Mùa Vu lan hiếu hạnh
Mùa Vu Lan lại về…Đất trời chuyển động theo vầng ánh nguyệt, lòng người chợt lắng đọng lại với những phút giây tháng ngày hoài niệm hoài cảm để ngước nhìn non cao.
Dõi nhìn biển rộng đang in hình bóng thân thương yêu kính của hai đấng sinh thành và dưỡng dục đã cho mỗi chúng ta cuộc đời này, cuộc sống này.
Dòng suối dịu hiền
Bài hát thần tiên
Bóng mát trên cao
Mắt sáng trăng sao
Ánh đuốc trong đêm…
Trong kho tàng ca dao - tục ngữ nước nhà có biết bao nhiêu câu ca, biết bao nhiêu ngôn từ ca ngợi, xưng tụng tán dương công ơn trời biển của cha mẹ, mà một đời người có học hoài cũng không hết, không cạn…
Công cha đức mẹ cao dầy
Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ
Nuôi con khó nhọc đến giờ
Trưởng thành con phải biết thờ song thân!
Hay như:
Còn cha còn mẹ thì hơn
Không cha không mẹ như đờn đứt dây
Đờn đứt dây còn tay lại nối
Cha mẹ mất rồi con phải mồ côi…
Ơn cha cao ngút tựa núi Thái. Nghĩa mẹ rộng lớn như biển Đông.
Biển Đông có lúc đầy vơi
Chớ lòng cha mẹ suốt đời tràn dâng.
Suốt cả một đời cha mẹ luôn lo lắng, luôn quan tâm, lắm khi mất ăn mất ngủ vì con mình. Một niềm vui nhỏ bé của con lại làm cho cha mẹ râm ran sung sướng, và một nỗi đau buồn cỏn cỏn của con có thể làm cha mẹ rát buốt cả ruột gan. Người con sẽ thật sự cảm nhận, nhìn thấy rõ “núi Thái và biển Đông” hiển hiện sừng sững và mênh mông trong cuộc đời mình khi:
Lên non mới biết non cao
Nuôi con mơi biết công lao mẫu từ…
Hay là:
Ở đời ai cũng có lần
Làm cha mẹ mới biết ơn sinh thành
Người xưa khó nhọc nuôi mình
Khác gì mình đã hết tình nuôi con!
Mùa Vu Lan đã về…
Giữa biến thiên của tạo hoá, giữa biến thiên của dòng đời bi luỵ, có những đoá hoa hồng đã mãn khai toả hương khoe sắc rồi chuyển mình thiên biến vạn hoá thành những đoá hoa nhỏ nhắn xắn xinh trắng vàng hồng đỏ để khẽ khàng đáp nhẹ trên ngực áo của những người con thương Cha nhớ Mẹ trong niềm cảm xúc chân thành với nước mắt rưng rưng…
Có những người con tự hào trước muôn người khi còn được có Mẹ trên đời, sau giờ học đã lặng lẽ phụ giúp Mẹ đẩy chiếc xe hốt rác giữa phố vắng đường khuya, khom nhặt từng cọng rác, chổi quét từng vỉa hè với lòng hân hoan hạnh phúc với phút giây nhìn thấy Mẹ được ngồi nghỉ ngơi uống miếng nước khi lưng áo đã ướt đẫm mồ hôi nhọc nhằn…
Có những người con đã luôn hãnh diện trước bạn bè khi còn được có Cha da rám nắng, tóc bạc màu bên mình, ngày hai buổi đón đưa con đến trường trên chiếc xe đạp cọc cạch, hay trên chiếc xe máy cũ càng mà Cha đã và đang dùng làm phương tiện chở khách kiếm kế sinh nhai, tích cóp từng tờ giấy bạc để nuôi con ăn con học…
Câu chuyện nhân vật Dương Phủ lặn lội đường xa tìm cho được vị đại sư Vô Tích - vốn được tôn xưng là một vị Bồ Tát tái thế- để cầu học Phật pháp. Dương Phủ đi được một quãng đường rất dài, tình cờ gặp một vị sư khác giữ chân lại, nói rằng: “Đại sư Vô Tích chính là sư phụ ta, ngài biết ngươi đang trên đường tìm đến diện kiến ngài, nên sai ta đi tìm ngươi để khuyên ngươi nên đi tìm gặp một vị Phật sống!”. Dương Phủ nghe nói đến Phật sống thì mừng lắm, vội hỏi kỹ đường đi nước bước. Vị sư kia bảo rằng: “Ngươi hãy đi thẳng về hướng Đông, khi nào nhìn thấy một người mặc áo trái, mang giầy ngược mừng rỡ đón ngươi thì đó chính là vị Phật sống!”.
Dương Phủ nghe lời, cắm đầu cắm cổ đi không ngơi nghỉ về hướng Đông, tức hướng ngược lại mà mình đã vừa đi qua, đi cho đến khi về đến… nhà mình. Người mẹ của Dương Phủ nghe tiếng con gõ cửa, trong lòng mừng rỡ, vội vội vàng vàng mặc áo không kịp ngay ngắn, xỏ ngược đôi giầy chạy ra mở cửa. Dương Phủ nhìn thấy hình ảnh mẹ “mặc áo trái, mang giầy ngược” mới tỉnh ngộ, hiểu ra rằng mẹ mình chính là một vị Phật sống, và lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ ở trong nhà vẫn quý hơn, vẫn đẹp hơn là đi tìm một vị Bồ Tát, hay Phật sống nào đó ở bên ngoài xa xa… Phật có dạy rằng: “Phụ mẫu tại đường tức chư Phật tại thế” (Cha mẹ ở ngay trong nhà chính là chư Phật ở trên thế gian) là vậy!
Lọn mía ngọt ngào
Nải chuối buồng cau
Tiếng dế đêm thâu
Nắng ấm nương dâu
Vốn liếng yêu thương cho cuộc đời…
Lễ Vu Lan đã trở thành truyền thống là một mùa đền ơn đáp nghĩa cho những người con hướng về cha mẹ bằng tấm lòng hiếu hạnh chân thành.
Mùa Báo Hiếu. Tấm lòng hiếu hạnh đó đâu đòi hỏi phải được biểu lộ bằng ngọc ngà châu báu chất đầy mâm, sơn hào hải vị bày tràn bàn, hay tiền vun bạc đống dâng lên cho cha mẹ vui sướng? Lòng hiếu hạnh chân thành là được, chỉ cần chân thành là quý rồi, nghĩa là phải tưởng nghĩ đến công cha nghĩa mẹ bằng trái tim thổn thức và tấm lòng biết ơn thật sự, không phải bằng sự hào nhoáng mang tính hình thức, hay thủ tục.
Chỉ một trái quít bé xíu nhận từ một nhà người thân, nhịn không ăn mà đem giấu trong tay áo để mang về dâng lên mẹ, cậu bé Lục Tích trong “Nhị Thập Tứ Hiếu” đã bộc lộ được tấm lòng hiếu hạnh chân thành của mình. Hay như chuyện Hàn Bá Dũ bị mẹ đánh không hề đau mà lại khóc rống lên thảm thiết, hỏi ra mới hay mọi lần bị mẹ đánh đòn rất đau nhưng không khóc vì biết rằng mẹ còn khỏe, nay bị đòn không thấy đau đớn gì nên biết sức lực mẹ đã suy kiệt, vì vậy mà mới khóc, khóc với một tấm lòng hiếu hạnh chân thành.
Những tấm lòng hiếu hạnh đó đâu có giá trị gì về vật chất, nhưng còn quý hóa gấp nghìn lần vàng bạc gấm lụa cao sang phù phiếm.
Thế nên:
Thờ cha kính mẹ hết lòng
Ấy là chữ Hiếu dạy trong luân thường!
Là những người con Phật, chúng ta quanh năm suốt tháng tinh tấn tu học pháp Phật, quy y đảnh lễ Tam Bảo, siêng chăm lên chùa thắp huơng và tụng niệm, chúng ta đừng quên một điều:
Lên chùa lạy Phật muốn tu
Về nhà thấy mẹ công phu chưa đền!
Chúng ta hãy luôn nhớ lấy điều đó khi nghĩ về công cha nghĩa mẹ bằng tấm lòng hiếu hạnh chân thành, thì mới mong con đường tu học đạo pháp của mình được thông suốt tốt đẹp và trọn vẹn …
Hãy cùng nhau cất lên tiếng hát từ trái tim nhạc phẩm “Bông Hồng Cài Áo” của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ theo văn xuôi của Thiền sư Nhất Hạnh:
Một bông hồng cho em
Một bông hồng cho anh
Và một bông hồng cho những ai
Cho những ai đang còn mẹ
Đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn
Rủi mai này mẹ hiền có mất đi
Như đoá hoa không mặt trời
Như trẻ thơ không nụ cười
Ngỡ đời mình không lớn khôn thêm
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm
Rồi một chiều nào đó anh về
Nhìn mẹ yêu nhìn thật lâu
Rồi nói nói với mẹ rằng
Mẹ ơi mẹ ơi mẹ có biết hay không
Biết gì biết là biết là con thương mẹ không
Đoá hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh
Đoá hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em
Thì xin anh thì xin em
Hãy cùng tôi vui sướng đi
Hãy cùng tôi vui sướng đi
Mẹ mẹ là lọn mía ngọt ngào
Mẹ mẹ là nải chuối buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu
Là nắng ấm nương dâu
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời
Rồi một chiều nào đó anh về
Nhìn mẹ yêu nhìn thật lâu
Rồi nói nói với mẹ rằng
Mẹ ơi mẹ ơi mẹ có biết hay không
Biết gì biết là biết là con thương mẹ không
Đoá hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh
Đoá hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em
Thì xin anh thì xin em
Hãy cùng tôi vui sướng đi
Hãy cùng tôi vui sướng đi…
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm