Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 10/10/2022, 15:15 PM

Thanh tao như trà

Không biết từ khi nào, có lẽ từ lâu lắm rồi, trà là một trong những thứ không thể thiếu trong các gia đình của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng.

Như câu nói sau đây: “Quan môn thất kiện sự, sài, mễ, du, diêm, tương, thố, trà”. Nghĩa là trong nhà lúc nào cũng phải có 7 thứ là: củi, gạo, dầu, muối, tương, giấm, trà. Uống trà không chỉ là thói quen “Ăn xong uống một chén trà” mà còn là một truyền thống, một nét văn hóa “khách đến chơi nhà nhất định phải pha trà tiếp đãi” đã có từ lâu đời của người Việt ta. Và nhất là vào những dịp Tết đến thì trà càng không thể thiếu trong câu chuyện ngày xuân. 

Có lần tôi tham dự cuộc thi viết về trà. Điều đặc biệt của cuộc thi này là nhuận bút và giải thưởng đều trả bằng trà. Khi cầm những gói trà được gửi từ Ban Tổ chức, tuy là giá trị vật chất không đáng bao nhiêu, nhưng sao tôi thấy vui lạ. Có lẽ do tôi nghĩ rằng đây không phải là trà bình thường mà là trà nhuận bút, tức là trà của những người hiểu và yêu trà. Tôi thỉnh thoảng cũng có viết bài đăng báo. Nhưng sao khi nhận nhuận bút bằng tiền, mặc dù cũng vui, nhưng niềm vui khi nhận nhuận bút bằng trà rất lạ, cứ như cung đàn ngân nga, rộn rã mãi trong lòng. 

Uống trà là thú vui tao nhã, thanh cao - Ảnh minh họa

Uống trà là thú vui tao nhã, thanh cao - Ảnh minh họa

Tôi coi những gói trà nhuận bút đó còn quý hơn cả nhuận bút bằng tiền. Tôi vui là vì trong mối tương giao này mọi thứ không dùng đồng tiền để đo lường, để trao đổi, mà chỉ có những giá trị tinh thần thanh cao, trong sáng. Tôi có lần nói vui với huynh đệ rằng, ai phát minh ra tiền chính là tội nhân thiên cổ vì đã đưa nhân loại vào vòng tội lỗi, làm suy thoái đạo đức và bào mòn các giá trị nhân văn. Nhuận bút bằng trà, trong trường hợp này, là nhuận bút cao nhất, là sự kính trọng nhất đối với tác giả. Vì nếu trả bằng tiền thì coi thường trà quá. Trà sẽ có mùi tiền, và như vậy thì mùi vị của trà đã nhạt mất rồi, biến đổi mất rồi, trà sẽ không còn ngon nữa. Trả nhuận bút bằng trà phải chăng hàm ý rằng chúng ta hãy yêu trà bằng tình yêu thuần khiết thanh cao, và hãy tỉnh táo trước sự cám dỗ của cuộc đời, mà cụ thể là tiền bạc.

Vâng, bản thân trà là sự tỉnh thức. Tương truyền, có một lần trong khi đang ngồi thiền, Tổ Bồ Đề Đạt Ma bỗng ngủ gục. Ngài bực quá liền cắt mí mắt cho tỉnh ngủ. Mí mắt ấy rơi xuống đất và mọc lên thành cây được gọi là trà. Lá của cây ấy có tác dụng chống buồn ngủ, làm cho tinh thần tỉnh táo. Từ đó những người ngồi thiền thường hái lá trà uống để được tỉnh táo khi ngồi thiền. Có lẽ đây chỉ là truyền thuyết để giải thích tính “tỉnh thức” của cây trà chứ các nhà khảo cổ học phát hiện trà đã có hàng ngàn năm trước rồi, ở nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam. 

Trong lá trà có chứa hàm lượng caffeine rất cao nên giúp cho người uống trà có được đầu óc tỉnh táo, tâm trí sáng suốt. Cho nên tôi nghĩ rằng câu chuyện trên được viết ra với hàm ý nói về công dụng “thức tỉnh” của cây trà, cũng như mối liên hệ giữa trà và thiền hơn là sự thật. Trà làm cho ta tỉnh táo và thiền làm cho ta tỉnh thức, và cả hai có mối liên hệ mật thiết với nhau. Tuy hai mà một. Có lẽ vì vậy mà người Nhật coi thiền và trà là một. Ngày nay các nhà khoa học đã chứng minh chất theanine là một amino acid chỉ tìm thấy trong cây trà. Chất theanine kích thích hoạt động của alpha sóng não. Làn sóng alpha này xảy ra khi chúng ta tỉnh táo và thư giãn. Và thật thú vị là người ta cũng thấy ở những người có kinh nghiệm về thiền cũng có hiện tượng làn sóng alpha này ở trong não. 

Khi người ta nói “Thiền trà nhất vị” chính là muốn nói đến tinh thần, ý chí của việc uống trà. Nếu ta không hiểu về thiền, không ngộ được thiền ý thì khi uống trà ta sẽ không cảm nhận được sự đồng nhất giữa trà và thiền. Khi uống trà lòng phải tỉnh, tinh thần phải thư thái, từ từ cảm nhận hương vị của chén trà để đưa lòng mình hòa vào cái tĩnh lặng, bình yên của vũ trụ bao la. Thiền và trà đều chung một mục đích, đó là tìm đến sự thăng hoa, thuần khiết và nhất là sự tỉnh thức của tâm hồn. Giữa cuộc sống xô bồ ngày nay, tỉnh thức là vô cùng cần thiết. Sống tỉnh thức là duy trì ý thức trong từng giây phút hiện tại trên mỗi công việc mà mình đang làm, không để tâm bận bịu với quá khứ, viển vông mơ tưởng đến tương lai. Tỉnh thức để biết rõ những gì đang diễn ra với mình và cuộc sống quanh mình. Tỉnh thức để tâm ý được minh mẩn để có được những quyết định sáng suốt để thành công và hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Tỉnh thức để không bị cám dỗ bởi vị ngọt của ngũ dục, lục trần vậy. 

Với cái nhìn tỉnh thức ta thấy trà không chỉ là trà mà trà còn bao hàm những yếu tố không phải trà nữa. Theo giáo lý Duyên sinh của Phật giáo thì các hiện tượng thế gian hình thành là do nhiều điều kiện, nhiều duyên kết hợp lại. “Một là tất cả, tất cả là một”. Điều này rất thú vị khi ta ứng dụng vào việc uống trà. Ly trà mà ta đang uống không phải chỉ là ly trà mà ly vũ trụ, ly đất trời, ly nhân sinh, vì trong ly trà đó có đất, nước, không khí, có ánh nắng, ánh trăng, có sương mai, có người hái trà, có cả 4 mùa xuân hạ thu đông…, cũng như không biết bao nhiêu là câu chuyện vui buồn của nhân tình thế thái xung quanh những yếu tố đó. 

“Ai hay trong một tách trà

Có hồ sen ngát mượt mà đưa hương”.

Và dĩ nhiên là phải có bản thân người đang thưởng thức trà là ta đây nữa. Ta là một phần của vũ trụ cũng như vũ trụ chứa đựng trong ta. Thấy được điều này ta thấy yêu thương đất trời, yêu thương mọi người và vạn vật hơn. Vì họ là một phần không thể thiếu trong ta. Ta không thể sống nếu thiếu họ. Họ tốt thì ta mới tốt. Và ta tốt ta cũng góp phần làm cho thế giới tốt hơn. Khi uống trà, nước trà đi vào cơ thể ta và ta với trà hòa lại làm một, trong trà có ta, và trong ta có trà, có vũ trụ đất trời, có tình người tình đời. Tất cả đều được chứa đựng trong một ngụm trà buổi sớm mai. Thật là vi diệu biết bao!

Uống trà còn là thú vui tao nhã, thanh cao. Thú vui cuộc đời nói chung có hai loại là thanh cao và không thanh cao. Thú vui không thanh cao là thú vui thiên về vật chất, chạy theo tình tiền danh lợi, tranh giành được mất hơn thua; nó bắt nguồn và cũng là nguyên nhân tạo ra sự ích kỷ và kết quả là đưa đến khổ đau cho mình và người khác. Còn thú vui thanh cao thì thiên về tinh thần, tình cảm, không ích kỷ tranh giành mà là chia sẻ. Càng chia sẻ thì niềm vui càng phong phú. Cho nên uống trà phải có bạn, trà tam rượu tứ. Nói uống trà là một thú vui thanh tao, bao hàm hai ý nghĩa. Một là bản thân việc uống trà là thanh cao và hai là uống trà làm cho tâm hồn người ta trở nên thanh cao. Rượu làm cho người ta say, tiền làm cho người ta mê, địa vị và danh tiếng làm cho tâm hồn người ta đen tối và gây ra tội lỗi; còn uống trà chỉ làm cho tâm hồn người ta tỉnh táo và thánh thiện hơn mà thôi. 

Từ xưa đến nay có rất nhiều câu chuyện về trà nhưng chưa thấy có câu chuyện nào nói rằng người ta uống trà rồi gây ra tội lỗi cả, mà chỉ có những câu chuyện về sự cao quý của trà mà thôi. Đó là sự tinh tế trong Những chiếc ấm đất, là niềm vui bình dị nhưng thanh tao trong Chén trà trong sương sớm của Nguyễn Tuân, hay tách trà của Thiền sư Triệu Châu mời “uống trà đi” để nhắc nhở khách thiền hãy quay về với thực tại đang là, và câu thơ của văn nhân tài hoa Tô Đông Pha thời Bắc Tống “Trà, kính trà, kính hương trà” để khuyên mọi người không nên trọng phú khinh bần hoặc thấy người sang bắt quàng làm họ. Ngoài ra còn có không biết bao nhiêu là triết lý nhân sinh liên quan đến trà, chẳng hạn như: “Cuộc sống cũng giống như cách pha trà! Hãy đun sôi cái Tôi của bạn, làm bay hơi mọi Lo Lắng, pha loãng mọi Buồn Phiền, lọc đi mọi Sai Lầm, và bắt đầu thưởng thức sự Hạnh Phúc”. Khoa học còn chứng minh rằng trà rất tốt cho sức khỏe, như chống lão hóa và ngăn ngừa nhiều bệnh tật. Cho nên người xưa đã đúc kết công dụng của trà qua bài thơ sau: 

Bán dạ tam bôi tửu,

Bình minh sổ tràn trà.

Nhất nhật cứ như thử.

Lương y bất đáo gia.

Nghĩa là:

Nửa đêm ba chén rượu 

Sáng sớm một tuần trà 

Mỗi ngày cứ như thế 

Thầy thuốc không đến nhà.

“Nhất bôi xuân lộ tạm lưu khách, lưỡng dịch thanh phong kỷ dục Tiên”. Nghĩa là: Một chén trà xuân tạm giữ khách, một cuộc sống thanh bạch làm người ta muốn trở thành tiên. Trà không chỉ là thức uống tốt cho sức khỏe mà còn hàm chứa nhiều ý nghĩa và triết lý nhân sinh sâu sắc. Khi Tết đến, người ta mua những loại trà thật ngon để tặng nhau, và cùng với các loại bánh mứt, cùng nhau thưởng thức chén trà thơm mát như nhắc nhở nhau hãy sống mạnh khỏe, tỉnh thức và thanh tao… như trà.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Cách ăn chay tốt cho sức khỏe tim mạch

Sống an vui 16:50 22/11/2024

Chế độ ăn chay có thể tốt cho huyết áp, cải thiện mức cholesterol và duy trì cân nặng khỏe mạnh, tất cả đều giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, nên biết cách ăn chay phù hợp để mang lại những lợi ích sức khỏe.

Những cảnh giới cao nhất

Sống an vui 13:15 22/11/2024

Cảnh giới cao nhất của sự nghiệp, của kỷ luật, của tình bạn, tình yêu và cảnh giới cao nhất trong sinh mạng con người là gì, bạn có biết không?

Buông xả những nỗi lo âu

Sống an vui 11:00 22/11/2024

Ta hay nhân danh sự bận rộn, bổn phận, trách nhiệm để cho phép mình rời bỏ chính mình bất cứ lúc nào. Khi thức dậy là ta đã bắt đầu phóng tâm đi lang thang bên ngoài, tìm kiếm cái này, nắm bắt cái kia.

Học chim làm tổ

Sống an vui 07:30 22/11/2024

Nhìn những chú chim cần mẫn siêng năng tước từng cọng cây, ngọn lá về đan tổ, chúng ta học được rất nhiều đạo lý.

Xem thêm