Nghĩ về hai chữ “công” và “đức” của hòm “công đức”
Nhiều người nghĩ rằng, đến chùa chỉ cần bỏ tiền vào hòm công đức là đã “có công đức” và càng bỏ nhiều nơi, nhiều ban, thậm chí nhiều tiền thì “đức” sẽ càng nhiều.
Ở Việt Nam đa số người dân đến chùa dù ít hay nhiều đều phát tâm công đức, thế nhưng ít ai hiểu được công đức thế nào cho đúng, đặc biệt công đức ở hòm công đức có ý nghĩa như thế nào? Có phải là cứ bỏ tiền vào hòm công đức thì có công, có đức hay không?
Điều này có vẻ nghịch lý với những ngôi chùa không có bóng dáng của hòm công đức, thì người đến chùa không có “công” và có “đức” hay sao? Chùa Tiêu (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), chùa Hội Xá (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội), chùa Bà Nành (phố Nguyễn Khuyến, Đống Đa, Hà Nội) v.v… là một trong những ngôi chùa đặc biệt mà hàng chục năm qua chưa từng có bất kỳ một hòm công đức nào. Sư thầy trụ trì chùa Tiêu quan niệm “là người có tâm thì đến cổng chùa, Phật đã biết. Tại sao cứ phải đặt tiền lên trước mặt Phật như vậy?” Có lẽ, trong xã hội hiện đại này, điều đặc biệt như vậy thật khó lòng tin được, nhưng nó đang hiện hữu thực sự.
Trong thời đức Phật tại thế chúng ta không thấy ai đến với đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà cúng dường tiền bạc, thay vào đó họ cúng dường thực phẩm và y áo. Như vậy, để thấy rằng đến chùa bằng tấm lòng thành kính, đến với đức tin, đến để cầu pháp, học đạo đức làm người là đã có công đức rồi. Tuy nhiên, xã hội ngày nay đã khác xưa rất nhiều, người tu sĩ ngày nay cũng cần một khoản tiền “vừa đủ” để phục vụ sinh hoạt cá nhân trong quá trình tu tập như: đi lại, y phục, thức ăn, giường và vật trải giường nằm, thuốc thang.
Hiện nay người phật tử đến chùa hay có thói quen đổi tiền lẻ và để tiền khắp nơi, mong được có công đức, có phước báo, rồi vái lạy xin đủ thứ trên đời. Những người đến chùa trong tình trạng như vậy là đang rời xa lời Phật dạy. Thực ra, số tiền đó chỉ cần công đức một chỗ bằng tấm lòng thành kính là đã có công đức rồi, như vậy vừa trang nghiêm nơi cửa Phật, vừa thể hiện con người văn minh, có trí tuệ. Mùa xuân này đến chùa nhất định phải hiểu được hai chữ “công” và “đức” thì mới xứng đáng là người theo Phật, học Phật và xứng danh là phật tử.
Công đức là hành động hiến tặng tịnh tài, tịnh vật cho người khác, được xem một đức tính cao cả trong tính cách con người, là đức hạnh của một công dân với xã hội. Công đức được thể hiện ở chốn tâm linh và được dùng cho việc duy trì hoặc tu bổ công trình tâm linh, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người chủ trong quá trình giúp đỡ mọi người giải quyết nhu cầu tín ngưỡng tâm linh. Công đức có ý nghĩa quan trọng cho hành giả trong quá trình phát triển tâm từ bi, yêu thương trên con đường tu học Phật pháp.
Công là đối với bên ngoài mà nói; Đức là đối bên trong mà nói. Bên ngoài thường lập công, thì bên trong mới có đức. Có công rồi, thì trong tự tính sinh ra một cảm giác rất vui mừng, có cảm giác vui mừng đó tức là đức.
Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng giải thích: “Công đức là tự tính sẵn có, chẳng phải ở ngoài, chẳng do tạo tác. Đã sẵn có thì chẳng có sự bắt đầu, cũng là nghĩa vô sinh; vô sinh tức vô diệt, nên không hết được. Còn phước đức do tạo mới thành, có thành ắt có hoại. Phước đức có số lượng, hưởng dần sẽ hết, công đức không số lượng, nên không hết.” Công đức có được là do tu tâm, thấu rõ bản tâm sáng suốt nơi chính mình rồi từ đó mỗi lời nói, hành động, suy nghĩ đều hợp với đạo lý làm người, làm điều gì cũng không sai trái, không bị dính mắc hay trói buộc. Không có công đức nào bằng công đức của tâm thanh tịnh sáng suốt nhìn thấu sự thật. Ngày nay, chúng ta cũng cần phải tu từ bên trong nội tâm và làm mọi việc thiện lành ở bên ngoài là để hỗ trợ cho sự tu tập đó.
Như vậy, người phật tử khi đi chùa công đức ở hòm công đức là không có công đức mà chỉ có phước đức. Phước đức có được do những việc làm lành thiện được làm ở bên ngoài hình tướng như: bố thí, cúng dường, từ thiện, giúp ích cho mọi người…hiện có rất nhiều người tuy làm phước rất nhiều, nhưng vì chưa có sự tu tập trí huệ, cho nên vẫn còn bị khổ đau phiền não chi phối. Hoặc có khi bám chấp vào những việc phước thiện đã làm của mình mà gia tăng phiền não.
Dạy trẻ yêu thương loài vật - Hành động nhỏ, công đức lớn
Cách làm công đức hiệu quả nhất hãy hiểu rằng “hòm công đức” ở chính trong tâm, trong tự thân của chính mình mới là điều mà chúng ta cần cho vào. Vậy phát triển tâm bồ đề, tu tâm thanh tịnh, đoạn trừ phiền não, xả ly tham sân si mỗi ngày để vun bồi hòm công đức của chính mình ngày một tăng trưởng đó mới là công đức đúng chính pháp.
> Xem thêm video "Đức Phật hữu tình hay vô tình":
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Để Sư nấu
Góc nhìn Phật tử 10:06 22/11/2024Cách đây chừng sáu năm, ngày đó tôi đang là một sinh viên năm thứ ba, sống chung phòng trọ với bảy người bạn nữa ở khu Làng Đại Học Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy chung trọ nhưng chẳng ai cùng quê với nhau cả, Bắc – Trung – Nam đều có.
Nói xấu người
Góc nhìn Phật tử 09:51 22/11/2024Đã nhiều lần tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ nói xấu người khác, thế nhưng đâu cũng lại vào đó, cứ hễ tụm năm tụm ba là không nói chuyện của người này cũng nói người khác, hoặc khi ai đó nói về chuyện của người khác dù không nói ra nhưng vẫn có những ý nghĩ xấu, không tốt về họ.
Nhất tâm niệm Phật
Góc nhìn Phật tử 10:07 21/11/2024Trong giáo lý của đạo Phật, pháp môn niệm Phật được xem là con đường dễ hành trì, nhưng lại mang đến lợi ích lớn lao cho những ai chí tâm tu tập.
Nhớ về một người Thầy
Góc nhìn Phật tử 09:12 21/11/2024Trong cuộc sống, ắt hẳn rằng mỗi người ai trong chúng ta cũng mong muốn có một cuộc sống thật tốt đẹp và hạnh phúc nhưng đối với tôi một cuộc sống hạnh phúc đã không còn tồn tại vào năm tôi lên ba tuổi khi thần chết đã cướp đi người mẹ mà tôi yêu quý và người cha mà tôi luôn kính trọng.
Xem thêm