Sự thật về tháng cô hồn mà ai cũng cần biết
Tháng cô hồn thường được dân gian gọi vào dịp tháng 7 âm lịch. Bởi trong tháng này người ta nghĩ đến rất nhiều những chuyện vong linh, cô hồn và những điều kiêng kỵ.
Vậy tháng cô hồn là gì? Có cần kiêng kỵ trong “tháng cô hồn” không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh trong bài viết dưới đây.
Tháng cô hồn là gì theo quan điểm của Phật giáo?
“Cô hồn” là một danh từ xuất phát từ trong Phật giáo. Theo đó, “cô” là cô đơn, cô độc; “hồn” là vong hồn, linh hồn vong linh. Do người chết ra đi một mình, không có bất kỳ ai đi cùng cho nên gọi là cô hồn.
Tháng cô hồn có xuất xứ từ trong Phật giáo bởi câu chuyện trong kinh Vu Lan Bồn kể về Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ bị đọa làm ngạ quỷ. Dù Ngài có thần thông bậc nhất nhưng không cứu được mẹ mình. Ngài bạch Phật được Phật chỉ dạy: muốn cứu mẹ phải nhờ đến thần lực của mười phương chư Tăng. vào cuối khóa an cư kiết hạ, tất cả chúng Tăng ở các nơi tụ về làm lễ tự tứ thì hãy thiết lễ cúng dường trai Tăng, nhờ công đức chú nguyện của chúng Tăng tu hành trong ba tháng an cư thanh tịnh để hồi hướng cho mẹ và nhiều vong linh khác được siêu sinh. Ngài Mục Kiền Liên vâng lời Phật dạy nhờ đó mà không chỉ mẹ Ngài và rất nhiều ngạ quỷ khác cũng được sinh về cõi Trời.
Từ câu chuyện này mà sau này trong nhân gian, người ta nghĩ là đến ngày rằm tháng bảy là ngày chư Tăng tự tứ (theo Phật giáo Bắc tông) cũng là ngày chư Phật hoan hỷ vì Tăng chúng tinh tấn tu hành. Từ đấy chư Thiên hoan hỷ, pháp giới hoan hỷ, vua Diêm Ma cũng hoan hỷ, các cõi đều hoan hỷ. Do hoan hỷ như vậy, cho nên các tội nhân ở trong ngục được giảm tội, được xá tội hoặc được tha tội, chuyển kiếp. Đấy là câu chuyện mà chúng ta lý giải theo cái rất thông thường. Vì vậy, người ta gọi ngày đấy là ngày gọi là xá tội vong nhân. Và quan niệm của dân gian thì người ta cho rằng cả tháng bảy là tháng các cô hồn vì địa ngục mở cửa cho được ra nên các vong linh, vong hồn đi lang thang trên trần gian.
Những điều kiêng kỵ trong "tháng cô hồn" là đúng hay sai?
Dân gian quan niệm rằng tháng 7 âm lịch sẽ có các cô hồn đi lang thang, vất vưởng trên trần gian, cho nên tháng này sẽ có rất nhiều vấn đề xảy ra và chúng ta cần phải cảnh giác, kiêng kỵ như:
1. Không đi chơi đêm trong tháng cô hồn. Vì đi chơi đêm có thể gặp phải các vong hồn vất vưởng, rồi chúng bám vào người và theo về nhà.
2. Không đi phơi quần áo vào ban đêm, vì ma quỷ trông thấy có thể sẽ “mượn” để mặc, hoặc vẽ lên trên quần áo. Có những vong linh trước kia làm họa sĩ nên họ thích vẽ, sẽ làm cho quần áo của mình bị ố, phai màu.
3. Không được gào thét, gọi tên nhau giữa đêm khuya. Vì gọi như vậy sẽ khiến ma quỷ nhớ tên người được gọi. Như vậy ma quỷ có thể sẽ đi theo người đó.
4. Không tùy tiện đốt vàng mã. Vì là tháng cô hồn cho nên ma đói quỷ đói đi lang thang rất nhiều. Đốt vàng đốt mã khiến ma quỷ tranh nhau vào cướp và bám vào mình.
5. Không được ăn vụng đồ khi cúng cô hồn. Bởi trong khi cúng, cô hồn đến rất nhiều, nếu chúng ta ăn thì họ sẽ tức và ác hại mình.
6. Không đứng gần cây đa, cây đề. Vì họ cho rằng quỷ ở gốc đa, ma ở gốc đề. Tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn nên chúng bám rất nhiều vào gốc cây đa, cây đề. Cho nên nếu đứng vào các chỗ đó thì ma quỷ cũng sẽ bám theo.
7. Không treo chuông gió ở đầu giường. Theo quan niệm dân gian, việc treo chuông gió ở đầu giường trong tháng 7 âm lịch sẽ gọi ma quỷ đến nhà.
8. Không nhổ lông chân trong tháng cô hồn. Vì dân gian cho rằng một sợi lông chân sẽ quản lý 3 con quỷ. Nếu nhổ lông chân thì cô hồn sẽ bị xui xẻo nên nó hại mình, công việc làm ăn không được tốt.
9. Không bơi lội trong tháng cô hồn. Vì sợ ma quỷ cũng đi bơi. Xuống nước chúng cũng thấy mình bơi thì sẽ dìm mình.
10. Không được dọa người. Dọa người sẽ khiến họ hồn bay phách lạc. Như vậy ma quỷ sẽ bắt hồn của người ta.
11. Không đến nơi vắng vẻ. Trong trường hợp tới nơi vắng vẻ tuyệt đối không được quay lại nhìn phía sau. Nếu nhìn lại sẽ có ma quỷ bắt mình, rủ về “cõi âm”.
12. Không được thức quá khuya. Vì sẽ khiến cơ thể suy nhược, cho nên rất dễ bị ma quỷ nhập vào.
13. Không nhặt tiền rơi trong tháng cô hồn. Khi tiền đã rơi ở ngoài đường là có cô hồn bám vào, mình nhặt sẽ bị cô hồn đi theo về nhà.
14. Không mài dao, mài kéo. Cô hồn nghĩ rằng mài dao, kéo thì sắp có đồ gì để ăn chúng sẽ bu vào. Hoặc cô hồn có thể “nhập vào” con dao, cái kéo để tác động làm cho mình sinh tâm ác.
15. Không nên ký những hợp đồng làm ăn lớn, hay làm những việc lớn như cưới hỏi, chuyển nhà, xây nhà, cất nóc, đào móng, v.v…
16. Không được thề thốt trong tháng cô hồn. Vì khi thề sẽ có cô hồn đứng nhìn và chúng sẽ đi theo để chứng kiến sự việc mình thề có đúng không. Nếu mình làm sai lời thề thì cô hồn sẽ phạt.
17. Không mua xe cộ.
18. Không được cắm đũa vào bát cơm vì làm như vậy khiến cô hồn tưởng là cúng cơm cho chúng, chúng sẽ nhảy vào.
19. Không chụp ảnh vào ban đêm, bởi ma quỷ cũng thích chụp ảnh và chúng sẽ vào chụp ảnh chung với mình.
20. Không mặc quần áo có in hình thù quỷ quái, ghê sợ, ma quỷ dễ dụ mình đi.
Theo góc nhìn của đạo Phật, những quan điểm kiêng kỵ trên không đúng. Điều này được giải thích bởi 2 nhân duyên như sau:
1. Tháng 7 âm lịch không phải toàn bộ cô hồn đều được thoát khỏi địa ngục
Ở nước ta hiện nay vào ngày Quốc Khánh 02/09 nhà nước sẽ ân xá tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân. Tuy nhiên, ân xá không phải là mở cửa cho tất cả tù nhân đang còn tôi đi lang thang, mà chỉ những ai hết hạn, hết tội thì cho về nhà. Còn người nào tội nặng thì sẽ được giảm, người nào nhẹ thì được hết tội, tức là ai giảm rồi mà còn tội thì vẫn phải ở trong tù.
Tương tự như trên trần gian, dưới “cõi âm” có dịp chư Tăng an cư kiết hạ, do chư Phật và Pháp giới hoan hỷ nên vong linh nào nhẹ tội thì được giảm hết tội và chuyển kiếp tái sinh; còn vong linh nào tội nặng thì được giảm nhẹ, vong linh trong địa ngục thì vẫn ở địa ngục. Trong tháng cô hồn không phải tất cả vong hồn được thả đi lại tự do trên trần thế; theo kinh điển của Phật giáo, đó là quan niệm rất sai lầm.
2. Không phải ai cũng bị vong linh tác động
Những điều kiêng kỵ trong tháng cô hồn còn xuất phát từ tâm lý sợ bị vong linh nhập vào người. Tuy nhiên, theo góc nhìn của đạo Phật thì nguyên nhân bị vong linh tác động là do người ấy không có các vị thần hộ trì bảo hộ hoặc số lượng các vị thần hộ trì cho người ấy ít.
Trong kinh Trường A Hàm, kinh Thế Ký phẩm Đạo Lợi Thiên, Đức Phật dạy tất cả chúng ta ngay từ khi sinh ra đều có quỷ thần theo ủng hộ. Nhưng với những người còn ác nghiệp từ tiền kiếp và hiện kiếp này tạo tác 10 ác nghiệp: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, dối láo, nghiện ngập,... thì Đức Phật dạy rằng trong trăm người, nghìn người như thế may ra mới có một vị thần bảo hộ. Giống như đàn bò, đàn dê, trăm con, nghìn con chỉ có một người trông. Khi qua nơi có nhiều chó sói, sư tử thì sức của một người trông không thể bảo vệ được toàn bộ đàn bò, đàn dê. Cũng vậy, một vị thần hộ trì 100, 1000 người thì vị ấy không thể bảo vệ hết được. Và đây chính là lý do mà ma quỷ dễ xâm nhập, quấy phá.
Tháng 7 âm lịch nên làm gì để được hộ trì?
Đức Phật cũng dạy, người nào tu hành thiện Pháp chính kiến, chính tín, chính hạnh đầy đủ mọi thiện nghiệp, chỉ một người như vậy thì có cả trăm ngàn thần bảo hộ. Giống như vị quốc vương, vị đại thần của quốc vương có trăm ngàn người hậu vệ, cũng vậy người tu hành thiện Pháp đầy đủ 10 thiện nghiệp thì một người có trăm ngàn vị thần theo hậu vệ.
Y lời Phật dạy, để không bị vong linh quấy nhiễu, tác động chúng ta phải kiêng làm việc ác. Tháng 7 âm lịch là tháng vu lan, tháng có truyền thống báo hiếu, nhớ về ân đức tổ tiên thì chúng ta với tâm hiếu nên chăm sóc, báo hiếu cha mẹ hiện tiền và gieo duyên giúp cha mẹ được biết đến Phật Pháp, quy y Tam Bảo. Nếu cha mẹ, ông bà đã mất thì nhân tháng 7 âm lịch (tháng chư Tăng an cư kiết hạ), chúng ta đến chùa thiết lập trai đàn hoặc thỉnh chúng Tăng đến để cúng dường, mang phước báu ấy hồi hướng cho cha mẹ, ông bà, tiên tổ đã quá vãng.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải sống thiện, làm tốt 3 nghiệp thiện lành và tu tập thật tốt thì chúng ta có được những điều tốt, có đức, có giới để được chư Thiên, chư thần hộ trì chúng ta an lành. Nếu người nào tu 10 thiện nghiệp có chính kiến, chính tín, chính hạnh đầy đủ thì người đó sẽ có trăm vị thần, nghìn vị thần họ ủng hộ, bảo vệ. Cho nên, chắc chắn không có vong hồn ác quỷ nào ác hại chúng ta được. Đức Phật dạy không ai hại mình được, không phải cô hồn mà hại mình được, không phải đi ra đường đêm gặp cô hồn nó hại. Nếu chúng ta là người ác thì có thể bị quỷ thần hại vì không có ai bảo vệ. Đây mới là những việc làm thiết thực trong tháng 7 âm lịch chứ không phải là kiêng kỵ theo những điều mà dân gian đang lưu truyền.
Hy vọng, qua bài giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh, chúng ta hiểu được quan niệm tháng 7 âm là tháng cô hồn, tháng của xui xẻo là không đúng với tinh thần đạo Phật. Ngược lại, tháng 7 âm còn là tháng đại phúc bởi chúng ta được làm những việc hiếu thuận, cúng dường, tu tập các phước thiện hồi hướng cho cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp thì đều được lợi ích lớn.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thế nào là viên tịch, tân viên tịch và thuận tịch?
Kiến thức 09:00 25/12/2024Nhân có học Tăng, khi đọc bài viết bàn về chữ "Tân viên tịch" không hiểu chắc là nói như vậy đúng hay sai....Chúng tôi cũng thấy cần nói rõ.
Luân hồi trong thần chú Lăng Nghiêm: Năng lực thần chú
Kiến thức 08:46 25/12/2024Thần chú Thủ Lăng Nghiêm còn gọi là Phật Đỉnh Quang Minh Ma Ha Tát Đát Đa Bát Đát Ra hay Bạch Tán Cái tức chỉ cho cái thể dụng rộng lớn của bản lai tự tánh. Bạch là trí tuệ. Tán cái là lòng từ bao la rộng lớn.
Đại sư, Pháp sư, Thái sư nghĩa là gì?
Kiến thức 20:26 24/12/2024Đại sư, Pháp sư, Thái sư là những danh từ chúng ta thường gặp trong các sách về Phật giáo, Đạo giáo và lịch sử.
Thần chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni (bản tiếng Việt)
Kiến thức 10:00 24/12/2024Thần chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni còn gọi là Tối Thắng Phật Đảnh Thần Chú, được đức Thế Tôn thuyết trong kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni. Thần chú này rất mầu nhiệm, oai lực bất khả tư nghì, độ thoát chúng sinh trong sáu đạo luân hồi và lần lượt đều được chứng quả giải thoát.
Xem thêm