Mối quan hệ và vận hành của thập nhị nhân duyên
Phật giáo quan niệm rằng tất cả các pháp đều do duyên sinh. Vì cái này có mặt nên cái kia có mặt. Chúng vận hành tồn tại tương quan mật thiết với nhau qua mười hai móc xích tạo thành một vòng tròn khép kín đó là vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử.
Mười hai móc xích này là nhân tố cấu tạo hình thành các pháp hữu vi. Chúng cũng là nền tảng căn bản giúp con người đoạn trừ tất cả sự hiện hữu. Mười hai nhân duyên còn là sự khám phá độc đáo mới mẻ của đức Thế Tôn về sự vận hành của tâm thức trải qua ba giai đoạn: quá khứ, hiện tại, vị lai của một chúng sanh. Nương vào đó con người có thể hiểu được tâm ý của chính mình và sự vận hành của vạn pháp. Nhờ đó con người dễ dàng cắt đứt mối liên hệ giữa chúng, cắt đứt vòng sanh tử, thoát ly luân hồi. Nhưng thập nhị nhân duyên chỉ thật sự có giá trị đối với những ai biết biến nó thành hành động cụ thể, áp dụng vào cuộc sống thực tiễn. Ước mơ thoát khỏi sanh tử chỉ thành hiện thực đối với những ai luôn hoài bão và đem hết tâm lực chặt đứt mười hai móc xích oan khiên ấy.
Sao gọi là nhân duyên? Nhân là nguyên nhân, chỉ những vật chính nó làm nhân trực tiếp sanh ra vật khác, như hạt lúa làm nhân sanh ra cây lúa. Duyên là trợ duyên, chỉ cho những vật có tính cách trợ giúp trực tiếp hay gián tiếp cho vật khác được hình thành. Như phân, nước, ánh sáng, nhân công… là trợ duyên giúp cho hạt lúa được thành cây lúa. Vậy nhân duyên là chỉ cho các vật làm nhân cho nó mà cũng vừa là trợ duyên cho tất cả vật chung quanh nó.
Tạo nhân duyên gì để hạt giống nghiệp xấu không trổ quả?
Nhân duyên lại có nghĩa, các vật đều là nhân, các nhân đó duyên với nhau mà thành ra các vật khác. Như vôi, gạch, ngói… là nhân, các nhân này duyên với nhau mà thành ra cái nhà. Vì các pháp trùng điệp nhiều lớp làm duyên cho nhau mà thành ra vật thể này hay vật thể khác.
Vậy mười hai nhân duyên truyền nối nhau liên tục trong suốt ba đời, giống như một dây xích không có đầu mối, như một vòng lửa không biết đâu là khởi điểm. Như vậy, vô minh không phải là nguyên nhân đầu tiên của chuỗi liên kết đó, bởi vô minh cũng do duyên sinh. Vô minh là không sáng suốt, đó là những điều mê hoặc che lấp chơn tâm diệu tánh, không có sự soi sáng của trí tuệ. Nghĩa là trí tuệ vẫn hiện hữu nơi mỗi người nhưng vì bị vô minh ngăn che nên không thể chiếu sáng để thấy rõ bản chất của các pháp. Cũng như mặt trời bị mây che nên trời đất u ám. Mây tan, mặt trời lại chiếu sáng với ánh sáng vốn có của nó. Vô minh còn có tên thứ hai là si mê tức là sự không thông suốt hay không có tri kiến của bậc Chánh Giác. Do sự không thông suốt ấy, con người đã duy trì những quan điểm sai lầm, thấy vô thường cho là thường, xem đau khổ cho là thú vui, nhận giả cho là thật và nắm giữ các pháp ô nhiễm cho là thanh tịnh. Do đó, vô minh là một trong những cội rễ căn bản, là cội nguồn sanh ra tất cả các pháp ô nhiễm; tất cả những hành động bất thiện và tất cả những ý niệm sai lầm đều bắt nguồn từ vô minh. Bậc Cổ đức nhận chân ra được điều đó đã dạy:
“Nhân vô minh vọng tình nhiễm trước
Thọ, tưởng, hành, ý thức nghiệp duyên”
Vì vô minh nên có hành sanh khởi. Hành tùy thuộc vào vô minh mà phát sanh, với đặc tính đưa đến sự tái sinh. Hành nói đơn giản là hành động thiện và bất thiện, nó biểu hiện qua thân, khẩu, ý. Những hành động của chư Phật và các vị A-la-hán không thể gọi là hành vì các Ngài đã hoàn toàn tận diệt vô minh. Vô minh bắt nguồn từ bên trong con người và làm cho con người trở nên mù quáng, không nhận định được hành động của chính mình tạo tác. Nếu không có vô minh sẽ không có hành động tương tợ, không có hành động do vô minh sai sử tạo nghiệp, sẽ không có tái sinh và những cái khổ đau sẽ hoàn toàn tiêu diệt. Như vậy, vô minh và hành thuộc về nhân quá khứ. Do vì mê hoặc mà con người gây ra hành nghiệp nên nói vô minh duyên hành. Từ nơi hành động mà sanh ra thức. Như vậy thức là gì?
Học thuyết Thập nhị nhân duyên
Thức tùy thuộc hành nghiệp trong kiếp quá khứ mà phát sanh. Nói cách khác, thức tùy thuộc nơi nghiệp thiện hay bất thiện của kiếp quá khứ mà thức được tạo điều kiện phát sinh trong kiếp hiện tại. Thức này là thức đầu tiên của một kiếp sống nên được gọi là thức nối liền hay tâm nối liền vì nó nối liền kiếp quá khứ và kiếp hiện tại. Trong cái thức ấy có ngủ ngầm tất cả những cảm giác đã thọ, những đặc tính và những khuynh hướng riêng biệt trong dòng đời đã qua của một cá nhân. Theo các nhà sinh lí học hiện đại thì sự có mặt của một con người được bắt đầu trong khoảnh khắc kỳ diệu từ tinh cha huyết mẹ hợp thành. Đó là nấc tâm thức cuối cùng của kiếp trước vừa chấm dứt thì nấc tâm thức đầu tiên của kiếp hiện tại được hình thành, giữa hai luồng tư tưởng ấy chúng ta gọi là tái sinh. Chính vòng khoen thứ ba này giải thích hiện tượng tái sinh nên ngay đó thức được hình thành. Vậy từ khi có thức phát sanh thì ngay theo đó danh sắc cũng bắt đầu sanh khởi.
Ở đây danh là chỉ cho thức A-lại-da, chỉ nghe tên mà không thấy hình tướng. Sắc chỉ phần vật chất hữu hình, tức là tinh cha huyết mẹ hay còn gọi là phôi thai. Thức là thần thức hay gọi là A-lại-da, khi tái sinh thì thức này xuất hiện đầu tiên, nhập vào thai rồi lần lần nảy sinh ra thức kia nên gọi là thức duyên danh sắc. Như vậy một đứa bé trong thai vẫn hội đủ hai phần: hình thể vật chất và thần thức.
Lục nhập tùy thuộc vào danh sắc mà phát sinh. Nói khác hơn, đây là một dạng tiềm ẩn của lục thức đứa bé trong bào thai, nghĩa là lục căn của người mẹ tiếp xúc với lục trần sanh ra sự thấy, biết, phân biệt gọi là lục thức. Cái thấy biết đó thâm nhập và ảnh hưởng đến đứa bé. Khi người mẹ sống với tâm hoan hỷ, khinh an thì khi sinh đứa bé có khuôn mặt vui vẻ, thông minh, và khi trưởng thành nó cũng vẫn giữ được bản tính vui vẻ. Nói khác hơn, sắc trần luôn ảnh hưởng đến bào thai qua tư tưởng của người mẹ, ta gọi là lục nhập.
Xúc là sự xúc chạm. Nó tùy thuộc vào lục căn mà phát sinh. Đối tượng của lục căn là lục trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Lục căn tiếp xúc với lục trần sanh ra lục thức hay nói cụ thể hơn khi mắt tiếp xúc sắc trần thì nhận thức liền phát sanh, trong thời gian giao thoa xúc xuất hiện. Như vậy rõ ràng xúc phát sinh do căn trần hợp lại tạo điều kiện sanh thọ. Đây là quả hiện tại.
Thọ là sự nhận chịu, do xúc chạm mà phát sanh sự cảm nhận đó là thọ. Thọ phát sanh từ những xúc chạm của lục căn với lục trần mà sinh ra cảm giác, có thể là hạnh phúc, có thể là khổ đau nhưng cũng có khi vô ký. Giác quan không thể ghi nhận đối tượng của nó nếu không có một loại thức tương ứng. Vậy một khi đủ ba yếu tố (giác quan, đối tượng, thức tương ứng) tức nhân có xúc thì thọ được phát sinh. Đây là quả hiện tại.
Chúng sanh đều có sự cảm thọ khác nhau trước một hoàn cảnh hay một đối tượng giống nhau. Như một vật gì đó đứng trước người này thì người đó thấy một cách khác còn đối với người kia thì nhìn nhận nó một cách khác. Vậy cũng đồng một đối tượng có thể tạo cho người này có cảm giác vui nhưng lại gây đau khổ ở người khác. Như vậy là sao? Là vì do nghiệp thức phân biệt hiểu biết khác nhau nên thọ mới có sai khác.
Ái là sự khát vọng, ham muốn. Do có sự thọ nhận mà phát sinh ra ái. Ái bao gồm tất cả những hình thức khát ái, tham ái, ước muốn, dục vọng, ham muốn, nóng lòng… Khi tiếp xúc một vật sinh ra ba cảm thọ: khổ, vui và vô ký. Nhưng từ thọ chỉ phát sinh ra ái. Ái đây là ái bản ngã chính mình. Dù có thọ nhận cảm giác khổ cũng vì ái bản ngã của mình mới sinh tâm ghét đối tượng. Vì thế ái mang nghĩa rất sâu, có mặt ở ba lĩnh vực của cảm thọ. Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương Phật dạy: “May mắn thay chỉ có một sắc dục chứ nếu có hai thì tất cả mọi người trong thiên hạ không ai tu nổi”. Cho nên ta có thể nói: “Ái là kẻ thù của thế gian”. Xuyên qua ái tất cả phiền não tập khí đến với ta ví như đĩa mật, như con thiêu thân thấy lửa liền bay vào đâu biết đó là nơi kết thúc mạng sống của mình, vì thế chính ái đã làm cho chúng sanh trở lại sanh tử. Hai yếu tố quan trọng và hùng mạnh nhất trong mười hai nhân duyên là vô minh và ái dục, hai nguyên nhân chánh làm chuyển động bánh xe luân hồi. Vô minh là nguyên nhân quá khứ tạo điều kiện cho hiện tại. Ái dục là nguyên nhân trong hiện tại tạo điều kiện cho tương lai. Nơi nào có thỏa thích và dục lạc nơi đó có ái và khi bị chướng ngại, nó trở thành phẫn, hận và trở nên bất mãn. Con người mãi chạy theo lạc thú không ngừng, bám lấy những đối tượng tương ứng với lục căn nhưng họ không hiểu rằng không có số lượng lục trần nào hoàn toàn thỏa mãn lục căn. Trong sự khát khao mãnh liệt ấy, con người mong muốn có quyền sở hữu tức là phải làm chủ hoàn toàn. Từ đó phát sinh sở hữu tức thủ.
Nhân duyên vợ chồng, cha mẹ, con cái
Thủ là nắm chặt, giữ lấy. Đó là trạng thái tâm luyến ái, bám vào muốn nắm chặt lấy. Như vậy thủ là ái ở mức độ cao. Vì thủ mà con người phải làm nô lệ cho khát vọng của mình, chìm đắm vào tận cùng của đau khổ giống như con nhộng nằm trong ổ kín tối mò mà chính nó tạo ra.
Hữu do thủ mà phát sinh còn gọi là nghiệp. Phần trước ta nói hành là những hành động thiện và bất thiện trong kiếp quá khứ mà có hiện tại. Hữu cũng là hành động thiện và bất thiện nhưng nó chỉ là nghiệp hiện tại tạo điều kiện cho kiếp sống tương lai. Đó là nhân hiện tại.
Sanh do hữu mà có. Sanh ở đây không phải là một hành động lâm bồn mà nó là sự hình thành của năm uẩn trong bào thai mẹ. Sanh còn là sự sống hiện tại vận hành cho đến tương lai. Nó là sự kế tục không ngừng của dòng sông sanh mệnh.
Lão tử là mắc xích cuối cùng. Nó tùy thuộc sanh mà phát khởi. Cùng với lão tử từ đó phát sanh ra phiền não và đau khổ, đa sầu tuyệt vọng. Vì sao? Vì đã có sanh tức là có trưởng thành, già chết rồi sanh tiếp nối già chết, già chết tiếp nối sanh. Nó cứ liên tục triền miên như thế. Ngày nào con người còn bám víu vào kiếp sống sanh tồn, chưa thoát khỏi vô minh, ái dục và thủ thì cái chết chưa chấm dứt. Cuối cùng nó tiếp tục quay cuồng trong bánh xe sanh tử. Đó là quả vị lai.
Khi Phật hệ thống lại mười hai nhân duyên là Ngài đã mở cho chúng ta một con đường sáng. Công năng của nó là phá tan vòng duyên khởi luẩn quẩn sanh tử đồng thời hiểu được mười hai nhân duyên là hiểu được đầu mối các nguyên nhân căn bản chi phối mọi sinh hoạt của chúng sinh trong vũ trụ. Như vậy đối với các pháp trong thế gian ta không còn vướng mắc, không câu chấp, xả bỏ tất cả nhưng trong thực tại không một pháp nào được xả bỏ. Đó là điều mà đức Phật muốn nói với chúng ta và chính Ngài đã thực hiện chơn lý ấy ngay trên bản thân mình mà thành tựu tự ngã. Tự ngã ở đây là tự ngã chân thật bao hàm vạn pháp mà vạn pháp do nhân duyên sinh khởi. Nhân duyên sinh khởi ấy chính ở ngay trong cái tâm bình thường của mỗi chúng sinh. Nên nói:
“Ba cõi lầm mê tâm tịch tịnh
Một đời sinh tử tánh thường như
Sớm mai thấy nụ hoa hồng nở
Nhẹ bước trần sa thấy tỉnh rồi.”
Như vậy khi thấu triệt mười hai nhân duyên là ta đã trang bị cho mình một lưỡi gươm trí tuệ. Nhưng ta có can đảm cắt đứt những mắc xích sinh tử, có dập tắt ngọn lửa ái dục, có bẻ gãy những cây căm chấp thủ hay không, đó là công việc mà chúng ta phải tự làm, mỗi chúng ta phải tự ý thức lấy. Một khi chúng ta phá tan được mười hai nhân duyên sinh khởi thì con người tự mình giải thoát ra khỏi mọi khổ đau và không còn bị luân hồi chi phối nữa. Do đó, ta có thể tặng cho mình một ý nghĩa lạc quan trong cuộc sống thực tại:
“Mục đích có sẵn rồi
Nào phải vọng xa xôi
Dặm trình thong dong bước
Hoa trắng nở ven đồi.”
Mời quý Phật tử xem thêm video: "Khắc phục lòng sân hận":
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo
Nghiên cứu 09:45 19/10/2024Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.
Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội
Nghiên cứu 09:30 06/10/2024Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.
Vài suy nghĩ về quyền động vật trong kinh, luật Phật giáo
Nghiên cứu 19:05 21/09/2024Cảnh giới trí tuệ của chư Phật đã thấy và biết như thật rằng “tất cả mọi loài chúng sanh đều có tính Phật”, do đó, họ cần phải được tôn trọng, bảo tồn và thương yêu bình đẳng. Nói cách khác, từ tuệ giác của Đức Phật, Ngài đã thừa nhận “quyền động vật” nói riêng và muôn loài chúng sanh nói chung.
Xem thêm