Then chốt của luân hồi và giải thoát
Mục đích của người tu hành là thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, được giác ngộ và giải thoát. Người tu thì nhiều mà người giải thoát không được bao nhiêu, vì sao? Vì pháp của Phật không đúng chăng? Vì chướng ngại quá lớn chăng?
Không, Pháp của Phật là Chân Lý muôn đời, còn chướng ngại thì không cao, không lớn, chỉ vì người tu hành không thực hành đúng như lời Phật dạy hoặc không biết rõ then chốt của luân hồi và giải thoát để nắm giữ và hạ thủ công phu.
Phật dạy: Chúng sinh luân hồi trong ba cõi, sáu đường là do vô minh tác động, gây nghiệp và chịu quả báo. Muốn cho người tu hành hiểu rõ sự việc từ đầu đến cuối, Phật dạy lý mười hai nhân duyên: Vô Minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh Sắc, Danh Sắc duyên Lục Nhập, Lục Nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sinh, Sinh duyên Lão Tử. Nếu Vô Minh diệt thì Hành diệt, Hành diệt thì Thức diệt... Sinh diệt thì Lão Tử diệt.
Như vậy, muốn hết luân hồi sinh tử thì phải diệt Vô Minh. Chúng ta hãy tìm hiểu Vô Minh là gì? Theo kinh A Hàm thì nếu không biết Tứ Đế như thật, là Vô Minh. Theo kinh Viên Giác, nếu còn thấy thân ngũ uẩn và lục trần có thật, là Vô Minh, nghĩa là còn chấp ngã là Vô Minh. Theo Tổ Hoàng Bá, nếu đem một hạt bụi chia ra 100 phần, nếu thấy 99 phần là giả, chỉ còn thấy một phần nhỏ nhất là thật có thì vẫn còn Vô Minh.
Làm sao diệt được Vô Minh? Rất khó, vì nó thuộc về nhân quá khứ, làm sao diệt được? Như vậy, chúng ta không thể chặt đứt vòng luân hồi ở chỗ Vô Minh được, mà phải tìm chỗ khác. Hành, thức, danh, sắc, lục nhập cũng không được, vì làm sao diệt được. Hành, là nghiệp quá khứ; thức, danh sắc, lục nhập là bộ phận thân thể của con người, chẳng lẽ mang ra hủy hoại? Xúc, thọ là những cảm giác ảnh hưởng tới chúng ta, cũng không tu được. Chỉ còn Ái là cái bộ phận, cái khoen mềm yếu nhất trong cái vòng gồm 12 cái khoen của sự luân hồi, chính nơi đây người tu hành nhắm vào để chặt.
Luân hồi là gì? Sáu cõi luân hồi trong Phật giáo
Ái là thương yêu. Vì thương yêu nên muốn nắm giữ (thủ), nắm giữ cho ta (ngã), vật đó của ta (ngã sở). Diệt Ái tức là phá trừ chấp ngã và ngã sở vậy.
Người đời được khen thì vui, đó là thọ lạc. Bị mắng thì buồn đó là thọ khổ. Nếu có tiếng nói không khen, không chê thì mình không vui, không buồn đó là vô ký. Đó là nói về tiếng. Nếu nói về sắc thì cũng vậy, đẹp thì thích, xấu thì chán ghét. Người tu phải làm sao không còn cái tâm ưa thích, chán ghét, giận giữ, nghĩa là giữ tâm an tịnh chứ không phải gỗ đá.
Có Ái là thương yêu, thích thú, là có lòng tham (thọ lạc). Nếu điều gì mình ghét là có lòng sân (thọ khổ). Làm sao đừng tham, đừng sân. Ái tương đương với Tham, trái lại ghét tương đương với Sân, còn Vô Minh chính là tương đương với Si; Tham, Sân, Si gọi là tam độc.
Si là thủ phạm gây ra tội lỗi, là tên khác của Vô Minh. Vì si mê lầm lạc mà chúng ta không phân biệt được điều hay, lẽ dở, không biết đâu là thật, là giả, đường thẳng không đi lại đâm vào bụi rậm. Phải diệt Si thì Tham, Sân sẽ hết. Nếu không tìm ra Si để diệt thì không bao giờ diệt được Tham và Sân.
Như đã nói ở trên, người đời được khen thì vui thích, bị chê mắng thì chán ghét. Vậy nếu không thấy ghét thì làm sao mà dứt đươc? Đó là then chốt của sự tu hành. Đừng còn thấy khen chê là thật thì sẽ dứt được vô minh. Các Tổ dạy phải Quán Thọ Thị Khổ, Thọ Lạc cũng không thích, Thọ Khổ cũng không giận; Thọ không, Lạc không, Khổ cũng không ưa, phải bình đẳng đối với Tam Thọ mới được.
Những cái gì mình lãnh thọ, nhận chịu, đều là khổ. Những cảnh khổ đau, những lời chê bai, những vị cay đắng ở đời thì là khổ đã đành, nhưng còn những cảnh sung sướng, những lời khen ngợi, những vị ngọt ngon, thì có phải là khổ không? Theo giáo lý nhà Phật thì vui buồn, khen chê, ngọt đắng... đều là khổ, là giả, là vô thường. Muốn giải thoát, người tu hành phải giữ cái tâm bình thản, không còn thương ghét như người gỗ ngắm chim hoa, được vậy thì ở đâu cũng tu được, chẳng cần phải lên núi, vào cốc, nhập thất làm chi. Nhưng phải biết việc đó thật khó.
Theo kinh A Hàm thì tiếng khen là vô thường, hoại diệt vậy là khổ, tiếng chê cũng là vô thường, hoại diệt, cũng là khổ. Biết khổ thì dại gì còn sinh lòng yêu ghét. Nếu không sinh lòng yêu ghét là đã diệt được tham và sân rồi. Chúng ta bị khổ vì chấp tiếng khen cho là thật có, chấp lời chê cho là thật có, chấp hình ảnh đẹp cho là thật có rồi ưa thích, chấp hình ảnh xấu cho là thật có rồi chán ghét. Nếu biết tất cả là vô thường, là khổ, thì đừng ghét, đừng yêu. Tham, Sân hết thì Si cũng không còn, biết là vô thường thì không ham, vậy dứt được Ái. Dứt Si, dứt Ái là phá được vòng luân hồi, được giải thoát.
Nguyên do con người bị luân hồi
Bây giờ, chúng ta thử căn cứ vào kinh Bát Nhã xem sao?
Chúng ta tụng bất cứ Kinh gì, cũng kết thúc bằng Bát Nhã Tâm Kinh. Bát Nhã là Trí Huệ, phương pháp tu nào cũng phải nhờ Bát Nhã. Người nào có trí huệ sáng suốt thì phá trừ được vô minh, ví như thắp đèn sáng lên thì bóng tối tự nhiên tan. Bát Nhã chủ trương Ngũ Uẩn Giai Không, biết tất cả là Không thì thoát tất cả mọi khổ ách. Mọi vật đều tự thể là Không, do nhân duyên hòa hợp mà thành, đó chỉ là huyễn có, là giả hợp. Nếu biết tất cả là giả thì còn tham đắm, say mê, thương, ghét, giận hờn làm gì? Tất cả đã là Không, là một, thì không có người không có ta, không có vô minh tội chướng, mà cũng không có nghiệp quả khổ đau. Nhưng tâm trạng này chỉ đến với những người đã chứng Nhất thiết pháp không, trí người đó đã sáng, tâm người đó đã bình, chứ còn là chúng sanh vẫn cứ thấy luân hồi, có giải thoát, có sinh tử, có Niết Bàn, có tội, có báo, có nhân, có quả.
Người có trí huệ, thì hiểu tiếng khen, lời chê, sắc đẹp, dáng xấu, miếng ngọt, vị cay... đều do nhân duyên hợp lại mà thành, là huyễn hóa, là giả, thì không còn ưa ghét, nhờ vậy dứt được Ái, hết Tham và Sân. Giác ngộ thân, tâm, cảnh là giả, dùng trí huệ chiếu soi tất cả, thì mới là giải thoát, dứt được Vô Minh, trừ được Si.
Chúng ta còn sống ở đời, quen coi ta, người và cảnh đều là có thật, nay nhờ trí huệ Bát Nhã chiếu soi, chúng ta hiểu tất cả chỉ là giả có, in tuồng là có mà thôi. Ngay trong lúc thấy có, phải biết nó là Không, tất cả các Pháp tự tánh là Không, đương thể tức Không. Cái bàn trước mặt đây, bây giờ thấy có, nhưng nó hoại lần lần, rồi sẽ biến dịch thành Không, chỗ này rất dễ hiểu, trước có sau không, theo luật Vô Thường, đó là nói theo kinh A Hàm. Nhưng nói theo kinh Bát Nhã, thì cái bàn tự tánh nó là Không, do nhân duyên hợp, đương thể là Không. Cái bàn còn y nguyên, chưa hoại mà đã biết nó là Không, đó mới thật là Chơn Không. Mà cũng chính cái Không này lại phát sinh ra cái có đó là sắc tức thị Không, không tức thị sắc vậy.
Đừng thấy tất cả là giả, là Không, rồi chẳng chịu làm gì, ngồi im một chỗ, hoặc lên núi, lên non ẩn mình. Thật ra, thấy Ngũ Uẩn Giai Không rồi là đã tỉnh giác, nhưng chỉ giác được một chút rồi lại mê. Phải làm sao giữ cái giác cho thật lâu, mãi mãi, tự giác rồi còn giác tha. Các bậc Bồ tát sau khi chứng được chữ Không đều phát lòng đại bi, lăn vào trong đời ác ô trược để cứu chúng sanh, đứng về thể tánh thì không chấp một pháp nào, nhưng đứng về thực hành thì không bỏ một việc thiện nào mà không làm.
Chúng ta đã học hiểu rồi thì phải thực hành, tự thắp đuốc lên mà đi, ngọn đuốc Tâm mà sáng thì được Giác ngộ và Giải thoát.
Tóm lại, then chốt của Luân hồi và Giải thoát, theo kinh A Hàm, thì phải hiểu rõ Tứ Đế như thật, mọi vật là vô thường, là hoại diệt, vậy là Không. Còn theo kinh Bát Nhã thì phải phát huy trí huệ, phải giác ngộ biết vạn vật do nhân duyên mà hợp, nguyên thể là Không. Việc tu hành không có gì lạ, điểm trọng yếu là làm sao có trí huệ sáng suốt để được Giác, mà hễ đã Giác ngộ là được giải thoát.
Trích tạp chí Từ Quang số 256 tháng 7/1974
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Sát na là gì? Sát na được tính như thế nào?
Kiến thức 17:08 24/11/2024Trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói với chúng ta, thời gian tồn tại của tất cả hiện tượng này là “khoảng sát na”. Trên “Kinh Nhân Vương” nói với chúng ta, một khảy móng tay có 60 sát na, một sát na có 900 lần sanh diệt.
Giải thích các cõi trong lục đạo
Kiến thức 16:00 24/11/2024Ðức Phật đã bảo thế-giới của chúng ta đang ở có ngũ thú là: Ðịa-ngục, Ngạ-quỷ, Bàng-sanh, Nhơn và Thiên. Các loài hữu-tình do tạo nghiệp lành nên được sanh về thiện thú, và bởi gây nhân dữ nên bị đọa vào ác đạo. Nhân duyên ấy như thế nào?
Sự cúng dường ý nghĩa nhất là gì?
Kiến thức 15:37 24/11/2024Trong xã hội ngày nay, với nhiều biến loạn và nhiễu nhương, những người phát tâm học Phật chân chính cần phải có một nhận thức sáng suốt. Trong nhà Phật thường nói: “Muôn việc bỏ lại đời, chỉ có nghiệp theo thân”.
Tứ ân là gì?
Kiến thức 14:50 24/11/2024Tứ ân hay Tứ trọng ân là một trong những giáo lý quan trọng của Phật giáo. Người Phật tử, vâng lời Phật dạy, luôn nêu cao tinh thần tri ân và báo ân trong đời sống tu tập hàng ngày.
Xem thêm