Ngày Tết cúng chay, ăn chay mang tính tâm linh, đậm bản sắc văn hóa dân
tộc Việt. Với Phật giáo, ăn chay tránh được nghiệp báo sát sinh, phát
khởi tâm từ bi, trước nỗi khổ đau của chúng sinh.
Tết Nguyên Đán là tiết lễ đầu tiên trong năm, mở đầu cho một năm mới với bao niềm tin và hy vọng về những thay đổi tốt lành. Sau một năm tảo tần, vất vả làm ăn, “năm hết Tết đến” là dịp để mọi người nghỉ ngơi và sum họp.
Tết là một sinh hoạt văn hóa với nhiều ý nghĩa vô cùng thiêng liêng và cao quý. Quanh năm suốt tháng, mọi người đều phải lo làm ăn để kiếm sống, có người phải đi làm ăn nơi đất khách quê người.
Vì thế, ngày Tết là ngày để mọi người được đoàn tụ dưới mái ấm gia đình của mình. Hầu hết mọi người, dù có khó khăn đến đâu, dù cách xa đến đâu, họ cũng cố gắng trở về để cùng đón Tết với gia đình. Tất cả các thành viên trong gia đình đều cùng nhau chuẩn bị cho ngày Tết.
Các mẹ, các chị thì lo việc bếp núc, cổ bàn, còn những người đàn ông, con trai thì lo quét dọn nhà cửa, vườn tược, bàn thờ gia tiên cho trang nghiêm, sạch đẹp. Mỗi người một việc và mọi người đều làm việc trong niềm hân hoan, trịnh trọng.
Mặc dầu ngày nay xã hội phát triển hơn trước, nhiều người rất bận rộn trong công việc, thế nhưng phần lớn các gia đình đều có làm các món thực phẩm truyền thống, những món ăn dân tộc trước thì để cúng tổ tiên, sau là để ông bà, con cháu cùng thưởng thức, cùng ôn lại những giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc.
Nhưng, có ai nào có thể biết khi tết đến xuân về hàng trăm hàng nghìn sinh vật vô tội bị chết một cách oan ức bởi do sự hưởng thụ một cách vô tâm của loài người chỉ vì sự ăn ngon mặc đẹp mà làm cho bao nhiêu sinh mạng phải bị chết dưới bàn tay vô tâm của chúng ta? Nhưng chúng ta nào biết được khi đã hết phước đức ấy thì những ác nghiệp sẽ theo ta cho đến khi ta mệnh chung và chịu cảnh đọa đày đau khổ, con vật cũng giống như con người thôi, nó cũng tham sống sợ chết lắm bạn à!
Khi bạn làm một việc gì đó mà bị đứt tay một chút là bạn đã thấy đau đớn, huống gì một sinh vật bé nhỏ nó cũng mong cầu sự sống như bạn, nhưng bạn lại vô tâm giết chết nó thì nó sẽ đau đớn biết nhường nào? Nó sẽ ôm lòng oán hận từ kiếp này sang kiếp khác. Và cũng chính bạn đã gây nên oan oan tương báo lẫn nhau vì “oan có đầu nợ có chủ” mà. Chính vì thế, ngày hôm nay tôi kêu gọi các bạn hãy bảo vệ sinh vật giống như bảo vệ mạng sống của chính mình. Các bạn cũng biết nếu như ta ăn chay sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và tránh được nhiều vấn đề như bệnh tật, sát sinh, ô nhiễm nước, phí phạm đất đai...
Các nhà khoa học trên thế giới đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu và thí nghiệm về cơ thể loài người và đi đến kết luận loài người được tạo hóa sinh ra để ăn rau cải, hoa quả tức ăn chay thay vì ăn mặn.
Thứ nhất hai hàm răng của con người được cấu trúc một cách đặc biệt, lại có răng hàm cùng xương quai hàm để nghiền và nhai thức ăn giống loài động vật ăn rau quả, không ăn thịt sống. Trong khi đó, loài động vật ăn thịt sống có răng cửa và bộ răng nanh bén nhọn để xé thịt.
Thứ hai, đối với loài người và những động vật ăn rau cải, hoa quả thì hệ tiêu hóa dài gấp 12 lần chiều dài của thân thể, nên chúng ta cần nhiều thời gian hơn để tiêu hóa và bài tiết. Vì thế, mỗi lần con người chúng ta ăn chay thì cảm thấy nhẹ nhàng và ngược lại nếu ăn mặn thì cảm thấy nặng nề, khó chịu và buồn ngủ. Bởi vì, lúc đó thận phải làm việc nhiều để thanh lọc những độc tố từ thịt đưa ra khỏi máu và đào thải ra ngoài bằng đường bài tiết.
Đối với những người trẻ tuổi, thận còn khỏe mạnh thì chưa ảnh hưởng gì nhiều; còn với những người lớn tuổi, thận càng ngày càng yếu thì quá trình đó sẽ diễn ra khó khăn hơn. Đôi khi thận không thể loại hết những cặn bã độc tố, làm cho máu dơ, từ đó dễ sinh bệnh,ăn chay sẽ tránh được bệnh tật.
Thứ ba, tránh sát sinh: Giáo lý Phật giáo có dạy "Tam quy và ngũ giới". Tam quy là ba phép gìn giữ về: Quy y phật, quy y Pháp và quy y Tăng, còn ngũ giới là năm điều cấm kỵ như: sát sinh, đạo tặc, tà dâm, nói dối và uống rượu. Cho nên, nếu con người ăn chay thì xem như chúng ta đã thực hiện được điều thứ nhất trong ngũ giới và tránh việc sát sinh để cung ứng thức ăn hàng ngày cho chúng ta.
Thứ tư, tránh được sự xung đột xã hội: Nếu mọi người trên trái đất này đều ăn chay thì con người sẽ giảm bớt sự tham lam và sân si. Một nhà bác học đã nói: Muốn thế giới hòa bình, trong bữa ăn của con người phải không có thịt, cá... Đây là lời nói mang tính nhân văn cao, không khác với câu của cổ nhân "Nhứt thế chúng sanh vô sát nghiệp, hà sa thế giới động binh đao" (Nếu tất cả mọi người không sát hại lẫn nhau, thì sợ gì thế giới có chiến tranh).
Thứ năm, tránh phí phạm đất đai: Theo tài liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ trên 90% tổng sản lượng lúa mì tại đây được dùng vào kỹ nghệ chăn nuôi, cứ 16 cân lúa mì đem chăn nuôi chỉ thu được khoảng một cân thịt. Và trong tác phẩm “Protein - Their Chemistry and Politics”, tiến sĩ Aaron Altshul đã viết "Nếu chúng ta sử dụng miếng đất có diện tích là một mẫu Anh để trồng hoa màu cung cấp lương thực cho người ăn chay, chúng ta sẽ thu được một lượng gấp 20 lần nếu chúng ta sử dụng miếng đất đó để chăn nuôi".
Nói chung, ngày Tết cúng chay, ăn chay mang tính tâm linh, đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Với Phật giáo, ăn chay tránh được nghiệp báo sát sinh, phát khởi tâm từ bi,trước nỗi khổ đau của chúng sinh. Với khoa học, ăn chay tốt cho sức khỏe, giúp cơ thể tránh nhiều độc tố do thịt động vật nuôi thường dùng thức ăn có hóa chất, phòng ngừa được một số bệnh như các bệnh về tim mạch, ung thư, béo phì,tiểu đường, sỏi mật… Ngoài ra, ăn chay còn giúp bảo vệ môi trường sinh thái, gìn giữ trái đất, không khí và nước uống được trong sạch không ô nhiễm.
Tâm Thư
* Những món chay tại Long Vĩ Palace, 175 Nguyễn Thái Học, Hà Nội (Ảnh: Thường Nguyên)