Ứng dụng giới luật thiết thực có lợi ích trong đời sống người xuất gia
Giới luật được xem như là nơi quy thú tất cả thiện pháp, là phương tiện để ngăn chặn và đoạn trừ các điều ác bộc phát qua thân, khẩu, ý. Giới luật chính là sinh mạng, là sự sống còn của những người con dòng họ Thích – những hành giả thừa Như Lai xứ, hành Như Lai sự.
Nếu hành giả biết ứng dụng Giới luật, y chỉ vào Giới luật và sống đúng với nó, có nghĩa là tự mình tìm được cuộc sống thanh tịnh giải thoát. Song về phương diện tích cực thì Giới luật có lợi ích không chỉ riêng cho cá nhân nào, mà nó còn tác động rộng rãi đến cộng đồng xã hội.
1. Đơn cử như giới bất sát: Vì thương yêu chúng sanh, không phân biệt loại nào, chúng sanh nào cũng tham sống sợ chết, cũng cảm thấy đau khổ khi bị xâm phạm thân thể, cảm nhận đựơc niềm đau của chúng sanh như nỗi đau của mình, vì thế mình giữ giới không giết hại. Tâm cảm thông và thương yêu ấy đưa đến giữ giới một cách tự nhiên không gượng ép.
2. Giới không trộm cắp: Vì cảm thông được sự mất mác về tài sản đem đến đau đớn, tiếc nuối, than khóc. Mình không muốn bị mất mác cho nên mình giữ giới không trộm cắp. Nói theo cách của Khổng Tử: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”.
3. Giới không tà dâm: Vì cảm thông nỗi đau đớn khổ sở của người bị phản bội, phụ tình, sự mất mác hạnh phúc của kẻ khác. Do sự thương yêu và hiểu biết mà ta giữ giới không tà dâm, đình chỉ được ước muốn bất thiện.
4. Giới không nói dối: Vì cảm thông được tình cảnh của người bị dối gạt, bị trách mắng, bị hãm hại và bị đau khổ do lời nói dối, lời nói bất thiện mà mình từ bỏ nói năng dối trá.
5. Giới không uống rượu: Vì cảm thông được nỗi đau khổ của thân thể mình và sự tàn phá, mê muội do rượu đem đến, vì vậy ta nguyện từ bỏ rượu chè say sưa, các chất gây nghiện.
Mặt khác, đức Phật vì không muốn mang tiếng đồn gần xa của người thế tục, sợ họ nhìn vào nếp sống buông lung “tự tung tự tác” của Tăng đoàn mà mất đi chánh tín hoặc chê bai hiềm tị. Cho nên sự có mặt của Giới luật là yếu tố cần thiết để thành tựu sự thanh tịnh, đồng thời làm mô phạm cho người và giúp cho hành giả bước đi trên con đường thoát ly sanh tử.
Nên hiểu rằng Giới luật không phải là điều kiện gượng ép hay bó buộc gì cả mà nó hoàn toàn mang tính tự giác, tự phát nguyện thọ trì, cho nên bất kỳ vị Tỳ kheo nào giữ gìn tịnh giới đều thành tựu được mười điều như sau:
1. Nhiếp thủ ư tăng: Người xuất gia học đạo, khi đăng đàn thọ cụ túc giới sẽ được công nhận vào địa vị chúng trung tôn, chính thức gia nhập Tăng đoàn trở thành một trong ba ngôi báu (Tam bảo) sống thanh tịnh hòa hợp như nước hòa với sữa. Người thọ trì giới pháp sẽ được sự bảo hộ chặt chẽ của Tăng thân. Như vậy giới pháp của Phật tạo cho người xuất gia thọ giới được đứng trong môi trường an ổn. Một Tỳ kheo giữ 250 giới hoặc Tỳ kheo ni giữ 348 giới là để bảo trì sự tồn tại lớn mạnh của Tăng đoàn, nên gọi là “Nhiếp thủ ư Tăng”.
2. Linh Tăng hoan hỷ: Người giữ giới thanh tịnh thì hương giới thơm hẳn hơn các loài hoa bay ngược chiều gió, và hương của người trì giới bay vào trong Tăng chúng làm ai cũng thấy dễ chịu. Ngược lại, người hủy phạm Thánh giới, tuy chúng Tăng không khinh miệt nhưng không thể làm cho Tăng đoàn hoan hỷ được. Hoan hỷ cho tinh thần giới luật thanh tịnh là có sự tiến bộ trong vấn đề tu trì cho tự thân và cho thanh danh ấy, chứ không phải là một sự hoan hỷ vì thấy nhau làm những điều sai trái. Bởi thế, nên khi thọ giới, hàng tu sĩ chúng ta phải giữ gìn giới luật như người đi trong đêm tối tha thiết cần đuốc, nếu ai giữ được chừng nào thì được công đức lớn lao chừng ấy. Cho nên gọi “Linh Tăng hoan hỷ”.
3. Linh Tăng an lạc: Người xuất gia học đạo cất bước đến chân trời cao rộng phải lìa xa thân thuộc họ hàng, lấy trời mây sóng nước làm nhà, chọn người lý tưởng làm ruột thịt, hễ khi thấy vị Tỳ kheo bị ba món độc hành hạ quấy nhiễu thì tăng thân cũng đau lòng. Nếu vi phạm thì cũng như những người lính bị chặt đứt đầu, đoạn luôn cả tính mạng (phạm Ba-la-di). Nên Tăng đoàn phải sống theo giới pháp thanh tịnh, lấy Giới luật làm kỷ cương, thống nhiếp được an ổn. Vì vậy Thánh giới không những có sự lợi ích làm cho Tăng an ổn lợi lạc, mà còn coi đó là “Linh Tăng an lạc”.
4. Linh vị tín giả tín: Một Tỳ kheo như pháp, sống đời sống phạm hạnh có tuệ giới như đức Phật là hình ảnh đoan nghiêm chánh hạnh, có thể thay thế Ngài tuyên dương chánh pháp và trở thành một hình tượng mẫu mực để cho những chúng sanh đang bị lạc lầm trong đêm tối nương vào ngọn đuốc ấy để dẫn họ tới con đường sáng và trở về nhà. Vậy con thuyền phải vững chắc, người lái thuyền phải khỏe mạnh và rõ đường đi mới trở về bến giác được, như thế gọi là “Linh vị tín giả tín”.
5. Dĩ tín giả linh tăng trưởng: Giới luật là hàng rào ngăn chặn những phiền não như thân,khẩu, ý nếu ba nghiệp này thanh tịnh thì sẽ sống với trạng thái định, có thể nói định là hình thức nước trong, vì các thứ bụi phiền não được lắng xuống, nếu nước đã trong thì ánh sáng hiện ra rõ nét. Nhờ vậy mới phát tuệ, nhờ giới mà có định, nhờ định mà có tuệ. Chính vì thế những người đã gieo hạt giống chánh tín vào ruộng phước chúng tăng, thì càng tin rằng sẽ có đầy đủ chất màu mỡ để hạt giống nẩy mầm phát triển và tin rằng hàng Tăng bảo là hình ảnh sống động, có thể thay thế đức Phật lèo lái con thuyền trí tuệ thoát khỏi dòng sanh tử về bến giác an vui. Vì vậy chúng Tăng nghiêm trì giới luật đạt đến giải thoát chừng nào, thì người học hạnh xuất gia càng tin tưởng phấn đấu viễn ly dục lạc chừng ấy, cho nên gọi là “Dĩ tín giả linh tăng trưởng”.
6. Nan điều phục giả linh điều phục: Dưới sự kềm thúc của giới luật thì một người dù phạm tội tới đâu, cố tình che dấu không chịu nhận sự sám hối thì cũng có thể điều phục, xử trị xác thực rõ ràng đến đó. Nếu không điều phục được, Tăng sẽ “Yết-ma” đuổi đi, song tinh thần căn bản ở Tăng đoàn, sự quyết nghị của Tăng đoàn là đại diện cho mười phương Tăng, nên không có vị nào dám dung thân. Vì thế Tăng đoàn chỉ chấp nhận những người sống đúng giới luật, tuyệt đối không chấp nhận người ngoan cố, nên gọi là “Nan điều phục giả linh điều phục”.
7. Linh tàm quý giả đắc an lạc: Người giữ giới luật nghiêm ngặt thì khi họ lỡ phạm vào một điều nhỏ nhặt, họ cũng rất lo sợ. Ví như một người ôm phao qua sông sâu chợt có người đến xin phao, trong một phút vội vàng họ đã cho người kia và sau đó suy nghĩ lại thì thấy hối tiếc vô cùng, vì sợ rằng không có phao thì khó hy vọng qua được bờ bên kia. Đây cũng là tinh thần những người biết tàm quý nếu lỡ để ba nghiệp manh nha khuấy động, và họ kịp thời ra sức dùng Giới luật câu thúc lại do đó không còn sợ hãi, dứt hết phiền não, phấn chấn tinh thần và năng lực tịnh giới đã an tâm cho họ. Do đó, Tăng đoàn thanh tịnh hòa hợp, nên gọi là “Linh tàm quý giả đắc an lạc”.
8. Đoạn lậu hoặc hiện tại: Sở dĩ chúng ta còn dày đặc phiền não là bởi do sáu căn gặp phải sáu trần làm cho phiền não nhiễm ô như thế gọi là lậu hoặc, những thứ ấy khiến cho chúng sanh bị mê mờ mãi trong tam giới không lối thoát ra được. Vì vậy, giới luật cảnh báo rằng tính chất của cái đẹp ấy như hầm lửa dữ, cũng như cỏ khô cần phải tránh xa lửa càng nhiều càng tốt. Do vậy, bản thân thanh tịnh được bảo tồn nghiêm chánh và giới luật luôn luôn tích cực ngăn chặn không cho lậu hoặc bộc phát, để rồi phải tạo thành nghiệp dữ nối dài thêm con đường sanh tử, nên gọi là “Đoạn lậu hoặc hiện tại”.
9. Đoạn vị lai hữu lậu: Nếu như hạt giống phiền não đã nẩy mầm trong tâm, năng lực giải thoát của giới luật chỉ trong thời gian ngắn sẽ bị thứ cỏ dại khởi mọc lan tràn và người làm vườn muốn cho cây thêm trái ngọt không bị cỏ dại lấn hại cạnh tranh thì cần phải đào xới gốc rễ của nó trong mảnh đất tâm không, không còn dấu tích cỏ dại phiền não. Từ nhận thức ấy, hành giả đã đoạn trừ được lậu hoặc bằng năng lực của tịnh giới, nghiệp cũ dứt đi, nghiệp mới không tạo nữa, đó gọi là “Đoạn vị lai hữu lậu”.
10. Linh chánh pháp cửu trụ: Đức Phật đã trao lại vận mệnh Phật pháp cho hàng Tăng bảo và kèm theo lời di chúc: Phải tôn trọng và giữ gìn giới luật, vì chỉ có giới luật mới có đủ năng lực bảo trì giáo hội Tăng đoàn trong cả ba cõi, lúc đó Phật giáo không còn sợ quân ma đánh cướp. Vì thế, lợi ích của việc giữ tịnh giới là tối quan trọng thiết thực cho hành giả nhằm đền trả bốn ân, cứu giúp ba cõi. Thế nên gọi là “Linh chánh pháp cửu trụ”.Từ những nhận thức trên ta thấy rằng Giới luật có công năng tu chỉnh đưa chúng ta đến chánh tri kiến Phật. Và mười điều thiết yếu trên người hảo tâm xuất gia phải luôn tôn trọng ghi nhớ thực hành, ngõ hầu muôn công đức lành đều từ đó mà được phát sinh ra. Hơn nữa, kết quả của việc giữ giới trước nhất là đem lại lợi ích cho mình và cho người, điều hòa được sinh hoạt tập thể, tạo niềm tin trong lòng mọi người. Dĩ nhiên khi hành giả đem lại lợi ích an lạc cho tự thân người giữ giới đó là trí tuệ, đem lại lợi ích an lạc cho tha nhân đó gọi là từ bi. Từ bi và trí tuệ là yếu tố cốt tủy của đạo Phật, yếu tố này thể hiện tinh thần “Tỳ ni tạng trụ, Phật pháp cửu trụ, tỳ ni tạng diệt, Phật pháp diệc diệt” chứa đựng đầy đủ ý nghĩa “Giới luật là thọ mạng của tăng già, là mạng mạch của Phật pháp”.
Đồng thời ta lại thấy rõ rằng duy chỉ có giới luật mới là chiếc cầu quý báu bền vững giúp cho chúng sanh nương theo đó mà vượt từ bờ mê sang bến giác, các loại đèn thế gian chỉ sáng tỏ một khoảng không gian hạn lượng, còn đèn giới luật mới chính là ánh quang minh vô lậu, có khả năng soi sáng các tâm não loạn của chúng sanh làm cho được định tĩnh và xóa tan đêm tối si mê. Vì vậy, việc nghiêm trì giới luật là để đạt đến chơn hạnh phúc hoàn toàn của nhân sinh, tức là cảnh giới của Phật đà. Và một điều cuối cùng dành cho những ai ứng dụng giới luật trong đời sống người xuất gia một cách thiết thực thì sẽ đạt được năm điều lợi ích sau:
1. Người có giới đức được thừa hưởng gia tài lớn nhờ tinh thần sống không phóng dật.
2. Tiếng tốt đồn xa.
3. Không sợ hãi, rụt rè khi đến giữa hội chúng.
4. Khi chết tâm không bị tán loạn.
5. Mạng chung được sanh vào thiện thú thiên giới.
3. Giới luật có sự liên quan đến vấn đề thịnh suy của phật pháp:
Trong bài tựa Nghi thức tụng Tỳ kheo ni giới bổn có ghi rằng:
“Thế gian, vua lớn nhất
Các dòng, bể là to
Các sao, trăng là sáng
Các Thánh, Phật là tột
Trong tất cả các Luật
Giới kinh là chơn hết”
Chính vì Ba-la-đề-mộc- xoa quan trọng và thù thắng như vậy nên đạo Phật hưng thịnh hay suy vi đều không ngoài phạm vi của giới luật. Ngày nay, trên bước đường hành đạo, người tu hành gặp những khó khăn hay những điều bất như ý thường hay thở than “đời mạt pháp mà!”. Với một thái độ hết sức tiêu cực, đôi khi chán nản nữa. Mạt pháp có nghĩa là chánh pháp đã bị suy vong, suy vong từ hình thức đến nội dung, từ nhận thức đến hành vi. Ý thức tới chánh pháp đã đến thời cùng mạt, ai mà chẳng buồn nản. Thế nhưng, mạt pháp từ đâu mà đến? Từ xã hội bên ngoài hay từ sự phát triển của văn minh nhân loại? Quá khứ trên 2500 năm của Phật giáo ở các nơi đã chứng tỏ Phật giáo có một mạng sống miên viễn. Động lực chính yếu để Phật giáo hiện hữu là do nhu cầu sống của con người. Vì thế, dù xã hội có thay đổi thế nào đi chăng nữa thì Phật Pháp vẫn có mặt bởi vì con người vẫn còn nhu cầu được sống. Như thế, xã hội và văn minh của nhân loại không thể làm cho chánh pháp đi vào thời cùng mạt được.
Mạt pháp - can đảm mà nói do nó đi từ bên trong, cụ thể là từ hành động, cử chỉ, lời nói, ý nghĩ của người tu hành. Ngược lại chánh pháp cũng thế, giáo pháp siêu việt và thực tiễn của đức Phật được sáng tỏ, có giá trị thiết thực trong cuộc sống hiện tại, được phổ cập rộng rãi trong xã hội loài người, tất cả đều tùy thuộc vào tư cách, nói chung từ hình thức đến tâm linh của người tu hành cả. Tư cách ấy được biểu hiện bằng sự nghiêm trì giới luật, đó là vấn đề trọng yếu quyết định vận mệnh của Phật pháp trong mọi thời đại và mọi nơi chốn. Giới hạnh của người tu liên quan đến sự thịnh suy của Phật pháp một cách mật thiết. Chính vì thế nên khi đức Phật sắp vào Niết bàn, Ngài vẫn còn ân cần tha thiết nhắc nhở các đệ tử trong kinh Di giáo, rằng: “Này các Tỳ kheo sau khi ta diệt độ, các thầy phải trân trọng tôn kính tịnh giới, như mù tối mà được mắt sáng, nghèo nàn mà được vàng ngọc. Phải biết tịnh giới là đức thầy cao cả của các thầy. Nếu ta ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới ấy”.[10,328] Âm hưởng của lời dạy ấy đã vượt không gian và thời gian, tồn tại đến ngày nay và trong chúng ta, không ai không biết đến câu:
Tỳ ni tạng trụ, Phật pháp cửu trụ
Tỳ ni tạng diệt, Phật pháp diệc diệt.
Nghĩa là:
“Giới luật còn hành, Phật pháp cũng còn
Giới luật không còn hành, Phật pháp cũng mất”
Bởi thế, đức Thế Tôn chế ra các giới luật. Nó không phải bắt buộc các đệ tử phục tùng mệnh lệnh của Ngài, mà để ngăn ngừa các nghiệp từ ý nghĩ đến hành động, hầu thánh hóa đời sống chúng đệ tử. Cho nên, một thầy Tỳ kheo giới hạnh thanh tịnh là bản sao chụp lại của đời sống thánh giả A-la-hán một cách rõ ràng và hiện thực. Đó là mảnh đất tốt để tăng trưởng thiện pháp, là nền tảng để tiến bộ tâm linh, để phát triển những nhận thức chân chánh, thấy được lẽ thật của cuộc đời. Một khi hành giả có giới luật trang nghiêm tức đã làm một nơi an ổn cho thế gian nương nhờ, và cũng là một thành viên tích cực khiến cho Phật pháp hưng thịnh. Tuy nhiên, nếu giới luật không được nghiêm trì thì chúng đệ tử của Phật sẽ là một cộng đồng ô hợp, có khi còn tai hại cho xã hội nữa. Nếu người xuất gia mà không giữ gìn giới luật thì không thể nào phân biệt được đâu là người xuất gia, đâu là kẻ thế tục. Như vậy, chỉ có giới luật mới tạo nên đức hạnh của người tu, đồng thời cũng góp phần xây dựng cho chúng ta thành những chiến sĩ trên mặt trận đạo đức, tạo nền tảng cho Phật pháp hưng thịnh.
Lại nữa, vấn đề tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức cũng liên quan đến sự hưng thịnh của Phật pháp.Khi đã chấp nhận một người xuất gia là chấp nhận thêm một thành viên gia nhập vào cộng đồng đệ tử đức Phật, đồng thời cũng là chấp nhận một viên gạch đã góp phần xây dựng nên ngôi nhà Phật pháp. Vì thế, việc xuất gia của một người không chỉ là vấn đề cá nhân mà là vấn đề liên đới cần phải đặc biệt chú trọng, bởi sự tiến bộ hay sa đoạ của họ đều ảnh hưởng đến sự thịnh suy của Phật giáo. Việc chấp nhận một người xuất gia phải được đặt hoàn toàn trên nền tảng giới luật và mục đích chung của Phật giáo nhằm đảm bảo uy tín và sự thanh tịnh của Tăng đoàn. Người xuất gia phải là một người có tín tâm, xuất gia vì một mục đích cao cả là hướng đến giác ngộ, giải thoát. Đồng thời, trước khi gia nhập chính thức vào Tăng đoàn, người ấy phải được xét duyệt qua mười ba giá nạn và mười lăm khinh mạn mà giới luật đã qui định.
Một người xuất gia cống hiến trọn đời mình cho lý tưởng, gởi trọn đời mình cho vị thầy. Nếu thầy không đủ đức độ để hướng dẫn mà thâu nhận đệ tử thì trái với giới luật, sẽ dẫn đến sự suy đồi của Phật pháp, tội ấy còn nặng hơn tên đồ tể vì họ đã nhận chìm người đệ tử vào trong ác đạo. Như thế muốn độ người xuất gia, vị thầy phải hội đủ hai yếu tố vật chất và tinh thần. Đó là cung cấp cho đệ tử một đời sống vật chất theo chế độ “tam thường bất túc” (tức ba nhu cầu hằng ngày như ăn, mặc, ngủ không được quá sung túc) và hướng dẫn đệ tử giữ gìn giới luật, học tập kinh điển, tu tập thiền định. Trong Luật dạy rõ, một Tỳ kheo muốn thâu nhận một đệ tử xứng đáng là một thành viên của Tăng đoàn nhằm tạo nên sự hưng thịnh của đạo pháp, thì phải hội đủ các tiêu chuẩn sau:
1. Tuổi đạo phải đủ mười hạ.
2. Phải biết rõ ràng các trường hợp trì và phạm, khinh và trọng về giới luật.
3. Kiến thức phải rộng rãi.
4. Có khả năng giải quyết những tâm tư khúc mắc của đệ tử.
5. Có khả năng đoạn trừ tà kiến cho đệ tử.
6. Được Tăng chấp nhận và tác pháp yết-ma súc chúng. [13, II, 89]
Tóm lại, Giới luật là mạng sống của thân cây Phật pháp, là sinh mạng của người xuất gia, nếu thiếu nó thì Phật pháp sẽ tàn lụi, kế đó là người xuất gia không thành người tu giải thoát, nên trong Luật thiện kiến có ghi lại lời Phật bảo Tôn giả A-Nan: “Sau khi ta diệt độ, có 5 yếu tố khiến cho chánh pháp được cửu trụ là:
1) Giới luật còn ở đời thì Phật pháp cửu trụ, vì giới luật là bậc thầy cao cả của đại chúng.
2) Còn có luật sư ở đời thì Phật pháp cửu trụ, vì có người thông đạt hai bộ luật và chủ trì được tạng luật.
3) Ở đời có ít nhất năm vị trì luật thì mới có thể khiến cho Phật pháp cửu trụ. Vì tăng bảo còn thì Tam bảo không dứt mất, hễ có năm vị trì luật ở xứ sở nào thì xứ sở đó hưng thịnh 500 năm.
4) Nếu ở đô thị có được mười vị Tỳ kheo trì luật, ở biên địa có năm vị Tỳ kheo thanh tịnh thì có thể làm cho Phật pháp cửu trụ, vì làm được việc giải tội đúng pháp cho những vị phạm giới”.
Tuy giới luật chỉ là hình thức, nhưng nếu thiếu giới luật thì không thể tiếp nối được Tăng bảo. Do đó, ở biên địa dù chỉ có năm vị trì luật, ở trung ương chỉ có mười vị trì luật cũng có thể làm cho chánh pháp cửu trụ. Như thế nếu thượng tòa là bậc thù thắng, được cả nước tôn sùng mà không trì giới, không am hiểu luật nghi để khuyên nhắc và làm mô phạm cho đại chúng, tất nhiên chánh pháp sẽ bị hoại diệt.
Giới luật chính là nền tảng cho sự hưng thịnh của Phật pháp nó góp phần đem lại hạnh phúc lâu dài cho mình trong hiện tại và tương lai, không những thế nó còn giữ vai trò quan trọng trong việc làm, trong cái nhìn khách quan thuộc về thế tục. Nó thuộc về tư thái oai nghi tác phong của người tu sĩ Phật giáo, điển hình rõ nét nhất là đại vương Pasenadi đã nhiều lần phải thốt lên lời thán phục: “…Bạch đức Thế Tôn, vua chúa thường tranh chấp với vua chúa, Sát-đế-lợi thường cãi vã với Sát-đế-lợi, bạn bè thường hơn thua với bạn bè… Còn ở đây con thấy các vị Tỳ kheo sống rất hòa thuận, thân hữu không cãi vã nhau, hòa hợp như nước với sữa, nhìn nhau bằng cặp mắt ái kính. Bạch đức Thế Tôn ! Ngoài ra con không thấy một phạm hạnh nào khác viên mãn, hòa hợp như thế”. ( Trung Bộ kinh II)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Kiến thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Kiến thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Kiến thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Kiến thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm