Những vụ việc có tính chất quan trọng, Văn phòng Ban phải kịp thời xin ý kiến Lãnh đạo Ban để tổ chức phiên họp nghiên cứu, cho ý kiến trước khi triển khai thực hiện
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
- o0o - - o0o -
BAN PHÁP CHẾ TRUNG ƯƠNG
NỘI QUY
BAN PHÁP CHẾ TRUNG ƯƠNG GHPGVN
CHƯƠNG I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Ban Pháp chế Trung ương là một trong các Ban, Viện Trung ương, thuộc hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Điều 2: Ban Pháp chế Trung ương là Cơ quan chuyên môn, có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn là tham mưu trực tiếp cho Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Lãnh đạo Giáo hội đối với những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành.
Điều 3: Ban Pháp chế Trung ương có trách nhiệm tham mưu chính xác trong chuyên môn, bảo đảm sự hài hòa, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan đến vụ việc.
Điều 4: Khi tiếp nhận hồ sơ, tùy theo vụ việc, Ban Pháp chế Trung ương sẽ tham khảo ý kiến với Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự Giáo hội cấp tỉnh, thành và Hệ phái; phân công thành viên phối hợp, xác minh cụ thể, thu thập chứng cứ pháp lý, trước khi tham mưu và đề xuất biện pháp giải quyết với Ban Thường trực HĐTS, Lãnh đạo Giáo hội.
Điều 5: Mọi hoạt động Phật sự của Ban Pháp chế Trung ương đều phải y cứ theo quy định của Hiến chương GHPGVN, trên tinh thần hòa hợp, đoàn kết, dân chủ, bình đẳng, tập thể thảo luận và biểu quyết thông qua.
Điều 6: Trong quá trình nghị sự và giải quyết công việc, Ban Pháp chế Trung ương đề cao trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong việc tổ chức thực hiện, bàn luận và quyết định các Phật sự trọng yếu của Ban.
CHƯƠNG II
THÀNH PHẦN NHÂN SỰ
Điều 7: Thành phần nhân sự của Ban Pháp chế Trung ương không quá 67 thành viên, gồm các chức danh:
-Trưởng ban
-Phó Trưởng ban Thường trực
-Các Phó Trưởng ban
-01 Chánh Thư ký
-02 Phó Thư ký (01 Phó Thư ký đảm nhiệm Chánh Văn phòng)
-Các Uỷ viên Thường trực
-Các Uỷ viên.
Điều 8: Thành phần nhân sự của Ban Pháp chế Trung ương, gồm đại diện các Hệ phái Phật giáo, Tăng Ni, Phật tử có năng lực, trình độ, am hiểu lĩnh vực liên quan đến các quy định của Giới luật Phật chế, quy định của Hiến chương, Quy chế, Nội quy của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Pháp luật Nhà nước; có tâm nguyện phục vụ tự nguyện được Giáo hội Phật giáo Việt Nam phân công và giao trách nhiệm.
Điều 9: Căn cứ nhu cầu công tác, Ban Pháp chế Trung ương sẽ thành lập các Phân ban phục vụ cho từng mãng công việc cụ thể.
CHƯƠNG III
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN
Điều 10: Ban Pháp chế Trung ương có trách nhiệm thảo luận, thông qua các chương trình hoạt động Phật sự của Ban tại các kỳ Hội nghị Sơ kết, tổng kết; tổ chức triển khai mọi hoạt động Phật sự theo quy định của Hiến chương GHPGVN, Pháp luật Nhà nước; các Nghị quyết, Chương trình hoạt động Phật sự của Hội đồng Trị sự đề ra, các nội dung công tác được thông qua các kỳ họp thường kỳ hoặc bất thường của Ban.
Điều 11: Ban Pháp chế Trung ươngchịu trách nhiệm trực tiếp trước Ban Thường trực HĐTS đối với các công tác theo chức năng, quyền hạn được phân công như sau:
-Chủ trì, phối hợp với các Ban, Viện Trung ương liên quan trong việc soạn thảo văn bản quy phạm của Giáo hội;
-Chủ trì, phối hợp với Băn Tăng sự, Ban Kiểm soát trung ương tổ chức rà soát, hệ thống hóa các văn bản của Giáo hội, đề xuất phương án xử lý những văn bản mâu thuẫn, chồng chéo trái quy định, hoặc không còn phù hợp;
-Chủ trì, phối hợp với Ban, Viện các cấp Giáo hội kiểm tra, xử lý văn bản liên quan đến lĩnh vực hoạt động theo quy định của Giáo hội;
-Xây dựng kế hoạch tổ chức phổ biến giáo dục Hiến chương, Quy chế, Nội quy của Giáo hội. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác giáo dục Hiến chương của các cấp Giáo hội;
-Theo dõi tình hình và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các Nghị quyết và văn bản quy phạm của Giáo hội;
-Chủ trì, phối hợp với các cấp Giáo hội thực hiện hỗ trợ tư pháp cho Tự viện, Tăng Ni;
-Chủ trì, phối hợp với Ban Tăng sự, Ban Kiểm soát Trung ương và các cấp Giáo hội trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, kiến nghị của Tăng Ni, Phật tử;
-Tham gia ý kiến về mặt pháp lý với cơ quan quản lý nhà nước và tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Giáo hội, Tự viện, Tăng Ni, Phật tử theo quy định của pháp luật;
-Hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ trong công tác Pháp chế ở các cấp Giáo hội;
-Phối hợp với các Ban, Viện và các các cấp Giáo hội trong việc đề xuất, khen thưởng, kỷ luật đối với tập thể, cá nhân thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Điều 12: Cá nhân được phân công giải quyết vụ việc sẽ chịu trách nhiệm trước Ban Thường trực HĐTS, Lãnh đạo Giáo hội và tập thể Ban Pháp chế Trung ương đối với các tham mưu, đề xuất trong việc giải quyết, xử lý vụ việc có liên quan đến cá nhân, hoặc tập thể theo Luật Phật chế định, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Pháp luật Nhà nước.
Điều 13:Các vụ việc đã được tập thể hoặc 2/3 thành viên Ban Pháp chế Trung ương thảo luận, biểu quyết thông qua đều phải được triển khai thực hiện, có sự giám sát của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN.
Điều 14:Các vụ việc quan trọng, trước khi Lãnh đạo Ban Pháp chế Trung ương tham mưu với Ban Thường trực, hoặc Lãnh đạo Giáo hội phải được tập thể hoặc 2/3 thành viên Ban Pháp chế Trung ương thảo luận, thông qua bằng một phiên họp.
Điều 15:Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thành viên Thường trực:
1. Trưởng ban:
-Thay mặt Ban Pháp chế Trung ương báo cáo, tham mưu, đề xuất biện pháp xử lý với Ban Thường trực HĐTS, Lãnh đạo Giáo hội các vụ việc, vấn đề có liên quan đến chuyên ngành;
-Thay mặt Ban Thường trực HĐTS triển khai các công việc được phân công mang tính chuyên ngành đến Ban Pháp chế tỉnh, thành;
-Triệu tập, chủ trì các kỳ họp thường kỳ hoặc bất thường để thảo luận, thông qua các công tác chuyên ngành;
-Những vụ việc mang tính sự vụ do Trưởng ban quyết định; đối với những vụ việc phức tạp, quan trọng, do tập thể Ban thảo luận, biểu quyết thông qua trước khi Lãnh đạo Ban báo cáo với Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Lãnh đạo Giáo hội;
-Nếu vì bệnh duyên hoặc duyên sự đặc biệt, thì ủy quyền cho Phó Trưởng Ban Thường trực xử lý công việc cho đến khi Trưởng ban trở lại nhiệm sở.
2. Phó Trưởng Ban Thường trực:
-Thay mặt Trưởng ban ký thư triệu tập, chủ trì các phiên họp thường kỳ hoặc bất thường để thảo luận, thông qua các công tác chuyên ngành; báo cáo, tham mưu, đề xuất biện pháp xử lý với Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Lãnh đạo Giáo hội;
-Thay mặt Trưởng ban tổ chức, triển khai thực hiện các công tác được Ban Thường trực HĐTS phân công; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các công tác chuyên ngành tại địa phương;
-Thay mặt Trưởng ban phối hợp với các Ban, Viện Trung ương, Ban Pháp chế tỉnh, thành hội Phật giáo và các Hệ phái trong thu thập chứng cứ pháp lý, sự việc có liên quan để tham mưu cho Ban Thường trực HĐTS, Lãnh đạo Giáo hội có hướng xử lý;
-Chịu trách nhiệm trực tiếp với Ban Pháp chế Trung ương về công việc đã thay mặt Trưởng ban xử lý.
3. Các Phó Trưởng ban:
-Được quyền thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đối với từng vụ việc cụ thể theo sự phân công của Lãnh đạo Ban;
-Chịu trách nhiệm trực tiếp với Ban và Lãnh đạo Ban đối với các công việc được phân công giải quyết.
4. Chánh, Phó Thư ký:
-Có trách nhiệm tập hợp hồ sơ, trình Lãnh đạo Ban và tập thể Ban xem xét tại các kỳ họp;
-Khi cá nhân, tập thể gởi đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, đến Văn phòng Ban Pháp chế Trung ương, Chánh – Phó Thư ký phải tiếp nhận hồ sơ và báo cáo kịp thời với Lãnh đạo Ban và tổ chức phiên họp để nghiên cứu vụ việc;
-Những vụ việc được Ban và Lãnh đạo ủy nhiệm, Chánh – Phó Thư ký phải chịu trách nhiệm về công việc được phân công giải quyết hoặc triển khai thực hiện;
-Soạn thảo các loại công văn giấy tờ và thực hiện việc lưu trữ hồ sơ theo quy định chung của Giáo hội và pháp luật.
5. Văn phòng Ban Pháp chế Trung ương: Có chức năng và quyền hạn:
-Có trách nhiệm tiếp nhận các loại hồ sơ có liên quan do cá nhân, tập thể gởi đến;
-Tổ chức nghiên cứu, đề xuất biện giải quyết vụ việc, đệ trình Ban và Lãnh đạo Ban xem xét.
-Những vụ việc có tính chất quan trọng, Văn phòng Ban phải kịp thời xin ý kiến Lãnh đạo Ban để tổ chức phiên họp nghiên cứu, cho ý kiến trước khi triển khai thực hiện.
CHƯƠNG IV
TÀI CHÁNH
Điều 16: Tài chánh phục vụ các hoạt động của Ban Pháp chế:
I. Thu:
1.Các thành viên Ban Pháp chế Trung ương tùy hỷ đóng góp;
2.Ban Pháp chế cấp tỉnh hỷ cúng công đức phí;
3.Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước hỷ cúng hợp pháp.
II: Chi:
Tất cả nguồn tài chánh được vận động, ủng hộ, hỷ cúng do Thủ quỹ của Ban quản lý và chi phục vụ các công tác thường xuyên của Ban:
1.Chi từ 5.000.000đ (năm triệu đồng) trở xuống do Chánh Thư ký duyệt chi và thông qua lãnh đạo Ban;
2.Chi từ 10.000.000đ (mười triệu đồng) trở lên do Lãnh đạo Ban duyệt chi.
Điều 17: Tất cả nguồn Thu - Chi phải được báo cáo theo định kỳ tháng, quý, năm.
CHƯƠNG V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 18: Các thành viên Ban Pháp chế Trung ương có quyền và nghĩa vụ bình đẳng trong thảo luận, biểu quyết.
Điều 19: Ban Pháp chế Trung ương hoạt động trên tinh thần dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, hòa hợp, đoàn kết, tuân thủ các nguyên tác của tổ chức Giáo hội, quy định của Giới luật Phật chế, Hiến chương GHPGVN và pháp luật Nhà nước.
Điều 20: Các công tác khi được tập thể Ban thống nhất thông qua, Lãnh đạo Ban và từng thành viên được phân công chịu trách nhiệm theo từng vụ việc đã trực tiếp giải quyết.
Điều 21: Các công việc đã được Ban biểu quyết thông qua hoặc đang trong quá trình nghiên cứu giải quyết, nếu thành viên Ban làm tiết lộ bí mật thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Tùy theo mức độ vi phạm Nôi quy Ban Pháp chế và công việc được phân công phụ trách, Ban Pháp chế Trung ương sẽ kiểm điểm, khiển trách, cảnh cáo, nhắc nhở; nếu nghiêm trọng sẽ đề nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự bãi miễn.Vụ việc đang trong quá trình thụ lý, nếu có phát sinh tình tiết mới phải được tập thể thành viên Ban xem xét trước khi tiếp tục tổ chức thực hiện.
Điều 22: Nội quy Ban Pháp chế Trung ương gồm có 05 chương, 22 điều, được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thông qua ngày …… tháng ….. năm 2013 và có hiệu lực thực hiện kể từ ngày Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN ký quyết định ban hành.
BAN PHÁP CHẾ TRUNG ƯƠNG
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM