Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 01/11/2023, 17:30 PM

“Thanh lý tiềm thức”

Tôi hay nói vui với học viên, mỗi người có cả một kho “phế liệu”. Bao giờ anh thanh lý được hoàn toàn và đồng thời không đưa tiếp vào những phế liệu mới, những tạp niệm thì anh giác ngộ, tâm sáng tỏ hết vô minh. Cái qui trình nói thì đơn giản nhưng hành thiền thì mới biết qua bao nhiêu gian nan.

Đó là một “thuật ngữ” mà tôi thường nói vui với những học viên khi họ gặp tạp niệm xen dầy đặc lúc hành thiền. Họ lo ngại, muốn thoát khỏi tình trạng đó. Các giảng huấn thì nói gì? Họ bảo cố gạt ra, đừng để nó chen vào…Tôi thì lại nói “lén”, nói thầm với học viên sau lưng giảng huấn, cần “thanh lý tiềm thức”. Đó là cách duy nhất...cuối cùng, ông nói gà, bà nói vịt nên…tôi rời khỏi trung tâm là vì vậy.

Thực ra thì còn nhiều lý do khác nữa quan trọng hơn. Nhưng thôi để lúc khác... 

Tạp niệm không phải bên ngoài vào mà là bên trong, nằm sẵn bên trong, chôn dấu bên trong. Có lẽ con người là loài động vật có sức chứa của “tiềm thức” tưởng chừng vô hạn. Chỉ trong trạng thái thiền định mới cảm nhận những đợt phun trào của tiềm thức vừa êm nhẹ vừa mạnh mẽ, vừa dịu dàng nhưng lại cũng vừa quyết liệt. Mọi bờ ngăn đối với nó là không hiệu quả.

Thật ra, cố sức chống trả, cố “gạt sang bên” ta có thể giải quyết phần tràn bờ và sau đó, đắp giữ phần áp lực“ giới hạn” của nó ở bên trong. Đôi khi tôi nói vui với học viên, mỗi người có cả một kho “phế liệu”. Bao giờ anh thanh lý được hoàn toàn và đồng thời không đưa tiếp vào những phế liệu mới, những tạp niệm thì anh giác ngộ, tâm sáng tỏ hết vô minh. Cái qui trình nói thì đơn giản nhưng hành thiền thì mới biết qua bao nhiêu gian nan.

Toàn bộ cái tiếp nhận của tâm thức bao giờ cũng dào dạt cảm xúc từ hai thái cực (Tôi đã trình bày điều này trong “Bắt đầu từ tam độc”), điều như ý và bất như ý, mong cầu và chống đối, thõa mãn và bất bình, thích và không thích, yêu và ghét v.v…Cái nguyên lý hết sức đơn giản mà không phải hành giả nào cũng nhận ra. Gần như toàn bộ học viên khi đến với Thiền chữa bệnh đều chỉ mong “thu nhận năng lượng” để đẩy trược khí ra khỏi cơ thể và “hết bệnh”, đơn giản thế !!?.

Chữa bệnh và giác ngộ

00

Chúng ta bắt đầu với một kho phế liệu đầy ắp khi đến với Thiền. Khi phế liệu đã tràn bờ, ấy là lúc nó tràn xuống lục phủ, ngũ tạng, ta bắt đầu tiến trình bệnh tật (*). Nguyên lý đơn giản của bệnh, nếu không qua thực nghiệm thì mọi diễn giải đều trở thành tư biện. Và điều này cả Đông y lẫn Tây y đều chưa đặt thành vấn đề gốc rễ của bệnh tật. Đành vậy! Năng lực thực nghiệm đành phó thác mỗi hành giả. Khoa thôi miên đã chứng minh hiệu quả điều trị bệnh của phép lắng lọc tâm thức, hay gọi là thanh tịnh tâm, là tháo bỏ những gút mắc trong tâm thức của thôi miên. Khoa học từng dẫn chứng quan hệ nhân quả ở từng hành động con người và cả những suy nghĩ, tư tưởng tạo thành lực tương tác với tần số dao động mà nó phát ra.

Người ta chỉ nhận thấy nhân quả ở hành động (xả rác thải vô tội vạ, chặt phá cây xanh, hút cát lòng sông, xả thải ô nhiểm môi trường biển, phá rừng, làm thay đổi dòng chảy v.v…sẽ nhận lấy cái quả tất yếu). Nhưng không ai nhìn được cái nhân quả tuần hoàn, tàng chứa vào tâm thức. Bệnh bao giờ cũng có hai phần, hai loại: Bệnh thuộc thực thể và bệnh thuộc tâm linh (chưa chuyển xuống các tạng phủ). Nhiều phái thiền chữa bệnh thường gọi phần này bằng thuật ngữ bệnh thuộc phần mờ hay cái nguyên lý tập mờ cho nó có vẻ siêu hình. 

Trong TSH, nhiều học viên cứ theo “chủ nghĩa hành vi” mà suy xét xem sai đúng trong hành động, thâm chí triển khai cách dành ra 5 phút trong cử thiền định cuối ngày để kiểm tra lại hành động của mình. Cái sai do hành vi tạo tác không đáng là bao so với cái sai tư tưởng của cả cái kho tiềm thức, nếu anh hiểu rằng mọi hành vi đều phải bắt đầu từ tư tưởng. Chưa nói cách ngăn chắn dòng chảy ý thức theo cách triển khai như vừa kể đã tạo thành trạng thái ức chế thường trực trong tâm thức hành giả. Nén chịu, quên đi những điều khó chịu, căm ghét bằng suy nghĩ chủ quan đó là kham nhẫn, là ức chế. Ta dễ gặp trạng thái khó chịu “trồi lên” khi hành thiền". Và theo chỉ dẫn lại bắt đầu "dìm chết nó” hay cứ chiến đấu âm thầm trong Thiền định. Trong một ngày liệu có bao nhiêu lần, trong cuộc đời liệu có bao nhiêu lần nén chịu sự bất như ý như thế. Và bao nhiêu lần cảm nhận sự dễ chịu, như ý…Tất cả những ghi chép ngắn ấy là một dạng trược khí chuyển vào tiềm thức hay gọi đúng tên trong giáo pháp đó là Mạc-na-thức, là sự ẩn tàng để chuyển vào thức A-lại-ya, chuyển thành nghiệp lực của thân trung ấm để tái sinh. Trước mắt đó là bệnh tật của thân hiện tướng. 

Những dòng chảy tư tưởng cứ liên tục trong suy nghĩ của mỗi người hàng giờ hàng phút chỉ là một trong hai trạng thái như đã nói trên. Nhưng nếu phát triển cái ao ước, cái khát vọng, cái mong cầu thì có gì xấu chứ? Trước hết cần hiểu rõ Mong cầu, yêu thích, thỏa mãn, sự thích thú- Đó là tham ái, là dục lạc, là thuộc tính của tham luyến. Cái sân không phải là thứ duy nhất tạo ra bệnh tật, tạo ra tác động xấu đến lục phủ, ngũ tạng. Tham luyến cũng góp phần không nhỏ. Chính nó tạo ra sự tự mãn, sự đắm nhiễm, ngay cả sự kham nhẫn, ức chế vì dục tính không được thỏa mãn và cũng không bao giờ thỏa mãn, cũng là lý do cho những toan tính chiếm hữu, những nhỏ nhen, ti tiện, những thủ đoạn. Nói chung tất cả hai chiều thuận nghịch đều tác hại đến sức khỏe, đều là năng lượng xấu tàng chứa bên trong con người. Đối với người hành thiền phải quán xét, xả bỏ tới tận cùng, rốt ráo. 

Cùng với hạt giống của từ tâm, bi mẫn sẵn có ở mỗi người, những hạt giống tham ái, dục lạc, sân hận, nhỏ nhen, ích kỷ…đều nằm im trên mảnh đất tâm hồn. Hai nhân tố nhân và quả bao giờ cũng đòi hỏi được trợ duyên. Một khi nhân đủ duyên mới trở thành quả. Không trợ duyên kích hoạt cho nhân xấu, mang cả mảnh đất đầy nhân xấu ấy vào tàng thức để chuẩn bị tái sinh có phải là giải pháp tốt?!. Có nhiều nhân xấu bắt đầu từ giận dữ, căm ghét, nhưng cũng có cả những hạt giống xấu được lưu kho một cách vô tình. Khi vô tình ta đánh mất ví tiền hay thứ gì đó giá trị, việc đầu tiên là hoảng hốt kiếm tìm, lục tung mọi thứ ngày này qua ngày khác. Cho đến khi hết hy vọng, ta nhủ thầm của đi thay người. Và thậm chí tự nhủ ai nhặt được xem như rước cái họa thay mình. Rồi giật mình khi nhận ra cái ý nghĩ độc địa sinh khởi. Chúng ta thường tự lừa dối chính mình như thế…

Hành trình của tham ái không thỏa mãn cũng được lặp lại tương tự để mảnh đất tâm thức của ta đầy hạt giống xấu, đầy vô minh mà hành trình thiền định tức là hành trình nội quán để thanh lý tiềm thức, để kích hoạt cho cái nhân xuất hiên, triệt tiêu.

Trong Nguyễn Huy Thiệp - "Hành trình nội quán". Tác giả thật chí lý khi trích dẫn một đoạn trong "Không có vua". Hãy đọc thật chăm chú vào và hãy quay vào chính mình bằng cuộc hành trình nội quán để xem có lúc nào đó, trong ta sinh khởi những ham muốn, đòi hỏi dục vọng và ta vội lãng tránh, dập tắt không? (Không cần lớp áo đạo đức đúng chuẩn. Ông cứ lặng lẽ như cuộc hành trình nội quán, hóa thân vào từng nhân vật để cho từng nhân vật xuất hiện như nó đang là. Và trong dòng chảy thời gian vật lý ấy, mỗi nhân vật hiển lộ và bộc bạch tâm tư theo cách của nó. Ông, lúc này với vai trò là một khán giả, lẳng lặng chiêm ngắm, an trú vào thực tại, đích thân quán chiếu lên tâm thức để cảm nhận từng sợi cơ, từng cái cau mặt trước mỗi nhân vật. Hay nói cách khác, từng nhân vật giúp ông quán chiếu, ghi nhận trung thực diễn biến tâm thức của mình. Không có sự cưỡng cầu, áp đặt tâm lý, không bức nhiễu, không can dự. 

Đoài lên giường, giở báo ra đọc. Sinh dọn dẹp một lúc rồi xuống đi tắm. Sinh xách hai xô nước vào trong buồng tắm, khép cửa lại.

Hành động lưỡng lự, đi không nở ở cũng không xong của lão Kiền thật đáng thương. Lão quay lại, vào trong bếp bắc chiếc ghế đẩu trèo lên, nín thở ngó sang buồng tắm. Trong buồng tắm Sinh đứng khỏa thân. 

Lão Kiền có phải một nguyên mẫu được sao chép từ trong đời sống chăng? Có thể có mà cũng có thể không. Anh cứ bình tĩnh sẽ thấy rằng trong mỗi người chúng ta thường ngày luôn ức chế, tự kiềm chế mình trước những ham muốn, những dục lạc, kể cả về tính dục trước những chế ước, những khái niệm đạo đức. Những khái niệm đạo đức dù sao cũng giới hạn con người chừng mực để không phạm tội. Nhưng với người hành thiền, theo nó tức là theo chủ nghĩa hành vi. Những ham muốn, dục lạc thỉnh thoảng vẫn hay đội mồ sống dậy nhưng được nhận chìm, trấn nước nếu nó trái với đạo đức, đừng tự hào vì đã dìm chết tham dục. Nó không chết mà nằm sâu dưới đáy tiềm thức của anh. Đừng hành thiền theo kiểu ức chế, theo kiểu kham nhẫn như trên. Anh đang tự hại mình đấy.

Nếu có lần nào đó anh phát hiện những vọng tưởng, tham dục bất chợt hiện về. Đừng hoảng hốt mà nên mừng vì sự lộ diện của nó nếu anh còn đủ tỉnh giác để quan sát, để dùng chánh niệm mà loại trừ. Bằng không hãy dành thời gian vào lúc khác, nó sẽ trở lại. Điều quan trọng là sự kích hoạt cho nó thức dậy, bởi lẽ kho tiềm thức của anh nó giống như một tổ ong to tướng, anh không thể đi vào từng ngóc ngách để lôi nó ra mà thanh lý. Hãy chờ đợi.

Thiền sư Mindfulness trong tác phẩm "Từ chánh niệm đến giác ngộ" miêu tả giai đoạn thanh lý tiềm thức này giống như đêm dạ hội mà hành giả là chủ nhà. Anh không được đuổi khách đã đành mà ngay đến bắt tay chào hỏi cũng vừa phải, chiếu lệ, không quá thân mật với ai, mà cũng không quá hời hợt, lạnh nhạt. Anh không có thời gian cho riêng ai. Chỉ cần cái bắt tay, cái gật đầu, khách cứ liên tục tiến tới với cái bắt tay như thế. Nhiều lần như thế, những người bạn “sơ” cứ xa dần đi. Còn lại một ít bạn thân rồi anh bắt đầu giai đoạn tổ chức “đối thoại” để loại trừ. Cách ví von này chưa thật xác đáng bởi tạp niệm không phải là khách trong buổi dạ tiệc mà từ bên trong ngôi nhà chúng ta, cũ rích và đầy ắp.

Tôi định sẽ viết riêng một tiêu đề về thần kinh giả (TKG) - thần kinh thật (TKT). Đây là vấn đề lý thú nhưng thật ra nếu đủ điều kiện để khảo nghiệm, thực chứng thì việc trình bày sẽ đầy đủ tính khoa học. Tạm thời, tôi nhắc đến ở đây bởi kể cả thật hay giả đều là hai trạng thái bệnh thuộc hệ thần kinh.Thần kinh thật, đó là những tổn thương cơ sở của hệ thống. Thần kinh giả, đó là sự “ tràn bờ” của tiềm thức, tức sự mạnh mẽ, vượt hạn của tưởng uẩn, sự tích tập những chủng tử vào thức mạc-na. Với vai trò tiếp nhận và xử lý thông tin tưởng uẩn đã tạo ra những dao động tâm thức rất mạnh và nhận lại những dao động tương ứng mà những nhà khoa học đã chứng minh. Những trường hợp gọi là thần kinh giả nếu gặp những nhà thôi miên chỉ cần một đến hai lần là bình ổn. Trong TSH, nhiều người TKG chỉ thiền định mươi, mười lăm phút là như người nhập đồng.

Trong phân tâm học, những trường hợp này được gọi cái tên ẩn ức tính dục. Ẩn ức tính dục không chỉ là những vấn đề thuộc dục tính mà bao gồm cả tham vọng, ước muốn chưa đạt được về lĩnh vực nào đấy quyền lực, tiền tài, danh vọng, nói chung là những vọng tưởng, mong cầu.

Trong phép thiền định mà đức Thế Tôn đã hành trì để đắc quả, giác ngộ có hai phương pháp chỉ và quán. Chỉ tức là sự chuyên chú vào đối tượng, không rời xa, dừng hẳn lại ở điểm chú tâm ấy. Và quán tức theo dõi, quan sát đối tượng, mọi ý nghĩ, mọi sự, mọi diễn biến tâm thức trong suốt quá trình hành thiền. Quan sát mà không biểu đạt, không bỏ thêm vào cảm xúc chủ quan, cứ thấy sao để vậy. Quan trọng là không được “rời mắt” khỏi đối tượng. Lúc này anh có thể thấy rất rõ những tư tưởng bên ngoài, những tà niệm sinh khởi (mới) và những dòng chảy từ bên trong, những vọng tưởng, tham luyến (củ). Việc loại trừ là tự nó, bằng chánh niệm, tỉnh giác, sự soi rọi của ý thức tỉnh giác chính là vũ khí đốt cháy tà niệm. 

Chỉ và Quán là hai vũ khí xả bỏ tà niệm, vọng chấp. Chưa xả bỏ được tâm thức thì không thể đi đến đâu. Anh không thể dong thuyền ra khơi mà không biết đi đâu về đâu. Cứ mỗi ngày thiền tập 3 lần, mỗi lần 1h và đều đặn thế, cơn đau thì cứ đến và đi. Phiền não thì đâu đó cứ chực chờ ập tới. Thậm chí, tệ hại hơn nữa là lại gà gật, hôn trầm mà sau cử thiền lại vung vai như người ngáy ngủ “quá đã”. Suốt một đời tu tập, không biết đến các tầng thiền ra sao, không sờ được đến sơ thiền thì ít nhất cũng phải biết được hành trình đó dẫn anh đến đâu, qua những trạng thái ra sao. Cứ thản nhiên hành thiền theo kiểu ức chế, hoang tưởng cực kỳ tai hại bởi cánh cửa tâm thức rỉ sét hoặc cố tình bít lại đã lưu giữ toàn bộ hạt giống xấu. 

Hãy mở toang cánh cửa tiềm thức, cho nắng vào, cho không khí vào để xua tan bóng đêm, xua tan mùi ẩm mốc, hãy chiếu soi chánh niệm để xua tan vô minh. Hạt giống phiền não (gồm toàn bộ những năng lượng xấu) khi được kích hoạt giúp ích cho hành giả tu tập, chánh niệm, giải thoát. Thanh lý tiềm thức chính là sự buông bỏ, sự giải phóng phiền não. Tuệ giác sẽ đến nếu tất cả đã được khai thông.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Tuổi nào cho em

Góc nhìn Phật tử 13:43 22/11/2024

Tôi vác ba lô trên lưng trở về sau chuyến hành trình nơi đất khách, trong hành trang tôi mang vài thứ từ quê xa làm quà cho anh em. Vừa bước vào cổng chùa nghe hơi lạnh… thoáng mùi chia ly.

Đạo Phật là lối sống đẹp để hướng đến việc hoàn thiện bản thân

Góc nhìn Phật tử 10:24 22/11/2024

Trong cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời, Đạo Phật xuất hiện như một ánh sáng soi đường, giúp con người thấu hiểu chính mình và hoàn thiện bản thân.

Để Sư nấu

Góc nhìn Phật tử 10:06 22/11/2024

Cách đây chừng sáu năm, ngày đó tôi đang là một sinh viên năm thứ ba, sống chung phòng trọ với bảy người bạn nữa ở khu Làng Đại Học Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy chung trọ nhưng chẳng ai cùng quê với nhau cả, Bắc – Trung – Nam đều có.

Nói xấu người

Góc nhìn Phật tử 09:51 22/11/2024

Đã nhiều lần tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ nói xấu người khác, thế nhưng đâu cũng lại vào đó, cứ hễ tụm năm tụm ba là không nói chuyện của người này cũng nói người khác, hoặc khi ai đó nói về chuyện của người khác dù không nói ra nhưng vẫn có những ý nghĩ xấu, không tốt về họ.

Xem thêm