Năm công đức của người thực hành bố thí
Bố thí, sẻ chia, cúng dường là một hạnh lành trong thế gian. Người có tình thương, tâm tư đại lượng, thường nghĩ đến người mới có thể mở rộng bàn tay, cho đi một phần mình đang có.
Nhờ hạnh thí xả mà người đói được no, kẻ lạnh được ấm, người rách được lành, kẻ buồn được an ủi, người khó khăn được giúp đỡ… Hạnh lành này có từ ngàn xưa, được trao truyền và tiếp nối cho đến tận ngày nay.
Thí chủ là người thực hành bố thí. Với tâm hạnh thiện lành, người thường bố thí được tiếng tốt đồn xa, không có gì sợ hãi, đến đâu cũng được người yêu mến, tâm thường hoan hỷ, đời sau tái sinh trời người phước báo thù thắng. Đức Phật gọi đó là năm công đức của thí chủ.
“Một thời Phật ở tại thành Tỳ-xá-ly, trong rừng Ma-ha-bà-na, cùng với chúng Đại Tỳ-kheo 500 vị. Bấy giờ Đại tướng Sư Tử đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân, rồi ngồi xuống một bên. Khi ấy Như Lai nói với Đại tướng: Thí chủ đàn-việt có năm công đức. Những gì là năm?
- Ở đây, danh tiếng của thí chủ được truyền xa rằng, ‘Tại thôn kia có người ưa bố thí, chu cấp cho những kẻ nghèo thiếu mà không hề tiếc lẩn’. Này Đại tướng, đó là công đức thứ nhất.
- Lại nữa, Đại tướng, khi thí chủ đến trong các chúng Sát-lợi, Bà-la-môn, Sa-môn, không có điều gì sợ hãi, cũng không có điều gì nghi ngờ khó khăn. Này Sư Tử, đó là công đức thứ hai.
- Lại nữa, thí chủ đàn-việt được nhiều người yêu mến, thảy đều tôn sùng kính ngưỡng. Như con yêu mẹ, tâm không rời xa, thí chủ được nhiều người yêu mến cũng vậy.
- Lại nữa, Sư Tử, thí chủ đàn-việt khi bố thí, phát tâm hoan hỷ. Do có hoan hỷ mà hân hoan, ý tánh kiên cố; khi ấy tự thân giác tỏ biết có lạc, có khổ cũng không thay đổi hối tiếc, tự biết một cách như thật. Tự biết những gì? Biết có Khổ đế, Khổ tập, Khổ tận, Xuất yếu đế, biết một cách như thật.
- Lại nữa, Sư Tử, thí chủ đàn-việt khi bố thí, thân hoại mạng chung, sanh lên trời Tam thập tam, ở đó có năm sự kiện hơn hẳn các chư thiên khác. Những gì là năm? Thứ nhất, dung mạo hào quý, oai thần, ánh sáng. Thứ hai, tự tại với những gì ước muốn, không điều gì mà không thỏa mãn. Thứ ba, nếu đàn-việt thí chủ sanh trong loài người, thường gặp gia đình phú quý. Thứ tư, có nhiều của cải. Thứ năm, lời nói được mọi người nghe theo, làm theo.
Đại tướng Sư Tử sau khi nghe những điều Phật nói, hoan hỷ phấn khởi không thể dừng được, lên trước bạch Phật rằng:
- Cúi xin Thế Tôn, cùng với Tăng Tỳ-kheo, nhận lời thỉnh của con.
Thế Tôn im lặng nhận lời. Khi Sư Tử biết Thế Tôn đã im lặng nhận lời, liền chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lạy dưới chân rồi lui đi”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, Phẩm Đại Ái Đạo bát-niết-bàn, kinh số 6 [trích], VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.601)
Bố thí đồ tốt quả phước tốt - xấu
Lời bàn:
Thời Thế Tôn tại thế, bố thí cúng dường cho chư Tăng thường là bốn vật dụng thiết yếu (thực phẩm, y phục, chỗ nghỉ, thuốc men). Chư Tăng thường du hành nên nhận sự cúng dường như thế là tạm đủ để yên ổn tu hành. Khi Tăng đoàn phát triển, Thế Tôn còn khuyến khích hàng thí chủ kiến lập tinh xá để chư Tăng an cư mùa mưa và tập trung tu học. Tinh xá Trúc Lâm, tinh xá Kỳ Viên, giảng đường Lộc Mẫu là những trung tâm tu học lớn còn lưu dấu đến tận ngày nay.
Nhất là vào mùa mưa, chư Tăng không du hành khất thực nên sự ngoại hộ của hàng cư sĩ có vai trò quan trọng. Thời điểm này, chư Tăng tập trung thiền định, trau dồi giới định tuệ, kiện toàn thêm pháp học. Hàng cư sĩ có cơ hội thân cận chư Tăng nhiều hơn, được nghe giáo pháp và gieo trồng công đức phước điền. Chính sự nỗ lực tu học và hộ trì đã tạo ra công đức cùng phước báu cho hàng xuất gia và tại gia, bốn chúng đều hoan hỷ.
Hoan hỷ là cảm giác hân hoan, vui vẻ khi làm được điều thiện lành. Hàng xuất gia nhờ thiền định và bố thí pháp mà sinh tâm hoan hỷ. Hàng tại gia nhờ nhiệt tâm bố thí, hộ trì Tam bảo, nghe nhiều giáo pháp nên hoan hỷ ngập lòng. Nhờ hoan hỷ an lạc mà phiền não được lắng dịu, tâm an tịnh nhẹ nhàng, đây là nền tảng để tiến sâu vào lộ trình tâm linh, nhận ra bốn sự thật Khổ, Tập, Diệt, Đạo.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hai năng lực để thành đạo
Lời Phật dạy 12:45 07/01/2025Sau khi Thành đạo, nhìn về con đường tu tập đã đi qua, Thế Tôn đúc kết thành kinh nghiệm quý giá: “Có hai lực này. Thế nào là hai lực?
Hành trang cho già bệnh
Lời Phật dạy 12:19 06/01/2025Chặng cuối của cuộc đời là già bệnh và chết, ai rồi cũng phải đi qua. Đối diện với cửa tử, ta chỉ có già bệnh và khối nghiệp cả đời tích tụ đồng thời gần như bất lực trước thân phận.
Lời dạy của Ðức Phật về dấu ấn 'Thành đạo'
Lời Phật dạy 11:31 04/01/2025Ðức Phật đã chứng ngộ, đã thấu suốt dòng sông sanh tử tự bao đời kiếp, mặt trái của sự giả tạo, sự cấu thành hư huyễn..., giờ này Ngài đã tỏ sáng, viên dung như ánh trăng rằm, không còn gì che khuất.
Thế nào là trí tuệ? Thế nào là thức?
Lời Phật dạy 20:37 31/12/2024Tuệ là trí tuệ tức cái biết, thức là nhận thức cũng là cái biết. Cả hai đều là cái biết nhưng có đặc điểm khác nhau. Pháp thoại này, Tôn giả Xá-lợi-phất đã khéo léo thỉnh ý Tôn giả Đại Câu-hy-la nhằm giúp hội chúng sơ cơ nhận ra sự khác biệt này.
Xem thêm