Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 24/02/2021, 08:42 AM

Ngày mới của tâm: Trở về sau những nỗi đau (I)

Tôi sinh ra ở miền quê Thanh Hóa, nơi thơm hương lúa và giọt mồ hôi của người nông dân. Nhà tôi có sáu anh chị em, tôi là đứa con thứ tư trong gia đình. Nhà tôi ở quê vốn đã khó khăn lại đông con nên cái nghèo càng bám riết chứ không thể khá giả hơn.

Những ngày mới an nhiên

Lúc tôi mới học hết cấp hai, chú thím trong Sài Gòn xin tôi về nuôi. Bố mẹ thương con nhưng cũng thương chú thím, nên năm 1984 bố một mình dẫn tôi vào ở nhà chú thím. Hai năm ở bên nhà chú thím, tôi cảm thấy hoàn cảnh của chú thím cũng còn nhiều khó khăn. Lúc ấy còn nhỏ, ngập ngừng mãi, tôi cũng xin được chú thím cho đi làm để kiếm tiền phụ giúp gia đình và nuôi sống bản thân. Chú thím đồng ý cho tôi đi làm.

Nơi đầu tiên tôi đi làm là cơ sở sản xuất kem cây và kem ký. Hàng ngày, đến nơi sản xuất kem tôi đều đem theo hy vọng có thể kiếm tiền về phụ giúp gia đình. Rồi thời gian chờ đợi tháng lương đầu tiên cũng tới, tôi nhận được số tiền ít ỏi nhưng rất quý giá là ba ngàn đồng. Thế nhưng, chưa mang được tiền về gởi cho thím, thì tiền đã bị người ta cướp mất. Tủi thân, và tiếc vì đã đánh mất số tiền có thể phụ giúp cho thím, tôi khóc. Chị nhân viên ở đó thương tình đã cho tôi một tháng lương của chị ấy. Thấy tôi không nhận, chị ấy bảo: “Cứ cầm lấy, tháng lương sau trả cho chị cũng được!” Tôi nghe lời chị, cầm số tiền về đưa cho thím, phụ bớt những khó khăn trong nhà. Nhờ những người bạn như thế, tôi làm được ở nơi sản xuất kem hai năm. Nhưng vì đồng lương ít ỏi, tôi xin nghỉ chuyển sang nơi khác làm. Tôi và thím cùng đến làm trong nhà hàng bán Hamburger. Ông chủ người Đài Loan sắp xếp tôi vào khâu cắt cổ gà. Lúc đó, tôi chưa có nhân duyên biết đến Phật pháp; vì thế mà cứ vô tư tạo nghiệp, lại còn cảm thấy mình may mắn vì có công việc ổn định. Hàng ngày tôi phải cắt cổ ba mươi con gà, tôi làm công việc đó khoảng ba năm, cho đến lúc nhà hàng bị phá sản. Nghỉ ở nhà hàng Hambuger, tôi chuyển sang phụ quán cơm, quán nhậu. Một thời gian sau tôi xin được công việc phụ bếp cho cửa hàng người Hàn Quốc.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong thời gian làm phụ bếp, tôi gặp chồng mình, nên duyên vợ chồng rồi sinh con. Để chăm sóc con cho tốt, tôi đã nghỉ làm khi sinh nở. Lúc ấy, chồng thường xuyên đi vắng, hai mẹ con tôi ở nhà nương tựa vào nhau. Khi bé ốm đau, cần chở đi bác sĩ khám, tôi nhờ hàng xóm xung quanh. Cứ thế mà mọi khó khăn đều vượt qua. Con được bảy tháng tuổi, tôi thu xếp đi làm từ sáng đến 2h chiều, rồi về đón con. Song bé còn quá nhỏ nên ốm đau nhiều, cuối cùng tôi cũng chỉ có thể đi làm nửa tháng, còn nửa tháng ở nhà chăm sóc con. Tôi ở nhà vừa chăm con, vừa nhận trông giữ trẻ để có thêm thu nhập. Khi ấy, cuộc sống gặp nhiều vất vả, nhưng tôi vẫn tin rồi từ từ mọi thứ sẽ khá hơn. Ai ngờ đâu, vào năm 2007, tôi phát hiện ra lưỡi mình bị lở bên phải. Tôi đến nhiều bệnh viện để khám, từ chuyên khoa Da liễu, tới Ung bướu rồi đến Tai mũi họng, các bác sĩ đều nói tôi chỉ bị viêm, nóng trong người. Tôi dùng nhiều đơn thuốc mà không khỏi, chuyển qua đắp thuốc Nam cũng không hết. Tôi đi nhiều thầy thuốc, ai chỉ đâu tôi cũng đi, nhưng bệnh không hết mà vết loét ngày càng to hơn.

Năm 2008, tình hình vết loét càng nghiêm trọng hơn, lưỡi tôi bị thủng một lỗ ở bên phải, tôi càng cảm thấy đau nhức hơn. Đau đớn hành hạ, tôi chỉ có thể ăn cháo. Không những thế, cứ đến 5 giờ chiều tôi lại lên cơn sốt cao, toàn thân đau đớn, chỉ biết ôm đầu khóc, lúc đó mong ước lớn nhất là làm sao có thể thoát ra khỏi cơn đau này, dù có phải chết. Mỗi ngày như thế, tôi đều phải sang nhà bác sĩ gần nhà khám và chích thuốc giảm đau. Bác sĩ khuyên tôi đi khám Da liễu. Tôi đến bác sĩ da liễu khám thì được đưa hai liều thuốc và bác sĩ dặn: “Nếu uống hai ngày không khỏi thì phải qua bệnh viện Ung Bướu khám”. Tôi lo sợ vô cùng, hai ngày sau tôi đến bác sĩ Bệnh viện Ung bướu khám bệnh. Bác sĩ cắt một phần rất nhỏ lưỡi của tôi đi xét nghiệm tế bào, và hẹn một tuần sau đến lấy kết quả. Bảy ngày sau đến nhận kết quả, bác sĩ bảo tôi cần nhập viện mổ gấp. Tôi như bủn rủn hết chân tay và sợ hãi khi bác sĩ chẩn đoán tôi bị ung thư lưỡi. Tôi như cái xác không hồn, không còn biết gì nữa. Tôi định thần một lúc, rồi ra quầy làm thủ tục nhập viện, tại đây tôi thấy nhiều người khóc, chắc có lẽ họ cũng gặp những căn bệnh hiểm nghèo như tôi. Song tôi chưa hoàn tâm, có lẽ vậy mà tôi không thể khóc được! Trên đường về tôi như không còn biết nhà mình ở đâu nữa, cứ lẩn thẩn ngoài đường.

Tại sao làm việc thiện nhưng chưa gặp quả lành?

Về đến nhà, tôi báo cho chồng và chị em mình biết bệnh tình của mình. Nhắc đến “ung thư” mọi người đều khóc, nghe đến “ung thư” dường như là đang đến gần cửa tử. Lúc ấy tôi mới òa khóc và nghĩ: “Vì sao con không ở ác mà ông trời khiến con bị bệnh ung thư quái ác thế này!”

Sau khoảng nửa tháng, tôi mới cùng chồng đi làm thủ tục nhập viện và quyết định mổ. Tôi mổ vào tám giờ sáng ngày hôm trước mà đến bốn giờ sáng ngày hôm sau mới được ra phòng hồi sức. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình bị mổ ở cổ. Tôi cứ ngỡ là mình bị câm rồi! Trong tôi giờ chỉ còn tuyệt vọng! Nghĩ lại, lúc này tôi nằm quằn quại trên giường bệnh có khác gì khi xưa những con gà quằn quại trong lúc đợi tôi cắt cổ. Đau đớn về thể xác tận cùng, cái cổ đau, cái lưỡi cũng không thể ăn, không thể nói, khiến tôi không chịu để bác sĩ đưa ống dây dài vào mũi. Lúc này quả thật tôi chỉ mong sao mình có thể chết!

Thời gian sau khi mổ, tôi ăn cháo, uống thuốc đều thông qua đường mũi; ăn cháo phải xay lỏng ra bỏ vào ống xi-lanh rồi mới bơm trực tiếp qua đường mũi. Lúc đó, tôi cũng không nói được, muốn nói gì cũng phải viết vào giấy đưa cho người thân. Sang đến ngày thứ Ba, cổ còn đau, nên tôi không thể tự ngồi lên nằm xuống được, tất cả đều cần nhờ người giúp. Về đêm, tôi không thể ngủ được, cứ nằm xuống là bị dây thọc xuống bao tử vô cùng đau đớn. Tôi cứ ôm bụng đi tới, đi lui, hết đi lại ngồi co ro ngoài hành lang cho tới gần sáng trong bệnh viện. Hành lang ấy dường như là bất tận, nó khiến tôi lang thang trong nỗi đau, để rồi gục ngã bởi tuyệt vọng.

Mấy ngày sau, bác sĩ rút ống và cho tôi tập ăn bằng đường miệng, điều tưởng như rất quen thuộc nhưng sao giờ thật khó! Tôi tập uống một xíu nước mà không uống được, nước không thể xuống được cổ họng mình. Tôi uống một ly nước chút xíu cũng mất nửa tiếng đồng hồ, tôi nhấp từng tí nước một mới có thể uống được. Rồi sau đó, mới tập ăn lại, tôi phải ăn cháo xay thật lỏng, nhìn người khác ăn cơm mà thấy thèm lắm. Tôi nằm viện được mười ngày thì bác sĩ cho tôi về để chờ ngày xạ trị. Tôi về trong nửa tháng, sức khỏe chưa ổn định, lại phải đến Bệnh viện Răng hàm mặt khám bệnh. Ở đây, bác sĩ nói tôi cần phải nhổ hết năm cái răng hàm mới có thể tiến hành xạ trị. Một ngày bác sĩ nhổ ba cái răng hàm, rồi sang ngày khác nhổ thêm hai cái răng hàm nữa. Tôi nhổ răng về như chết lần hai, đêm nằm không ngủ được, máu cứ chảy ra từ vết mổ của tôi. Một ngày tôi phải dùng hết một cây giấy để thấm máu vì lúc nào máu cũng chảy ra từ trong miệng. Nhổ hết năm cái răng hàm, nó hành tôi đau nhức cả đêm lẫn ngày. Đau nhức quá, tôi chẳng thể ăn cháo, chẳng thể uống sữa, tôi cứ thế nằm ôm đầu khóc. Rõ ràng tôi muốn chết cũng không chết được, cứ sống lắt lay cùng những cơn đau! Những cơn đau thay phiên nhau cấu xé thể xác và tinh thần của tôi lúc đó. Tôi đi từ tuyệt vọng này đến tuyệt vọng khác. Thế nhưng tôi không thể chết được, vì giờ đây tôi còn phải sống cho con nữa, con tôi còn quá nhỏ, bé cần bàn tay chăm sóc của mẹ.

Nửa tháng sau, tôi có quyết định ngày bắt đầu tiến hành xạ trị.

Đợt đầu tiên xạ trị, tôi phải xạ trị đến 25 tia. Mỗi ngày tôi bắt đầu xạ trị từ 1 giờ chiều, vì nhà xa nên 12 giờ trưa đã phải bắt đầu đi từ nhà mình. Mười bốn tia đầu tiên, sức khỏe ổn hơn, tôi có thể tự đi xe đến bệnh viện xạ trị. Đến tia thứ 15, da mặt tôi bắt đầu đen sạm như con gà ác, chỉ chừa có đôi mắt thôi. Máu từ miệng cứ chảy ra, lúc đó miệng tôi cứng ngắc không nói được nữa. Đến tia thứ 20, tôi muốn bỏ cuộc. Bỏ cuộc thật sự, tôi không còn ý muốn xạ trị nữa, người tôi lúc đó đã yếu từ từ rồi, hơi sức cuối cùng cũng đang vơi đi.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Gương mặt tôi xấu xí, mệt mỏi đánh mất dần tinh thần của tôi. Chồng tôi đi làm xa, cũng không gọi về hỏi thăm sức khỏe, tôi có gọi thì anh bảo bận đi làm mệt nên không về. Lúc ấy, tôi vẫn chưa nghĩ đến chồng muốn xa lánh mình. Giữa cơn đau bệnh tật, tôi như đang ở dưới hố sâu, không ai cứu mình hết, thì chồng tôi về bảo sẽ đi lấy vợ khác. Bất ngờ quá, tôi chưa biết nói gì với chồng mình. Rồi sau đó, khi bình tâm lại tôi bảo với anh: “Nếu anh muốn lấy vợ, thì cứ lấy 10 vợ cũng được. Nhưng bây giờ, em đang bệnh, anh đừng nói như thế trước mặt em. Nếu anh thương con, anh động viên để em sống nuôi con mình”. Anh ấy không nghe, cứ về kiếm chuyện với tôi rồi hằn học, anh vẫn quyết muốn đi lấy vợ. Tôi tuyệt vọng. Tối nào tôi cũng thui thủi ôm con mà khóc. Khi ấy, anh chị tôi phải đi làm, chỉ còn thui thủi hai mẹ con. Khi tôi mổ, anh chị thương nên đều cố gắng xin nghỉ để chăm sóc cho tôi. Đến khi xạ trị, anh chị không thể nghỉ làm thêm nữa, tôi phải tự chăm sóc con, tự nấu cháo, xay cháo cho mình ăn. Tôi ôm con mình khóc, lúc đó bé mới chín tuổi. Nhiều đêm nằm tôi nghĩ đến con mình mà thương, mà tiếp tục sống. Chứ đau đớn tột cùng vì bệnh tật, chồng thì hắt hủi muốn tìm đến hạnh phúc khác; tôi chỉ muốn tìm đến cái chết. Nhiều khi ai bán thuốc chuột đi ngang qua, tôi chỉ muốn gọi vào mua một liều uống rồi chết. Nghĩ đến bé, mới chỉ có chín tuổi, còn bé bỏng quá rất cần bên cạnh mẹ, nên tôi không còn dám can đảm tìm đến cái chết. Nhiều đêm tôi thức trắng với những nghĩ suy đó.

Tôi tìm đường giác ngộ

Đến tia thứ 25, tôi kiệt sức thật sự, khi vừa về đến nhà nằm bẹp giường, không thể ngồi dậy nổi. Lúc đó, chồng tôi không về, chỉ có hai mẹ con với nhau. Khi mệt quá, tôi nhờ mấy đứa cháu chở bé đi học. Khi khỏe hơn một chút, tôi ráng gượng dậy tự chở con đi học. Hàng xóm thấy thương, cứ bảo: “Thôi để mấy chị đi chở bé giùm luôn”. Xạ trị xong, thời gian dài không ăn được gì, ăn gì vào cũng ói ra hết, sức khỏe tôi kiệt quệ nhiều. Ba tháng trôi qua, tôi bị mất ngủ triền miên, phải tới nhà bác sĩ mua thuốc ngủ về uống, thế mà cũng chẳng ngủ được. Bác sĩ không dám bán thuốc ngủ cho tôi nữa, vì sợ uống một thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến thần kinh. Thức trắng nhiều đêm, uống thuốc ngủ nhiều, làm tinh thần tôi không còn tỉnh táo, sáng suốt nữa. Nhiều đêm, tôi cầm dao như muốn đâm chính mình, rồi nhìn đến con, tôi không còn can đảm đâm nữa! Tôi nghĩ đến số phận mình, mẹ tôi mất sớm, cha tôi lại ở xa, nên mọi đau đớn đều phải tự gánh chịu một mình. Chỉ mới ba tháng điều trị, tôi đã sút đến mười mấy ký, tôi chỉ còn 39 ký. Tôi nghĩ mình không thể sống được, chắc chắn phải đối diện với cái chết. Tôi đã nghĩ đến cái chết, nhưng nếu tôi chết thì ai sẽ nuôi con mình đây?

Khi xạ trị xong, gương mặt đen sạm đi dần, máu trong miệng cứ chảy ra, tôi đi đâu cũng phải mang khẩu trang. Mặt trông giống như con gà ác, tôi không còn dám nhìn chính mình nữa. Người ngoài không biết, cứ bảo: “Sao không mở khẩu trang ra mà nói chuyện?”, tôi chỉ biết làm thinh không nói gì. Lúc đó, tôi thấy gương mặt ấy không còn là của mình nữa rồi! Cứ thế, tôi không muốn tiếp xúc với ai, kể cả người thân. Tôi mặc cảm nghĩ rằng: “Chồng mình nhiều khi còn muốn xa lánh, huống hồ gì người ngoài”. Tôi cứ đóng cửa, nằm trong nhà một mình khóc. Tôi có một quán tạp hóa nho nhỏ để buôn bán, lúc nào khỏe thì mở ra bán, mệt thì đóng cửa nằm khóc trong nhà. Những tưởng tôi sẽ sống mãi như thế cho đến ngày sức cùng lực kiệt, thì đau đớn sẽ buông tay để tôi dễ dàng ra đi! Nhưng không, duyên lành cũng đã đến với tôi trong những ngày cùng cực nhất!

Cách nhà khoảng một cây số, có cụ già hay lui tới hàng xóm ăn bánh cuốn. Bà còn phụ giúp công việc ở tiệm bánh cuốn, nên chị chủ quán đã kể cho bà nghe hoàn cảnh của tôi. Một hôm, bà kéo cửa vào nhà rồi động viên tôi: “Cháu đừng dại gì mà chết, tự tử là đày xuống địa ngục chứ chưa trả hết nợ đâu”. Lúc đó tôi chỉ biết, chết là hết chứ chưa biết chết rồi nghiệp báo chưa trả sẽ vẫn còn đeo bám theo mình. Thấy tôi cứ nằm khóc, bà khuyên nhủ rồi đưa cho tôi băng đĩa Phật Pháp Nhiệm Mầu, đĩa giảng của quý thầy chùa Hoằng Pháp. Bà đưa cho tôi băng Niệm Phật Chuyển Hóa Tế Bào Ung Thư. Lúc đó, tôi chưa tin vào Phật pháp, tôi nghĩ bệnh ung thư bác sĩ còn không chữa được, thì làm sao niệm Phật có thể giúp được mình. Tôi không chịu đi chùa, bà ngày nào cũng kiên trì mở cửa vào nhà khuyên nhủ. Cảm động trước tấm chân tình của bà cụ, vả lại cũng không muốn bà buồn, nên những lúc bà sang chơi, tôi đều cùng bà ngồi xem băng đĩa. Không ngờ đó là nơi bắt đầu gieo duyên lành của tôi với đạo Phật. Nghe quý thầy giảng, tôi bắt đầu biết được “Gieo nhân gặt quả”, nghe vậy nhưng mà tôi vẫn chưa tin. Tôi cứ nghe giảng vì người bà hiền lành, nhiệt tình với tôi. Bà bảo tôi: “Con cứ nghe giảng rồi bà dắt con đi chùa, nhiều khi bệnh của con là bệnh nghiệp. Đi chùa, niệm Phật sám hối làm thiện rồi dần dần có khi được hết bệnh!” Tôi vẫn chưa tin.

(Còn tiếp)

(Biên tập từ chương trình Phật Pháp Nhiệm Mầu kỳ 27)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Sát na là gì? Sát na được tính như thế nào?

Kiến thức 17:08 24/11/2024

Trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói với chúng ta, thời gian tồn tại của tất cả hiện tượng này là “khoảng sát na”. Trên “Kinh Nhân Vương” nói với chúng ta, một khảy móng tay có 60 sát na, một sát na có 900 lần sanh diệt.

Giải thích các cõi trong lục đạo

Kiến thức 16:00 24/11/2024

Ðức Phật đã bảo thế-giới của chúng ta đang ở có ngũ thú là: Ðịa-ngục, Ngạ-quỷ, Bàng-sanh, Nhơn và Thiên. Các loài hữu-tình do tạo nghiệp lành nên được sanh về thiện thú, và bởi gây nhân dữ nên bị đọa vào ác đạo. Nhân duyên ấy như thế nào?

Sự cúng dường ý nghĩa nhất là gì?

Kiến thức 15:37 24/11/2024

Trong xã hội ngày nay, với nhiều biến loạn và nhiễu nhương, những người phát tâm học Phật chân chính cần phải có một nhận thức sáng suốt. Trong nhà Phật thường nói: “Muôn việc bỏ lại đời, chỉ có nghiệp theo thân”.

Tứ ân là gì?

Kiến thức 14:50 24/11/2024

Tứ ân hay Tứ trọng ân là một trong những giáo lý quan trọng của Phật giáo. Người Phật tử, vâng lời Phật dạy, luôn nêu cao tinh thần tri ân và báo ân trong đời sống tu tập hàng ngày.

Xem thêm