Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Nghiệp là gì?

Sự khác biệt giữa những con người với nhau trong đời sống là một bí ẩn lớn của nhân loại. Tại sao có người mới sinh ra đã chết?

Tại sao có người quá may mắn và có người quá bất hạnh trong đời? Sự khác biệt về tài sản, quyền lực, gia thế, thanh danh, nhân tướng, trí tuệ và đạo đức từ đâu mà có? Rất nhiều và rất nhiều sự khác biệt giữa những con người.

460567053_3227355060728337_8723629331174218839_n

a.Nghiệp tạo ra sự khác biệt

Tại Jetavana, thanh niên Subha hỏi Đức Phật:

“Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi thấy có người đoản thọ, có người trường thọ; chúng tôi thấy có người nhiều bệnh, có người ít bệnh; chúng tôi thấy có người xấu sắc, có người đẹp sắc; chúng tôi thấy có người quyền thế nhỏ, có người quyền thế lớn; chúng tôi thấy có người tài sản nhỏ, có người tài sản lớn; chúng tôi thấy có người thuộc gia đình hạ liệt, có người thuộc gia đình cao quý; chúng tôi thấy có người trí tuệ yếu kém, có người có đầy đủ trí tuệ. Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì, giữa loài Người với nhau, khi họ là loài Người, lại thấy có khác biệt như thế (có người liệt, có người ưu)?”[1]

Đức Phật cho Subha biết:

“Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình. Nghĩa là nghiệp tạo ra sự khác biệt (có liệt, có ưu).”[2]

Đức Phật mở rộng giải thích thêm cho Subha:

Con đường đưa đến đoản mạng là do nghiệp sát sinh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi với các loài hữu tình.

Con đường đưa đến trường thọ là do nghiệp tránh xa sát sinh, biết hỗ thẹn, có lòng từ, thương xót đến hạnh phúc của chúng sinh.

Con đường đưa đến bệnh hoạn là do nghiệp hay phiền hại các loài hữu tình.

Con đường đưa đến khoẻ mạnh, ít bệnh là do nghiệp không phiền hại các loài hữu tình.

Con đường đưa đến xấu sắc là do nghiệp phẫn nộ, sân hận.

Con đường đưa đến đẹp sắc là do nghiệp không phẫn nộ, không sân hận.

Con đường đưa đến quyền thế nhỏ là do nghiệp ganh tỵ, đố kỵ.

Con đường đưa đến quyền thế lớn là do nghiệp không ganh tỵ, không đố kỵ.

Con đường đưa đến tài sản nhỏ là do nghiệp không biết bố thí.

Con đường đưa đến tài sản lớn là do nghiệp biết bố thí.

Con đường đưa đến gia đình hạ liệt là do nghiệp nghạo nghễ, kiêu mạn, không biết tôn trọng những người đáng được tôn trọng; không biết mời ngồi, không biết nhường chỗ, không biết kính ngưỡng, không biết cúng dường đến người đáng được cúng dường.

Con đường đưa đến gia đình cao quý là do nghiệp không kiêu mạn, biết tôn trọng, kính ngưỡng, cúng dường đến những người đáng được kính ngưỡng, đáng được cúng dường.

Con đường đưa đến trí tuệ yếu kém là do nghiệp không học hỏi về cái gì là thiện, cái gì là bất thiện, cái gì là có tội, cái gì là cần phải thực hành, cái gì không lợi ích và đau khổ, cái gì có lợi ích và an lạc lâu dài…

Con đường đưa đến đầy đủ trí tuệ là do nghiệp biết học hỏi về cái gì là thiện, cái gì là bất thiện, cái gì là có tội, cái gì là cần phải thực hành, cái gì không lợi ích và đau khổ, cái gì có lợi ích và an lạc lâu dài…[3]

b.Nghiệp định hình sống, chết và tái sinh

Khi tâm định tĩnh, thanh tịnh, trong sạch, không uế nhiễm, không phiền não, nhu hoà, dễ uốn nắn, vững chãi và an nhiên không còn dao động, Đức Phật hướng tâm đến tri kiến (hiểu biết) về sự sống chết của chúng sinh. Đức Phật cho biết:

“Ta thấy rõ chúng sinh chết và tái sinh, người hạ liệt kẻ cao sang; người xinh đẹp kẻ xấu xí; người may mắn kẻ bất hạnh; và Ta hiểu chúng sinh sống chết theo nghiệp của họ như thế này: Những chúng sinh đã tạo nhiều hành động ác về thân, khẩu và ý; đã phỉ báng các bậc Thánh, nắm giữ tà kiến, hành động ác theo tà kiến, với thân xác tan ra sau khi chết, họ phải tái sinh vào cõi khổ, xấu ác, đoạ xứ, địa ngục. Còn những chúng sinh đã tạo hành động thiện về thân, khẩu và ý; không phỉ báng các bậc Thánh, có chánh kiến và có hành động lành theo chánh kiến, với thân xác tan rã sau khi chết, những người này sẽ tái sinh vào cõi an lành, vào Thiên giới.”[4]

c.Nguồn gốc và tính đa dạng của nghiệp

Tham muốn thúc đẩy hành động (thân, khẩu và ý) tạo nghiệp. Nghiệp đưa đến khổ đau và hạnh phúc khác biệt giữa những chúng sinh. Nhưng nếu không có đối tượng để tiếp xúc (Xúc) làm phát sinh tham muốn thì hành động tạo nghiệp cũng không có. Để có một hành động tạo thành nghiệp (thiện và bất thiện), “Xúc” (sự giao thoa giữa đối tượng tiếp xúc và tâm tư tham muốn) phải là nhân duyên đi đầu. Và tuỳ theo hành động bắt nguồn từ “Xúc” (làm phát sinh ham muốn đó) mà con người trải nghiệm nghiệp quả đa dạng và đa thời điểm khác nhau. Có nghiệp đưa đến địa ngục; có nghiệp đưa đến súc sinh; có nghiệp đưa đến ngạ quỷ; có nghiệp đưa đến chư Thiên. Có nghiệp có quả báo ngay trong đời này; có nghiệp có quả báo trong đời sau và có nghiệp có quả báo ở một cơ duyên nào đó trong những đời sau nữa.

Đức Phật khẳng định:

“Xúc chính là nguồn gốc của nghiệp. Có nghiệp đưa đến trải nghiệm ở cảnh giới địa ngục; có nghiệp đưa đến trải nghiệm ở cảnh giới súc sinh; có nghiệp đưa đến trải nghiệm ở cảnh giới ngạ quỷ; có nghiệp đưa đến trải nghiệm ở cảnh giới chư Thiên. Và quả báo của nghiệp có trải nghiệm ngay trong đời này, trong đời sau, hoặc trong một cơ hội nào đó tiếp đời sau.”[5]

d.Sự chấm dứt nghiệp

Đức Phật cho biết:

“Và này các Tỳ-kheo, thế nào là sự chấm dứt nghiệp? Với sự chấm dứt của “Xúc” sẽ đưa đến sự chấm dứt của nghiệp. Bát Chánh Đạo là con đường đưa đến chấm dứt nghiệp, nghĩa là Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định”[6].

Khi “Xúc” chấm dứt thì nghiệp chấm dứt. Bát Chánh Đạo là con đường viên mãn để “Xúc” chấm dứt. Đặc biệt, khi thành tựu Chánh Kiến về Vô Ngã và thành tựu Chánh Định Diệt Thọ Tưởng, con người sẽ chấm dứt luôn dòng chảy luân hồi tái sinh.

e.Xây dựng chính mình dựa trên hiểu biết nghiệp

Như lời Đức Phật (ở trên), nghiệp định hình sống, chết và tái sinh của nhân loại. Nghiệp tạo nên sự khác biệt giữa những con người. Những hành động của thân thể, những lời nói của môi miệng và những suy nghĩ của tâm đều có nghiệp quả của nó. Nghiệp nhân bất thiện, nghiệp quả sẽ bất thiện. Con người chắc chắn sẽ phải trải nghiệm kết quả do mình tạo ra hôm nay, ngày mai hay ngày sau. Và nhân duyên đi đầu để tạo nghiệp nằm ngay trung tâm giao thoa giữa đối tượng tiếp xúc và tâm tư tham muốn (Xúc). Không có “Xúc” sẽ không có nghiệp.

Dựa trên sự hiểu biết nghiệp như lời Đức Phật, chúng ta có thể xây dựng chính mình bằng thiện nghiệp. Với thân làm thiện như không sát sinh, không trộm cướp, không tà hạnh trong các dục; miệng nói thiện như không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói độc ác, không nói phù phiếm và ý làm thiện như bỏ tham dục, buông sân hận, giữ tâm tịnh; chúng ta không chỉ làm mới và đẹp chính mình, mà còn có thể đóng góp vào sự tốt đẹp chung của muôn loại.

Hiểu biết về nghiệp đã cho chúng ta quyền và trách nhiệm với tương lai mình muốn. Chúng ta không thể chạy trốn mà cũng không thể cầu xin. Chúng ta mà không phải ai hết cho mình khổ đau hay hạnh phúc. Trách nhiệm hạnh phúc mình phải tự có. Sân hận, ganh tỵ là một sai lầm. Kiêu mạn, thành kiến là một sai lầm. Keo kiệt, không chịu học hỏi điều hay lẽ phải là một sai lầm. Ác ý, làm khổ người giúp mình là một sai lầm. Thiện nghiệp sẽ cho mình phúc lạc, bất thiện nghiệp sẽ cho mình khổ đau. Cụ thể, hạ liệt hay cao sang; may mắn hay bất hạnh; xinh đẹp hay xấu xí; giàu có hay bần cùng; thông tuệ hay u tối; đoản mệnh hay trường thọ; hạnh phúc hay khổ đau… Tất cả đều nằm trong hành vi, ngôn ngữ và ý nghĩ thiện hay bất thiện nơi mình.

——————————

[1] Trung Bộ III , Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt, 135.

[2] Trung Bộ III , Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt, 135.

[3] Trung Bộ III , Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt, 135.

[4] Tăng Chi Bộ III, Ch.8:13.

[5] Tăng Chi Bộ III, Ch. 4:63.

[6] Tăng Chi Bộ III, Ch. 4:63.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”

Phật giáo thường thức 16:50 21/11/2024

Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?

Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?

Phật giáo thường thức 16:10 21/11/2024

Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?

Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu

Phật giáo thường thức 13:12 21/11/2024

Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.

Nhớ ơn Thầy Tổ

Phật giáo thường thức 08:35 21/11/2024

Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...

Xem thêm