Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 25/02/2021, 11:06 AM

Ngày mới của tâm: Trở về sau những nỗi đau (II)

Có một ngày bà đến, và nói ngày mai có khóa tu ở chùa Pháp Bửu, sẽ dẫn tôi đi niệm Phật, đi kinh hành. Thương bà nhiệt tình với mình, nên tôi đồng ý cùng bà đi chùa. Đến chùa mà lòng tôi chưa tịnh, nghe quý thầy tụng kinh niệm Phật, tôi chỉ ngồi trách phận mình.

Ngày mới của tâm: Trở về sau những nỗi đau (I)

Vì sao bệnh ung thư lại đến với mình? Vì sao chồng tôi lại đối xử tàn nhẫn đến vậy? Nghe quý thầy và Phật tử niệm Phật, những suy nghĩ trăm mối trong đầu, tôi lại khóc nhiều hơn. Tôi chưa thể chú tâm vào câu niệm Phật. Một tháng sau, hai mẹ con tôi trở về quê ngoại ăn tết thời gian ngắn. Khi trở lại Sài Gòn, bà vẫn không quên tôi, vì thế tôi rất thương bà. Bà đến gần tôi rồi nói: “Nếu con muốn đi chùa niệm Phật, thì cần phải quy y. Quy y là mình giữ năm điều cấm: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, và không uống rượu”. Nghe thấy vậy, tôi như sực tỉnh, bốn điều cấm sau không phạm phải, nhưng “tội sát sinh” thì tôi mắc phải rồi. Bà nhắc đến sát sinh, tự nhiên tôi rùng mình, thấy bao tội lỗi của mình. Tôi ngộ ra, có lẽ ngày xưa mình sát sinh nhiều quá nên mới bị quả báo như bây giờ. Mặc dù cảm thấy sợ hãi, nhưng tôi vẫn chưa tin hẳn. Bà nói nếu tôi đồng ý sẽ đăng ký cho quy y vào ngày rằm tháng Giêng ở chùa Huỳnh Kim, Gò Vấp. Thương bà, tôi đồng ý đăng ký quy y. Vào ngày rằm tháng Giêng, tôi đến chùa nghe các thầy giảng về ăn chay niệm Phật, sát sinh và quả báo phải nhận khi sát sinh. Lúc đó, tôi khựng lại, nhớ đến lỗi lầm của mình ngày xưa. Ngày xưa tôi cắt cổ gà như thế nào thì giờ phải nhận quả báo như vậy. Tôi nhớ đến mình khi nằm bệnh viện, cũng nằm quằn quại trên giường bệnh, như mấy con gà ngày xưa khi tôi cắt cổ cũng quằn quại như vậy. Bác sĩ trị bệnh phải mổ tôi từ cằm đến chỗ mang tai chừng một gang tay, cắt hết một phần hai lưỡi... Chính lúc đó tôi nhận ra sai lầm của mình!

Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật dạy: “Nghiệp ác của chúng sinh nếu có hình tướng thì mười phương hư không không thể chứa hết”.

Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật dạy: “Nghiệp ác của chúng sinh nếu có hình tướng thì mười phương hư không không thể chứa hết”.

Sau khi nghe quý thầy giảng về sát sinh, trở về nhà tôi cũng sợ. Trong quá khứ, tôi làm công việc cắt cổ gà ở một cửa hàng làm bánh Hamburger. Trung bình mỗi ngày phải cắt cổ ba mươi con gà, tôi làm công việc đó trong vòng ba năm liên tục. Tôi cảm thấy sợ hãi khi đã sát sinh quá nhiều, đến bây giờ nghiệp phải nhận quả báo rồi.

Quy y xong, bà khuyên tôi nên thỉnh tượng Phật về, hàng ngày tụng kinh niệm Phật. Tôi nghe lời bà, đi thỉnh tượng Phật. Lúc đó, còn bỡ ngỡ với nhiều điều, tôi chưa biết tụng kinh, bà trao cho tôi quyển kinh Nhật Tụng ở chùa Hoằng Pháp. Tôi đọc một ngày vẫn chưa thuộc được nửa biến của chú Đại Bi, tôi ngồi khóc với bà. Bà thương nên bảo với tôi: “Con bây giờ đã nhận ra tội của mình, ngày nào con cũng cần phải sám hối”. Nghe lời bà, tôi không khóc nữa, ngày nào cũng chắp tay, sám hối: “Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát, ngày xưa con không biết, con còn u minh, còn tham sân si, còn sát sinh, con chưa biết đến Phật pháp. Bây giờ, con thành tâm sám hối với Bồ Tát Quán Thế Âm, con sẽ không bao giờ sát sinh nữa; con sẽ đi phóng sinh, ăn chay, niệm Phật”.

Một hôm, bà dẫn tôi đến nhà chị Hai, chị ấy cũng đi phóng sinh được mười mấy năm. Chị Hai giảng thêm cho tôi về sự sát sinh, về ăn chay niệm Phật. Từ đấy trở đi, tôi hướng đến Phật pháp, tin sâu về sự diệu kỳ của Phật pháp. Tôi hiểu, giờ quả báo của mình thì tự mình phải trả, tôi không nghĩ đến cái chết nữa. Tôi dặn chị hai, nếu có dịp đi phóng sinh nhớ gọi mình đi cùng. Tôi đi theo Phật tử và quý thầy chùa Hoằng Pháp tham gia các hoạt động phóng sinh. Cùng đi với các Phật tử tụng kinh, niệm Phật, tôi dần tìm thấy sự bình yên trong lòng. Từ ngày tôi bước chân vào cửa Phật, biết đến chùa Hoằng Pháp, tôi hiểu và tin sâu hơn về đạo Phật cũng khoảng một năm. Cũng từ đây, tôi khởi tâm muốn cho chị em và hàng xóm mình cũng biết về phóng sinh, tụng kinh, niệm Phật. Tôi cùng vài người gom góp tiền mua cá về nhà, thêm phước duyên được mời các Phật tử ở chùa Hoằng Pháp đến tụng kinh. Sau đó, mọi người hoan hỷ cùng đi thả cá phóng sinh.

Những ngày mới an nhiên

Lúc bắt đầu tập ăn chay, tôi chọn ăn chay bốn ngày trong một tháng, dần dần tăng thêm ăn chay mười ngày. Sau này, tôi thử ăn chay trong vòng một tháng nhưng vẫn còn thèm đồ mặn. Nhiều khi, tôi nấu cho con mình ăn còn dư thì tôi lại ăn tiếp. Tôi vẫn chưa dứt được nghiệp. Nhưng rồi, tôi nhớ đến quyết định ăn chay để chuộc lại lỗi lầm của mình, tôi không dám sát sinh nữa. Một buổi tối, tôi nằm mơ thấy mình đến nhà em ở Hóc Môn chơi, nhưng không vào được nhà. Có con chó to như chó Berger cứ thấy tôi là há miệng ra sủa, đòi cắn lấy tôi. Chị em tôi cứ gọi, mà tôi không thể vào được nhà. Ngày hôm sau, thức dậy tự nhiên tôi không thèm đồ mặn nữa, kể từ đó tôi quyết định ăn chay cho đến bây giờ. Mỗi lần tụng kinh, tôi đều thành tâm sám hối với Bồ Tát. Kể từ đó, mỗi lần đi phóng sinh ở chùa Hoằng Pháp tôi đều đến sớm hơn, để ra tượng Quan Thế Âm Bồ Tát sám hối. Tôi quỳ lạy trước tượng Quan Thế Âm Bồ Tát và sám hối: “Bây giờ con sám hối với Bồ Tát là không bao giờ tái phạm nữa. Con sẽ không sát sinh, không làm điều ác nữa. Con sẽ ăn chay niệm Phật, cùng mọi người đi phóng sinh. Mong Bồ Tát gia hộ cho con được tai qua nạn khỏi, các bệnh tiêu tán, vạn bệnh tiêu trừ”.

Từ ngày phát tâm ăn chay, tụng kinh niệm Phật, sức khỏe tôi tốt hơn, thể trạng khỏe mạnh hơn, nên tôi tăng được mười sáu ký (từ 39 ký lên 55 ký). Tôi cảm thấy khỏe, không còn thèm ăn đồ mặn. Hàng ngày, buổi sáng tôi tụng kinh từ 4 giờ đến 5 giờ, đến chiều từ 3 giờ đến 4 giờ. Đến 7 giờ tối thì con tôi bắt đầu học, tôi thu xếp thời gian chỉ bảo cho con mình. Vì thế, tôi sắp xếp thời gian tụng kinh ngày hai lần vào giờ sớm hơn để thuận tiện cho cả hai mẹ con. Mỗi lúc tụng kinh, tôi cũng vui lắm. Từ đó trở đi, tôi không còn nhớ những khổ đau do chồng làm mình tổn thương nữa. Mọi người thấy tôi bây giờ khỏe mạnh, cũng hỏi thăm vì sao thế? Tôi kể về Phật pháp đã cứu đời mình, khuyên mọi người tránh sát sinh để phải nhận quả báo giống tôi. Lúc mình chưa đến ngày nhận quả báo thì mình chưa biết, đến rồi thì đau khổ, tuyệt vọng. Tôi khuyên mọi người đừng sát sinh, kể cả con kiến cũng không giết. Bé nhà tôi cũng nghe lời, mỗi lần có con kiến bò vô người tôi bắt thì bé bảo: “Mẹ đừng có sát sinh nữa”. Nghe con nói vậy, tôi mừng lắm! Vì bé nghe lời tôi, bé còn nhỏ mà hiểu được câu tôi nói. Tôi thấy trong người rất an lạc, hạnh phúc.

Phật pháp luôn hiện hữu xung quanh, ai trong chúng ta cũng có thể đạt được sự nhiệm mầu...Ảnh minh họa.

Phật pháp luôn hiện hữu xung quanh, ai trong chúng ta cũng có thể đạt được sự nhiệm mầu...Ảnh minh họa.

Rồi tự nhiên, chồng quay về lại nhà, không còn kiếm chuyện nữa, không những thế anh còn vui vẻ chở tôi đi phóng sinh, hay động viên tôi đi chùa. Bây giờ, tôi thật sự cảm thấy vui sướng. Vừa rồi, tôi đến bệnh viện làm xét nghiệm máu và thử các kết quả, bác sĩ đưa ra kết luận tôi đã hết bệnh, không còn dấu hiệu ung thư. Nghe kết quả xong, tôi đã khóc vì quá vui mừng. Mẹ Quán Thế Âm Bồ Tát đã thấy được lòng thành của tôi, gia hộ cho tôi tai qua nạn khỏi. Khi về nhà tôi mua trái cây, hoa về dâng lên Quan Thế Âm Bồ Tát. Ngồi tụng kinh tôi khóc, rồi bạch với Bồ Tát: “Con vui mừng quá nên con khóc, con được Bồ Tát Quan Thế Âm cứu lấy cuộc đời, gia hộ cho con hết bệnh. Con xin Bồ Tát gia hộ cho con được đến chương trình “Phật Pháp Nhiệm Mầu”, để con kể câu chuyện của mình, để nói với đại chúng là đừng bao giờ sát sinh, hạn chế sát sinh, nếu còn sát sinh có thể chịu đau khổ giống như con”. Và bây giờ tôi thật may mắn khi được ngồi đây kể lại câu chuyện này cho quý bạn đạo nghe. Giờ đây tôi thấy bình yên đến lạ. Hạnh phúc bình dị của tôi là hết bệnh, sống vui vẻ bên cạnh chồng và con cái chăm lo vào học hành. Có lẽ, điều đó đến từ tấm lòng thành biết sám hối tội lỗi của mình.

Nhân vật: Phật tử Diệu Phước

Nhận định của thầy Thích Chân Tính

Chúng ta có thể nhìn thấy bài học về nhân quả trong câu chuyện cuộc đời của cô Diệu Phước. Trong cuộc sống, vì miếng cơm, manh áo, chúng ta phải đi làm để có tiền mưu sinh. Thế nhưng, cũng do vô minh, chúng ta không biết được nhân quả tội phúc, nghiệp báo luân hồi nên đã làm bất cứ việc gì, miễn là có tiền, miễn là nuôi sống được bản thân. Từ chỗ đó, chúng ta đã gây tạo rất nhiều tội lỗi mà không biết. Điển hình như trường hợp của cô Diệu Phước, trong kinh thường nói “Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Bồ Tát khi làm một điều gì nghĩ đến hậu quả của nó, nên cân nhắc dè dặt để không bị quả báo, còn chúng sinh cứ làm, miễn là có tiền, thỏa mãn dục vọng của mình là được, đến khi quả báo đến phải chịu biết bao nhiêu đau khổ mới than trời, trách đất. Trong Quy Sơn Cảnh Sách có đoạn:

Giả sử bá thiên kiếp      

Sở tác nghiệp bất vong

Nhân duyên hội ngộ thời

Quả báo hoàn tự thọ.

Nghĩa là, dù trải qua trăm nghìn kiếp, một khi hạt giống đã gieo, đủ nhân duyên sẽ ra hoa, kết quả. Trong kinh Pháp Cú, đức Phật cũng đã dạy: “Chẳng phải bay lên không trung, chẳng phải lặn sâu xuống dưới đáy biển, dù tìm khắp thế gian này, không có nơi nào trốn khỏi ác nghiệp đã gây”. Nhân quả rất công bằng, chỉ có quả đến nhanh hay chậm mà thôi, đã gieo nhân chắc chắn một ngày nào đó phải nhận lấy quả báo mà mình đã gieo. Đức Phật dạy có: “Hiện báo, sinh báo và hậu báo”. Hiện báo nghĩa là ngày hôm nay mình gieo một hạt giống thì ngày mai hoặc trong đời này sẽ gặt quả, đó gọi là “hiện báo”. Ngày hôm nay chúng ta gieo hạt giống, tạo nghiệp nhân ác nhưng có thể kiếp sau mới thọ nhận quả báo, đó gọi là “sinh báo”. Ngày hôm nay, chúng ta gieo hạt giống, gây tạo nghiệp nhân nào đó, có thể năm, mười kiếp sau mới nhận lãnh hậu quả, đó là “hậu báo”. Chúng ta thấy quả báo không sai chạy, có người nhận quả báo hiện tiền, cũng có khi ngày nay gây tạo nhưng đời sau hoặc vài đời sau nữa quả báo mới đến. Trường hợp của cô Diệu Phước chính là quả báo hiện tiền.

Có một lần, các đệ tử bạch với đức Phật: “Bạch đức Thế Tôn, đã bao nhiêu kiếp Ngài đi qua, vượt qua?”. Đức Thế Tôn trả lời: “Rất nhiều, này các Tỳ kheo, những kiếp ta đã đi qua, ta đã vượt qua, thực ra không thể kể đến được những kiếp ta đã đi qua là một vài kiếp, một vài trăm kiếp, một vài ngàn kiếp, một vài chục ngàn kiếp, hay một vài trăm ngàn kiếp”. Các đệ tử hỏi tiếp: “Bạch đức Thế Tôn, xin Ngài có thể cho chúng con một ví dụ”. Đức Phật trả lời: “Này các Tỳ kheo, ví như có bốn người đệ tử, mỗi người đệ tử sống một trăm năm, một ngày người đệ tử đó nghĩ về một trăm ngàn kiếp quá khứ. Vậy thì bốn người này một người sống một trăm năm, mà mỗi một người một ngày nghĩ về một trăm ngàn kiếp cứ cộng lại thì đó là bao nhiêu kiếp đức Thế Tôn đã đi qua”.

Khi đọc bài kinh này, tôi mới thấy được rằng trong vô thỉ kiếp chúng ta đã trôi lăn trong vòng luân hồi lục đạo này không thể tính đếm được. Đức Phật dùng ví dụ “một ngày nghĩ về một trăm ngàn kiếp, cộng một trăm năm và nhân cho bốn người” ý muốn nói rằng chúng ta đã trải qua không biết bao nhiêu đời kiếp trong quá khứ. Mỗi một kiếp chúng ta đã tạo bao nhiêu nghiệp ác? Thử tưởng tượng ngay trong một đời này thôi, lấy tiêu chuẩn là năm giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, chúng ta đã phạm bao nhiêu? Rất nhiều! Vậy thì quá khứ hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu, hàng tỷ kiếp về trước chúng ta đã tạo bao nhiêu nghiệp ác? Kiếp thứ nhất chúng ta tạo nghiệp ác, kiếp thứ hai trả chưa hết đã tạo dồn qua kiếp thứ ba, đến kiếp thứ ba trả thì ít mà tạo thì nhiều… Đây là sự thật. Trong một đời, chỉ tính đến giới sát sinh thì quý vị đã tạo nghiệp bao nhiêu rồi? Vậy thì, trong vô thỉ kiếp đến giờ, chúng ta gây tạo quá nhiều, trả chưa hết mà cứ chồng chất thêm những nhân mới. Có nhiều người mới tu được một chút đã bảo tu mà Phật không chứng toàn gặp tai nạn. Trong khi hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu, hàng tỷ kiếp chúng ta tạo, mà giờ mới tu một thời gian ngắn đã đòi hóa giải hết nghiệp quả. Rồi nghĩ rằng Phật pháp không linh, rồi đôi lúc chúng ta chán nản không muốn tu. Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật dạy: “Nghiệp ác của chúng sinh nếu có hình tướng thì mười phương hư không không thể chứa hết”. Quả thực, nếu tội ác chúng ta có hình tướng thì không biết chỗ nào chứa hết được tội nghiệp của chúng sinh!

Tại sao làm việc thiện nhưng chưa gặp quả lành?

Tất cả chúng ta, ai cũng mưu sinh, phải sống, phải ăn, thế nhưng nên suy nghĩ kỹ về nghề nghiệp của mình. Có thể nghề nghiệp của mình ngày hôm nay kiếm được nhiều tiền nhưng nếu đó là nghề ác thì chúng ta dứt khoát không làm, bởi vì cái lợi của đời này không bằng cái khổ của nhiều kiếp về sau. Đời này chúng ta còn được làm người, đời sau phải đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh; quý vị thấy cái khổ gấp trăm gấp ngàn lần so với cái sung sướng hưởng thụ ở trên cuộc đời.

Tôi rất mong quý vị qua câu chuyện cuộc đời của cô Diệu Phước, lấy đó làm bài học cho mình. Chúng ta cố gắng không sát sinh, bởi không có tội nào nặng bằng tội sát sinh và cũng không có phước nào lớn bằng phước phóng sinh. Chúng ta cứ lấy thân của mình mà suy ra thân của chúng sinh, khi chúng ta sắp sửa bị người ta đánh đập, giết chết, chúng ta lo sợ, đau khổ như thế nào? Và trong lúc đó, nếu được ai cứu thoát khỏi cái chết thì chúng ta sung sướng như thế nào? Từ đó, chúng ta mới cảm nhận được loài vật cũng biết quý tiếc mạng sống như con người vậy.

Tôi cũng nghĩ, phải có một phần thưởng xứng đáng cho bà cụ đã giúp cho cô Diệu Phước biết được Phật pháp. Chúng ta cần có những lời ca ngợi tán thán bà cụ đã cứu được một con người từ chỗ tuyệt vọng đau khổ để ngày hôm nay biết được Phật pháp, biết được tu để giải thoát cái nghiệp, cái khổ của mình. Tôi cũng mong rằng tất cả quý Phật tử noi gương bà cụ. Trong cuộc sống có rất nhiều người vì vô minh nên họ lao vào làm những điều ác mà không biết. Vậy, mình phải thương tất cả những người đang trong hoàn cảnh đó, giúp họ biết và hiểu sâu được Phật pháp. Cho người ta tiền không bằng cho người ta biết đến Phật pháp. Nếu cho tiền tiêu xài xong rồi thôi, họ sẽ tiếp tục làm những điều tội lỗi. Còn chúng ta nối nhân duyên họ với Phật pháp, họ hiểu rồi tự biết tu, tự tránh xa con đường tội lỗi, tự tạo cho mình phước báu trong đời này, đời sau.

Phật pháp luôn hiện hữu xung quanh, ai trong chúng ta cũng có thể đạt được sự nhiệm mầu nếu chúng ta tìm được minh sư đúng nghĩa và nỗ lực tinh tấn tu tập đúng pháp mà đức Thế Tôn đã truyền trao. Cô Diệu Phước cũng thế, khi vô minh không hiểu được nghiệp báo, nhân quả, cô đã gây ra nhiều tội lỗi, nhưng khi hiểu được Phật đạo, cô đã quay về với chính mình tinh tấn tu tập để chuộc lại những lỗi lầm đã gây ra như một lời sám hối chân thành và sự mầu nhiệm đã đến với cô.

(Biên tập từ chương trình Phật Pháp Nhiệm Mầu kỳ 27)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Ý nghĩa hoằng pháp từ ngày vía Bồ tát Quán Thế Âm

Kiến thức 15:40 19/03/2024

Các ngày “vía” Bồ-tát Quán Thế Âm (19/02, 19/06, 19/09) có lẽ đã được tín đồ Phật giáo dựa trên nền tảng lễ Tam hợp để hình thành. Việc tổ chức các lễ vía của Ngài cần phải được duy trì và phát triển. Bởi vì “vía” là dịp để mọi người tỏ lòng tôn kính và ôn lại công hạnh của quý Ngài.

Người bình thường hoặc Phật tử mới quy y nên tu tập thế nào mới đúng?

Kiến thức 14:00 19/03/2024

Theo Phật đúng nghĩa là sẽ tốt cho bản thân, gia đình, xã hội và đất nước. Thế nào là nghĩa theo Phật?

Ý nghĩa vãng sanh

Kiến thức 12:45 19/03/2024

Thế giới mà chúng ta đang sống luôn bất an, bất toàn và tạm bợ mà trong kinh A Di Đà gọi là trược thế. Kiếp nhân sinh đầy ô trược và tai nạn: mưa gió trái mùa, bão lụt, động đất, sóng thần, hạn hán, biến đổi khí hậu gọi là kiếp trược.

Hoà thượng Thích Thanh Từ: Tu là nguồn hạnh phúc

Kiến thức 12:31 19/03/2024

Chúng ta tu là để tìm con đường an lành hạnh phúc, thảnh thơi tự tại. Không phải tu để mà tu, chẳng biết lợi ích gì trong cuộc sống. Cho nên chúng tôi muốn làm sao Tăng Ni, Phật tử đều thấy được lợi ích thiết thực trong việc tu hành của mình.

Xem thêm