Thần chú Án Ma Ni Bát Di Hồng
Nếu quý vị có thể thường xuyên trì tụng Chú Lục Tự Đại Minh thì sẽ chiêu cảm được sáu đạo ánh sáng có công năng biến đổi sự tối tăm của sáu nẻo luân hồi trở nên sáng rạng. Sáu chữ nầy gọi là “Chú Lục Tự Đại Minh”, mỗi chữ đều có thể phóng ra một luồng ánh sáng.
Mật tông chuyên nghiên cứu về lời và ý nghĩa của thần chú. Phật giáo phân thành năm tông phái là: Thiền tông, Giáo tông, Luật tông, Mật tông và Tịnh Độ tông. Thiền tông chuyên về tham thiền tĩnh tọa; Giáo tông chuyên về giảng kinh thuyết pháp; Luật tông thì tu trì, nghiêm tịnh giới luật, làm mô phạm trong ba cõi. Về Mật tông, thì “mật” là bí mật, là “không biết lẫn nhau” (hỗ bất tương tri). Tịnh Độ tông thì chuyên trì danh hiệu, niệm sáu chữ hồng danh “Nam Mô A Di Đà Phật”.
Trong năm tông phái nầy, có người cho rằng Thiền tông là hơn hết; có người lại cho Giáo tông hay nhất; lại có người cho Luật tông là đứng đầu; người tu theo Mật tông thì nói Mật tông của mình là cao siêu nhất; người tu theo pháp môn Tịnh Độ thì nói pháp môn Tịnh Độ là số một, không gì sánh bằng. Trên thực tế, các pháp đều bình đẳng, không có cao thấp - “thị pháp bình đẳng, vô hữu cao hạ”. Cho rằng một pháp nào đó tối thắng, chẳng qua chỉ là cái thấy của cá nhân, mình thích tông nào thì cho tông đó là nhất.
Bây giờ chúng ta đang nói về Mật tông. Theo cách hiểu thông thường của mọi người thì Mật tông là Lạt Ma giáo. Kỳ thực, Mật tông không phải là cái gì bí mật. Trong Hiển giáo thì Hiển - Mật viên thông - trong Hiển giáo cũng có Mật giáo; như Chú Đại Bi, Chú Lục Tự Đại Minh đều là “mật” cả. Chú Lăng Nghiêm lại càng “mật” hơn nữa. Nên nói “mật” chính là không biết lẫn nhau.
Người không hiểu thì cho rằng cái gì bí mật mới tốt nhất, vì nó không được truyền bá công khai. Có một số người không hiểu Phật Pháp, lại càng làm ra vẻ thần bí, bảo: “Cái nầy không thể giảng cho ông nghe được. Mật tông của tôi ấy à, không thể giảng cho ông nghe được đâu!” Quý vị không thể giảng cho người khác nghe, thì tại sao quý vị lại đề cập đến nó chứ? Tại sao quý vị lại nói: “Tôi không thể giảng cho ông nghe”? Nếu thật sự là Mật tông thì phải không nói gì cả mới đúng, tại sao quý vị còn nói: “Tôi không thể giảng cho ông nghe”? Quý vị nói rằng mình không thể giảng, song, như thế có phải là quý vị đã giảng rồi không? Đó chính là quý vị đã giảng rồi đấy! Thế tại sao còn nói là không thể giảng được? Là vì không hiểu rõ Phật Pháp, căn bản không hiểu được cái gì gọi là “Mật Tông”!
Bây giờ tôi sẽ nói cho quý vị nghe về Mật tông. Lời chú, thật ra không có gì bí mật cả. Sở dĩ được gọi là Mật tông, vì khi quý vị trì tụng lời chú, bản thân quý vị sẽ nhận được sự linh cảm mà tôi không thể biết được; khi tôi trì tụng lời chú, thì bản thân tôi sẽ có được sự linh cảm mà quý vị không thể biết được. Vì chúng ta không thể biết được công năng và sức mạnh của lời chú đối với mỗi người, cho nên gọi là Mật tông; chứ bản thân bài chú tuyệt đối không phải là Mật tông. Chính năng lực của chú mới là “mật”. Đó là ý nghĩa của Mật tông vậy.
Nếu lời chú là bí mật, thì quý vị không nên truyền cho người khác; một khi quý vị đem truyền cho người khác thì nó không còn là bí mật nữa. Cũng thế, Lục Tổ và Huệ Minh có một đoạn đối đáp như sau:
Huệ Minh hỏi: “Ngoài mật ngữ mật ý Ngài vừa giảng, còn mật ý nào nữa chăng?”
Lục Tổ đáp: “Ðiều tôi nói với ông đó chẳng phải là mật. Nếu ông phản chiếu, thì mật ấy ở ngay nơi ông.”
Quý vị thấy không, đoạn đối đáp trên đã nói rất rõ ràng: Điều mà quý vị có thể nói ra thì chẳng còn là bí mật nữa. Những gì có thể trao truyền cho quý vị cũng giống như thế. Nếu là bí mật thì không nên truyền. Sự bí mật vốn ở ngay nơi quý vị, sát bên cạnh quý vị. Đây mới chính là cái được gọi là bí mật.
Tôi tin rằng ngay cả các Pháp sư của Mật tông cũng không biết cách giải thích về “mật tông” như thế nào; họ chỉ cho rằng bài chú là bí mật. Nhưng bài chú nào cũng đều có thể trao truyền cho mọi người, lời chú nào cũng đều có thể nói ra; không có bài chú nào là không thể nói ra cả! Nếu không được nói ra thì họ sẽ không có cách nào để truyền cho quý vị, có đúng vậy không nào? Chúng ta giảng chân lý nầy là vì nó có thể được truyền đạt cho quý vị, không phải là bí mật - đây không phải là Mật tông!
“Mật,” thì không có cách gì để truyền đạt. Điều bí mật chính là năng lực của bài chú. Không ai có thể nói cho quý vị biết chú nầy có năng lực gì, hoặc quý vị trì tụng thì sẽ như thế nào, như thế nào; mà “như người uống nước, nóng lạnh tự biết” - chỉ có quý vị tự mình biết mình mà thôi, người khác không thể nào biết được, do đó gọi là “mật”. Năng lực là bí mật, sự cảm ứng là bí mật, diệu dụng là bí mật, chứ không phải bài chú là bí mật! Bây giờ quý vị đều hiểu rõ rồi chứ?
Những người không hiểu rõ Phật Pháp ắt hẳn cho rằng tôi giảng không đúng. Cho dù là không đúng, tôi cũng vẫn muốn nói như vậy. Quý vị cho là tôi đúng ư? Quý vị không thể nào nói như vậy được! Bởi vì quý vị vốn hoàn toàn không hiểu gì cả, thì làm thế nào quý vị biết được là tôi hiểu!!! Tôi thì càng không hiểu gì cả; tôi còn hồ đồ hơn nữa! Có điều, trước kia sư phụ tôi đã chỉ dạy cho tôi rất rõ ràng, cho nên mới biến đổi kẻ hồ đồ này thành một người biết giảng Chú Lục Tự Đại Minh của Mật tông!
Mật tông được chia thành năm bộ - Đông, Tây, Nam, Bắc, và Trung ương. Phương Đông là bộ Kim Cang, chuyên hộ trì chánh pháp; bộ Bảo Sanh ở phương Nam; bộ Liên Hoa ở phương Tây; bộ Yết Ma ở phương Bắc và bộ Phật ở chính giữa. Nếu có thời gian quý vị hãy nghiên cứu Chú Lăng Nghiêm, trong đó có giảng về năm bộ này một cách tường tận.
Trên thế gian, nếu có một người trì niệm Chú Lăng Nghiêm thì ma vương không dám xuất hiện; nếu không có người biết trì niệm Chú Lăng Nghiêm thì ma vương trong ba ngàn đại thiên thế giới sẽ lũ lượt kéo đến thế gian. Tại sao ư? Vì không có người quản thúc chúng, năm bộ đều không hoạt động, cho nên ma vương mới dám xâm nhập thế gian. Bởi nếu có một người biết tụng Chú Lăng Nghiêm thì ma vương sẽ không dám xuất hiện, cho nên chúng tôi mong muốn có thêm nhiều người trì tụng Chú Lăng Nghiêm. Trong khoá tu học hè đầu tiên của chúng ta, trước hết, tôi đã khảo hạch xem ai có khả năng học thuộc Chú Lăng Nghiêm. Kết quả là có hai người đạt tiêu chuẩn, sau đó lại có thêm rất nhiều người có thể tụng chú được. Bây giờ tôi sẽ giảng về Chú Lục Tự Đại Minh.
Đầu tiên là chữ “Án”. Khi quý vị tụng chữ “Án” nầy, tất cả quỷ thần đều phải chắp tay lại. Vì sao phải chắp tay lại? Đó là giữ gìn pháp tắc, tuân theo khuôn phép. Quý vị tụng một chữ nầy, thì tất cả quỷ thần đều không dám gây rối, không dám không tuân theo mệnh lệnh. Chữ nầy có nghĩa là “tiếng dẫn” (dẫn thanh), là tiếng mở đầu dẫn tới những lời chú tiếp theo, cho nên khi đọc chú, đầu tiên đều đọc chữ nầy.
“Ma Ni” chính là “mâu ni”. “Mâu ni” là tiếng Phạn, dịch là “trí tịch,” tức là dùng trí huệ để làm sáng tỏ tất cả các đạo lý, và do đó đạt đến trạng thái tịch diệt vô sanh. Lại có thể dịch là “ly cấu,” nghĩa là rời xa tất cả bụi bặm dơ bẩn, ví như viên ngọc “như ý,” rất toàn hảo, không có chút tỳ vết. Viên bảo châu “như ý” nầy có công năng sanh trưởng tất cả công đức, có thể đáp ứng mọi sở nguyện của con người.
“Bát Di” vốn nên đọc là “Bát Đặc Di,” dịch là “quang minh viên giác”; cũng dịch là “liên hoa khai,” tức là diệu tâm của Bồ tát Quán Thế Âm, diệu tâm ấy viên mãn đầy đủ, vô ngại. Đó là chữ “bát di.”
Chữ “Hồng” có nghĩa là “xuất sanh” - tất cả mọi thứ đều có thể được sanh ra từ chữ “Hồng” nầy. Lại có nghĩa là “ủng hộ” - niệm chữ nầy thì liền cảm ứng chư hộ pháp thiện thần đến trợ giúp, che chở cho quý vị. Lại còn có nghĩa là “tiêu tai” - quý vị có tai nạn gì, tụng chữ nầy liền được tai qua nạn khỏi. Lại cũng có nghĩa là “thành tựu” - bất luận quý vị cầu nguyện điều gì, đều có thể được thành tựu như ý.
Một khi quý vị niệm Chú Lục Tự Đại Minh, thì sẽ có vô lượng chư Phật, vô lượng Bồ tát và vô số hộ pháp Kim Cang thường xuyên đến ủng hộ quý vị. Cho nên, Bồ tát Quán Thế Âm sau khi nói xong Chú Lục Tự Đại Minh nầy, liền có bảy ức đức Phật đến vây quanh, ủng hộ. Năng lực và diệu dụng của Chú Lục Tự Đại Minh không thể nghĩ bàn, sự cảm ứng đạo giao cũng không thể nghĩ bàn. Do vậy nên gọi là Mật tông. Nếu giảng chi tiết hơn thì ý nghĩa nhiều đến vô lượng vô biên, không thể nào nói cho hết được; thế nên tối nay tôi chỉ giảng sơ lược cho đại chúng nghe mà thôi.
Tôi có thể cho quý vị biết một chút về thứ thần lực bí mật không thể nói ra được. Tại sao tôi bảo là “thần lực bí mật không thể nói ra được”? Bởi vì những điều tôi nói thì chưa được một phần vạn của sự việc. Thế là thế nào? Nếu quý vị có thể thường xuyên trì tụng Chú Lục Tự Đại Minh thì sẽ chiêu cảm được sáu đạo ánh sáng có công năng biến đổi sự tối tăm u ám của sáu nẻo luân hồi trở nên sáng rạng. Điều cần thiết là quý vị phải chuyên tâm trì tụng mới có thể đạt được thứ Tam-muội này. Bấy giờ, ánh sáng không chỉ chiếu khắp trong sáu nẻo luân hồi, mà cả mười Pháp giới cũng biến thành “quang minh tạng”. Tôi hy vọng mọi người dù bận rộn đến đâu cũng nên nhín chút thì giờ để trì tụng Chú Lục Tự Đại Minh nầy.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Duyên khởi là cốt tủy, là hạt nhân của mọi triết lý Phật giáo
Kiến thức 11:20 03/11/2024Các triết lý quan trọng của Phật giáo như Vô ngã, khổ, vô thường, tính không, nhân quả đều được đặt trên nền tảng cơ sở của duyên khởi.
Tìm lại chính mình
Kiến thức 09:00 03/11/2024Một lần Đức Phật đang tĩnh tọa ở bìa rừng thì có 30 thanh niên từ đâu chạy tới, thấy Đức Phật, họ hỏi: Thưa Sa-môn, Ngài có thấy một cô gái chạy qua đây không?
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Xem thêm