Thứ năm, 21/02/2019, 14:38 PM

Những nét chính về cuộc đời Hòa thượng Tuyên Hóa

Khi Ngài mang chuyện xuất gia thưa với thân mẫu, bà dạy : “Xuất gia là điều tốt lắm, song không phải là chuyện dễ làm. Cần có thiện căn, có đại nguyện lực, phát đại Bồ Ðề tâm, thì mới có thể thành tựu Vô Thượng Ðạo. Nay con có lòng vậy, ta hết sức đồng ý".

Hòa thượng Tuyên Hóa là ai

Hoà thượng Tuyên Hóa vốn họ Bạch, tên tục là Ngọc-Thư, Pháp danh là An-Từ, tự Ðộ Luân, và Tuyên Hóa là Pháp hiệu do Lão Hòa Thượng Hư Vân đặc biệt tặng cho khi Ngài thọ lãnh sứ mạng làm người kế thừa truyền Pháp đời thứ chín của Thiền Tông Quy-Ngưỡng. Ngài sinh ngày 16 tháng 3 năm Mậu Ngọ (1918), tại tỉnh Kiết Lâm, huyện Song-Thành, tỉnh Tùng-Giang, Ðông Bắc Trung Hoa (tức Mãn Châu). Thân phụ Ngài tên Phú Hải, chuyên nghề nông; thân mẫu thuộc dòng dõi họ Hồ, sinh được tám người con, năm trai ba gái, và Ngài là út.

Thân mẫu Ngài thọ chay trường, niệm Phật chẳng hề gián đoạn. Một đêm nọ bà mộng thấy Ðức Phật A-Di-Ðà hiện thân, phóng hào quang chiếu sáng khắp thế giới, chấn động thiên địa. Giật mình tỉnh giấc, bà ngửi thấy mùi hương kỳ diệu khắp phòng, rồi sau đó hạ sanh Ngài. Ngài vừa ra đời liền khóc suốt ba ngày đêm, chính là vì đau xót cho nỗi khổ của thế giới Ta Bà này vậy.

Năm Ngài mười một tuổi, một hôm cùng chúng bạn dạo chơi, Ngài chợt trông thấy một em bé miệng ngậm, mắt nhắm, nằm bó trong đám rơm. Ngài gọi mà đứa bé chẳng đáp, rờ thì chẳng có hơi thở. Ngài lấy làm khó hiểu vô cùng nên hỏi lũ bạn. Có kẻ hiểu biết nên liền nói : “Ðứa bé đã chết rồi!” Song Ngài vẫn vô cùng ngạc nhiên, không hiểu thế nào là chết. Về nhà, Ngài thưa hỏi thân mẫu, bà dạy : “Phàm làm người, ai cũng phải chết. Có kẻ chết già, có kẻ chết vì bệnh, cũng có kẻ chết vì tai nạn. Bất luận là giầu sang hay nghèo hèn, ai ai rốt cuộc cũng phải chết cả !” Ngài lại thưa : “Như vậy, có cách gì thoát sự chết chăng ?” Bấy giờ trong nhà có vị khách xưa kia từng tu Ðạo, đỡ lời đáp rằng : “Chỉ có cách tu Ðạo, hiểu rõ tự tâm, thấu suốt bổn tánh, thì mới có thể chấm dứt sanh tử, thoát vòng luân hồi, thành tựu Chánh Giác, chứng được Vô Sanh.”

Tôn dung Hòa thượng Tuyên Hóa

Tôn dung Hòa thượng Tuyên Hóa

Những sự tích về Hòa thượng Tuyên Hóa

Tuy lúc đó Ngài còn nhỏ tuổi, song đối với lời vị khách nói, Ngài tỉnh ngộ sâu xa, nên quyết chí xuất gia tu Ðạo. Khi Ngài mang chuyện xuất gia thưa với thân mẫu, bà dạy : “Xuất gia là điều tốt lắm, song không phải là chuyện dễ làm. Cần có thiện căn, có đại nguyện lực, phát đại Bồ Ðề tâm, thì mới có thể thành tựu Vô Thượng Ðạo. Nay con có lòng vậy, ta hết sức đồng ý! Song, nay ta đã già, mà các anh chị con đều đã tự lập; vậy con nên ở lại để phụng dưỡng cha mẹ; khi ta mất rồi, con xuất gia tu hành cũng chưa muộn.”

Ngài vâng lời cha me. Sau đó, hằng ngày thường theo thân mẫu lạy Phật. Lạy Phật xong, Ngài lạy cha me. Rồi vì nhận thấy thế giới này còn lớn hơn cả cha mẹ, nên Ngài hướng về trời, đất, vua, sư trưởng mà lạy. Ngài lại nghĩ đến những người tốt trên thế giới mà lạy, thầm tạ ơn họ về các việc thiện họ đã làm. Nhận thấy những người ác thật đáng thương, Ngài lại vì họ mà lạy, mong sao nghiệp chướng của họ được giảm bớt và sớm biết hối cải. Mỗi ngày Ngài lại nghĩ thêm những người khác để lạy; nên về sau, bất kể thời tiết, mỗi ngày Ngài đều đặn lạy 837 lạy vào buổi sáng và 837 lạy vào buổi tối.

Ngày lại ngày, Ngài cung kính phụng dưỡng song thân như đối vớiÐức Phật vậỵ Chẳng bao lâu tiếng hiếu thảo đồn khắp bốn phương, và mọi người đều gọi Ngài là Bạch Hiếu Tử (người con chí hiếu họ Bạch).

Năm Ngài mười chín tuổi thì gặp phải tang thân mẫu. Sau khi chu toàn việc mai táng, Ngài đến Chùa Tam Duyên lạy Lão Hòa Thượng Thường Trí làm Thầy, và xuống tóc xuất gia. Sau đó, Ngài về lại mộ phần thân mẫu thủ hiếu trong ba năm. Suốt thời gian ấy, Ngài sống trong một túp lều tranh nhỏ, ngày ngày tọa Thiền, đọc tụng kinh điển Ðại Thừa và niệm danh hiệu Phật A-Di-Ðà . Rất nhiều lần Ngài ngồi Thiền rồi nhập Ðịnh, liên tiếp trong nhiều tuần lễ chẳng rời thiền sàng. Một đêm nọ, dân trong thôn gần đó hốt hoảng thấy túp lều tranh của Ngài hừng hực lửa đỏ. Ánh lửa hồng phừng thẳng lên giữa không trung và túp lều tranh thì sáng rực như ban ngày. Song, khi tới nơi mọi người thấy túp lều tranh vẫn bình lặng, và Ngài thì an nhiên, tĩnh mặc trong Thiền Ðịnh!

Có lần Ngài đang tọa Thiền thì chợt có vị khách đến viếng. Vị khách ấy, ngạc nhiên thay, chính là Lục Tổ Huệ Năng! Ðức Tổ Sư dạy Ngài rằng trong tương lai Ngài sẽ đến Mỹ Quốc để độ sinh, rằng ở Tây Phương Ngài sẽ gặp nhiều kẻ hữu duyên có thể hoằng dương Phật Pháp, và sẽ độ vô lượng vô biên chúng sanh. Mãi đến lúc Ðức Tổ Sư từ biệt quay đi rồi, Ngài mới choàng tỉnh, sực nhớ rằng Ðức Huệ Năng vốn là người đời Ðường, khoảng 1,200 năm về trước!

Năm 1946, sau khi Thế chiến Thứ Hai kết thúc, tình trạng giao thông trong nước đã bắt đầu dễ dàng trở lại. Ngài bèn tìm xuống phía Nam để đến Chùa Nam Hoa ở Tào Khê, tỉnh Quảng Ðông, đảnh lễ Lão Hòa Thượng Hư Vân, và đến núi Phổ Ðà để thọ Cụ Túc Giới. Cuối cùng, trải hơn 3,000 dặm, Ngài đã được bái kiến Lão Hòa thượng Hư Vân, bậc Ðại Thiện Tri Thức mà Ngài bấy lâu ngưỡng mộ.

Vừa nhìn thấy Ngài, Lão Hòa Thượng, lúc ấy đã 109 tuổi, liền nhận ra ngay sự chứng ngộ của Ngài. Khi đó, lão Hòa Thượng nói : “Như thị, như thị!” và Ngài cũng đáp lại “Như thị, như thị!”. Biết Ngài là bậc ‘pháp khí’, Lão Hòa Thượng Hư Vân ấn chứng sở đắc của Ngài, và Ngài chính thức trở thành vị tổ thứ chín của Thiền Tông Quy Ngưỡng. Sau đó, Lão Hòa Thượng dạy Ngài ở lại đảm nhận chức Viện trưởng Viện Giới Luật Chùa Nam Hoa.

Năm 1949, Ngài từ giã Chùa Nam Hoa, lên đường sang Hương Cảng, và sống trong một sơn động biệt lập. Chẳng bao lâu, có vô số tăng lữ từ Trung Hoa Ðại Lục qua Hương Cảng cần sự giúp đỡ của Ngài. Ứng với nhân duyên, Ngài rời sơn động, sáng lập Phật Giáo Giảng Ðường, Chùa Tây Lạc Viên và Từ Hưng Thiền Tự, cùng trợ giúp xây dựng và trùng tu nhiều đạo tràng khác. Trong suốt mười hai năm ở Hương Cảng, Ngài là tấm gương sáng khổ hạnh, tinh tấn tu Ðạo, vì Pháp quên mình. Ngài đã ảnh hưởng vô số thiện nam tín nữ, khiến họ phát tâm Bồ Ðề, quy y Tam Bảo, ủng hộ Phật Pháp.

Hòa thượng Tuyên Hóa vốn nuôi chí nguyện đem Chánh Pháp truyền bá đến khắp nơi trên toàn thế giới, nên năm 1961, Ngài sang Úc Châu hoằng Pháp; và năm sau, 1962, Ngài đến San Francisco, Mỹ Quốc. Tại đây, nơi một nhà kho nhỏ, Ngài kiên trì tu hành trong im lặng, chờ đợi cơ duyên hoằng dương Ðạo Pháp chín muồi. Lúc ấy, Ngài tự gọi mình là Mộ Trung Tăng (nhà sư trong phần mộ), và Hoạt Tử Nhân (người đã chết nhưng còn sống).

Năm 1968, biết cơ duyên đã đến, Ngài nói: "Một đóa hoa sẽ nở ra năm cánh". Mùa hè năm ấy, Ngài chủ trì Pháp hội giảng Kinh Lăng Nghiêm trong 96 ngày. Khi Pháp hội kết thúc, quả nhiên có năm người Mỹ xin xuất gia với Ngài. Từ đó, Ngài chủ trì nhiều Pháp hội khác giảng giải Tâm Kinh, Kinh Ðịa Tạng, Kinh Pháp Hoa, Kinh Pháp Bảo Ðàn, v. v.. Năm 1971, Ngài giảng bộ Kinh tối cao của Ðại Thừa, Kinh Hoa Nghiêm.

Song song với việc giảng Kinh thuyết Pháp, Ngài còn làm vô số công đức độ sinh khác. Năm 1976, Ngài thành lập Vạn Phật Thánh Thành, nền tảng căn cứ địa để hoằng dương Phật Pháp tại Mỹ quốc. Tại Thánh Thành, Ngài xây dựng chế độ tùng lâm, đào tạo Tăng Ni học chúng, tạo nhân duyên thù thắng cho sự chân chính tu hành. Ngài chủ trương rằng tất cả Phật tử cần phải đoàn kết lại và nên dung hợp Nam, Bắc Tông. Vì thế, nhiều dịp truyền thọ Tam Ðàn Ðại Giới tổ chức tại Vạn Phật Thánh Thành là do chư cao tăng Ðại Thừa và Tiểu Thừa hợp lực chủ trì.

Năm 1980, Ngài thành lập Trung Tâm Cứu Tế Nạn Dân, một tổ chức cứu trợ xã hội bất vụ lợi được chính phủ Hoa Kỳ ủy quyền để cứu tế, cung cấp các lớp huấn nghệ và Anh Ngữ, đồng thời giúp tái định cư. Trung tâm này đóng cửa vào năm 1986 theo quyết định của Chính phủ.

Với tinh thần “Vì Pháp quên mình,” Hòa Thượng không quản khó nhọc, thường xuyên đến các đạo tràng trong và ngoài nước để hoằng dương Phật Pháp. Ngài được mọi giới kính ngưỡng vì nếp sống khổ hạnh và nghiêm trì Giới Luật của Ngài. Trong thời Mạt Pháp mà nhiều người không tôn trọng Giới Luật này, Ngài đã nêu gương sáng và khuyến khích nếp sống khổ hạnh bằng cách chỉ ăn mỗi ngày một bữa vào giờ ngọ và ban đêm thì ngủ ngồi chứ không nằm.

Bình sanh, Ngài sống nhẫn nhục, khoan dung, nhịn ăn nhiều lần để hồi hướng công đức cho chúng sanh. Cuc khủng hoảng hỏa tiễn ở nước Cuba vào năm 1962 đã xảy ra không bao lâu sau khi Ngài đến Hoa Kỳ. Ngài đã tuyệt thực năm tuần để hồi hướng cho nền hòa bình thế giới. Vào dịp Ngài du hành Ðài Loan năm 1989, Ngài đã nhịn ăn ba tuần lễ để hồi hướng cho dân chúng Ðài Loan. Sau đó, Ngài lại đi hoằng Pháp tại nhiều nước Châu Âu.

Mặc dầu tuổi Ngài đã cao nhưng Ngài vẫn không muốn nghỉ ngơi tịnh dưỡng. Suốt ba mươi năm liên tục, Ngài đã đăng đàn thuyết Pháp và giảng luận kinh điển Phật Giáo, giương cao ngọn đèn rực rỡ của trí huệ để soi đường cho chúng sanh đang chìm đắm trong đêm tối của thời đại Mạt Pháp này. Chính trong lúc Ngài đang bệnh để gánh chịu khổ nạn cho chúng sanh, Ngài vẫn kiên trì tiếp tục đại nguyện diễn dịch kinh điển Phật Giáo.

Ngày 7 tháng 6 năm 1995, Hòa thượng Tuyên Hóa thị hiện viên tịch tại Los Angeles, Mỹ Quốc; trao lại cho các đệ tử ba trách nhiệm quan yếu : (1) tiếp tục hoằng dương Phật Pháp, (2) phiên dịch kinh điển Phật Giáo, và (3) hoàn mãn sự nghiệp giáo dục. Vâng theo di huấn của Ngài, tứ chúng đệ tử tại các đạo tràng thuc Tổng hội Phật Giáo Pháp Giới đều chuyên tâm trì tụng Kinh Hoa Nghiêm và niệm Phật suốt 49 ngày kể từ hôm Ngài viên tịch. Ngày 12 tháng 6, 1995, Lễ Nhập Quan được cử hành tại Long Beach Thánh Tự; và đến ngày 16 tháng 6, Kim quan của Ngài được cung thỉnh về Vạn Phật Thành. Tại đây Ðại Lễ Truy Ân được tổ chức từ ngày 26 đến ngày 28 tháng 7, tro cốt của Ngài được rải trên địa phận của Vạn Phật Thánh Thành đúng như lời di giáo của Ngài: “Khi tôi đến, tôi không có gì cả; khi tôi đi, tôi vẫn không có gì cả. Tôi không muốn để lại dấu vết gì trên thế gian. Tôi từ hư không đến. Tôi sẽ trở về hư không!”

Dù cho Ngài không muốn để lại một dấu vết nào trên thế gian này, nhưng công đức hoằng Pháp tại Tây Phương, phiên dịch kinh điển, thiết lập đạo tràng và học đường của Ngài lúc còn tại thế đã gieo hạt giống Bồ Ðề và đã gây được ảnh hưởng sâu rộng đến các từng lớp dân chúng Tây Phương. 

Ngày 23 tháng 6 năm 1996, đúng một năm sau ngày Hòa Thượng Tuyên Hóa nhập Niết Bàn, Tổng hội Phật Giáo Pháp Giới long trọng tổ chức Lễ Cung Thỉnh Xá Lợi Hòa Thượng về các đạo tràng. Hòa thượng Tuyên Hóa đã vĩnh viễn ra đi, nhưng trong tâm trí mọi người vẫn âm vang lời di huấn của Ngài : “Hãy quét sạch tất cả các Pháp, ly khai tất cả các tướng !”.

Wikipedia: Hòa thượng Tuyên Hóa thành lập tăng đoàn tại Tây phương

Vì số người phát tâm cầu xin xuất gia làm tăng ni ngày một tăng, trong năm 1972, Hòa thượng Tuyên Hóa quyết định chính thức truyền tam đàn đại giới lần đầu tiên ở Mỹ, tại Kim Sơn Thiền Tự. Sư cung thỉnh chư cao tăng đại đức đăng đàn truyền giới. Năm nam và một nữ thọ giới tỳ kheo và tỳ kheo ny. Tiếp đến, tại Vạn Phật Thánh Thành, tổ chức Tam Đàn Đại Giới vào những năm 1976, 1982, 1989, 1991, 1992 và 1995. Hơn hai trăm giới tử với nhiều quốc tịch đã xuất gia, thọ giới dưới sự chỉ dạy của sư.

Sư quyết tâm đem chính pháp Phật giáo truyền bá sang Tây phương. Đồng thời, tuy khuyến khích các đệ tử tu học Phật pháp theo truyền thống của chư tổ sư, nhưng sư cũng thường nhắc nhở họ nên chú ý dẹp bỏ tập tục mê tín dị đoan đang che lấp Phật Pháp chân chính, để tránh cho Phật giáo Tây phương khỏi bị ô nhiễm bởi những lề lối tu hành băng hoại hiện đang lan truyền, sư cũng khuyến khích họ nên hiểu những lý lẽ chính đáng trong sự tu hành của người xưa.

Những cải cách của sư gồm có: Phục hồi giới luật do đức Phật chế ra như tăng sĩ phải đắp y cà sa để biểu thị giới tướng; nhấn mạnh việc đức Phật dạy chư tăng ni thọ trai mỗi ngày một lần, không nên ăn sau giờ ngọ. Tự thân sư thực hành và khuyến khích đệ tử tuân thủ các hạnh này. Sư cũng khích lệ các đệ tử nên ngồi thiền mà không nằm vào ban đêm. Những ngày đầu tại chùa Thiên Hậu, tại khu "phố Tàu" của Cựu Kim Sơn (San Francisco), một số đệ tử xuất gia, vì muốn hành hạnh này, ra đường kiếm những thùng phuy bỏ rồi đem về sửa lại để làm chỗ ngồi vừa vặn, không duỗi chân ra trong lúc ngủ vào ban đêm. Sư cũng thường chỉ trích những người cư sĩ Trung Hoa, thường đi quy y hay làm đệ tử rất nhiều thầy. Riêng sư không nhận những người đã từng quy y với các thầy khác làm đệ tử của mình.

Có vài người Mỹ bị Phật pháp và sư thu hút vì thích những cảm ứng cùng thần thông biến hoá. Họ muốn tìm hiểu về những cảm ứng thần kỳ. Một số có thần thông cũng tự nhiên muốn gần gũi Sư. Nhận thấy rõ tầm nguy hiểm của sự mong cầu thần thông biến hóa, sư thường nhấn mạnh rằng những thần thông cảm ứng phát xuất từ những cảnh giới của sự tu hành, nên chớ đắm trước. Sư nhắc nhở là Đức Phật luôn ngăn cấm biểu diễn thần thông. Sư cũng nói rõ là thần thông không biểu hiện trí huệ và cũng không nhất định biểu thị phẩm hạnh đoan chính. (Đọc thêm: Thần thông và Đức Phật)

Bài liên quan

Nói chung, sư rất lo lắng về động cơ xuất gia của các đệ tử, nên thường xem xét coi tâm hạnh của họ có được thanh tịnh không. Sư không muốn thấy tăng sĩ ở Mỹ xuất gia vì những động cơ không chính đáng. Vì thế, sư lập ra gia phong cho chúng đệ tử:

"Lạnh chết, không phan duyên

Đói chết, không hóa duyên

Nghèo chết, không cầu duyên

Tùy duyên không đổi, không đổi tùy duyên

Chúng ta quyết định thực hành ba tông chỉ này

Xả mạng vì Phật sự

Tạo mạng vì tăng sự

Chánh mạng vì bổn sự

Nơi sự hiểu lý, nơi lý hiểu sự

Luôn hành tổ sư nhất mạch tâm truyền."

Ngoài ra, sư chế định tiêu chuẩn tu hành cho mình và cho chính các đệ tử xuất gia lẫn tại gia, theo sáu tông chỉ: Không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói láo. Một trong những hành động khoáng đạt là sư đã nỗ lực hàn gắn lại sự phân chia hơn hai ngàn năm, của hai truyền thống Phật giáo, Nam tông và Bắc tông. Sư thường cung thỉnh danh tăng Nam tông đến chùa truyền giới, cùng thương thảo và giải quyết những quan điểm dị đồng. (Nguồn: Wikipedia).

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Cuộc đời Tôn giả Mahã Kassapa qua kinh tạng Nikãya

Nhân vật Phật giáo 09:00 11/10/2024

Từ khi chào đời cho đến lúc nhập diệt, Ngài luôn sống trong thanh tịnh, hoàn thành chí nguyện xuất gia cũng như lối sống phạm hạnh đầu đà của mình.

Tôn giả Ananda và 8 đặc ân khi làm thị giả của đức Phật

Nhân vật Phật giáo 07:35 31/05/2024

Sau khi nghe Đại đức Ānanda giải thích ý nghĩa của mỗi đặc ân, Đức Phật chấp thuận đủ tám đặc ân của Đại đức Ānanda. Bắt đầu từ thời gian ấy, Đại đức Ānanda chính thức là thị giả thường trực ngày đêm lo chăm sóc, phục vụ Đức Thế Tôn, cho đến lúc Đức Thế Tôn tịch diệt Niết Bàn.

Thời niên thiếu của Tôn giả Mục-kiền-liên

Nhân vật Phật giáo 19:20 26/03/2024

Tôn giả Mục-kiền-liên, bậc Thánh đứng hàng thứ hai trong mười vị Đại đệ tử của đức Phật. Ngài được đức Thế Tôn khen ngợi là vị có thần thông đệ nhất và hiếu tâm lớn nhất trong hàng đệ tử xuất gia của Phật.

Thiền sư Khương Tăng Hội – Người khai sáng Thiền tông Việt Nam

Nhân vật Phật giáo 09:03 20/03/2024

Người khai sáng Thiền tông Việt Nam là Thiền sư Khương Tăng Hội – sơ Tổ của dòng phái Thiền Việt Nam, người đã có công góp phần xây dựng cơ sở nền móng hoạt động để Trung tâm Phật giáo thứ II ở vùng Đông Bắc Bộ phát triển từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ XI.

Xem thêm