mẹ, trích trong “Vu lan mùa hiếu hạnh”, nguyệt san Giác Ngộ, PL: 2553, số 161, tr.37.

8. Lê Nguyên Phương (2017), Dạy con trong hoang mang - hành trình chuyển hóa chính mình để giáo dục trẻ thơ, Nxb Tổng Hợp TP.HCM, tr.27. 9. Kinh Trường thọ diệt tội.

10. Kinh Đại Bửu Tích.

11. Thích Nhật Từ (2015), Chết đi về đâu, tái bản lần 3, Nxb Phương Đông, TP.HCM, tr.52.

12. Nguyễn Thiện - Phương Dung (1977), Quãng đời trong bụng mẹ, Nxb Khoa Học - Kỹ Thuật, HN, tr.110,111.

13. John Medina (2018), Luật trí não dành cho trẻ, Nguyễn Kim Diệu dịch, HN: Nxb Thế Giới, tr.82.

14. Miriam Stoppard (2005), Cẩm nang mang thai và chăm sóc con, Nguyễn Lân Đính dịch, Nxb Trẻ, TP.HCM, tr.67.

15. Kinh Trung bộ.

16. Tinh Vân (2012), Thập đại đệ tử truyện, Như Đức dịch, Nxb Tôn Giáo, HN, tr.5.

17. Kinh Tạp A-hàm.

18. Narada Maha Thera (2013), Đức Phật và Phật pháp, Phạm Kim Khánh dịch, Nxb Tôn Giáo, HN, tr.194. 19. Kinh Đại Bửu Tích.

20. Kinh Vu lan Báo ân (2004).

21. Nguyễn Điều (2007), Khoa học về sự tái sanh theo nhà Phật, Nxb Tôn Giáo, HN, tr.87.

Nguồn: Văn hóa Phật giáo 331

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Có lắng mới nghe

Kiến thức 10:00 28/03/2024

Nếu ta phát triển được khả năng "Lắng" để "Nghe Sâu" thì ta sẽ trở thành nơi nương tựa cho rất nhiều người. Ta sẽ trở thành suối nguồn của bình an và thấu hiểu. Khi đó ta sẽ trở thành cánh tay nối dài của Bồ tát Quán Thế Âm, vị bồ tát của lắng nghe sâu, vị bồ tát đại từ, đại bi.

Bí quyết chữa vết thương lòng

Kiến thức 09:40 28/03/2024

Đa phần trong cuộc sống, ai ai cũng từng bị những chấn thương tâm lý, vết hằn sâu tâm lý, vết thương lòng, nhưng ít ai biết cách phải làm sao để chữa lành vết thương này cho nhanh, dù rất muốn.

Hạnh nhẫn nhục của Bồ tát Quán Thế Âm

Kiến thức 08:45 28/03/2024

Hôm nay, nhân ngày Lễ vía Bồ tát Quán Thế Âm, chúng ta hãy cùng noi theo hạnh nhẫn nhục của Ngài, để có sự lợi lạc trong đời sống tu học.

Ý nghĩa và lợi ích của chú Đại Bi

Kiến thức 16:00 27/03/2024

Dù ước nguyện thế nào, yêu cầu trước tiên đối với người thọ trì chú Đại Bi là phải có niềm tin nơi chú này, cung kính và giữ gìn giới đã thọ trong sạch thì mới có thể hòa cùng tâm đại bi của Bồ-tát, mới đạt được lợi ích cao quý.

Xem thêm