Tại sao chúng ta phải tụng kinh?
Mục đích tụng kinh trong đạo Phật không phải để trả bài hay tính công với Phật, mà là nhằm tìm hiểu chính xác lời Phật dạy, rồi ứng dụng vào đời sống hằng ngày.
Ý nghĩa của việc tụng Kinh
Kinh Phật là lời Phật dạy về đạo đức, phương thức tu tập, cải hóa thân tâm, đem lại hạnh phúc cho mình và người ở đời này và đời sau, do đó, sự tụng kinh có ý nghĩa đạo đức rất lớn. Tụng kinh trước nhất và quan trọng hơn hết là để “hiểu chính xác lời Phật dạy, ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày, đem lại lợi lạc cho bản thân và tha nhân.”
Tụng kinh là dịp tốt nhất để chúng ta có thể học hỏi, tư duy về lời Phật dạy rồi áp dụng chúng vào đời sống hằng ngày của chúng ta. Chính sự áp dụng lời Phật dạy, sau quá trình tư duy và thể nghiệm, giúp chúng ta gặt hái những điều chúng ta mong muốn trong cuộc sống, như sự an lạc và hạnh phúc.
Bản thân của sự tụng kinh vốn không có phước báo nào cả, nếu người đọc tụng không chịu chú tâm vào lời kinh để tìm ra ý đạo ẩn chứa trong đó. Các hình thức và thói quen tụng kinh như một cái máy, rõ ràng không mang lại kết quả thực tiễn nào, trái lại còn làm mất thời giờ, công sức mà không có ích lợi gì cả.
Vì sao người Phật tử phải tụng kinh, trì chú, niệm Phật?
Kinh điển của Phật là tấm bản đồ, là kim chỉ nam hướng dẫn chúng ta sống đời chân chánh, để gặt hái kết quả hạnh phúc ở đời này và đời sau. Đọc tấm bản đồ để biết được con đường, để đi đúng đường, để đến đúng đích.
Con đường đó là con đường thánh gồm tám yếu tố: quan điểm chân chánh, tư duy chân chánh, lời nói chân chánh, hành vi chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, nỗ lực chân chánh, chánh niệm và thiền định chân chánh.
Đây là con đường mà ba đời chư Phật đã đi qua, diệt trừ tận gốc rễ của khổ đau, đạt được an lạc và giải thoát. Người Phật tử cần phải siêng năng nhớ nghĩ, ứng dụng con đường trung đạo đó để tự cứu độ chính mình, thông qua sự hướng đạo của Phật trong kinh điển.
Nói cách khác, tụng kinh là cách học hỏi chánh pháp của Phật để ứng dụng chánh pháp vào đời sống, đem lại an lạc và hạnh phúc cho tự thân.
Tụng kinh trong Phật giáo còn là một dịp tốt giúp chúng ta trau dồi và phát triển ba nghiệp trong sạch và an tịnh. Trong giờ phút tụng kinh, nhờ sự chú tâm chuyên nhất vào lời kinh, tâm ý của chúng ta chấm dứt sự bám víu vào các duyên thế sự. Tâm ý của chúng ta nhờ đó trở nên thanh tịnh và thuần khiết.
Tâm của chúng ta xa lìa các tâm lý tham lam, sân hận, si mê và các tâm lý âm tính khác, có hại cho tâm tư, tình cảm, nhân cách và đạo đức của bản thân. Trong tư thế ngồi bất động để tụng kinh, thân thể chúng ta đang từng bước trở nên an tịnh, thuần khiết, nhờ đó chúng ta tránh được tất cả các hành vi xấu ác của thân như giết chóc, trộm cướp, quan hệ tình dục bất chánh.
Ngòai ra, do miệng đọc tụng lời kinh, các lời nói mang tính chất sai sự thật, ác độc, thêm bớt và nói lời vô nghĩa không có cơ hội để phát triển. Khi đọc kinh thì miệng của chúng ta xướng lên những lời lẽ đạo đức, trí tuệ, nhờ đó chúng ta có cơ hội vun trồng các hạt giống thiện.
Như vậy, trong hành động tụng kinh, chúng ta xa lìa được mười nghiệp ác, ba của ý, ba của thân và bốn của lời. Nói cách khác, trong khi tụng kinh chúng ta đã huấn luyện 3 nghiệp của mình về con đường lương thiện và đạo đức. Sự huấn luyện đó giúp chúng ta xa lìa các nghiệp ác, huân tập các điều thiện. Sự tụng kinh do đó đã trở thành một sự tu tập thân, khẩu và ý trong đạo Phật.
Có nên tụng Kinh Kim Cang Bát Nhã không?
Nói chung, mục đích tụng kinh trong đạo Phật không phải để trả bài hay tính công với Phật, mà là nhằm tìm hiểu chính xác lời Phật dạy, rồi ứng dụng vào đời sống hằng ngày.
Tụng kinh không phải để cầu nguyện Phật và Bồ-tát gia hộ cho mình, gia đình và thân quyến tai qua nạn khỏi, thăng quan tiến chức, làm ăn thịnh vượng, tuổi thọ tăng trưởng, sở nguyện tùy tâm, kết tường như ý.
Tụng kinh cũng không phải là sự mua bán hay trao đổi về sức khỏe, tài sản, giàu sang và phước báo. Tụng kinh để trau dồi ba nghiệp thanh tịnh, phát triển các hành lành, sống đời đạo đức, vô ngã và vị tha, để mình và người được an lạc và hạnh phúc.
Muốn được vậy, khi tụng kinh, người Phật tử phải chí thành, hướng tâm về nội dung kinh, ghi khắc sâu chân lý Phật dạy, ứng dụng vào từng trường hợp cụ thể của cuộc sống, để khắc phục đau khổ, nhổ sạch gốc rễ của khổ đau là tham lam, sân hận, si mê.
Tụng kinh như vậy là một sự tu tập: bỏ ác làm lành, một sự an tịnh ba nghiệp, phát triển các đức tính tốt trong mỗi chúng ta. Tụng kinh có nhiều lợi ích như thế cho nên người Phật tử phải chuyên cần tụng niệm lời Phật dạy.
Cách thức tụng kinh
Cách thức tụng kinh trong Phật giáo có phần khác nhau tùy theo từng truyền thống. Trong Phật giáo nguyên thủy, sự tụng kinh chỉ đơn thuần là sự trùng tuyên lại lời Phật dạy, để nhớ lời ngài dạy sâu hơn và để ứng dụng vào cuộc sống khi có cơ duyên thích hợp. Trong Phật giáo Bắc tông, tụng kinh đã trở thành một nghi thức và nghi lễ hẳn hoi, với sự hỗ trợ của các pháp khí và nhạc cụ, như chuông, mõ, trống, kiểng, khánh… Sự tụng kinh ở nhiều nơi đã trở thành một lễ nhạc có âm điệu trầm bổng, du dương, gây nhiều cảm hứng tốt ở người nghe.
Dù bạn theo truyền thống nào đi nữa, điểm quan trọng mà bạn phải chú ý là tụng kinh để hiểu và ứng dụng lời Phật dạy vào trong cuộc sống. Do đó, trong khi tụng niệm, bạn đừng để cho kỷ thuật tán tụng trở thành cái chánh yếu của khóa lễ, mặc dù kỷ thuật này có thể giúp cho người tụng lẫn người nghe dễ lắng tâm và phát khởi niềm tin.
Nội dung và ý tưởng của kinh là phần ‘cốt lõi nhất’ mà ta cần phải chú tâm thật sâu thì mới có thể lãnh hội hoàn toàn. Do đó, chỉ chú trọng đến ‘kỷ thuật tụng hay’ mà không nắm bắt được ý kinh thì việc tụng kinh có thể trở nên vô ích và mất thời giờ.
Người tụng phải chú tâm hoàn toàn vào nghĩa lý của kinh, tư duy và liên tưởng về nghĩa lý đó, để hiểu rõ lời dạy của Đức Phật, rồi ứng dụng sự hiểu biết đó vào cuộc sống hằng ngày.
Chính sự ứng dụng lời kinh vào cuộc sống mới thật sự đem lại phước báo, an lạc và giải thoát cho chúng ta. Do đó, ta không nên chỉ tụng niệm bằng miệng mà còn phải tụng niệm bằng tâm.
Tụng niệm bằng tâm thì ta mới tránh được thái độ tụng niệm như để trả bài cho Phật hay như một cái máy lặp, chỉ phát ra âm thanh về chánh pháp nhưng không phát khởi được niềm tin chân chánh cũng như sự hiểu biết và thái độ quyết chí hành trì chánh pháp ấy.
Tụng niệm bằng tâm thì ngay khi tụng niệm, chúng ta đang an trú trong từng giây phút của trạng thái định và đây là nền tảng để trí tuệ vô lậu, giải thoát phát sanh. Như vậy, trong một hành vi tụng niệm bằng tâm, ba trạng thái giới định huệ đã có thể hội đủ nhờ vào thái độ chuyên chú để tìm ra lý đạo.
Nói tóm lại tụng kinh không phải là dịp để cầu phước mà là cơ hội để trau dồi ba nghiệp cho thanh tịnh, an lạc. Tụng kinh không phải là buổi cầu nguyện, van xin mà là lúc chúng ta nên chuyên chú, lắng tâm, tư duy về lời Phật dạy, để ứng dụng vào đời sống hằng ngày.
Tụng kinh còn là cách học hỏi chánh pháp, phát khởi niềm tin chân chánh về lời Phật dạy. Tụng kinh để gieo rắc các hạt giống từ bi, trí tuệ vào trong tâm khảm, để gặt hái hoa trái của an lạc và hạnh phúc ở hiện tại và tương lai, cho mình và cho người.
Tụng kinh mang nhiều ý nghĩa đạo đức tích cực như thế, phàm làm đệ tử Phật phải nên siêng năng đọc tụng kinh điển để thông điệp từ bi và trí tuệ của đức Phật tỏa sáng sự sống của chúng ta và tất cả chúng sanh.
Thượng tọa Thích Nhật Từ
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Săn sóc cha mẹ khi già bệnh
Kiến thức 19:00 16/11/2024Không có nỗi đau nào lớn bằng nỗi đau của người con khi mất cha mất mẹ, và cũng không có nỗi xót xa nào bằng nỗi xót xa khi hồi tưởng lại những năm tháng cha mẹ còn sống, mình đối xử chưa trọn vẹn đối với các đấng sanh thành.
Lãnh đạo bằng tâm không
Kiến thức 14:45 16/11/2024Lãnh đạo bằng tâm không là một phong cách lãnh đạo độc đáo, trong đó người lãnh đạo không chỉ tập trung vào việc phát triển bản thân mà còn chú trọng đến việc giúp đỡ, hỗ trợ và định hướng nhân viên dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về họ và tôn trọng tâm hồn của từng cá nhân.
Cái gì là “hồn” của Trúc Lâm?
Kiến thức 09:00 16/11/2024Có một người khách khác tới chùa, ông thầy Tri khách tiếp chuyện. Họ khen Thiền viện Trúc Lâm đẹp, ông Tri khách liền nói: Quí vị thấy chùa Trúc Lâm đẹp, đó là cái xác của Trúc Lâm, chưa phải hồn của Trúc Lâm...
Phạm hạnh của thí chủ quyết định phước báu cúng dường
Kiến thức 08:08 16/11/2024Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến câu hỏi của ông Bà-la-môn Devahita.
Xem thêm