Ngôi nhà của tâm
Với tinh tấn kiên trì, ta đang cố gắng xây dựng một ngôi nhà vững chắc cho tâm. Mỗi một phút nhẫn nại là một phút tiến gần hơn đến sự hình thành một ngôi nhà tâm linh an bình.
Đức Phật thường dạy các vị tỳ kheo còn khỏe mạnh và minh mẫn cũng như những vị sắp lìa đời: “Thân này khi hơi thở đã đi rồi, lửa gió đi rồi, thức đi rồi, thì nó giống như khúc củi, không có giá trị chi nữa. Người ta đem đi bỏ.”
Đây là sự thật về thân. Thân này một ngày nào đó sẽ tan rã, không còn gì. Ngôi nhà xây cho thân một ngày nào sẽ vô dụng, sụp đổ. Biết được như vậy, ngoài ngôi nhà kiến thiết cho thân, mỗi người con Phật chúng ta phải quyết tâm xây dựng một ngôi nhà kiên cố cho tâm. Lý do là dù có nhà cho thân, ta vẫn cảm thấy tâm cô đơn, bất an, lang bạt, không nơi an trú, nương tựa.
Để bảo vệ và đem lại sự an toàn và tiện nghi cho thể xác, nhà của thân cần có vách kiên cố, cửa vững chắc và đồ vật trang trí. Ngôi nhà của tâm cũng vậy, cần có vách là sự nhẫn nại, cửa là chánh niệm, và đồ trang trí là trí tuệ.
Thiếu sự nhẫn nại sẽ không thành công. Nhẫn nại là sự cố gắng, chịu đựng những cực nhọc, đau khổ trong lúc xây dựng một ngôi nhà tốt cho tâm. Đức Bồ Tát bỏ ngai vàng đi tu, nhẫn nại sống đời không nhà, trải qua sáu năm khổ hạnh chịu đựng đói khát, nóng lạnh. Tất cả để cố gắng xây dựng một ngôi nhà kiên cố cho tâm. Nhờ sự nhẫn nại để vượt qua khó khăn là vách, Ngài tìm được Bát Chánh Đạo với chánh niệm vững chắc là cửa và người giữ cửa, rồi cuối cùng Ngài đã thành công, tạo được được đồ trang trí quý giá cho ngôi nhà của tâm là trí tuệ.
Hạt ngọc báu trong tâm thức mỗi người
Mấy ngày nay, chúng ta cũng theo gương Đức Phật hành thiền, chịu đựng thời tiết mùa đông mưa gió lạnh lẽo, kham nhẫn bao nhiêu khó khăn khi phải thu thúc thân tâm trong cả bốn tư thế đi, đứng, ngồi, nằm. Thường ta không có sự nhẫn nại như vậy. Với tinh tấn kiên trì, ta đang cố gắng xây dựng một ngôi nhà vững chắc cho tâm. Mỗi một phút nhẫn nại là một phút tiến gần hơn đến sự hình thành một ngôi nhà tâm linh an bình.
Vách nhẫn nại này rèn luyện tâm để chuẩn bị cho bước kế tiếp là cửa nẻo kiên cố. Ngôi nhà của tâm có sáu cửa gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Cửa nào cũng phải được canh gác, bảo vệ thật cẩn thận, kỹ lưỡng để ngăn ngừa kẻ trộm vào lấy đi của cải quý giá. Người gác cửa là chánh niệm, tức là trí nhớ thu thúc, gìn giữ tất cả sáu cửa giác quan bất cứ giây phút nào.
Khi hành thiền ta ghi nhận, quán sát các đối tượng của sáu căn như những người khách muốn vào nhà. Khách tốt có, khách không tốt có, thật có, không thật cũng có. Đối tượng đến, chánh niệm tới chào hỏi đối tượng ngay và ghi nhận đối tượng là đối tượng, hình sắc là hình sắc, âm thanh là âm thanh, cảm giác là cảm giác, suy nghĩ là suy nghĩ… Nếu không người gác cửa, nghĩa là thiếu chánh niệm, đối tượng không tốt như tham, sân, si lừa gạt tâm để vào nhà lấy đi những của quý giá của tâm là đức tin, tinh tấn, giới hạnh… mà ta hằng muốn vun bồi và gìn giữ.
Hãy nhìn gà mẹ ấp trứng. Khi đẻ trứng xong, gà mẹ ngồi nhẫn nại ấp dưỡng bao nhiêu ngày, chịu đựng nếp sống với ăn, uống, ngủ, nghỉ thất thường; ăn xong là trở ngay về ổ vì sợ rời lâu trứng sẽ nguội hư hay có ai đánh cắp. Nhờ sức mạnh nhẫn nại ấp ủ bảo vệ của gà mẹ như thế, gà con cuối cùng bứt được vỏ bao bọc trứng, thấy được ánh sáng của cuộc đời, một ánh sáng mới mẻ hồi nào đến giờ chưa từng được biết tới. Nếu gà mẹ thiếu sự nhẫn nại và khéo léo bảo vệ trứng, gà con sẽ không có ngày ra đời thành công như vậy.
Gà mẹ như thế nào, hành giả cũng vậy, nhẫn nại trong đi, đứng, ngồi, nằm, thu thúc lục căn, hành trì theo phương pháp hành thiền Đức Phật đã giảng dạy. Đó là cách thức xây ngôi nhà cho tâm. Đồ trang trí chongôi nhà là trạng thái tâm trong sạch, thanh tịnh và trí tuệ.
Từng giây phút chánh niệm là từng giây phút ta có được sự hiểu biết nay trong lúc bây giờ: đây là khổ, đây nhân của khổ; đây là vui, đây nhân của vui. Đó là sự thật, là chân đế, là của cải quý giá của tâm. Mỗi bước thiền tập là mỗi bước tiến đến gần trí tuệ hơn.
Xưa nay “tâm thường” là tâm đầy ắp tham, sân, si. Nay nhờ hành thiền, ta thấy được thân này không bền vững, thay đổi theo điều kiện, không thường hằng. Với chánh niệm, định tâm phát triển và tâm trở nên trong sạch, bớt đi sự kiềm tỏa của tham sân si. Dần dà, tâm không còn tham, không còn sân, và không còn si. “Tâm thường” bây giờ là tâm trong sạch.
Cuối cùng của con đường tu tập là một tâm giải thoát, thuần khiết, thanh tịnh, trong sáng, và trí tuệ. Tâm này là đồ trang trí quý giá cho ngôi nhà tâm linh mà chúng ta cần phải gìn giữ để được an vui mãi mãi.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Ta tìm gì trong cuộc sống?
Sống an vui 14:51 11/12/2024Họ quên rằng sau khi tranh giành mọi thứ liệu rằng cuộc đời có bình an hay như là những của cải đó mang theo đến mộ phần cùng với họ. Khi chợp mắt khép mi rồi thì tất cả danh vọng, tiền tài, lụa là gấm vóc đều để lại...
Có một niềm tin...
Sống an vui 10:19 11/12/2024Năm ngoái, tôi ghé một ngôi chùa cổ nằm lọt thỏm trong góc heo hút ở Long Sơn, Bà Rịa-Vũng Tàu.
An yên phút giây toạ thiền chốn già lam thanh tịnh
Sống an vui 08:45 11/12/2024Trời vừa hửng sáng, ánh nắng len qua tán cây bồ đề trước cổng chùa Giác Minh, nhẹ nhàng rải xuống con đường lát gạch đỏ đã phủ mờ bởi rêu phong. Gió se se lạnh của một buổi sáng mùa đông làm không gian thêm phần tĩnh lặng, chỉ còn tiếng chim ríu rít gọi nhau giữa những cành lá.
Lặng yên nhìn lại tâm mình
Sống an vui 08:22 11/12/2024Con kính đảnh lễ Thầy! Hằng ngày, con thấy tâm mình vẫn đầy đủ lăng xăng mọi chuyện khi tiếp xúc với sự đời. Ngày xưa thì con thấy chán, và thậm chí còn bực mình nữa. Nghĩ là sao mãi mà mình chưa định tâm-trong sáng được.
Xem thêm