Nghệ sĩ Thành Lộc: Theo đạo Phật, sống lương thiện và có ích
Thực ra tôi đã chối bỏ nhiều cơ hội lắm, cả cơ hội về danh vọng và tiền bạc. Từ bỏ đến mức người nói tôi ngu, cờ đến tay mà không chịu phất. Nhưng thôi. Nói cho cùng, nghệ thuật sống cuối cùng là nghệ thuật chịu từ bỏ.
>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài Phỏng vấn tại đây
Anh theo đạo Phật và chịu ảnh hưởng sâu sắc triết lý Phật giáo. Một nghệ sĩ Phật tử thì khác gì với nghệ sĩ không tôn giáo?
- Tôi không biết. Nhưng tôi thấy điều này, giờ kể lại. Trong ngày giỗ tổ, khi tôi đang đứng thắp hương thì có một số nghệ sĩ đàn anh nói: "Làm gì mà tin tưởng dữ vậy? Tôi nè, tôi có đốt cây nhang nào đâu mà vẫn hay như thường". Anh ấy diễn hay thiệt. Nhưng cái hay của anh ấy mỗi lúc một mai một dần và cho đến giờ, trong hành trang không có gì để đời cả. Khán giả đã quên anh ta là ai. Sống thiếu đức tin, mình dễ buông tay, cả trong nghệ thuật.
"Lòng tham vô cùng, đời người hữu hạn". Trước mâu thuẫn đó, anh phải gạt bỏ những cái tham nào?
- Thực ra tôi đã chối bỏ nhiều cơ hội lắm, cả cơ hội về danh vọng và tiền bạc. Từ bỏ đến mức người nói tôi ngu, cờ đến tay mà không chịu phất. Nhưng thôi. Nói cho cùng, nghệ thuật sống cuối cùng là nghệ thuật chịu từ bỏ.
Anh thú nhận: "Tôi đang tập sống theo những điều Phật dạy, nhưng chưa được". Làm một con người lương thiện và có ích vẫn chưa đủ với anh sao?
- Tôi hay nghĩ đến nụ cười miên viễn và toàn giác của Đức Phật.
Sự suy tàn và cái chết, anh muốn nói gì về nó?
- Tất yếu mà, có gì phải né tránh.
Anh sẽ làm gì khi khán giả không còn thích anh nữa?
- Làm thinh. Rút về phía sau. Cái gì cũng có luật đào thải, tôi cũng sẽ tàn lụi, nhưng mình chơi cho tốt, cho đẹp thì sẽ chơi được lâu hơn. Trong nghệ thuật, người bị đào thải nhanh là người không đẹp. Hãy chơi cho đúng luật để cuộc chơi cho lâu dài.
Và sân khấu kịch nói TP HCM sẽ như thế nào nếu anh không yêu thích nó nữa?
- Tôi chưa hình dung được điều đó. Đến giờ tôi vẫn thích kịch và chắc chẳng bao giờ hết thích, chỉ làm không nổi nữa thôi. Tôi chỉ hết thích khi kịch không còn chân thật nữa, nó giả dối và trở thành công cụ chuyển tải những ý đồ không phục vụ cho vẻ đẹp của con người.
Đến bao giờ anh bắt đầu đọc những cuốn sách viết về cái chết?
- Chưa đâu. Tôi không sợ chết. Không phải chúng ta, ai cũng đang dần đi tới với cái chết của mình đó sao? Đã là chuyện tất yếu, tôi không nghĩ nhiều về nó. Nhưng tôi cũng đã chọn lựa một cái chết cho mình. Tôi sẽ hiến xác mình cho y học. Ngay cả chết cũng nên lựa chọn một cái chết có ích cho đỡ phí, phải không?
Anh từng đứng ở ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Anh nghĩ gì trong lúc đó?
- Tôi nghĩ đến mẹ. Tôi chỉ sợ tôi chết trước mẹ tôi thôi. Hiện giờ tôi là người duy nhất chăm sóc cho bà. Ngoài ra, không có gì đáng kể.
Anh cũng từng có nguy cơ trở thành tàn phế. Phải tàn phế anh sợ nhất điều gì?
- Tàn phế, đấy là điều đáng sợ nhất với tôi, hơn cả cái chết. Khi tôi ngã từ trên cao xuống, gãy xương sống, có nguy cơ bị liệt vĩnh viễn, tôi cứng cả người vì sợ hãi. Tôi sợ khi mình trở thành gánh nặng của người khác, sợ không đứng trên sân khấu được nữa, không nuôi được mẹ, mà nợ ngân hàng chưa trả hết. Chính nỗi sợ này đã khiến tôi lạc quan chiến đấu với bệnh tật của mình. Và tôi đã vượt qua như một điều kỳ diệu.
Anh hình dung thế nào về cái chết của anh?
- Tôi muốn tuổi già của mình khi tiếp cận với cái chết sẽ không ở trong môi trường nghệ thuật nữa. Tôi vẫn thích cuối đời mình được ở trong một thứ ánh sáng thật, không ở trong thứ ánh sáng huyền ảo, giả tạo của sân khấu. Và nếu có đầu thai, tôi cũng xin đừng cho tôi làm người nữa, chỉ xin làm kẻ không có nhân ảnh. Trống không. Vô hình.
Nietzsche - triết gia người Đức - có nói: "Bạn đến với đàn bà ư? Nhớ mang theo một cây roi". Vậy nếu đến với Thành Lộc, nhớ mang theo cái gì?
- Đến với Thành Lộc thì nhớ mang theo một nén nhang, ngay khi tôi còn sống. Nén nhang đốt lên, có cảm giác tất cả trầm lắng xuống và mọi người yêu mến nhau hơn. Khi trong tay cầm nhang thì người ta rất trang trọng và tử tế, chân thành.
Anh có những cam kết nào với cuộc đời này?
- Chỉ có một cam kết: sống lương thiện và có ích.
Nguồn: Thanh Niên
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Jun Phạm: "Tôi thích truyện tranh và đọc về Phật giáo"
Phỏng vấn 11:25 17/12/2024Đối với ca sĩ Jun Phạm, các cuốn sách như những người bạn đã đồng hành cùng anh từ khi còn là cậu bé đến khi trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng.
Á hậu Hạnh Nguyên chuyển hóa nội tâm nhờ sách về Phật pháp
Phỏng vấn 09:37 12/12/2024Á hậu Hạnh Nguyên chia sẻ về hành trình ăn chay đến tìm hiểu Phật pháp, thói quen đọc 5-20 trang sách mỗi ngày, cùng những tác động từ sách Phật pháp đến tư duy, cách sống và công việc.
Đỗ Thành Tín: “Âm thanh có khả năng giúp kết nối, hồi sinh…”
Phỏng vấn 11:39 11/12/2024Đỗ Thành Tín, chuyên gia chuông xoay, nghệ sĩ và là người tổ chức liveshow “Thanh âm mùa tái sinh” diễn ra vào lúc 12h ngày 12/12 sắp tới tại TP.HCM…
Trò chuyện với một người trẻ tập "thiền động", yêu cây
Phỏng vấn 15:56 07/12/2024Ở Đà Nẵng, có một bạn trẻ vô cùng yêu cây, mơ góp sức mình cho màu xanh đất mẹ - vị Bồ-tát từ bi nuôi dưỡng vạn loài. Đó là nhiếp ảnh gia 9x Đặng Công Lợi. Anh là chủ nhân của Fanpage “Thành phố màu xanh” và một kênh Vlog lan tỏa lối sống xanh.
Xem thêm