Nguồn gốc và ý nghĩa tràng hạt trong Phật giáo
Cũng như chuông, mõ, tràng hạt là một phương tiện trong muôn ngàn phương tiện tu tập của Phật giáo. Tuy nhiên vẫn có nhiều người chưa hiểu được hết nguồn gốc và ý nghĩa của loại hạt này.
Nguồn gốc và số lượng của tràng hạt
Người Ấn giáo theo phái thờ thần Siva dùng một loại hạt gọi là rudrāka để xâu thành tràng hạt. Truyền thuyết kể rằng, có lần vị thần này ngắm nhìn thế gian, thấy chúng sinh sống trong nỗi khổ cực không sao nói hết nên đã đau lòng nhỏ xuống những giọt nước mắt, những giọt nước mắt này mọc thành cây rồi cho ra những hạt đỏ thẫm.
Người ta đã lấy những hạt ấy làm thành tràng hạt để cầu nguyện trong sự tưởng nhớ đến tấm lòng từ bi của thần Siva. Hạt đó chính là hạt kim cương mà ngày nay chúng ta vẫn dùng để làm tràng hạt.
Tuy nhiên, trong Kinh điển Phật Giáo, cái khởi nguyên của tràng hạt và lần chuỗi hạt khi niệm Phật, hầu hết đều căn cứ vào sự khai thị của Đức Phật đối với Vua Ba Lưu Ly đã được ghi chép lại trong Kinh Mộc Hoạn Tử.
Kinh Mộc Hoạn Tử, chép rằng: "Một thời Đức Phật cùng giáo đoàn của ngài du hóa trong núi Kỳ Xà Quật (Grdhrakùta), nước La Duệ Kỳ (Ràjagrha) quốc vương trong thời nạn ấy tên là Ba Lưu Ly, sai sứ giả đến chốn Phật để xin Thế Tôn đặc biệt rủ lòng thương xót, cho pháp yếu để có thể tu hành được dễ dàng và trong đời mai sau xa lìa được mọi khổ não.
Đức Phật bảo sứ giả về thưa với nhà vua rằng: Nếu nhà vua muốn diệt được phiền não chướng, báo chướng nên xâu một chuỗi tràng 108 hạt bằng hạt cây tra (mộc hoạn tử) và thường đem theo mình; khi đi, khi ngồi, khi nằm thường nên chí tâm, không phân tán ý, xưng danh hiệu: Phật, Pháp, Tăng mỗi lần, lần qua một hạt cây tra. Cứ như thế, lần lượt qua hạt này đến hạt khác, như: mười hạt, hai mươi hạt, trăm hạt, nghìn hạt, cho đến trăm nghìn vạn hạt.
Trong tràng hạt có một hạt gọi là hạt Sumeru hay Meru, chúng ta thường gọi là hạt Tu di hoặc hạt Di đà, đó là hạt thứ 109, là chỗ giáp nối của vòng tròn. Theo nghi thức, khi lần tràng, không được vượt qua hạt này, lần đến hạt này thì lần ngược trở lại.
Nếu lần được đủ hai mươi vạn lượt, mà thân tâm không tán loạn, không có những siểm khúc, thời khi xả thân này được sinh lên cõi Diệm Thiên thứ ba. Lên đấy, y, thực tự nhiên, thường an lạc hạnh. Nếu lại lần đủ được một trăm vạn lượt, sẽ dứt hẳn được một trăm tám kết nghiệp, mới gọi là vị chứng được quả Tu-Đà-Hoàn (ngược dòng sinh tử), hướng đến đạo Niết bàn, dứt hẳn cội gốc phiền não và chức được quả vô thượng".
Tràng hạt trong Phật giáo ra đời từ đấy. Các tăng sỹ thường mang theo bên mình tràng hạt như là một bảo bối, một pháp khí quan trọng để hỗ trợ họ trên con đường tu học Phật pháp.
Ý nghĩa của tràng hạt
Căn cứ vào những pháp số tổng thành mà nó biểu trưng theo quan niệm của Phật giáo, việc sử dụng tràng hạt có số hạt khác nhau, thì ý nghĩa biểu trưng của nó cũng có những khác biệt:
- Chuỗi 108 hạt là biểu thị cho cầu chứng 108 pháp Tam Muội mà đoạn trừ 108 phiền não.
- Chuỗi 54 hạt là biểu thị cho 54 cấp vị quá trình tu hành của Bồ Tát, tức là Thập Tín, Thập Trú, Thập Hạnh. Thập Hồi Hướng, Thập Địa và Tứ Thiện Căn Nhân Địa.
- Chuỗi 42 hạt là biểu thị cho 42 cấp vị quá trình tu hành của Bồ Tát, tức là Thập Trú, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa và Đẳng Giác, Diệu Giác.
- Chuỗi 27 hạt là biểu thị cho 27 cấp vị của Tiểu Thừa tu hành Tứ Hướng Quả, tức là 18 bậc Hữu Học của Tứ Hướng Tam Quả trước, với 9 bậc Vô Học của Đệ Tứ Quả A La Hán.
- Chuỗi 21 hạt là biểu thị cho 21 vị, tức là Thập Địa, Thập Ba La Mật và quả vị Phật.
- Chuỗi 14 hạt là biểu thị cho 14 Pháp Vô Úy của Bồ Tát Quán Thế Âm.
- Chuỗi 1.080 hạt là biểu thị cho 10 cảnh giới, mỗi cảnh giới đều có 108, cho nên cộng thành 1.080.
Ý nghĩa của chuỗi 36 hạt và 18 hạt có nhiều người cho là không biểu trưng cho pháp số nào trong Phật giáo, và cho rằng nó tương đồng với chuỗi 108 hạt. Theo đó, để tiện cho sự mang đeo, bèn chia chuỗi 108 hạt ra thành 3 chuỗi, mỗi chuỗi có 36 hạt, hoặc chia chuỗi 108 hạt ra làm 6 xâu, mỗi xâu có 18 hạt, mà không phải có thâm nghĩa nào cả.
Chất liệu dùng làm các tràng hạt
Tràng hạt có thể được làm từ nhiều nguồn vật liệu khác nhau, bao gồm gỗ, đàn hương, hạt bồ đề, gỗ bồ đề, hổ phách, san hô, ngọc bích, xương, lụa tơ tằm, bông, sợi và thậm chí cả cây gai dầu. Tràng hạt làm từ các vật liệu khác nhau được sử dụng với các loại thần chú khác nhau.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Học cách Phật dạy con
Phật giáo thường thức 13:52 01/11/2024Khi Phật thành đạo, có dịp về thăm Vua cha thì La-Hầu-La đã lên bảy tuổi. Và ngay dịp đó, La Hầu La cũng xin theo Phật, xuất gia.
Hạnh phúc của sự buông bỏ
Phật giáo thường thức 11:00 01/11/2024Thời Phật tại thế có Tỳ kheo Bạt Đề, khi chưa xuất gia ông làm quan, sau khi quy y Phật chuyên tu hạnh đầu đà, chỉ ngủ dưới gốc cây và chuyên cần thực hành thiền quán.
Bạn phải là người đủ đầy trước
Phật giáo thường thức 10:36 01/11/2024Hỏi: Thầy ơi, tại sao mối quan hệ của con với người yêu luôn căng thẳng, mâu thuẫn và ngột ngạt. Mà chia tay người ấy thì con cảm thấy cô đơn. Thầy giúp con với!
Nói về mười điều thiện
Phật giáo thường thức 10:15 01/11/2024Người nào tụng đọc hiểu, thực hành mười đều lành này thì sau khi mạng chung sẽ được quả báo sanh vào các cõi trời tốt lành hoặc tái sanh làm người thì sanh vào các gia đình hiền đức phú quý.
Xem thêm