Bà Lê Thị Tú, ngụ xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Năm nào ở cù lao Mỹ Phước cũng tổ chức Tết mùng 5 tháng 5 rất xôm tụ với các hoạt động văn nghệ, văn hóa, thể thao, thu hút hàng chục ngàn người đến vui chơi”. Vui vậy, nhưng không có chuyện mê tín dị đoan đâu, bà Tú quả quyết.
Cùng với cả nước, người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tất bật chuẩn bị đón tết Đoan Ngọ (dịp ngày 05/05/ÂL hàng năm).
Không chỉ có Việt Nam ăn Tết này, nhiều các quốc gia lân cận cũng tổ chức đón tết Đoan Ngọ như Triều Tiên, Hàn Quốc, đặc biệt là ở Trung Quốc, không khí đón tết rất nhộn nhịp, ngập tràn niềm hân hoan.
Về nguồn gốc tết Đoan Ngọ, có rất nhiều giai thoại. Nhưng được nhiều người nhắc đến và đồng thuận là câu chuyện cuối thời Chiến Quốc, có một vị đại thần nước Sở tên Khuất Nguyên, ông là vị trung thần và là nhà văn hoá nổi tiếng. Do can ngăn vua Hoài Vương nghe lời gian thần không thành công, ông đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn ngày mùng 05/05 Âm lịch. Thương tiếc người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày đó, dân Trung Quốc xưa lại làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (ý làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, thả bánh, lấy bỏ gạo vào ống tre rồi thả xuống sông cúng ông Khuất Nguyên.
Một giai thoại khác cũng rất phổ biến là vào một ngày sau vụ mùa, nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo dày ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Nhân dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể thoát được nạn sâu bọ thì bỗng nhiên có một ông lão tên Đôi Truân kêu gọi người dân lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi và đi mất. Để ghi nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày "Tết diệt sâu bọ", có người gọi nó là "Tết Đoan ngọ" vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ (từ 11 đến 13 giờ).
Ông Võ Văn Lưỡng, 87 tuổi ngụ huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre cho biết: “Không rõ hư thực ra sao nhưng khi lớn lên tôi đã nghe người lớn kể lại phong tục này, ngày này, nhà nhà đều lập hương án cúng kiến để xua đuổi tà ma, bệnh tật. Ngoài ra còn nấu nướng rất linh đình với sự tham gia đầy đủ của con cháu”.
Ông Lưỡng kể thêm: những thức ăn cúng kiến tết Đoan Ngọ ở miền Tây thường là gà, vịt nấu cháo “xé phai”, heo quay, bánh ú, xôi lá cẩm, bánh xèo…
Vào ngày này, xóm ấp miền Tây nhộn nhịp hẳn lên. Nhà nào cũng dậy từ sớm chuẩn bị phẩm vật, hoa quả cúng tổ tiên. Sau lễ cúng là các tục lệ giết sâu bọ. Cả nhà quây quần ăn những thứ quả chua, rượu nếp, bánh do... để diệt trừ "sâu bọ", xua đuổi bệnh tật... Đúng 12 trưa, người dân ở các vùng thôn quê rủ nhau đi hái lá với quan niệm lá cây cỏ hái được vào giờ này thì có tác dụng chữa bệnh rất tốt như các bệnh ngứa ngoài da, nhất là các bệnh về đường ruột hay khi cảm mạo, đem những lá thuốc hái được nấu nước xông giải cảm rất tốt (?).
Những năm gần đây, nhiều địa phương đã tranh thủ dịp tết Đoan Ngọ để tổ chức nhiều hoạt động lễ hội như: Lễ hội trái cây ngon (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, Tp.Cần Thơ); Lễ hội trái cây (xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng); Hội chợ triển lãm trái cây (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre)… Các hoạt động từ các lễ hội thường là: hội thi trái cây ngon, nghệ thuật trang trí, trưng bày trái cây, thi nấu ăn với các loại bánh dân gian Nam Bộ. Song song đó là các hoạt động văn hóa, thể thao dân gian như: đua xuồng, đập heo, thả vịt, kéo co…
Bà Lê Thị Tú, ngụ xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Năm nào ở cù lao Mỹ Phước cũng tổ chức Tết mùng 5 tháng 5 rất xôm tụ với các hoạt động văn nghệ, văn hóa, thể thao, thu hút hàng chục ngàn người đến vui chơi”. Vui vậy, nhưng không có chuyện mê tín dị đoan đâu, bà Tú quả quyết.
Tết Đoan Ngọ đã và đang là nét đẹp tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, đang được cộng đồng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa. Thật đáng trân trọng.
Tam Anh