Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 20/05/2013, 11:50 AM

Ngày lễ Phật đản ở Ucraina

Với mỗi người, hình ảnh ngôi chùa có những ý nghĩa khác nhau. Chùa là nơi làm tâm hồn trở nên thanh thản, với tôi, chùa đã là ngôi nhà thứ hai, nơi cho tôi bài học quý giá và cho tôi nhìn lại mình những ngày tháng ngoài đời thường.

  • Một cách đón Phật đản mới

  • Mời Đạo hữu ngắm và cung thỉnh tôn tượng Đức Thích Ca Mâu Ni tại đây.

    Chắc mọi người ai cũng thắc mắc vì sao chùa là ngôi nhà thứ hai được? Chùa chỉ là nhà dành cho các tăng ni thôi? Nhưng với tôi, điều đó là sự thật. Chùa không chỉ là nơi cho chúng ta sự thanh thản, mà còn là nơi để mọi người tu học. Khi quyết định sang Ucraina học tập, cũng là lúc tôi phải rời xa ngôi chùa - nhà thứ hai ấy.

    Thật may mắn tôi đã không nhầm khi chọn Ucraina. Và điều tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng là nơi đây có ngôi chùa Trúc Lâm Kharkov lớn nhất châu Âu.
     Thật may mắn tôi đã không nhầm khi chọn Ucraina.
    Mới đầu hè mà ánh nắng tươi non đã mang chút oi bức. Tôi bước chầm chậm, thong thả trên con đường Kyrgyzskaia về chùa. Ý nghĩ lan man chạy trong đầu. Tháng ba, tháng Tư rồi tháng năm, ngày mai đã là Đại lễ Phật đản rồi. Hơn hai tháng qua mải mê với công việc và học tập, tôi dường như đã quên đi chính mình.

    Khẽ mở cánh cửa nhỏ, tôi bước qua phòng bác bảo vệ. “Zđờ rất  vui!” - thì ra là tiếng chào của bác Tây ngồi cạnh, hai tháng rồi mà bác vẫn nhớ tôi. Khẽ gật đầu, tôi mỉm cười chào bác. Lối đi dài dẫn đến cổng tam quan tràn ngập màu sắc cờ đạo, những câu Phật ngôn treo khắp hai bên đường. Những bông hoa rực rỡ khoe sắc hai bên lối đi như đang chào mừng dịp lễ đặc biệt này.

    Bản nhạc Phật giáo không lời vang lên nhẹ nhàng, sâu lắng, đi vào lòng tôi mới bình an làm sao. Đàn bồ câu dạo chơi trong sân chùa. Phải chăng chúng cũng cần nơi bình yên? Mọi người đang trang trí khán đài. Bức phông lớn in hình mẹ Ma Da trong khu vườn Lâm Tỳ Ni tráng lệ. Trước phông là tượng đức Phật đản sinh đang chỉ tay lên trời. Tôi tiến gần tới lầu Quan Âm, chắp tay thầm cầu chúc cho mọi người xung quanh được nhiều điều tốt lành.

    Không khí trong chùa hôm nay vui quá, đâu đâu cũng thấy tiếng nói cười của mọi người. Có người từng nói với tôi rằng phật tử chúng mình như một gia đình vậy. Tin thế nên từ bao giờ tôi đã coi các bác, các cô trong chùa như người nhà mình vậy. Hai tháng rồi tôi mới được gặp bác Nga, tôi sà vào lòng và ôm bác. Tôi thương bác. Bác cũng vì duyên số mà phải sống xa các con, dù là một người mẹ cao cả suốt đời vì con.

    Lúc tôi đến cũng là khi công việc trong chùa đã bắt đầu một lúc. Trên khuôn mặt mọi người cho dù đã lấm tấm mồ hôi mà vẫn rạng rỡ niềm vui. Chẳng ngần ngại, tôi hòa chung với mọi người, cùng các bạn sinh viên giúp việc cho các cô các bác trong ban hậu cần ở khu bếp nhà chùa. Việc đầu tiên của tôi là gọt cà rốt. Cà rốt có tận hai bao lớn, nhưng chẳng đáng gì so với sức của mười mấy bạn sinh viên. Chẳng mấy chốc cả hai bao cà rốt đã xong. Chắc chỉ có những dịp thế này thì những bạn sinh viên đến từ các trường khác nhau mới có dịp được gặp gỡ, trò chuyện như vậy. Ngày chuẩn bị thứ nhất nhanh chóng qua đi. Cảm xúc trong tôi giờ này thật khác lúc mới bước vào chùa.

    Tôi quen với vị trí của mọi thứ trong này và chạy lăng xăng khắp nơi. Thật cảm động biết bao khi có một bác vừa ốm dậy mà vẫn tới chùa thăm mọi người. Thầy bước đến: “Bác ơi, bác thấy trong người có khỏe chưa?”. Các bác các cô vây quanh bác hỏi han ân cần, mọi người vừa lo lắng cho sức khỏe của bác, vừa mừng vì bác đã khỏe hơn rồi. Phải chăng tình thương yêu con người nằm ở đây. Bất chợt thấy mình sao vô tâm quá! Hai tháng trôi đi nhẹ nhàng mà cũng làm tôi quên đi nhiều thứ. Tôi nhìn bác lòng thầm mong bác sớm khỏi hẳn bệnh.

    Cuối cùng, Đại lễ Phật đản mà tôi mong chờ, háo hức cũng đã đến. Các bác đến chùa từ sáng sớm để chuẩn bị cho Đại lễ được chu đáo. Khi tôi đến, đã thấy nồi niêu, bếp núc sẵn sàng. Mỗi người đã vào việc của mình, trên những khuôn mặt đã thấm mệt, một phần cũng vì ánh nắng chói chang của mùa hè.

     Ấn tượng nhất là bác Hà. Dáng bác cao cao, tôi thích nghe giọng miền Nam của bác. Nghe sao thân thương đến lạ lùng. Giọng nói ấy làm tôi nhớ đến huynh Trung Hải và tỷ Giác Đạo ở Việt Nam - những người đã dạy tôi nhiều điều hay lẽ phải. Tôi yêu cả sự nghiêm khắc của bác, điều đó chẳng bao giờ làm tôi giận được. Bác đứng ở bếp từ sớm và cả ngày bác vẫn luôn ở đó để bao quát tất cả công việc bếp núc, vậy mà mỗi lần tôi hỏi gì bác vẫn ân cần chỉ bảo.

    Không chỉ bác Hà, mà tất cả mọi người từ khắp các nơi gần xa hôm nay đều hội tụ về mái chùa Trúc Lâm thân thương, cùng chung tay góp sức cho đại lễ được thành công. Các bạn sinh viên trường Đại học Hàng không có mặt ở chùa từ 8 giờ sáng phụ đỡ cho các bác. Bạn Thơ (trường ĐH Kinh tế) tâm sự: “Tớ thấy thích làm những công việc này, cảm thấy hay hay, vui vui”. Các bạn sinh viên đến từ các trường khác cũng tề tựu đông đủ về chùa trong dịp này.

    Chẳng ngại khó, chẳng ngại khổ, các bạn thanh niên phối hợp nhịp nhàng với các cô các bác, làm mọi việc từ thái rau, múc nước canh, rửa bát, nhặt rau, cắt nấm, ngâm bún,… Công việc tuy nhiều nhưng cả ngày tôi chỉ nghe thấy tiếng cười vui vẻ, thoải mái bên nhau. Giờ thọ chay có lẽ là lúc mọi người vô cùng hào hứng, không phải vì đói và mệt, mà vì được thưởng thức những món đặc biệt (không có thịt như những món chúng ta ăn hằng ngày). Ai cũng thích đồ chay này lắm. Món chay không chỉ ngon bởi công thức nấu phức tạp, kì công, mà có lẽ nó ngon bởi những bàn tay khéo léo và tấm lòng của người đầu bếp. Ai đó từng nói: món ăn mà thiếu tấm lòng thì món ăn ấy sẽ mất đi hương vị thực sự của nó.

    Khi công việc đã vơi bớt phần nào, cũng là lúc Hòa thượng Thích Gia Quang bắt đầu thuyết pháp. Các bạn sinh viên mặc cho mình những chiếc áo tràng dài trang nghiêm, nhìn các bạn mới lần đầu mặc áo còn chưa quen, tôi như được thấy chính mình cũng từng lóng ngóng vụng về khi lần đầu mặc chiếc áo ấy.
     Hòa thượng Thích Gia Quang thực hiện nghi thức tắm Phật

    Cách đây hai năm, tôi được khoác trên mình chiếc áo hạnh phúc ấy bên những huynh đệ cũng trạc tuổi mình. Và bây giờ, vẫn chiếc áo đó trên mình, tôi đứng cạnh các anh, các chị sinh viên. Dường như niềm hạnh phúc ấy đang quay trở lại!  

    Hòa thượng giảng cho chúng tôi nghe về ý nghĩa của ngày Đức Phật đản sinh. Thầy dạy chúng tôi vì sao cần sống tốt ở cuộc đời này, về sự khổ ở cuộc đời này như sinh, lão, bệnh, tử, về chánh ngữ, chánh niệm, chánh tinh tấn, chánh tư duy,… Để sống tốt trước hết cần nghĩ tốt, mà mọi suy nghĩ đều xuất phát từ tâm. Những điều ấy thật bổ ích đối với mỗi chúng ta. Một lần nữa, tôi nhìn lại mình suốt thời gian vừa rồi, có nhiều lỗi lầm mình đã gây ra.

    Sau 5 giờ chiều, Đại lễ Phật Đản chính thức bắt đầu. Mọi người từ khắp các nơi đã có mặt trong không khí trang nghiêm của Đại lễ. Ngay trước chánh điện, người lớn trẻ nhỏ tề tựu rất đông. Đâu đó có hình bóng những người địa phương và người nước ngoài cũng đến đây với nét mặt hào hứng.

    Ba vị giáo sư đến từ trường Đại học Sư phạm Kharkov tâm sự: “Chúng tôi ở nhà đã tìm hiểu về đạo Phật và đây là lần đầu tiên tôi được đến chùa dự lễ. Nền văn hóa của các bạn thật đa dạng và thú vị”. Họ không khỏi ngỡ ngàng khi bước vào Chánh Điện, trước ban Tam Bảo họ tự thắp một nén nhang lên bàn thờ thật trang nghiêm và cung kính.

    Anh bạn Iran theo đạo Hồi cũng không khỏi choáng ngợp, liên tục đặt câu hỏi tại sao. Không khí trầm lắng hơn khi ba hồi chuông trống bát nhã vang lên. Đoàn thiếu nữ áo dài đỏ tung hoa rước các thầy và các vị khách quý tiến về lễ đài. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, bình an nhưng không kém phần sôi động, hào hứng. Cả khán đài rung động bởi các tốp ca múa của các em nhỏ, các bạn thanh thiếu niên và các cô các bác Phật tử.

    Một Phật tử từ chùa Liên Phái (Hà Nội) có mặt tại Đại lễ đã tâm sự: “Thực sự cảm giác đầu tiên của các cô đến đây là vô cùng bất ngờ, không nghĩ rằng ở nơi này các bé nhỏ và các bạn thanh niên về chùa đông đến vậy. Ở nhà có rất nhiều thú vui lôi cuốn nên hiếm khi thấy được tinh thần tự nguyện đến chùa của các em. Cô cảm thấy vô cùng xúc động trước tình người nơi đây. Cho dù rất vất vả nhưng các cô Phật tử khu vực bếp luôn luôn niềm nở, chu đáo”.

    Thời điểm phóng sinh và thả bóng bay đã đến. Mọi người ngước theo đàn chim bồ câu được thả, chúng sải cánh bay vút lên trời, từng chùm bóng bay đủ màu sắc bay từ từ lên không trung như báo hiệu những điều tốt đẹp nhất. Và cuối cùng, tôi cũng được làm lễ tắm Phật cùng tất cả mọi người, một hành động vô cùng ý nghĩa.

    Tắm Phật là nghi thức tưới nước thơm lên tượng Phật sơ sinh, ngoài mục đích kỷ niệm sự kiện Phật đản sinh còn mang ý nghĩa về sự tẩy trừ phiền não, hướng đến thanh tịnh ba nghiệp Thân - Khẩu - Ý của con người. Mặc dù đã được tham gia nhiều dịp lễ ở Việt Nam, nhưng lần đầu tiên được múc gáo nước thơm tưới lên tượng Phật sơ sinh trên đất nước Ucraina này cho tôi cảm giác thanh thản đặc biệt, khó có thể diễn tả bằng lời.

    Đại lễ Phật đản thành công tốt đẹp với những nụ cười của các thầy, các bác, các cô cùng toàn thể các vị khách có mặt tại chùa. Đại lễ tuy đã kết thúc nhưng dư âm còn đọng mãi trong lòng mỗi người. Riêng tôi cảm thấy yêu cuộc đời này nhiều hơn, vì tôi đã tự tìm thấy câu trả lời cho những thắc mắc trong lòng mình suốt thời gian vừa qua.

    TIN LIÊN QUAN
    Anh Liên (Kharkov-Ucraina)

    CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

    Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

    STK: 117 002 777 568

    Ngân hàng Công thương Việt Nam

    (Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

    Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Ám áp bên Thầy ngày Nhà giáo Việt Nam

Văn hóa 16:57 20/11/2018

Sáng ngày 20/11/2018 (14/10/Mậu Tuất), phật tử đạo tràng BQT chùa Đức Hòa và Thiên Bửu đã vân tập về Tổ đình Thiên Bửu (thôn Bình Thành, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) để chúc mừng Hòa thượng viện chủ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Phật

Văn hóa 12:28 14/11/2018

Phật ngồi trên sườn núi,/Nhìn xuống đường bụi mù,/Phật đang nghĩ gì thế nhỉ!/Thương con người ngược xuôi?

Tọa đàm về tác giả bài thơ bất hủ “Em đi chùa Hương”

Văn hóa 12:18 14/11/2018

Sáng ngày 9/11/2018, Nhà xuất bản Phụ nữ và Khoa Viết văn – Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức tọa đàm “Đọc lại Nguyễn Nhược Pháp” về sự nghiệp văn chương, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày mất của nhà thơ tài hoa bạc mệnh.

An lành

Văn hóa 10:12 13/11/2018

Xin cầu thấu rõ chân diệu pháp/Hiện tượng vạn vật luôn biến đổi/Muôn sự hết thảy nương nhau thành/Để tâm tịch lặng an lành nhất/An lành như thế thật an lành!

Xem thêm