Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 22/03/2017, 10:49 AM

Pháp môn niệm Phật với Duy thức học

1. Tôi nghe các bậc đàn anh nói rằng: "Pháp môn niệm Phật bao hàm các pháp môn khác như pháp Thiền, pháp Giáo, pháp Luật, pháp Mật, và khoa học Duy Thức. Nói tắt là, bất luận nhà Phật có pháp môn nào cũng được pháp môn niệm Phật thu nhiếp tất cả, bởi sáu chữ Di Đà thu nhiếp tam tàng giáo hải.” Lời của các bậc tiền bối nói như thế, là thật chăng? - Thật hay không là do trình độ nghiên cứu của mỗi người. Ai nghiên cứu sâu rộng thì thật, ai ít nghiên cứu thì còn hoài nghi, ai không nghiên cứu thì không tin gì hết.

Ông nên biết rằng, pháp môn niệm Phật chẳng những bao hàm các pháp môn, mà nó cũng bao hàm ba khoa giáo lý như: Tiệm giáo, Đốn giáo và Viên giáo. Ba giáo này bao hàm tất cả vô lượng pháp môn của nhà Phật.

2. Xin ông cho biết pháp môn niệm Phật thu nhiếp pháp Thiền bằng cách nào?

- Nếu pháp môn niệm Phật không kiêm luôn pháp Thiền, thì làm gì có lời nói tận thuở xưa rằng: "Hữu Thiền hữu Tịnh độ, dụ như đới giác hổ.” Nghĩa là có Thiền có Tịnh độ, chẳng khác nào như cọp mọc sừng. Cọp là thứ dữ, lại thêm có sừng, ý nói dữ càng thêm dữ, hung càng thêm hung, chẳng có loài nào hung dữ bằng, có thể nói là vô địch.

Các vị tiền bối thuở xưa nói câu đó để cho người học Phật hậu lai biết rằng: Ai tu Thiền và Tịnh, thì người ấy là bậc trên hết.

3. Pháp môn niệm Phật nhiếp luôn pháp Giáo là sao?

- Giáo là chỉ cho kinh giáo, tức là kinh điển tam tàng giáo hải, là tất cả giáo lý nhà Phật.

Nói rằng pháp môn niệm Phật bao hàm kinh giáo, nó có ý nghĩa là người niệm Phật phải nghiên cứu tu học tất cả tam tàng giáo hải, chớ chẳng phải chỉ có niệm sáu tiếng Di Đà thôi.

4. Thế nào là pháp môn niệm Phật bao hàm cả Luật tông?

- Giáo lý nhà Phật gồm Kinh, Luật, Luận. Luật là pháp luật, nó trở thành một tông phái, tông phái này lấy sự giữ giới làm gốc trong vấn đề tu hành. Do giữ giới tinh nghiêm mà được thanh tịnh, do thanh tịnh mà chứng đắc giải thoát đường luân hồi sinh tử, Kinh Luận chỉ là thứ yếu. Như thế, chúng ta thấy rằng pháp môn niệm Phật cũng đưa đến sự nhất tâm thanh tịnh,

5. Pháp môn niệm Phật gồm Mật giáo bằng cách nào?

- Mật giáo là một tông phái trong Phật giáo. Giáo phái này chuyên về trì chú trong sự tu hành. Ở Tây Tạng Mật tông phát triển rất mạnh.

Mật tông chủ trì tam mật trong sự tu hành giải thoát. Tam mật là thân, khẩu, ý. Trong công phu làm cho tam mật được thanh tịnh nhờ tay bắt ấn, miệng niệm chú. Tâm an thì thân cũng an, tam nghiệp tịnh là Phật xuất thế.

6. Pháp môn niệm Phật gồm luôn Duy Thức Học bằng cách nào?

- Vấn đề này tôi xin phép lược giải, không thể nói nhiều được. Vì nói nhiều, nó thành một quyển Duy Thức Học chớ chẳng phải Phật Học Vấn Đáp.

Duy Thức Học cho chúng ta biết rằng: "Hành động tạo tác của ba nghiệp thân, khẩu, ý về sự việc gì, cả thảy đều co gieo hột giống vào đệ bát A lại da thức. A lại da thức ví như một cái kho, cái kho này dành để tàng trữ các hạt giống (chủng tử) do ba nghiệp hành động tạo tác. Ba nghiệp (thân, khẩu, ý) hành động tạo tác cái chi đều có lưu lại hạt giống. Các hạt giống đó được thức thứ bảy là Mạt na thức truyền vào kho A lại da thức tồn trữ không cho hư mất. Lý do đó mà trong tâm A lại da chứa vựa không biết bao nhiêu hạt giống: Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, thiện, bất thiện, tình ái, tình dục, thương, ghét, đạo đức, tu hành, v.v...

Các hạt giống trên đây loại nào tập trung theo loại ấy. Loại nào nhiều, nó có sức mạnh hiện hành, chẳng cần có các duyên ngoại tại đồng tính chất lôi cuốn, kích thích, làm cho hạt giống phát sinh hiện hành (hiện ra hành vi cử chỉ, ngôn ngữ và ý nghĩ suy tư gồm trong ba nghiệp). Trái lại, hạt giống nào ít oi, chẳng đủ sức mạnh tự mình hiện hành, nó phải chờ các duyên bên ngoài kích thích nó mới hiện hành được.

Đến đây chúng ta thấy rằng: "Tất cả hành động của ba nghiệp thân, khẩu, ý đều do chủng tử hiện hành. Ví dụ như một người phóng tâm tham lam trộm cắp, người này trước sau gì cũng thành một người tham lam trộm cắp. Thế thì biết rằng, tư tưởng của con người làm sao, hình thành con người như thế ấy không hề sai. Lý do đó mà nhà Phật bắt buộc người tu hành phải giữ giới để cho thân tâm đạt thanh tịnh, không sái quấy, không bất nhân thất đức, trái lại, phải tư duy đạo đức, hành động đạo đức, phải tu tập nhất thiết thiện pháp. Kinh Kim Cang nói: "Tu cả thảy pháp lành tức đặng đạo vô thượng chính đẳng chính giác.”

Sức mạnh của chủng tử là tâm xui giục kích thích con người, làm cho con người xuôi dạ, yếu ớt, không thể cưỡng lại được. Ai chứa vựa chủng tử xấu nhiều, người đó càng ngày càng xấu xa hèn mạt, không ai chịu nổi. Ai chứa chủng tử chân, mỹ, thiện nhiều, người đó càng ngày càng thánh hóa, rốt ráo được thành Phật.

Hiểu thế lực và sự hiện hành của chủng tử rồi, chừng đó mới có thể tin mình tu hành cũng sẽ thành tựu công đức mà mình có công gieo trồng.

Theo Duy Thức Luận, con người thường hành động, lời nói và ý nghĩ cái chi, con người sẽ trở thành cái đó. Đây là lời nói thông thường theo khoa học. Còn lời nói của môn học này thì, tư tưởng và hành động của con người thuộc tâm lý học, mà khoa tâm lý học thế gian cũng chưa khám phá được. Môn học Duy Thức cho chúng ta biết rằng: "Mỗi thức trong bát thức đều có kiến phần và tướng phần. Kiến phần tức là phần tri kiến, Duy Thức Học nói nó là tâm sở của tâm vương. Tâm vương điều khiển tâm sở hành động theo ý thích của nó, chẳng khác nào vua có quyền lực sai khiến các bề tôi phải thi hành theo lệnh của mình ban ra. Kiến phần của thức vương chuyên về việc duyên qua tướng phần (phần sự tướng). Tướng phần này chẳng phải bỗng dưng mà có, nó do kiến phần biến hóa ra rồi lấy đó làm đối tượng sở duyên. Nghĩa là kiến phần biến hóa ra sự tướng để duyên, chớ kiến phần không thể trực tiếp duyên vào các pháp được. Thế thì biết rằng các tướng sở duyên nó không thật có.

Ví dụ khi ta tưởng tượng đến chiếc xe gắn máy Dream II, thì tâm của thức là kiến phần, nó xuất hiện và biến ra chiếc xe rồi nối duyên vào đó. Thế là tâm ta hiện nguyên hình chiếc xe gắn máy. Ví dụ này nói lên vấn đề khi ta thường xuyên tư tưởng về cái gì thì ta sẽ thành cái đó.

Tác dụng của kiến phần linh động như vậy, nên Hòa thượng Nhất Hạnh nói: "Ta nhìn vật gì, ta là cái đó.” Chỉ nhìn suông một vật mà còn như thế, nếu ta thường niệm tưởng vào sự vật gì, thì ta sẽ trở thành sự vật đó. Ví dụ trên đây cho ta biết rằng: "Ta thường phóng tư tưởng niệm Phật, thì tâm ta đang là tâm chúng sinh sẽ trở thành tâm Phật. Khi ta tỏ ngộ tâm này, Thiền tông gọi là minh tâm kiến tính thành Phật. Vả chăng tâm này là tâm vọng, mà cũng là tâm chân (tức Phật tính). Bởi vì, vọng tâm với chân tâm, chẳng khác nào như sóng với nước. Nếu sóng tức là nước, thì vọng tâm tức chân tâm, bản thể tức hiện tượng, pháp tướng tức pháp tính, chúng sinh tức Phật, phiền não tức bồ đề.

Vì tùy duyên, nên chân tâm trở thành vọng tâm (chân như trở thành vọng tưởng), khác nào nước trở thành sóng nhưng không mất chất nước, cho đến trở thành băng giá cũng không mất bản chất. Cũng như thế, chân như trở thành vọng tưởng, nó đâu có biến mất bản chất thanh tịnh tịch diệt.

Cái lắc léo này, phàm phu và nhị thừa làm sao tỏ ngộ? Vì không tỏ ngộ vọng tưởng tức chân như, lý do đó, trong sự tu hành cứ cong xương sống mà diệt trừ vọng tưởng, thì có khác nào diệt trừ phiền não. Phiền não mà bị tiêu diệt rồi, làm sao chứng được tâm bồ đề. Chẳng khác nào sóng mà bị hủy diệt rồi nước làm sao còn.

Bao nhiêu lý luận và ví dụ trên đây, cho ta biết chắc chắn rằng ta niệm Phật một giây, sẽ thành Phật một giây, niệm Phật một phút thì thành Phật một phút, niệm một giờ thành Phật một giờ, niệm một ngày thành Phật một ngày, niệm một tháng, một năm, v.v...

Chỉ bàn sơ về niệm Phật chớ chưa đi sâu vào chủng tử A Di Đà Phật tích trữ vô lượng vô biên trong tàng thức. Những chủng tử này thuộc chân mỹ thiện thanh tịnh tịch diệt, nó đồng hóa các chủng tử không chân mỹ thiện. Ban sơ chủng tử chân mỹ thiện lấn áp chủng tử không chân mỹ thiện, lần lần chủng tử không chân mỹ thiện bị đồng hóa, hoặc bị loại trừ, khiến cho tâm của hành giả trở thành thanh tịnh vắng lặng. Bản chất thanh tịnh vắng lặng càng ngày càng lớn mạnh, ngoại duyên trần cảnh dù có hấp dẫn kích thích cách mấy cũng không thể nào làm hành giả ô nhiễm được.

Nên biết rằng, bản chất của chân tâm Phật tính là thanh tịnh tịch diệt, niệm Phật đến chỗ thanh tịnh tịch diệt, thanh tịnh là bản chất của bồ đề, tịch diệt là bản chất của niết bàn. Niệm Phật đến chỗ thanh tịnh tịch diệt thì gặt hái được hai quả chuyển y bồ đề niết bàn.

Có một vị Thiền sư Đông Độ nói rằng: "Niệm Phật là lấy máu rửa máu.” Từ cổ chí kim, ai cũng cho rằng Thiền với Tịnh tu chung chẳng khác nào như cọp mọc sừng. Thế mà vị Thiền sư này làm cái việc "hàng thịt nguýt hàng cá,” thật là khi kinh ngạo Phật. Chính đức Từ phụ Bổn sư Thích Ca Mâu Ni giới thiệu pháp môn niệm Phật, thế mà Thiền sư dám cao ngạo xem Phật tổ không có ký lô nào hết.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói rằng: "Tri kiến không dính mắc vào năng sở (kiến tướng phần) thì nhập vào tri kiến Như Lai.” Ngài Tâm Minh nói: "Nếu không cố chấp một chút gì là thật có, dù là chân hay phi chân thì liền được nhập vào pháp tính (chân như) và thành bậc chính giác.”

Niệm Phật đến chỗ thanh tịnh tịch diệt thì cái tâm vọng đâu còn, nó đã hoàn nguyên lại bản thể. Cái tâm vọng mà hết vọng, thì đó là Bồ đề diệu minh chân tâm. Toàn thể vọng niệm tạp tưởng đều do chấp ngã, chấp pháp sinh ra. Nêu nhị chấp đó không còn, người tu hành toàn đạt vô lậu thanh tịnh. Ngã pháp, đồng nghĩa với năng sở, cũng đồng nghĩa với kiến, tướng phần. Nếu niệm Phật mà không chấp có ta niệm, không chấp có ông Phật sở niệm, đó là niệm Phật đạt cảnh giới vô năng vô sở đối đãi, đạt cảnh giới nhị vô ngã.

Nhị vô ngã không còn thì làm gì có nhị chướng (phiền não chướng và sở tri chướng). Nhị chướng không có thì chứng được nhị chân như (sinh không chân như và pháp không chân như), chứng được nhị chân như thì bỏ được nhị sinh tử (sinh tử phần đoạn và sinh tử biến dịch). Thoát ly được nhị sinh tử thì chứng được hai quả chuyển y Bồ đề niết bàn (tạm nói chứng). Đó, niệm Phật mà được như vậy đó, nó hơn vị Thiền sư nói rằng "Niệm Phật như lấy máu rửa máu.”

Niệm Phật như vậy, nó đâu có kém hơn pháp thiền mà Thiền sư đang tu. Bằng cớ là, nếu Thiền sư kiến tính thì đâu có nói câu "hàng thịt nguýt hàng cá.”

Nói rằng niệm Phật như lấy máu rửa máu, nghĩa là không bao giờ trong sạch được. Nói như thế thì dốt quá, tức không hiểu nghĩa lấy vọng trừ vọng (dĩ vọng trừ vọng). Nếu lấy vọng trừ vọng là bất tịnh, thử nghiên cứu câu "lấy huyễn trừ huyễn” trong kinh Viên Giác coi có được hoàn toàn thanh tịnh hay không? Nếu lấy huyễn trừ huyễn mà đặng thành bậc vô thượng Bồ đề, thì lấy vọng trừ vọng của pháp môn niệm Phật cũng đạt đạo vô thượng Bồ đề vậy.

Thanh tịnh cho đến không chấp có thanh tịnh, thử hỏi còn cái gì ở nội tâm mà nói rằng "lấy máu rửa máu thì không bao giờ thanh tịnh tịch diệt.” Thanh tịnh tịch diệt là bản chất của Bồ đề niết bàn, mà hành giả đã thanh tịnh tịch diệt, thử hỏi nơi tâm địa còn cái gì, há chẳng phải là cái không (chân không) ư? Cái không này nó thuộc về tuyệt đối, chẳng phải đối với cái có, thì làm sao gọi là lấy máu rửa máu.

Thanh tịnh cho đến không còn kẹt vào lời nói của kinh Lăng Nghiêm: "Dù cho diệt hết kiến, văn, giác, tri mà bên trong còn chấp giữ cái pháp trần do thức tâm phân biệt phát sinh.” Không dụng công tu hành là bậc tu vô vi (không hành vi động tác) là bậc vô công dụng đạo (không dụng công tu hành), đó là huệ giác Bát nhã ba la mật, tức là vô thượng chính đẳng chính giác rồi, bậc này có phải là Viên Giác chăng?

Niệm Phật như vậy thua Thiền tông chăng? Pháp Thiền được vậy chăng?

Chủng tử sinh hiện hành,
Hiện hành sinh chủng tử

Đến đây chúng ta thấy rằng niệm Phật là gieo chủng tử vô lậu thanh tịnh. A Di Đà dịch là Vô lượng quang, Vô lượng thọ, niệm A Di Đà là gieo chủng tử Vô lượng quang minh, Vô lượng thọ mạng. Quang minh là gì? Là Huệ giác bát nhã ba la mật, tức là trí huệ đáo bỉ ngạn, trí này là độ thứ sáu trong sáu độ ba la mật.

Khi niệm Phật, đó là hiện hành trì niệm A Di Đà, nếu hiện hành thì có gieo là lẽ đương nhiên, Duy Thức Học gọi là "Chủng tử sinh hiện hành, hiện hành sinh chủng tử.” Mỗi lần hành động cái chi của ba nghiệp thân, khẩu, ý, đều có gieo chủng tử. Như thế chủng tử được gieo như vậy từ năm này qua năm kia, đến suốt đời, tức suốt đời tích lũy chủng tử A Di Đà đến vô lượng vô biên không thể đếm tính được là bao nhiêu chủng tử A Di Đà.

Thiền sư mà còn chấp ngã chấp pháp là một việc ít có. Máu để rửa là năng tu, máu bị rửa là pháp tu. Năng sở, ngã pháp còn là công phu của phàm tiểu, nó thuộc về tương đối. Tương đối là pháp có hai, chẳng phải bất nhị pháp môn, nó thuộc hữu vi công phu. Trình độ như thế mà dám đại ngôn phê bình pháp môn niệm Phật bao hàm cả Tiệm giáo, Đốn giáo và Viên giáo.

"Lìa chấp ngã chấp pháp mà công phu tu hành, liền nhập vào Vô thượng chính đẳng chính giác.” Đó, câu nói đó của kinh Lăng Nghiêm nay ứng dụng trong pháp môn niệm Phật. Ai có pháp môn nào tài giỏi, hãy chống đỡ và bác khước câu nói đó xem?

Cư sĩ Như Pháp
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Quy y Tam bảo mà không thọ giới được không?

Hỏi - Đáp 16:50 18/04/2024

Hỏi: Tôi có vấn đề muốn hỏi. Quê tôi chưa có chùa, vậy tôi có thể tự quy y Tam bảo ở nhà không? Và khi chưa thể giữ được 5 giới thì vẫn có thể quy y nhưng không thọ giới có được không?

Kính Tăng đúng pháp được phước vô lượng

Hỏi - Đáp 14:40 16/04/2024

Hỏi: Người Phật tử khi nhìn thấy nhà sư thì luôn khởi tâm kính trọng. Vậy đối với những vị sư không nghiêm trì giới luật, phá giới hay khiếm khuyết oai nghi thì nên khởi tâm như thế nào để không bị tổn phước?

Việc kết nối thiên nhiên giúp trị trầm cảm như thế nào?

Hỏi - Đáp 13:03 14/04/2024

Câu hỏi: Việc kết nối thiên nhiên giúp trị trầm cảm như thế nào? Nó sẽ giúp gì trong quá trình trị liệu tâm lý?

Mất phương hướng và cô độc

Hỏi - Đáp 08:50 13/04/2024

Em hiện tại đang rất mất phương hướng. Cuộc sống của em rất bí, ít có sự giao lưu với bên ngoài. Em luôn ý thức được điều này, nhưng không biết cách khắc phục, em đã sống cô độc và trầm cảm từ năm phổ thông trung học. Mặc dù gia đình luôn quan tâm, bố em là một người rất nghiêm khắc.

Xem thêm