Sự dính mắc đối với ngũ trần
Dưới đây là bài giảng của ngài Nhị tạng Sayadaw Thitzana và Thượng tọa Trí Tịnh, tại khóa thiền Minh sát ở một ngôi chùa Việt ở Hoa Kỳ.
Đức Phật dạy rằng: “Này các Tỳ-khưu, đây là điều Như Lai đã thấy trong thế gian này: Taṇhā (ái dục), vui thích trong mọi điều dễ chịu, trong mọi cảm thọ khả lạc, và chính nó thúc đẩy chúng sinh luân chuyển từ đời này sang đời khác.”
Lời dạy này làm sáng tỏ bản chất của taṇhā (ái dục) - luôn bị lôi cuốn bởi sắc khả ý (iṭṭha rūpa), thanh khả ý (sadda), và mọi thứ dễ chịu khác. Với tâm tham ái này khiến chúng sinh mãi mê đắm nhiễm trong sự hưởng thụ, không muốn từ bỏ, luôn mong cầu nhiều hơn nữa.

Chính taṇhā trói buộc chúng sinh vào saṃsāra (luân hồi), dẫn dắt từ bhava (hữu) này sang bhava khác, từ jāti (sanh), jarā (già), maraṇa (chết) hết lần này đến lần khác và mọi đau khổ của pháp hữu vi.
Do vậy, taṇhā - ái dục chính là nguyên nhân, là cội rễ của khổ đau. Nó là nhiên liệu nuôi dưỡng bánh xe của paṭiccasamuppāda (duyên khởi), khiến dukkha (khổ) tiếp diễn không ngừng.
Đức Phật dạy rằng chúng sinh bị thúc đẩy bởi taṇhā (ái dục) dưới nhiều hình thức khác nhau.
Một loại ái dục là kāma-taṇhā, tức là lòng tham đắm vào dục lạc. Ái này khởi lên từ sắc (rūpa), thanh (sadda), hương (gandha), vị (rasa), và xúc (phoṭṭhabba) - tất cả các cảnh trần mà sáu căn tiếp xúc (dhamma - pháp). Vì ái dục này, chúng sinh luôn truy cầu khoái lạc, bám víu vào những gì dễ chịu. Chính sự chấp thủ này khiến tâm luôn dao động, không thể thoát ly.
Loại ái dục thứ hai là bhava-taṇhā, tức là sự tham đắm vào hữu, sự tồn tại. Chúng sinh mong muốn tiếp tục sống, duy trì sự hiện hữu của mình. Người ở cõi nhân loại mong muốn tiếp tục làm người. Ngay cả những ai đang ở trong hoàn cảnh thuận lợi cũng sợ mất đi sự tồn tại của mình, luôn mong cầu được trường tồn.
Đây chính là bản chất của bhava-taṇhā - lòng tham sống, khát khao được tiếp tục tồn tại.
Taṇhā chính là động lực của saṃsāra (luân hồi).
Khi ái dục còn tồn tại, chúng sinh vẫn bị trói buộc vào jāti (sanh), jarā (già), byādhi (bệnh), maraṇa (chết), mãi luân chuyển trong khổ đau.
Bây giờ, loại taṇhā (tham ái) thứ ba được gọi là Vibhava-taṇhā. Vibhava có nghĩa là “không có sự tồn tại” hay “không có đời sống nào sau khi một người chết đi,” và taṇhā có nghĩa là sự khát ái. Đây là loại khát ái khởi lên từ tà kiến rằng không có đời sau, không có kiếp sống kế tiếp.
Có những người chấp giữ quan niệm này (diṭṭhi - tà kiến), nghĩ rằng sau khi chết, mọi thứ sẽ chấm dứt hoàn toàn, không còn gì tiếp diễn. Trong thời hiện đại, những người theo chủ nghĩa duy vật hoặc những ai chỉ tin vào những gì họ có thể thấy và trải nghiệm trong đời sống hiện tại cũng giữ quan điểm này.
Vì họ nghĩ đây là đời sống duy nhất, họ làm bất cứ điều gì mình thích mà không quan tâm đến kamma (nghiệp) hay vipāka (quả báo).
Loại tà kiến này được gọi là Vibhava-diṭṭhi, hay còn gọi là uccheda-diṭṭhi (đoạn kiến). Nghĩa là họ tin rằng không có tiền kiếp, không có kiếp sau, và không có hậu quả gì ngoài đời sống hiện tại. Những ai chấp giữ quan điểm này thường không quan tâm đến kusala (thiện nghiệp) hay akusala (bất thiện nghiệp) vì họ cho rằng chết là hết.
Tóm lại, có ba loại taṇhā:
1. Kāmataṇhā - khát ái đối với dục lạc (tham dục), chấp trước vào các cảm giác dễ chịu.
2. Bhavataṇhā - khát ái đối với sự hiện hữu, chấp trước vào sự tồn tại, thường hằng của đời sống (hữu ái).
3. Vibhavataṇhā - khát ái dựa trên quan niệm không có kiếp trước kiếp sau, dẫn đến hành vi buông thả vì cho rằng đây là đời sống duy nhất (phi hữu ái).
Tham ái (taṇhā) khởi lên từ đâu? Nó xuất hiện từ đâu?
Đức Phật dạy rằng trong thế gian này có những sắc pháp khả ái, khả hỷ, taṇhā ăn sâu trong tâm chúng sinh, có gốc rễ sâu dày. Sự khởi sinh của taṇhā - sự bám víu, tham luyến - xảy ra dựa trên những cảnh sắc, âm thanh, hương, vị, xúc, và pháp khả ái (rūpa, sadda, gandha, rasa, phoṭṭhabba, dhamma). Nó sanh khởi dựa trên các cảm thọ dễ chịu mà chúng ta kinh nghiệm, và những đề tài mà tâm bám víu vào.
Vậy taṇhā sanh khởi từ đâu? Nó sanh khởi từ bên trong chúng ta. Từ ngay trong tâm của chúng ta. Chúng ta tham luyến các cảm thọ lạc thú - thấy sắc đẹp, nghe âm thanh dễ chịu, nếm hương vị thơm ngon, cảm nhận xúc chạm êm ái, suy tưởng về những điều thú vị. Chính sự dính mắc này nuôi dưỡng vòng luân hồi (saṃsāra), dẫn dắt chúng sinh trôi lăn từ kiếp sống này sang kiếp sống khác.
Thân là một nguồn khoái lạc. Tâm cũng là một nguồn khoái lạc. Nhưng do vô minh (avijjā) và tham ái (taṇhā), chúng sinh bị ràng buộc vào các lạc thọ, bám víu vào sự tồn tại (bhava-upādāna).
Điều quan trọng cần giải thích ở đây là: sắc trần (rūpa) thì dễ chịu và thích thú, thinh trần (sadda) thì dễ chịu và thích thú, hương trần (gandha) thì dễ chịu và thích thú, vị trần (rasa) thì dễ chịu và thích thú, xúc trần (phoṭṭhabba) thì dễ chịu và thích thú. Các pháp trần (dhamma) cũng dễ chịu và thích thú.
Tuy nhiên, cũng có những điều khó chịu và không mong muốn. Nhưng Đức Phật nhấn mạnh rằng khát ái (taṇhā) và chấp thủ (upādāna) luôn chi phối tâm bằng cách tìm kiếm lạc thọ. Khi tâm bị chi phối bởi taṇhā - tham ái, nó luôn theo đuổi những gì dễ chịu, chấp thủ vào những gì hợp ý. Ngược lại, khi đối diện với điều gì đó xấu xí, khó chịu, hoặc đáng ghê tởm, tâm phản ứng với sân hận (paṭigha).
Như vậy, Đức Phật đã giảng dạy về sự vận hành của khát ái và dục vọng (taṇhā). Khát ái, chấp thủ, và dục vọng đều sinh khởi từ sự dễ chịu và thích thú. Vì thế, Đức Phật chỉ ra rằng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp - khi chúng dễ chịu - trở thành điều kiện để khát ái và chấp thủ bám rễ. Đây chính là bản chất của taṇhā, là xiềng xích trói buộc chúng sinh vào saṃsāra, vòng luân hồi sinh tử bất tận.
Khi cảnh sắc đến thì thần kinh nhãn bắt cảnh, lúc bấy giờ tâm nhãn thức sanh khởi, đó chính là nơi khát ái (taṇhā) khởi sinh. Khát ái sinh khởi khi có thức (viññāṇa) hiện diện - dù đó là nhãn thức (cakkhu-viññāṇa), nhĩ thức (sota-viññāṇa), tỷ thức (ghāna-viññāṇa), thiệt thức (jivhā-viññāṇa), thân thức (kāya-viññāṇa), hay ý thức (mano-viññāṇa).
Cũng giống như khi thấy một cảnh, khát ái (taṇhā) liền khởi lên. Tương tự, khi có tưởng (saññā), xúc (phassa), thọ (vedanā), khát ái lại xuất hiện. Khi tâm trải nghiệm một cảm giác dễ chịu, chấp thủ (upādāna) liền theo sau.
Tương tự như vậy, chấp thủ sinh khởi ngay tại khoảnh khắc tiếp xúc với cảnh trần. Khi xúc giác (phoṭṭhabba) xuất hiện, thức nhận diện sự xúc chạm sinh khởi, khát ái (taṇhā) vi tế len lỏi vào.
Điều mà tôi muốn giảng giải ở đây là một nguyên lý quan trọng khác: sáu loại xúc (phassa)
• Mắt (cakkhu) tiếp xúc với sắc (rūpa), sanh ra nhãn thức (cakkhu-viññāṇa).
• Tai (sota) tiếp xúc với âm thanh (sadda), sanh ra nhĩ thức (sota-viññāṇa).
• Mũi (ghāna) tiếp xúc với mùi hương (gandha), sanh ra tỷ thức (ghāna-viññāṇa).
• Lưỡi (jivhā) tiếp xúc với vị (rasa), sanh ra thiệt thức (jivhā-viññāṇa).
• Thân (kāya) tiếp xúc với xúc chạm (phoṭṭhabbā), sanh ra thân thức (kāya-viññāṇa).
• Ý (mano) tiếp xúc với pháp (dhamma), sanh ra ý thức (mano-viññāṇa).
Khi có xúc (phassa), sẽ duyên cho cảm thọ (vedanā) – đó có thể là lạc thọ (sukha-vedanā), khổ thọ (dukkha-vedanā), hoặc xả thọ (adukkhamasukha-vedanā).
Nếu không có chánh niệm (sati) và tuệ tri (paññā), tâm sẽ sanh khởi tham ái (taṇhā), đưa đến chấp thủ (upādāna). Chính sự chấp thủ này làm duyên cho hữu (bhava – sự tái sanh trong một cõi giới), và cuối cùng đưa đến tái sanh (jāti), tiếp tục luân hồi (saṃsāra).
Đức Phật dạy rằng cần phải có chánh tư duy, như lý tác ý (yoniso manasikāra) để thấy rõ bản chất thực sự của các pháp (yathābhūtañāṇadassana), từ đó chấm dứt khổ đau.
Bây giờ, tôi sẽ giải thích một phần về cảm thọ (vedanā) được sanh khởi từ xúc (phassa) - đây chính là điểm mấu chốt nơi tham ái (taṇhā) sanh khởi.
• Khi mắt (cakkhu) tiếp xúc với sắc (rūpa), sẽ sanh khởi cảm thọ (vedanā). Đây là nơi tham ái (taṇhā) phát sinh.
• Khi tai (sota) tiếp xúc với âm thanh (sadda), sẽ sanh khởi cảm thọ. Đây là điểm nơi chấp thủ (upādāna) phát sinh.
• Khi mũi (ghāna) tiếp xúc với hương (gandha), sẽ sanh khởi cảm thọ. Đây là nơi dục ái (chanda-taṇhā) sanh khởi để muốn ngửi mùi đó.
• Khi lưỡi (jivhā) tiếp xúc với vị (rasa), sẽ sanh khởi cảm thọ. Đây là nơi chấp thủ (upādāna) phát sinh.
• Khi thân (kāya) tiếp xúc với sự xúc chạm (phoṭṭhabbā), sẽ sanh khởi cảm thọ. Đây là điểm nơi chấp thủ (upādāna) phát sinh.
• Khi ý (mano) tiếp xúc với pháp (dhamma), sẽ sanh khởi cảm thọ. Đây chính là nguồn gốc nơi chấp thủ (upādāna) phát sinh.
Như vậy, từ xúc (phassa) sanh khởi cảm thọ (vedanā), nếu không có chánh niệm (sati) và tuệ giác (paññā), thì sẽ dẫn đến tham ái (taṇhā).
Đức Phật dạy rằng: “Do vô minh (avijjā), sanh tham ái (taṇhā); do tham ái sanh chấp thủ (upādāna); do chấp thủ sanh hữu (bhava); do hữu sanh tái sanh (jāti); và do tái sanh sanh khổ (dukkha).”
Vì thế, muốn thoát khỏi vòng luân hồi, cần phải tỉnh giác (sampajañña), thấy rõ bản chất của xúc, thọ, ái để không rơi vào luân hồi sanh tử (saṃsāra), hướng đến giải thoát (vimutti).
Tiếp theo tôi muốn giải thích về tưởng uẩn (saññā) hay ký ức. Tưởng về sắc (rūpa saññā), tưởng liên quan đến những gì đã thấy. Tưởng liên quan đến âm thanh êm tai, du dương, cũng như âm thanh khó chịu. Tưởng liên quan đến mùi hương, dù là thơm hay hôi. Tưởng liên quan đến vị giác, ngay cả những gì đã nếm từ rất lâu trước đây. Tưởng liên quan đến xúc chạm (phassa saññā), cảm giác tiếp xúc của thân. Tưởng liên quan đến trải nghiệm của thân thể, sự hồi tưởng, và suy tư. Tất cả những điều này chính là những điểm mà tưởng uẩn (saññā) hoạt động, tạo nên sự chấp thủ và phản ứng của chúng ta.
Tiếp theo tôi sẽ giải thích về thuật ngữ sañcinanta. Sañcinanta có nghĩa là sự kích thích hoặc tác động. Nó bao gồm sự kích thích dựa trên nhãn căn (thị giác), nhĩ căn (thính giác), tỷ căn (khứu giác), thiệt căn (vị giác), thân căn (xúc giác), và ý căn (pháp trần). Đây chính là những điểm mà các vấn đề sinh khởi. Khi những kích thích này xảy ra, chúng tác động đến tâm, dẫn đến những hành động không chủ ý hoặc vô thức.
Đây là điểm mà các hành (saṅkhāra) phát sinh, ngoài ra còn có các suy nghĩ (vitakka), âm thanh (sadda), mùi (gandha), vị giác (rasa), cảm thọ (vedanā), thân (kāya) và tâm (citta), nơi mà tham ái (lobha) và dính mắc (upādāna) phát sinh bởi ái dục (taṇhā). Vì vậy, các suy nghĩ và sự thích thú đều có liên quan đến mỗi căn.
Đây cũng là điểm mà tham ái (lobha) xuất hiện do sáu căn (āyatana) tiếp xúc với sáu trần.
Những tư tưởng tiếp theo phát sinh liên quan đến sự dễ chịu của sắc cảnh sắc (cakkhu), sắc cảnh thanh, hương, vị, xúc, pháp. Khi bạn hiểu cách hành thiền (bhāvanā) có thể được thực hành dựa trên sáu ngoại xứ (salāyatana) và sáu nội xứ, mang cảm giác tự do giải thoát, bạn bắt đầu nhận ra những tư tưởng lớn hơn - đây là sự suy niệm về các pháp (dhamma) - nơi mà các khổ đau (dukkha) phát sinh và liên tục lặp lại. Những suy nghĩ mà được sinh ra bởi tham ái (taṇhā), chính là yếu tố duy trì chu kỳ đau khổ trầm luân.
Tôi hy vọng bạn hiểu được sự dính mắc của ái dục với sáu nội căn và sáu ngoại căn. Tôi hy vọng các thiền sinh đều học được sự quan sát và ghi nhận mọi thứ trong chánh niệm.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn


Sự dính mắc đối với ngũ trần
Phật giáo thường thức
Dưới đây là bài giảng của ngài Nhị tạng Sayadaw Thitzana và Thượng tọa Trí Tịnh, tại khóa thiền Minh sát ở một ngôi chùa Việt ở Hoa Kỳ.

Phải tinh tấn tu hành kẻo không còn kịp nữa
Phật giáo thường thức
Quý vị có biết không chạy nạn thì sẽ chẳng còn kịp nữa không?

Ăn chay trường uống viên dầu cá được không?
Phật giáo thường thức
Hỏi: Tôi ăn chay trường, dạo gần đây bị khô mắt, đi khám bệnh thì được bác sĩ khuyên bổ sung thêm viên dầu cá. Như vậy, tôi có dùng được không? Có phạm giới sát sinh không?

Chỉ có từ bi mới trừ được hận thù, đó là định luật ngàn thu
Phật giáo thường thức
Theo thế thường người ta nói lấy oán trả oán, nhưng như thế thì oán không bao giờ hết, vì càng trả càng chất chồng.
Xem thêm