Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 26/11/2015, 07:15 AM

Tại sao "oan ức chưa cần biện bạch"

Mỗi khi gặp những chuyện phiền não bức bách, bạn nên bình tâm ngồi lại để chiêm nghiệm vấn đề. Hãy đối diện với chính mình, lắng nghe tiếng lòng tâm sự để thấy được căn nguyên của phiền não, bất an. 

Hỏi: Con kính nghe: “Oan ức không cần biện bạch vì làm như vậy là hèn nhát mà trả thù thì oán đối kéo dài”. Tuy nhiên, trong cuộc sống thường nhật, con phải tiếp xúc với biết bao người, những người này đối xử tốt với con cũng nhiều và gây phiền toái cho con cũng không ít. Mặc dù con cố chiêm nghiệm lời dạy trên nhưng trong lòng con vẫn cảm thấy bất an khôn tả. Vậy con có nên áp dụng theo lời dạy trên hay không và khi gặp những chuyện phiền não bức bách, con phải giải quyết như thế nào?
Ảnh minh họa
Đáp: “Oan ức không cần biện bạch vì làm như vậy là hèn nhát mà trả thù thì oán đối kéo dài” là điều tâm niệm sau cùng của Mười điều tâm niệm trong luận Bảo Vương Tam Muội. Người phật tử phát Bồ đề tâm, thực hành Bồ tát đạo, dấn thân vào chướng nạn, đối diện với nghịch cảnh, phải thường xuyên nhớ nghĩ điều ấy trong lòng để soi sáng cho mọi suy nghĩ, lời nói và hành động ngõ hầu viên thành bi nguyện độ sinh, vô ngã, vị tha nhằm thành tựu giác ngộ.

Đây là cốt tủy tinh túy, là đỉnh cao của pháp hành trên lộ trình Bồ tát đạo. Một người chưa phát Bồ đề tâm, chưa đạt đến vô ngã, thiếu bi nguyện độ sinh thì khó làm được. Do đó, “dù cố gắng chiêm nghiệm lời dạy trên nhưng trong lòng vẫn cảm thấy bất an” là chuyện bình thường đối với chúng sinh. Nguyên nhân của sự bất an này không phải lời dạy trên không có tác dụng tích cực khi ứng dụng vào cuộc sống mà chính ở chỗ tu tập và quán chiếu của tự thân chưa thấu đáo, chưa đạt được tuệ giác để vượt qua cái tôi của cá nhân.

Thói thường, khi cái tôi bị đe dọạ, bị mất an ninh, lập tức tự ngã có một phản ứng để tự tồn. Sự tự vệ của cái tôi rất dữ dội, thậm chí rất ngoan cố bảo vệ cả những điều lầm lỗi. Vì vậy, “oan ức không cần biện bạch” là điều khó có thể chấp nhận. Do đó, chấp nhận sự sai lầm của bản thân là một nỗ lực mạnh mẻ, xứng đáng để nhân loại ca ngợi, khâm phục. Vượt lên một bước, chấp nhận cả điều oan ức là lối hành xử cao thượng, là lẽ sống của Bồ tát. Và điều này, chỉ duy nhất những vị mang trong mình tâm niệm Bồ tát mới làm được. Bồ tát nương vào sự tu tập quán chiếu ngũ uẩn giai không, phát triển tuệ quán và thành tựu tuệ giác vô ngã. Khi đạt đến một nhận thức về tính không của tự ngã thì lúc ấy những rác rưởi đeo bám trên tự ngã tức khắc rơi rụng. Nhờ vậy, dù không cần biện bạch khi gặp những điều oan ức, tâm của Bồ tát vẫn an nhiên.

Bạn đã từng chiêm nghiệm lời dạy trên mà vẫn bất an vì bạn chưa thực sự phát Bồ đề tâm, chưa nỗ lực quán chiếu để nhận thức sâu sắc về tính không của tự ngã. Cái gọi là tự ngã, là tôi thực chất chỉ là một tổ hợp bao gồm năm yếu tố: Thân thể (Sắc), cảm thọ (Thọ), tri giác (Tưởng), tư duy (Hành) và nhận thức (Thức). Năm yếu tố này hòa quyện vào nhau để hình thành tự ngã. Đặc tính cơ bản của ngũ uẩn là duyên sinh, đã duyên sinh thì cố nhiên không có tự tính, không thật thể và hoàn toàn vô ngã. Nỗ lực quán chiếu về vô ngã tính sẽ làm cho cái tôi cá nhân ngày càng thu hẹp lại cho đến đến triệt tiêu thì tự khắc tình yêu thương không phân biệt sẽ hiện ra. Chính tình yêu thương không phân biệt ấy mới đủ sức dung nhiếp, tha thứ và hóa giải tất cả mọi oan ức và thù hận.

Trong cuộc sống, nếu chưa đủ sức phát khởi Bồ đề tâm, tu tập phát huy tuệ giác vô ngã thì bạn nên biện bạch. Vì biện bạch để làm sáng tỏ vấn đề, đem lại công bằng cho tự thân và mọi người là điều mà những người bình thường vẫn làm. Dù việc làm này không giải quyết triệt để vấn đề nhưng hơn hẳn sự chịu đựng trong bất an, đau khổ. Tuy nhiên, sự biện bạch để giải tỏa oan ức chỉ có tính chất tạm thời. Vì rằng, nếu còn bóng dáng tự ngã thì nỗi oan này qua đi, nỗi oan khác lại kéo đến và như thế cuộc đời là một chuỗi biện bạch. Tự thân của sự biện minh là biểu hiện của tự ngã và đó là vòng luẩn quẩn của thân phận chúng sinh.

Mỗi khi gặp những chuyện phiền não bức bách, bạn nên bình tâm ngồi lại để chiêm nghiệm vấn đề. Hãy đối diện với chính mình, lắng nghe tiếng lòng tâm sự để thấy được căn nguyên của phiền não, bất an. Bạn sẽ thấy rằng phiền não chỉ là những đợt sóng lao xao nô đùa trên tự tâm bình lặng. Không cần xua đuổi hay hàng phục, chỉ quan sát chúng đến và đi một cách rõ ràng. Bạn sẽ mỉm cười khi phát hiện ra chúng tuy có đấy nhưng không thật. Không những phiền não mà ngay cả niềm vui, sự hạnh phúc, tất cả đều là hoa đốm trong hư không.

Đạo Phật là đạo của trí tuệ, đỉnh cao là tuệ giác vô ngã. Vượt qua những chướng ngại trong cuộc sống nhờ sự soi sáng của trí tuệ là chủ trương của đạo Phật. Nếu chỉ dồn nén và chịu đựng những điều oan ức mà không giải thì đó không phải là cách hành xử của người phật tử tu học theo lời Phật dạy. Sức chịu đựng và dung chứa của tâm có giới hạn, khi vượt qua ngưỡng thì sẽ bùng vỡ đem đến hậu quả khôn lường. Do đó, bạn phải tu tập ứng dụng lời dạy trên trong cuộc sống bằng cách phát huy tuệ giác vô ngã. Sự tu tập để từng bước thành tựu trí vô ngã sẽ giúp bạn hóa giải, vượt qua tất cả mọi trở ngại đồng thời đem lại cho bạn sự bình an, giải thoát.

Tịnh Tâm
Nguồn: https://phatphap.wordpress.com/2008/02/20/hoi-dap-oan-uc-khong-bien-bach/
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Làm sao để giữ giới không sát sanh?

Hỏi - Đáp 17:30 24/04/2024

Hỏi: Tôi là một Phật tử tại gia, tốt nghiệp đại học Nông nghiệp và hiện công tác tại trạm bảo vệ thực vật huyện (chuyên phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng). Tôi cảm thấy rất mâu thuẫn và bất an bởi công việc mình đang làm phạm vào giới sát (vì hàng ngày hướng dẫn nông dân diệt trừ sâu bọ).

Cầu nguyện Phật, Bồ tát đúng Chánh pháp

Hỏi - Đáp 16:45 24/04/2024

Tôi đã nhiều lần nhìn thấy không ít người sau khi cầu nguyện còn dùng tay xoa tượng Phật sau đó xoa lên cơ thể. Là người Phật tử chân chính, tôi rất ưu tư về điều này. Khi tôi hỏi họ làm như thế với mục đích gì thì họ bảo là để chữa bệnh.

Quy y Tam bảo mà không thọ giới được không?

Hỏi - Đáp 16:50 18/04/2024

Hỏi: Tôi có vấn đề muốn hỏi. Quê tôi chưa có chùa, vậy tôi có thể tự quy y Tam bảo ở nhà không? Và khi chưa thể giữ được 5 giới thì vẫn có thể quy y nhưng không thọ giới có được không?

Kính Tăng đúng pháp được phước vô lượng

Hỏi - Đáp 14:40 16/04/2024

Hỏi: Người Phật tử khi nhìn thấy nhà sư thì luôn khởi tâm kính trọng. Vậy đối với những vị sư không nghiêm trì giới luật, phá giới hay khiếm khuyết oai nghi thì nên khởi tâm như thế nào để không bị tổn phước?

Xem thêm