Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 22/07/2014, 17:29 PM

Thanh Hóa: TTNPT học kỹ năng thừa hành mệnh lệnh

Sáng ngày 24/06/Giáp Ngọ (20/07/2014), TT.Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã có buổi nói chuyện lần thứ II cho các em thanh thiếu niên phật tử Thanh Hóa về “Kỹ năng thừa hành mệnh lệnh", nội dung bài nói chuyện đã truyền đạt cho các em rất nhiều kiến thức bổ ích, dạy các em cách để trở thành một người thừa hành giỏi, một người chỉ huy tài ba.

Mở đầu bài giảng, Thượng tọa khẳng định “Trong xã hội này, dù một cơ chế nhỏ nhất vẫn có người ra lệnh và người thừa hành mệnh lệnh, đó là điều tự nhiên. Khi chúng ta sống trong một cộng đồng thì tự nhiên chúng ta được phân công; hoặc là người chỉ huy, hoặc là người thừa hành mệnh lệnh. Tuy nhiên, dù  làm người chỉ huy hay làm người ra lệnh đều phụ thuộc vào phước của mỗi người”. 

Vào đề, với câu hỏi “Các con có định hướng gì cho tương lai trong cơ chế xã hội hiện nay”. Sau câu trả lời của các em, Thượng tọa đã kịp thời giải thích và uốn nắn suy nghĩ của các em cho chính xác. Nhờ đó, các em hiểu được rằng: Nguồn gốc của việc phân công công việc trong xã hội không phụ thuộc vào cái thích của mỗi người, vì nó dễ làm nảy sinh lòng tham mà phụ thuộc vào nhân quả.
TT.Thích Chân Quang thuyết giảng
Để các em nắm rõ kỹ năng quan trọng này, Thượng tọa đã tách biệt thành hai vấn đề trong bài nói chuyện của mình.

Thứ nhất, nói về người thừa hành giỏi, Thượng tọa khẳng định vai trò của người thừa hành đối với sự phát triển của xã hội là rất quan trọng, vì người thừa hành là lực lượng đông đảo. Do đó, người thừa hành giỏi thì thúc đẩy xã hội phát triển, ngược lại người thừa hành kém sẽ kìm hãm, làm xã hội suy yếu.

Thượng tọa đưa ra khái niệm người thừa hành giỏi là người thừa hành mệnh lệnh tốt sau khi nhận mệnh lệnh. Muốn trở thánh người thừa hành giỏi thì phải có hai phương pháp, ba nguyên tắc và ba đức tính.

Hai phương pháp để trở thành người thừa hành giỏi là hiểu rõ mệnh lệnh và triển khai mệnh lệnh đó chi tiết hơn. Người chỉ huy ra lệnh thường nói tổng quát. Người thi hành phải vạch ra kế hoạch chi tiết trong chốc nhoáng vì không có thời gian, đồng thời phải bổ sung thêm cho kế hoạch đầy đủ, rõ ràng.

Các  nguyên tắc để trở thành người thừa hành giỏi là: Vâng lời, xin phép, báo cáo. “Đây được coi là một câu thần chú mà chúng ta có thể thành công ở bất cứ nơi đâu, nếu các con thực hiện tốt. Đó là bản lĩnh của người thừa hành”, Thượng tọa nhấn mạnh.
 
 
Theo đó, “Vâng lời” là khi ta nhận một mệnh lệnh và ta quyết thực hiện mệnh lệnh đó. “Xin phép” là ta chưa được mệnh lệnh nhưng ta thấy cần phải làm nên ta xin phép để làm, được tự làm. “Báo cáo” thể hiện sự tài giỏi của người thừa hành. Thượng tọa nói “Nếu không báo cáo thì các con là người không chịu làm việc; nếu báo cáo sơ sài thì các con là người không thông minh, làm việc không chu đáo; còn như bản báo chi tiết thì chứng tỏ các con làm việc rất là giỏi, là người thừa hành tốt và sẽ nhận được sự tin tưởng”.

Tuy nhiên cuộc đời không bao giờ êm ả vì không phải lúc nào chúng ta cũng có thể thực hiện được mệnh lệnh được giao, nhưng chúng ta vẫn phải tập tính vâng lời. Tính vâng lời cần rèn luyện ngay ở nhà. Tính vâng lời là triệt để, chết cũng làm, nhất là lúc đất nước loạn lạc, cần những anh hùng nhận được mệnh lệnh rồi thì hết lòng thực hiện mệnh lệnh, dù đó là mệnh lệnh đem đến sự nguy hiểm cho mình. Tinh thần các con cần phải như vậy, thanh niên Việt Nam càng phải như vậy. Thanh niên phật tử chúng ta sống với tinh thần vô ngã, khi nhận được một mệnh lệnh thì chết cũng làm. Tính vâng lời rất quan trọng. Chỉ khi các con vâng lời triệt để thì các con mới có thể nâng tầm đất nước này lên được, nếu không đất nước mãi èo uột, không thể phát triển. 

Còn về 3 đức tính của người thừa hành giỏi là: Trung thành, không tranh công với đồng đội và quên công để tu. Người thừa hành giỏi, người con ưu tú của Tổ quốc thì phải trung thành tuyệt đối, sống theo Tổ quốc, chết theo Tổ quốc, không bao giờ có tính hai lòng, đất nước này là tất cả đối với chúng ta, Tổ quốc này là tối cao. Người thừa hành giỏi, tốt nhất là ta nên nhường công cho đồng đội của mình. Tranh giành công lao chỉ làm chia rẽ tổ chức, chia rẽ dân tộc, khiến cộng đồng không thế lớn mạnh được. Và chỉ khi không coi trọng; không tranh giành công lao, thì mới có thể chuyên tâm tu tập chân chính.
 
Khẳng định về vai trò của việc trở thành người thừa hành giỏi, Thượng tọa khẳng định: “Theo Nhân quả, nếu ta là người thừa hành giỏi thì sẽ có ngày phước đưa ta lên thành người chỉ huy tài ba. Cho nên đừng tham làm người chỉ huy sớm”.

Vấn đề thứ hai là người chỉ huy tài ba. Thượng tọa không đưa ra khái niệm cụ thể nhưng người cho rằng “Người chỉ huy tài ba là người có uy lực vô hình, không ai nhìn thấy được nhưng ai cũng muốn nghe lời”.

Theo Thượng tọa, người chỉ huy tài ba cần có hai đặc tính, hai trách nhiệm và một đức tính quan trọng.
 
 
 
- Về đặc tính thứ nhất: Người chỉ huy là người sử dụng sức lực của anh em thông qua mệnh lệnh của mình. Nếu ra mệnh lệnh sai, sức lực của anh em bị sử dụng vào những việc vô nghĩa, ích kỉ cá nhân thì người chỉ huy bị tổn phước, sau này không thể làm người chỉ huy. Nếu ra lệnh sử dụng sức lực của anh em vào những việc thiện, phục vụ mọi người thì người chỉ huy được nhiều phước hơn, từ từ lên những chức vụ cao hơn nữa.Do đó, mỗi mệnh lệnh đưa ra phải vì lợi ích chung.

Đặc tính thứ hai: Người chỉ huy phải giỏi hơn người khác để không bị bắt bẻ khi đưa ra mệnh lệnh. Mình có quyền hỏi ý kiến trước để mệnh lệnh mình đưa ra là hợp lí nhất, không ai bắt bẻ được. Do đó, người chỉ huy không được độc đoán. Điều này giúp uy tín của người chỉ huy tăng lên.

Người chỉ huy có quyền lực rất lớn. Đi cùng với quyền lực đó thì trách nhiệm của người chỉ huy cũng rất cao. Đầu tiên, mệnh lệnh đưa ra rồi thì phải kiểm tra thường xuyên để xem công việc được triển khai đến đâu, từ đó hỗ trợ cho anh em một cách hợp lí, đúng lúc. Một trách nhiệm nữa của người chỉ huy là thưởng và phạt phải công minh, nếu ai làm tốt thì thưởng, ai làm không tốt thì phạt. Không có thưởng phạt thì xã hội không có tiến bộ. Khi đã phạt rồi thì không có nể nang. Người chỉ huy không công tâm thì sau này không ai làm nữa. Người làm sai mà không bị phạt thì người khác sẽ không có động cơ để làm. Người chỉ huy có lúc mặt phải nghiêm thì người dưới mới sợ, mới làm nghiêm túc. 

Người chỉ huy là người ở trên mọi người nhưng không vì thế mà xa lánh, khinh miệt người dưới. Ngược lại, người chỉ huy phải yêu thương đồng đội của mình. Đây là một đức tính rất quan trọng của một người chỉ huy tài ba. Người thi hành mệnh lệnh luôn muốn nhận được tình yêu thương ở trong mệnh lệnh ấy, tức tình yêu thương của người chỉ huy chứ không phải là một mệnh lệnh khô khốc. 

Ngoài ra, người chỉ huy tai ba là người phải có suy nghĩ sâu rộng cho tương lai. Thượng tọa nhấn mạnh “Có những chức vụ quan trọng thì các con phải âm thầm tìm người kế thừa từ rất lâu. Sau khi chọn lựa được người thì phải tiến hành đào tạo để khi mình rút lui thì công việc không bị gián đoạn”.

Tựu trung, đây là một kỹ năng rất quan trọng dẫn đến sự thành công trong sự nghiệp mà các em trong Khóa tu Phật giáo với tuổi trẻ lần VI – 2014 tổ chức tại chùa Giáng được TT.Thích Chân Quang trực tiếp giảng dạy. Tâm nguyện của Thượng tọa luốn hướng đến việc giáo dục các em thanh thiếu niên sẽ trở thành những người có đạo đức tốt, có lý tưởng sống để sau này đứng lên xây dựng đất nước, xây dựng thế giới này. Thượng tọa mong muốn giới trẻ hãy xây dựng đạo đức trước cho mình thì mọi điều tốt đẹp sẽ theo sau là vậy.
                                                                                           
Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Đà Nẵng: Trường TCPH chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Phật sự địa phương 13:15 20/11/2018

Nhằm tôn vinh giá trị của người thầy trong sự nghiệp giáo dục, vào ngày 20/11/2018, Ban giám hiệu cùng toàn thể tăng ni sinh trường Trung cấp Phật học Đà Nẵng đã tổ chức ngày lễ chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam.

Đồng Tháp: Trường TCPH tỉnh chúc mừng ngày 20/11

Phật sự địa phương 11:28 20/11/2018

Ngày 13/10/Mậu Tuất (19/11/2018), chư tăng ni trường Trung cấp Phật học tỉnh Đồng Tháp đã đến các tự viện chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. 

Đắk Nông: Lễ đúc đại hồng chung và an vị tôn tượng Bổn sư

Phật sự địa phương 10:55 19/11/2018

Sáng ngày 12/10/Mậu Tuất (18/11/2018), tại chùa Bửu Thành (TT.Đức An, huyện Đắk Song), cùng Chư tôn thiền đức tăng, ni và bà con phật tử trang nghiêm tổ chức buổi lễ an vị tôn tượng Bổn sư, có ý nghĩa vô cùng quan trọng tại huyện nhà.

Hà Nội: Chùa Hòa Phúc tưởng niệm 30 năm ngày HT.Ngộ Chân Tử viên tịch

Phật sự địa phương 14:37 18/11/2018

Ngày 11/10/Mậu Tuất (17/11/2018), chùa Hòa Phúc (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội) đã long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 30 năm ngày viên tịch của Hòa thượng Ngộ Chân Tử - Tổ Sư khai sơn chùa Hoằng Pháp.

Xem thêm