Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Thế Tôn, Ngài vẫn luôn có mặt cho chúng con - Bài 2: Kiếp hư ảo và cuộc hơn thua

Cổng thông tin Phật giáo tiếp tục đăng bài khải bạch của Thượng tọa Trí Chơn, vị giáo phẩm của Trung ương và đảm trách Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM. Lời bạch tha thiết, bày tỏ trăn trở về những hiện tượng liên quan Phật giáo thời gian qua, như truyền thông, tu sĩ bị kỷ luật, bị tấn công trên mạng...

Kính bạch Đức Thế Tôn!

Thế giới đang sống trong thời kỳ biến động, không bền, phức tạp và mơ hồ. Bản chất cuộc đời là vậy. Đức Thế Tôn đã dạy những điều này từ nhiều nghìn năm trước. Thế nhưng, chúng con không nghĩ là mọi thứ thay đổi quá nhanh. Sự biến động khôn lường dường như đã quật ngã mọi trật tự, quy ước cuộc sống.

Một bộ phận trong xã hội đã quá lạm dụng công nghệ để đẩy hiện pháp xa rời thực tại, đưa mọi thứ vào một thế giới ảo theo hướng tiêu cực, khiến sự thật bị bẻ cong, niềm tin bị đạp đổ, nền tảng đạo đức bị xói mòn, trật tự xã hội đang bị thách thức, quy chuẩn đúng sai nằm ở tham sân hơn là ở công lý.

Chúng con đang bị cuốn vào những sóng gió của sự lạm dụng công nghệ và lũ lụt sai lệch thông tin. Mà đã sóng gió, lũ lụt thì chỉ có tàn phá, cuốn theo những rác rưởi, vung vãi khắp nơi.

Thương thay chúng con đang bị ngập chìm trong những núi rác thông tin; tự giam mình trong mớ hỗn độn ấy, sống với nó, nghiện nó rồi lấy nó làm chuẩn mực lẽ sống. Một số người dần nhận ra nhưng không có lối thoát, một số cảm nhận sự chênh vênh giữa kiếp sống ảo, một số khác gần như mất phương hướng trước cuộc sống thật giả khó phân.

Đức Thế Tôn nói cuộc đời là hư ảo, chưa bao giờ chúng con thấy sự thật ấy rõ ràng như hôm nay. Chúng con vừa sống trong ảo mà cũng vừa sống trong hư. Giữa dòng đời ảo ảo hư hư, đôi khi chúng con đã quan trọng hoá việc đúng sai phải quấy, để rồi chúng con mãi sống trong những định chế - nguyên tắc nặng nề. Đến nỗi, đôi mắt chúng con không thể nào ánh lên nét hiền hoà, tha thứ, mà chỉ toàn là sát khí, buộc tội. Đến nỗi, đôi môi chúng con lúc nào cũng mím chặt, dè bỉu, không thể hé được một nụ cười ấm áp, cảm thông.

Được tôn xưng là biểu tượng của đạo đức, từ đó chúng con tự mãn không tiếp tục nuôi dưỡng đạo lực khiến mạch đạo bị đứt từ khi nào. Được ca ngợi là đại diện cho tiếng nói công bình, nhưng kỳ thực đó lại là sự bất bình nơi chính nội tâm đang hao mòn từ ái. Được xưng tụng là phạm hạnh nhưng chúng con đã sống khuyết hạnh khiến nội tâm xói mòn phước đức. Phần lớn mọi đối đãi hẹp hòi, chia rẽ, đều bắt nguồn từ những cái nhìn thiên kiến, lưỡng nguyên và kỳ thị nơi mỗi chúng con.

Chúng con cũng đã quá trịch thượng nhân danh hai chữ ‘trí tuệ’ - trí tuệ của ta đây! Dần dà cái “trí tuệ” ấy bóp nghẹt tâm từ bi, đè bẹp lý tưởng vị tha, vô ngã.

Thế Tôn đã dạy: “Kẻ nào còn ôm ấp tư kiến, xem nhận thức của mình là cao nhất thế gian, cho rằng “kiến giải này là tối thượng” và công kích mọi nhận thức khác, kẻ ấy còn được xem là chưa thoát khỏi vòng tranh chấp (...). Bị lệ thuộc vào chủ thuyết mình đang theo và xem thường tất cả những kiến giải khác, điều này được kẻ trí nhận thức là một sự ràng buộc, là một sự đánh mất tự do. Kẻ hành giả đứng đắn không nên vội tin vào những gì mình nghe, thấy và cảm nhận, kể cả những cấm giới và lễ nghi” (Kinh Sự thật đích thực - Paramattaka Sutra).

Bước đường tu cũng có lúc quanh co, cốt yếu là nhận diện để vẫn đi về phía trước, dù chậm hơn. Ảnh: Tu viện Khánh An

Bước đường tu cũng có lúc quanh co, cốt yếu là nhận diện để vẫn đi về phía trước, dù chậm hơn. Ảnh: Tu viện Khánh An

Kính bạch Đức Thế Tôn!

Ngài luôn nhắc nhở chúng con: “Ta không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Ta. Người nói pháp không tranh luận bất cứ với một ai ở đời (Kinh Tương ưng 3, phẩm Hoa). Dẫu vậy, chúng con vẫn chưa thực tập được.

Chúng con nhận thấy bản thân mình vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy của sự tranh chấp thế gian. Với tâm háo thắng, chúng con đã thường xuyên lấy tư kiến của mình để phân định đúng sai để làm cho ra lẽ. Chúng con đã quên rằng điều đó thật không phù hợp với một hành giả đệ tử Phật, một sứ giả của Như Lai mang đạo từ bi làm sáng đẹp cho đời.

Chúng con đã quên rằng, đi ngược lại lý tưởng giải thoát là tự làm khó mình, tự ràng buộc mình - ràng buộc tầm nhìn, lu mờ tuệ nhãn, thu hẹp lòng từ và nhân rộng tham sân. Một người quay lưng với mặt trời thì liệu bước chân của họ có vượt được cái bóng xám xịt của chính mình?

Chúng con thấy rõ hiện tượng tâng bốc, bảo vệ mù quáng một cá nhân, một nhóm người; hay việc chà đạp, đùa cợt, lên án và bài xích cá nhân, đoàn thể Phật giáo. Hiện tượng này không chỉ đến từ những thành phần ngoài Đạo Phật mà còn cả những thành phần trong Tăng thân. Trước nỗi đau này, chúng con không muốn mình trở thành những con trùng trong thân sư tử. Chúng con không muốn mình trở thành kẻ tương tàn đồng môn, đồng đạo bằng chính ngôn ngữ, hành động và thái độ khiếm nhã của chúng con. Chúng con lại càng không muốn sát thương, đầu độc kẻ khác bằng một loại trí thức thiếu bao dung.

Chúng con thật sự đã quá cả tin vào những gì mà hằng ngày chúng con thấy, nghe và cảm nhận, trong khi chúng con chưa thật sự ý thức được giới hạn của mình; trong khi chúng con chưa nhận diện được hết những bất thiện pháp đang ngủ ngầm trong tâm. Một khi tánh giác bị che mờ bởi tham sân, thì mọi Phật sự chúng con làm đều trở thành ma sự, như Thế Tôn đã dạy: “Quên mất tâm Bồ-đề mà thực hiện các pháp lành thì hãy coi chừng; điều đó không khác gì ma sự” (Kinh Hoa Nghiêm).

Chúng con biết rằng sự vấp ngã đó, trong số huynh đệ chúng con, có những vị đã vực dậy mạnh mẽ sau những cú ngã đau; có những vị vẫn chưa thể đứng dậy, thậm chí còn chưa biết mình đang bị ngã hoặc giả là biết mình ngã nhưng chưa đủ đau chăng!

Giả như Đức Thế Tôn còn tại thế, với trí tuệ vô song và từ tâm vô lượng, chúng con thừa đoán được Ngài sẽ chọn cách đưa tay ra nâng đỡ và giúp chuyển hóa những nạn tai mà chúng con gặp phải thay vì dùng những lời lẽ hà khắc, miệt thị, lên án, ruồng bỏ chúng con. Là đệ tử của bậc Thầy sống tỉnh thức, ấy vậy mà đôi khi chúng con đã không đủ tỉnh thức để có thể hành xử giống như Ngài.

>>> Bài 1: Linh dược và độc dược

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Sự tiến hóa nào cũng cần đánh đổi

Phật pháp và cuộc sống 09:50 02/11/2024

Nhân duyên quả là một tiến trình mà không phải mắt thường có thể nhìn thấy, nếu không nội quán huân tu, khai mở tâm trí để thấy rõ cội nguồn tử sinh mà thôi tạo tác, thì mỗi chúng sanh phải chịu từng khổ vui của sự sống chết để học hết bài học của nhân quả, ái luyến, chấp thủ, luân hồi...

Hạnh phúc khi biết an trú tâm trong hiện tại, bây giờ và ở đây

Phật pháp và cuộc sống 08:30 02/11/2024

Có một người khi sanh tiền rất hiền lương, hay giúp đỡ người khác nên sau khi chết sanh lên thiên giới và được phong làm thiên sứ. Thiên sứ thường xuống trần gian làm việc thiện, giúp đỡ người khác để cảm nhận hương vị của hạnh phúc.

Ra đi để biết nẻo về

Phật pháp và cuộc sống 13:50 01/11/2024

Có một cô bé vì làm quấy nên bị mẹ quở mắng, cô cãi lại mẹ rồi tức giận bỏ nhà ra đi. Cô đi lang thang từ sáng đến tối mà chẳng biết về đâu, bụng đói meo vì không có gì bỏ vào cả, trong túi của cô cũng chẳng có tiền.

Thấy rõ nhân - duyên - quả để an nhiên

Phật pháp và cuộc sống 13:04 01/11/2024

Lập gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, có con cái sum vầy và nuôi dạy chúng nên người là niềm vui, hạnh phúc đồng thời cũng là mong muốn chính đáng của mọi người. Tuy nhiên, không phải ai mong muốn gì cũng đều được như nguyện.

Xem thêm