Tháng 7 Vu Lan báo hiếu: Ý nghĩa bông hồng đỏ, hồng trắng, hồng vàng cài áo?
Năm 1962, Thiền sư Thích Nhất Hạnh được một sinh viên Nhật cài lên ngực áo bông hoa trắng trong ngày mẹ của phương Tây nên xúc động sáng tác tùy bút 'Bông hồng cài áo', rồi áp dụng nghi thức bông hồng cài áo vào ngày Vu Lan.
Sau đó, nhiều chùa ở Việt Nam tổ chức nghi thức này cho Phật tử trong ngày Vu Lan báo hiếu. Đến nay, nghi thức đã trở thành truyền thống tốt đẹp của phật tử Việt Nam.
Mỗi dịp tháng 7 về, chúng ta lại xúc động với các buổi lễ Vu Lan báo hiếu. Đây là dịp để những người con hiếu thảo tưởng nhớ công ơn của các đấng sinh thành.
PV đã có dịp chia sẻ với Đại đức Thích Minh Phú, trụ trì chùa Tường Nguyên (Q.4, TP.HCM) để độc giả hiểu thêm về nguồn gốc Vu Lan và ý nghĩa bông hồng cài áo.
- Thưa Đại đức, đại lễ Vu Lan báo hiếu có nguồn gốc thế nào?
- Nguồn gốc Vu Lan báo hiếu gắn liền với câu chuyện bồ tát Mục Kiền Liên có tấm lòng hiếu hạnh đi vào địa ngục cứu mẹ là bà Thanh Đề nhưng nhiều lần không thành vì nghiệp của bà còn quá nhiều.
Bằng phép thần thông, Mục Kiền Liên thấy được mẹ ở địa ngục bị đọa đày nên tìm cách cứu mẹ, có lần Mục Kiền Liên dâng cho mẹ một chén cơm nhưng khi cầm chén cơm thì chén cơm lại biến thành lửa
Mục Kiền Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật nói rằng vì mẹ của Mục Kiền Liên tạo nghiệp quá nặng nên chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày Rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó.
Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này.
Đặc biệt, ở Việt Nam, Vu Lan đã vượt ra khỏi phạm trù một ngày lễ để trở thành một mùa trong năm mang tên “Mùa báo hiếu”, mùa của nhớ thương và hoài niệm.
- Trong Phật giáo, đại lễ Vu Lan báo hiếu có ý nghĩa như thế nào, thưa Đại đức?
- Lễ Vu Lan báo hiếu theo quan niệm Phật giáo là ngày để những người con hiếu thảo hồi tưởng lại công ơn sinh thành dưỡng dục của đấng sinh thành. Từ đó có những hành động sống tích cực và thiết thực, điều chỉnh hành vi của bản thân đối với mẹ, cha sao cho xứng đáng với tình thương, công ơn của đấng sinh thành.
Nếu mẹ, cha đã qua đời, đây cũng là dịp cho những người con thảo làm thêm việc phước thiện, hồi hướng công đức cho cha mẹ được vãng sanh cảnh giới an lành.
- Thưa Đại đức, vào dịp này, con cháu muốn hiện sự hiếu kính với các đấng sinh thành nên làm gì?
- Không có câu trả lời nào là hoàn mỹ cho câu hỏi này, cũng như không một phương thức nào có thể báo đáp cho công ơn cha, mẹ. Nếu có thể, hãy để mẹ, cha sống những ngày tháng vô lo vô nghĩ, an lạc, tự tại bên con cháu.
Còn bằng cách nào thì mỗi người con sẽ có đáp án cho chính mình. Là Phật tử đừng bao giờ nghĩ rằng, tham gia lễ Vu Lan, cài lên ngực áo những đóa hồng,… là đã phần nào báo đáp được công ơn cha mẹ. Lễ Vu Lan chỉ là hình thức, để chuyển tải một thông điệp mang tên “Tri ân và báo ân”.
Hãy biến những giọt nước mắt rơi khi nghe ai đó đọc tác bạch vào ngày lễ Vu Lan hay những giọt nước mắt khi cài lên ngực áo đóa hoa màu trắng thành những hành động thiết thực. Đừng chỉ hồi tưởng vài giây rồi lại quên, đau thương vài phút rồi biến mất. Hãy để hiếu đạo như dòng máu, hơi thở luôn hiện hữu trong mỗi chúng ta, như vậy mỗi phút giây của đời người đều là phút giây báo hiếu mẹ, cha.
- Xin Đại đức cho biết ý nghĩa của bông hồng cài áo trong ngày Vu Lan?
- "Bông hồng cài áo" là tên một tùy bút được sáng tác năm 1962 của cố Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Tùy bút này được lấy cảm hứng từ một lần Thiền sư được một sinh viên Nhật cài lên ngực một hoa hoa trắng trong ngày mẹ của phương Tây do ngài đã mất mẹ.
Thiền sư Nhất Hạnh thấy việc cài hoa trên ngực áo để tưởng nhớ mẹ mang ý nghĩa rất hay nên áp dụng nghi thức bông hồng cài áo vào ngày lễ Vu Lan.
Những ai còn đủ mẹ, cha sẽ được cài lên ngực áo hoa hồng đỏ, nhắc nhớ phải biết trân quý sự hiện diện và đồng hành của đấng sinh thành trong hành trình của mỗi người.
Những ai không may mất đi mẹ, cha thì cài lên ngực hoa hồng trắng buồn thương, như nhắc nhớ về những thời khắc thiếu vắng bóng hình mẹ, cha. Màu trắng tuy tang thương nhưng thanh khiết như động viên người con thảo hãy sống thật tốt dù đấng sinh thành vắng bóng, mỗi người con đều là một bản sao của cha mẹ vì vậy hãy sống tiếp, sống thật hạnh phúc, phát huy những bài học, những hành trang mà cha mẹ đã để lại.
Riêng hoa hồng vàng sẽ cài lên ngực áo của chư tôn Thiền đức. Màu vàng là màu của sự giải thoát, màu của ánh đạo được Như Lai thế tôn truyền trao đến hàng Thích tử, cài lên hoa hồng vàng ấy như cài lên một sứ mệnh mà vạn loại hữu tình giao phó, đưa người thoát bến mê, tiến về bờ giác.
- Xin Đại đức cho biết, ở các chùa, lễ Vu Lan thường được tổ chức vào ngày nào?
- Trong tháng 7 âm lịch, ngày nào cũng có thể tổ chức lễ Vu Lan, tuy nhiên đại đa số các chùa chọn ngày 15.7 để tổ chức cùng với cúng chuẩn tế. Mỗi chùa sẽ có cách tổ chức lễ khác nhau, tuy nhiên đều có tụng kinh Vu Lan và thực hiện nghi thức bông hồng cài áo.
- Nếu không thể đến dự lễ ở chùa, mọi người nên làm gì tại gia, thưa Đại đức?
- Cúng kiếng là hình thức, điều quan trọng là qua cái hình thức ấy chuyển tải nội dung, thông điệp gì. Nếu ta đã hiểu nội dung thì hình thức có hoặc không cũng không quá quan trọng.
Tuy nhiên, nếu không đến được chùa tham gia lễ Vu Lan, thì ở tại nhà chúng ta cứ mua hương, hoa, phẩm vật dâng cúng chư Phật, Bồ Tát mà mình đang thờ, thành tâm khấn nguyện cho mẹ, cha hiện tiền được tăng long phước thọ, an lạc, tự tại; mẹ, cha đã qua đời cũng như tổ tiên được sanh vào cảnh giới an lành.
Vũ Phượng - Báo Thanh Niên
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Điều cần thiết nơi phẩm hạnh của người Thầy là đạo đức và tình thương”
Phỏng vấn 11:00 20/11/2024Đó là lời chia sẻ chân thành của Đại đức Thích Quảng Tịnh, trụ trì chùa Pháp Lạc ( xã Giang Điền, H.Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) với Phatgiao.org.vn nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Voice talent Nguyễn Bình Nguyên - “Kẻ Trộm Hương”: “Sách của Thiền sư Nhất Hạnh dễ hiểu, dễ ứng dụng”
Phỏng vấn 09:51 15/11/2024Nguyễn Bình Nguyên (sinh năm 1989), nickname “Kẻ Trộm Hương” - một voice talent - vừa đọc lại cuốn sách “Đường xưa mây trắng” của thiền sư Thích Nhất Hạnh được nhiều người đón nhận.
Phật tử Phạm Trọng Đạt: “Nhờ thuyền từ Bát-nhã, con vượt qua nỗi đau mất 2 người thân nhất”
Phỏng vấn 10:33 10/11/2024Phạm Trọng Đạt, sinh năm 2001, pháp danh Pháp Hạnh - là một Phật tử thuần thành, thường làm các thiện sự và đặc biệt có duyên thân cận với các bậc tôn đức đạo cao đức trọng.
Thượng tọa Tâm Định: “Phật giáo xứ Thanh để lại dấu ấn đẹp trong lòng dân tộc”
Phỏng vấn 15:43 26/10/2024Trong hai ngày 30 và 31/10 và 1/11 tới, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập (1/11/1984 – 1/11/2024). Nhân sự kiện đặc biệt này Cổng thông tin Phật giáo thuộc GHPGVN (phatgiao.org.vn) đã có trao đổi cùng Thượng tọa Thích Tâm Định, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh.
Xem thêm