Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 19/04/2017, 17:01 PM

Thiên hạ ai cũng có tâm (P.1)

Tâm là một danh từ ai cũng có thể nói được, nhưng tâm là gì thì chẳng ai biết rõ ràng. Cái gốc của Phật pháp chinh là tâm. Người học Phật pháp phải biết rõ nguồn gốc đó chính là tâm của mình chứ chẳng phải tìm cầu nơi khác mà được. Trong thực tế cuộc sống, Phật giáo là nền giáo dục nhân bản, giúp cho con người nhận ra tâm pháp để giác ngộ, giải thoát và thành Phật ngay nơi thân này.

Nhưng tâm chia ra làm hai phần: Tâm chơn còn gọi là tâm thường biết rõ ràng, tâm vọng còn gọi là tâm phân biệt hư dối. Tâm chơn thì không thể dùng lời nói luận bàn, hay ý thức suy nghĩ mà được, chỉ thấy nghe hay biết mà không vọng động, hình ảnh sự vật như thế nào thì biết rõ như thế đó. Tâm vọng hư dối là hay suy nghĩ phân biệt tốt xấu, đúng sai, ta người…

Tâm vọng hư dối là "cái hiểu biết phân biệt tốt xấu, đúng sai", hay còn gọi là phần tinh thần. Tâm không có hình tướng dài, ngắn, vuông, tròn, hay có màu sắc xanh, đỏ, vàng, trắng, đen, nâu. Chúng ta không thể dùng con mắt mà thấy được tâm; cũng không thể dùng tay chơn sờ mó rờ đụng được tâm; chỉ thấy cái tác dụng của nó qua mắt tai mũi lưỡi thân ý, nên biết có tâm.

Tâm chân thật được hiển lộ qua sự thấy và nghe, khi thấy chỉ là thấy mà vẫn thường biết rõ ràng mọi hình ảnh sự vật, màu sắc xanh, trắng, đỏ, vàng. Khi nghe chỉ là nghe mà không dính mắc vào âm thanh lớn nhỏ, dễ chịu hay không dễ chịu, nhờ vậy ta luôn sống với tính nghe thường hằng.

Cũng như "điện", người ta không thể thấy nghe hay rờ mó được điện; chỉ do thấy cái tác dụng của nó mà biết có điện. Như cho điện vào bóng đèn thì thấy đèn sáng, cho điện vào quạt thì thấy quạt xoay, cho điện vào bàn ủi thì thấy nóng, cho điện vào tủ lạnh thì thể lỏng đông đặc lại v.v… Chính vì vậy mà người ta biết là có điện. Tâm Phật chúng ta cũng lại như thế, vì nó có tác dụng thấy, nghe hay biết nương nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý mà không dấy niệm phân biệt tốt xấu, đúng sai v.v… nên chúng ta biết là có tâm Phật sáng suốt ngay nơi thân này.

Cuộc sống của chúng ta hằng ngày phải ăn cơm, uống nước, đi tiểu, đi đại, mặc áo, nói năng, tiếp khách, làm việc, đều phải có tâm hiển bày nên đã thường biết rõ ràng trong thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm.

Như ngài Thần Quang trước khi gặp Tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma là ông tổ của Thiền tông, hành giả Thần Quang dù có ngồi Thiền cả ngày mà tâm niệm vẫn cứ lăng xăng, loạn động. Cho nên một hôm gặp được Tổ, Ngài thưa hỏi pháp yếu liễu thoát sinh sử!

Ngài Thần Quang thưa rằng: “tâm con không an, xin thầy chỉ dạy”. Tổ bảo, ngươi đem tâm ra đây ta an cho. Theo thói quen hằng ngày, ai cũng thấy tâm của mình là thật có, cho nên tôi suy nghĩ, tôi tính toán mọi đúng sai trong cuộc đời, và tôi là tất cả… Ở đây, bằng diệu thuật trong nhà thiền Tổ không nói cái gì cao siêu mà chỉ bảo rằng, “ông đem tâm ra ta an cho”. Ngài Thần Quang quay lại tìm tâm không thể được vì tâm có lúc ẩn, lúc hiện không rõ ràng, nên khi nhìn lại không thấy tâm ở đâu, do đó Ngài thưa với Tổ: Con tìm tâm không thể được. Tổ bảo: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi”.

Như vậy, an tâm là ở chỗ nào? Chỗ này quý vị phải nhìn kỹ lại mới thấy rõ ý sâu xa của nó. Đây là diệu thuật của Tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma, “pháp an tâm” của Tổ rất đơn giản và bình thường, bình thường đến nỗi ta khó mà chấp nhận được. Khi có niệm tham khởi lên, ta biết ta đang tham, biết một cách rõ ràng, không nhầm lẫn, đó là “pháp an tâm”. Khi biết như vậy niệm tham tự nhiên biến mất, ngay khi đó không phải an tâm là gì? An mà không có chỗ để an, chỉ đơn giản vậy thôi.

Có một triết gia nói như sau, “tôi suy nghĩ nên tôi hiện hữu”. Nếu vậy thì khi nghĩ tốt là tôi, còn khi nghĩ xấu là ai? Trong một ngày với cả trăm ngàn cái suy nghĩ phải quấy, tốt xấu, đúng sai. Vậy cái suy nghĩ nào là tôi? Cái suy nghĩ nào không phải của tôi? Như vậy suy nghĩ phải là tôi, còn suy nghĩ quấy là ai? Đã là tôi thì phải có chủ thể cố định trước sau như một, không biến đổi theo thời gian năm tháng, còn cái hay suy nghĩ khi tốt, khi xấu, lúc thiện, lúc ác thì sao? Vậy cái hay suy nghĩ có phải là tôi chăng? Chắc chắn không phải vậy, nhưng đa số người đời cho là như thế, nên chấp nhận chìm đắm trong biển khổ sông mê”.

Rồi từ đó, sinh ra kiến chấp ta là trung tâm của vũ trụ nên muốn chiếm hữu rồi tham lam giành lấy, chiếm đoạt về cho riêng mình. Khi tham được thì càng thêm tham tìm cách vơ vét về cho mình, gia đình mình, đất nước mình, khi tham không được thì sinh ra thù hận, oán ghét, tìm cách trả thù trở lại. Thế gian này luôn xãy ra chiến tranh tàn sát, giết hại lẫn nhau cũng chỉ vì do nhân chấp ngã mà ra, nên từ đó muốn chiếm hữu, thấy mình là quan trọng hơn thiên hạ, nên sinh tâm cống cao ngã mạn, chẳng coi ai ra gì.

Khi ta còn thấy phải thấy quấy, thấy tốt thấy xấu, thấy đúng thấy sai thì tâm của ta đã loạn động bất an không còn bình thường nữa, nên ta không thể nào nhận ra pháp an tâm. Bởi do chúng ta thường hay chấp cái tâm suy tư nghĩ tưởng này là thật, nên không nhận ra tâm Phật sáng suốt, mặc dù nó lúc nào cũng hiện hữu không bao giờ thiếu vắng. Cái gì thật thì trước sau như một không hề đổi thay, giống như gương sáng bản chất của nó đã tự sáng vì bụi phiền não che lắp, ta chỉ cần chùi bụi thì gương sẽ sáng tỏ.

Một hôm, tổ Huệ Khả sau thời gian nhận pháp an tâm, rồi đến trình Tổ sư: Con đã dứt hết các duyên. Tổ nói: Coi chừng rơi vào không. Huệ Khả thưa: Không rơi được. Tổ hỏi lại: Làm sao con biết? Con rõ ràng thường biết, nói không thể đến. Tổ bảo: Đây là chỗ truyền của chư Phật, xin chớ có hoài nghi.

Đến đây, ông tổ thiền tông ấn chứng cho tổ Huệ Khả đã sống trọn vẹn với pháp an tâm. Cái chỗ con tìm tâm không thể được mà vẫn thường biết rõ ràng đó, ai biết? Khi mắt chúng ta nhìn thấy mọi hình ảnh sự vật, đen biết đen, đỏ biết đỏ, sự vật như thế nào biết rõ như thế đó, thấy chỉ là thấy, thấy tức là biết, biết tức là tâm, tâm tức Phật.

Bởi vì chúng ta do bất giác vọng động chấp có, chấp không lấy cái ngã làm ta rồi sinh ra vọng thức phân biệt muốn chiếm đoạt về cho mình, nên từ đó tranh đấu giết hại lẫn nhau để chuốc lấy phiền muộn khổ đau, không có ngày thôi dứt.

Nếu cho cái suy tư nghĩ tưởng, tính toán phân biệt hiện giờ là tôi thì những cái ấy không có hình tướng cụ thể, chúng ta lúc nào cũng luôn luôn nghĩ suy tính toán. Cái nghĩ suy tính toán đó từng phút giây đổi thay khi thì nhớ chuyện này, lúc nhớ chuyện kia. Trong tâm niệm dời đổi đó, cái nào chính xác là tôi? Mới vừa buồn liền vui, mới thương liền ghét, nếu nói niệm thương là tôi vậy niệm ghét là ai?

Trong một ngày có ngàn cái suy tư nghĩ tưởng, mỗi sự diễn biến của nó đều khác nhau bởi các tạp niệm lăng xăng. Có khi chúng ta suy nghĩ điều lành, điều tốt như Phật, như Bồ-tát, có khi chúng ta suy nghĩ những điều dữ, điều xấu như quỷ la-sát… Như vậy trong các thứ suy tư, nghĩ tưởng nào chính xác là ta, là tôi?

Về tâm thì trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật muốn độ ngài A-nan nên hỏi rằng: “Ông nhân đâu mà phát tâm xuất gia?” Ngài A-nan bạch Phật: “Con nhân thấy ba mươi hai tướng của Phật tốt đẹp trang nghiêm phi thường, khác hơn tất cả người thế gian, nên con phát tâm xuất gia”. Phật hỏi: “Ông lấy cái gì thấy và lấy cái gì mà phát tâm?” Ngài A-nan thưa: “Con lấy mắt thấy Phật và lấy tâm suy nghĩ mà phát tâm”.

Để khai thị cho ngài A-nan Phật bảy lần gạn hỏi về tâm. Phần tâm Phật hỏi: Ông do thấy tướng tốt của Phật mà phát tâm, như vậy cái gì là tâm ông, tâm ông ở chỗ nào? Tôn giả A-nan thưa: “Cái suy nghĩ đó là tâm con và cái tâm suy nghĩ hiểu biết đó ở trong thân”.

Nhưng câu trả lời của A-nan nói tâm ở trong thân bị Phật bác. Rồi Ngài nói tâm ở ngoài thân, tâm ở trong con mắt v.v… Nói tâm ở chỗ nào cũng bị Phật không chấp nhận hết. Như vậy tâm ở chỗ nào? Hầu hết chúng ta đều lầm chấp cái hay suy nghĩ phân biệt là tâm của mình.

Tưởng tức là tưởng tượng, suy tưởng. Chữ tưởng có nghĩa rất rộng. Chúng ta tưởng tượng có cái ta thật, và chấp vào cái của ta như vợ ta, con ta, tài sản của ta .v..v. Nhưng chúng ta bây giờ làm sao dứt trừ tưởng được? Muốn dứt trừ chúng ta phải quán tưởng! Như chúng ta quán chiếu về vô thường, khổ, không, vô ngã của thân này để làm gì? Để phá sự chấp trước về sự tưởng tượng có cái ta thật. Nhờ quán chiếu như vậy chúng ta dần hồi chuyển hóa được sự vọng tưởng chấp có cái ta thật ngã, khi pháp quán đã thuần thục thì ta sẽ dùng trí tuệ để buông xả vọng niệm bằng cách nhận diện chúng như là một thực thể.

Ngày xưa có một thanh niên mỗi ngày đi làm phải qua một chuyến đò ngang. Mỗi người qua đò đều trả 2000 đồng. Khi đến bờ bên kia, mọi người đều trả 2000 đồng, riêng chàng thanh niên, cô lái đò đòi 4000 đồng gấp đôi số tiền. Chàng thanh niên ngạc nhiên hỏi lý do vì sao anh phải trả gấp đôi. Cô lái đò bảo: “Anh vừa qua đò vừa ngắm nhìn tôi nên phải trả gấp đôi”. Chàng thanh niên trả tiền mà trong lòng rất uất ức.

Bận về anh ta tiếp tục qua đò, lần này anh rút kinh nghiệm không dám nhìn cô lái nữa và tìm một góc ngồi rồi nhắm mắt lại. Khi đến bờ bên kia, cô lái đò lại đòi anh phải trả 8000 đồng giống như lần trước. Anh ta bảo: Lần trước tôi có nhìn cô nên phải trả gấp đôi số tiền qua đò. Hôm nay tôi đâu có nhìn cô, sao lại bắt tôi phải trả gấp đôi số tiền? Cô lái đò đáp: Lần trước anh nhìn tôi bằng mắt nên phải trả tiền gấp đôi. Lần này anh nhìn tôi bằng tâm nên phải trả gấp tư số tiền.

Khi chúng ta thấy hình ảnh sự vật nếu thích ý vừa lòng nên lưu giữ lại bên trong bằng cách tưởng nhớ lại.

Tưởng tượng là trạng thái nhớ lại, biết lại do chúng ta đã từng tiếp xúc với một đối tượng nào đó. Chính vì tưởng tượng phong phú, dồi dào nên tâm dẫn ta đi lang thang đến tận cùng trời cuối đất mà không lúc nào dừng nghỉ.
 
Đối tượng của tưởng là trạng thái nhớ lại qua mắt thấy các hình ảnh sự vật đẹp hay xấu, tai nghe tiếng lớn nhỏ hoặc êm dịu hay nặng nề, mũi ngửi mủi thơm hay hôi, lưỡi nếm vị ngon ngọt hay đắng chát chua cay, thân xúc chạm nóng lạnh, êm ái hay khó chịu, ta nhớ lại các cảm giác đó mà thành ra có chấp giữ hay ghét bỏ.
 
Chúng ta tư duy hay suy nghĩ về một vấn đề nào đó để hành động thì gọi là tư. Từ suy nghĩ chúng ta mới tạo tác, mới hành động, chúng ta suy nghĩ tốt nên dẫn đến hành động có lợi ích, ngược lại chúng ta suy nghĩ xấu dẫn đến hành động làm tổn hại cho nhiều người.

Nếu chúng ta cho rằng cái hay suy tư nghĩ tưởng là tâm mình, cái suy nghĩ hiểu biết đó hay còn gọi là kiến thức, nhưng chúng có thật là tâm mình hay không, hay chúng ta chỉ vay mượn? Khi mình còn nhỏ, chúng ta có những kiến thức gì, khi lớn lên nhờ vay mượn của thầy của bạn, của gia đình và xã hội, nó có thật là của mình đâu! Các kiến thức thâu thập do học hỏi cũng chỉ là vay mượn của người chung quanh, chớ không phải thật là của mình.

Khi chúng ta lầm chấp các kiến thức vay mượn là thật của mình, chúng ta cho rằng tư tưởng của mình là đúng, của người là sai, ai cùng quan điểm thì thương, ai khác quan điểm thì ghét, vô tình chúng ta tạo ra ý thức hệ gây đau khổ cho nhau. Do vì các kiến thức được huân tập trong mỗi hoàn cảnh, mỗi trường hợp khác nhau, nên tuy đồng sống trong gia đình mà chồng không giống vợ, cha không giống con, anh không giống em.

Sự không cảm thông về tư tưởng dễ gây ra bực bội, tức giận, buồn phiền rồi gây đau khổ cho nhau. Như vậy chúng ta sống cả ngày trong đau khổ lầm mê, từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội, chỉ vì chấp tư tưởng của mình là đúng, tư tưởng của người là sai.

Từ chỗ chấp cái hiểu biết, suy tư, nghĩ tưởng là mình trong hiện tại, đó là cái nhân thúc đẩy con người dẫn đến thọ sinh trong đời sau, nên gọi là nghiệp nhân. Rồi từ nghiệp nhân đó, khi hội đủ nhân duyên, nơi nào thích ứng liền chiêu cảm đến, tạo ra đời sống mới qua hình dạng khác.

Chỉ có tâm Phật sáng suốt thường biết rõ ràng, nghĩ không thể đến nương nơi mắt thì biết rõ ràng không nhầm lẫn, thấy chỉ là thấy, thấy tức biết, biết tức tâm, tâm là Phật, xưa nay vốn chỉ là như vậy, không sai không khác, tai mũi lưỡi thân ý cũng lại như thế.

Tâm vua hay soi sáng cuộc đời
 
Tâm vua là tượng trưng cho thể tính sáng suốt thường biết rõ ràng hay còn gọi là tâm Phật ngay nơi thân này, nhưng bên cạnh đó lại có đám tâm sở ác ăn theo, gọi là các nghiệp chướng căn bản phiền não làm hại người, vật, tâm sở thiện được phát huy làm sáng thêm tâm vua.

Nhưng nếu chỉ có một ông vua mà không có quan quân thần dân thiên hạ, từ người có học thức cho đến kẻ bần cùng, thì dù chúng ta có tài trí vẹn toàn cũng không thể làm gì được để giúp đỡ cho nhau. Thế gian này là một chuỗi dài nhân duyên nương vào nhau mới bảo tồn mạng sống, theo nguyên lý cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt.
 
Mắt của chúng ta thấy tất cả mọi hình ảnh sự vật, biết được rõ ràng các màu sắc xanh, đỏ, trắng, đen, nâu, vàng v.v… Cái biết này không thuộc về con mắt mà nương nơi mắt để thấy biết rõ ràng hình ảnh màu sắc một cách không lầm lẫn, sự vật như thế nào thì biết rõ như thế đó, nên gọi là nhãn thức, cái biết nương nơi mắt, tai mũi lưỡi thân ý cũng lại như thế.

Trong Kinh Lăng Nghiêm vua Ba-tư-nặc đứng dậy bạch Phật: Con xưa nay chưa từng nghe sự chỉ dạy của Phật, gặp bọn Ca-chiên-diên, Tỳ-la-chi-tử đều nói: “Thân này sau khi chết không còn gì nữa, gọi là Niết-bàn.” Nay con tuy gặp Phật vẫn còn hồ nghi “làm sao phát huy chứng biết chỗ tâm này chẳng sinh chẳng diệt”?

Phật hỏi: Đại vương! Sắc thân hiện tại của ông là thường trụ chẳng hoại hay là biến hoại? Vua thưa: Bạch Thế Tôn! Thân con hiện nay sinh diệt thay đổi liên tục. Phật bảo: Đại vương! Ông chưa từng diệt làm sao biết nó diệt? Vua thưa: Bạch Thế Tôn! Thân biến hoại vô thường của con tuy chưa từng diệt, song con xem hiện tiền niệm niệm đổi dời luôn luôn chẳng dừng, như lửa tàn thành tro dần dần tiêu mất, nên con có thể biết thân này sẽ từ từ bị tiêu diệt.

Phật bảo: Đại vương! Đúng thế. Nay ông đã già đi theo thời gian, nhan mạo đâu giống lúc còn trẻ? Vua thưa : Bạch Thế Tôn! Thuở xưa con còn trẻ da dẻ tươi nhuận, đến lúc trưởng thành khí huyết sung mãn, nay con già cả suy yếu hình sắc khô khan, tinh thần mờ tối, tóc bạc mặt nhăn không còn bao lâu sẽ chết, làm sao sánh được với lúc khỏe mạnh sung mãn?

Phật bảo: Đại vương! Hình dung của ông đâu có thể già liền? Vua thưa: Bạch Thế Tôn! Nó thầm biến hóa đổi dời thật con chẳng biết, nóng lạnh đổi thay dần dần đến như thế. Vì sao? Khi con hai mươi tuổi tuy nói còn trẻ, hình tướng mặt mũi đã già hơn lúc mười tuổi, đến ba mươi tuổi lại suy hơn hai mươi tuổi, nay con đã sáu mươi hai tuổi rồi nhìn lại khi mới năm mươi tuổi rõ ràng cường tráng khỏe mạnh.
Kính bạch Thế Tôn! Sự thầm đổi dời tuy đặt thời hạn mười năm, song con suy xét kỹ nó biến đổi đâu những mười năm hai mươi năm, mà thật dời đổi từng năm; đâu chỉ từng năm, mà dời đổi từng tháng, đâu những từng tháng mà dời đổi từng ngày. Nhưng nếu suy xét chín chắn tế nhị hơn thì khoảng mỗi sát-na, mỗi niệm luôn đổi dời. Vì thế, nên con biết thân này trọn theo sự biến diệt.

Phật bảo: Đại vương! Ông thấy sự biến hóa đổi dời chẳng dừng, ngộ biết thân ông tiêu diệt; cũng chính khi diệt đó, ông biết trong thân có cái chẳng diệt chăng? Vua chấp tay bạch Phật: Thật con chẳng biết.

Phật bảo: Nay tôi chỉ cho ông biết cái tính chẳng sinh diệt đó. Đại vương! Ông khi mấy tuổi được thấy sông Hằng? Vua thưa: Khi con được ba tuổi mẹ bồng đi yết kiến Thần Kỳ Bà Thiên ngay nơi sông này, khi ấy con mới biết sông Hằng.

Phật bảo: Đại vương! Như ông đã nói, khi hai mươi tuổi già hơn mười tuổi, cho đến sáu mươi tuổi, năm tháng ngày giờ niệm niệm đổi dời, ắt khi ông ba tuổi thấy sông Hằng đến năm mười ba tuổi thấy sông Hằng, vậy cái thấy ấy ra sao?

Vua thưa: Như lúc ba tuổi rõ ràng không đổi, cho đến hiện nay sáu mươi hai tuổi cái thấy ấy vẫn không có khác. Phật bảo: Nay ông tự lo tóc bạc mặt nhăn, quyết định mặt nhăn hơn lúc còn trẻ, song hiện nay ông thấy sông Hằng cùng với cái thấy sông Hằng thuở xưa có trẻ, có già chăng?

Vua thưa: Kính bạch Thế Tôn! Dạ không ạ. Phật bảo: Đại vương! Mặt ông tuy nhăn, song tính thấy của ông chưa từng nhăn; nhăn thì biến đổi, chẳng nhăn thì không biến đổi; biến đổi thì bị sinh diệt, cái không biến đổi vốn không sinh diệt, tại sao ở trong ấy chịu sinh tử với ông, mà ông dẫn lời Mạc-dà-lê... đều nói thân này sau khi chết là diệt hết?

Rồi cũng trong kinh Lăng Nghiêm Phật ở trong đại chúng đưa tay lên nắm lại xoè ra, nắm lại xoè ra, hỏi A-nan: "Nay ông thấy cái gì?" A-nan thưa: "Con thấy bàn tay trăm báu của Như Lai ở trong chúng xòe nắm". Phật bảo A-nan: "Ông thấy tay ta ở trong chúng xòe nắm, hay cái thấy của ông có xòe nắm"? A-nan thưa: "Tay trăm báu của Thế Tôn ở trong chúng xòe nắm, con thấy tay Như Lai tự xòe nắm, chẳng phải tính thấy của con có xòe nắm". Phật hỏi: "Cái nào động, cái nào tịnh”? A-nan thưa: "Tay Phật động, tính thấy của con còn không có tịnh, huống là động". Phật khen: "Đúng thế".

Khi đọc đoạn kinh trên, chúng ta thấy Phật chỉ rõ ràng ngay nơi thân này cái nào sinh diệt, cái nào chẳng sinh diệt. Thân là dòng biến động thay đổi từng phút giây, từ khi mở mắt chào đời cho đến khi khôn lớn trưởng thành rồi già, bệnh, chết tức là thân này không thật có cho nên vô thường hoại diệt. Tính thấy nương nơi mắt xưa nay chưa từng thay đổi, thì làm gì có vô thường hoại diệt, bởi vì khi thấy mọi hình ảnh sự vật như thế nào, thì biết rõ như thế ấy mà vẫn thường biết rõ ràng.

Thiền sư Sùng Tín là con nhà bán bánh bao gần chùa, mỗi ngày đem bánh đến cúng dường Thiền sư Đạo Ngộ. Mỗi lần nhận bánh, thiền sư Đạo Ngộ để lại một cái cho sư và nói: "Ta cho ngươi lại một cái, để dành ân huệ cho con cháu về sau." và cứ như thế một thời gian dài. Thầy rất ngạc nhiên nên mới hỏi thì được thiền sư trả lời: "Bánh của ngươi đem đến, ta cho lại ngươi một cái, có lỗi lầm gì"?

Sùng Tín từ đó mới thắc mắc mà không tìm ra đáp số, một hôm ông đến tìm gặp thiền sư hỏi cho biết rõ sự thật. Thiền sư nói: Nếu nhà ngươi muốn biết thì hãy phát tâm xuất gia học đạo đi, ta sẽ vì ông nói. Sùng Tín nghe nói vậy thu xếp việc gia đình xong xuôi, sau đó xuất gia học đạo. Tuy nhiên khi vào Thiền viện đã hơn 3 năm mà sư phụ chẳng chỉ dạy điều gì, làm cho ngài càng thêm thắc mắc hơn, nên tâm mới thành một khối?

Một hôm sư thưa: "Từ ngày con đến đây chưa từng được thầy chỉ dạy tâm yếu". Đạo Ngộ đáp: "Từ ngày ngươi đến đây, ta chưa từng chẳng dạy ngươi". Sư hỏi lại: "Chỉ dạy ở chỗ nào"? Đạo Ngộ bảo: "Ngươi dâng trà, ta vì ngươi mà tiếp. Ngươi bưng cơm đến, ta vì ngươi mà nhận. Ngươi xá lui, ta gật đầu. Chỗ nào chẳng chỉ dạy tâm yếu"? Sư cuối đầu lặng thinh giây lâu. Đạo Ngộ bảo: Thấy thì thẳng đó liền thấy suy nghĩ liền sai. Nghe câu nói này sư có chút tỏ ngộ, rồi lại hỏi thêm: "Con làm sao gìn giữ"? Đạo Ngô bảo: "Mặc tính tiêu dao, tuỳ duyên phóng khoáng, chỉ hết tâm phàm, chẳng có thánh giải khác". Ngay nơi câu nói này thầy triệt ngộ. Sau thầy đến trụ tại Long Đàm, dạy đồ chúng tu học.

Nói tính thấy tức là chỉ cái thấy biết thường xuyên ngay nơi mắt chúng ta, khi chưa khởi niệm phân biệt để so sánh đẹp xấu, hơn thua. Thiền sư Sùng Tín lúc còn cư sĩ mỗi ngày phát tâm cúng dường mười cái bánh bao, khi nhận xong thiền sư cho lại Sùng Tín một cái, làm cho ông cư sĩ này phải thắc mắc và ấp ủ trong lòng vì sao có chuyện kỳ lạ như thế! Ngài tự nghĩ thầm, chắc có ý chỉ cao siêu gì đây? Sau nhiều lần gặp thiền sư mong được giải đáp thắc mắc trên, nhưng thiền sư không trả lời mà chỉ nói: “Bánh ngươi cúng, ta cho lại một cái có lỗi lầm gì”?

Hằng ngày ông ta làm bánh bao vừa bán, vừa cúng dường, chúng ta lưu ý, cái gì thấy mà biết là bánh bao. Chính chỗ này, thiền sư muốn chỉ tính thấy nương nơi mắt để ông nhận ra ông chủ của mình là chơn tâm Phật tính mà sau này chỉ dạy lại cho con cháu về sau. Khi Sùng Tín nhận lại một cái bánh bao, cái gì thấy, cái gì biết, thấy biết cái bánh bao mà chưa khởi niệm phân biệt, vậy ngay khi ấy là gì? Thiền sư quá từ bi cho nên dồn đệ tử vào đường cùng, bắt buộc đệ tử phải chú tâm cao độ vào đó mà không còn nhớ những chuyện gì khác, nhờ vậy lâu ngày trở thành một khối.

Và một giải pháp cuối cùng muốn biết được điều đó thì anh cư sĩ này phải xuất gia. Nhưng khi được xuất gia rồi ông thầy bắt làm thị giả mà chẳng có lời nào chỉ dạy. Mỗi khi hỏi đến thì thiền sư gạt ngang chẳng thèm trả lời. Đây là chiêu thuật của các thiền sư muốn làm cho đệ tử chỉ thắc mắc một vấn đề đó thôi, nhờ vậy bao nhiêu tạp niệm khác, lần hồi rơi rụng theo thời gian vì sự chuyên nhất vào một chỗ.

Đợi cho đến lúc vị đệ tử của mình quá khát khao, thiền sư chỉ nói: Ta lúc nào cũng chỉ dạy tâm yếu? Ông cúng dường bánh cho ta! Ta cho lại ông một cái đó, ông mắt thấy tai nghe rõ ràng như vậy chỗ nào không phải là tâm yếu? Đến chỗ này thì trời đất mênh mông vô cùng tận cũng không ngoài cái thấy biết thanh tịnh như như.

Cho đến khi chúng ta mở hay nhắm mắt, nó cũng luôn luôn hiển lộ. Nó không lệ thuộc hoàn toàn vào mắt, cơ quan mắt tốt thì nó hiện sáng tỏ, cơ quan mắt xấu thì nó hiện lu mờ, cho đến cơ quan mắt hoại nó cũng không bị hoại theo. Người bị mù thì nhắm mắt thấy tối, đồng như người sáng mắt vào trong nhà tối đều vẫn thấy như nhau.

Đó là đặc tính thường biết rõ ràng nói không thể đến của tính thấy nương nơi mắt, thiền sư Sùng tín nhận được tâm yếu từ tính thấy, nên sau này giáo hóa mọi người cũng bằng phương pháp này.
 
Cũng trong kinh Lăng Nghiêm Phật dạy: "sáu căn là gốc luân hồi, sáu căn cũng là gốc Niết-bàn". Người muốn trở về chân tính thường biết rõ ràng, không có cách nào khác hơn là phải nương vào mắt tai mũi lưỡi thân ý. Sáu căn là gốc luân hồi sinh tử, sáu căn cũng là gốc giải thoát, nguyên nhân vì sao lại có sai biệt như thế?
 
Trong cái thấy biết mọi hình ảnh sự vật, chúng ta chạy theo phân biệt là gốc vô minh; trong cái thấy biết, thấy chỉ là thấy không phân biệt là Niết-bàn. Đó là con đường trở về thể tính chân thật hằng tri, hằng giác. Đó là sự chỉ dạy trong kinh Lăng Nghiêm và các thiền sư đồng một điểm, không có chỗ nào sai khác.
 
Như trong kinh Lăng Nghiêm Phật bảo ngài A Nan đánh tiếng chuông rồi hỏi ngài có nghe không, ngài A Nan trả lời có. Đợi khi tiếng chuông im bặt một hồi lâu, Phật hỏi lại: “Ông có nghe không?”. Ngài A Nan trả lời: “Không nghe!”, liền bị Phật quở: “Tại sao ông quên mình theo vật?” Phật nói tiếp: “khi có tiếng, nghe có tiếng, khi không tiếng, nghe không tiếng”. Tính nghe luôn thường hằng nên có tiếng biết có tiếng, không tiếng biết không tiếng, vậy mà chúng ta không chịu thừa nhận nên luôn sống trong đau khổ lầm mê bởi vì chạy theo âm thanh lớn nhỏ, vừa ý hay không vừa ý.
 
Trong nhà thiền có một câu chuyện nói về tính nghe, xin mời quý vị hãy cùng chúng tôi suy nghiệm: Thiền sư Cảnh Thanh đang ngồi trong thất, cạnh ngài có một vị Tăng đứng kế bên. Sư hỏi: “Bên ngoài có tiếng gì?” Tăng thưa: “Tiếng con nhái bị con rắn bắt kêu.” Sư nói: “Sẽ bảo chúng sinh đau khổ, lại có khổ chúng sinh.” Rắn bắt nhái là chúng sinh khổ vì con lớn hiếp con bé, song lại có khổ chúng sinh, chính là vị Tăng quên mất mình chạy theo ngoại cảnh bên ngoài. Đây là chiêu thuật của các vị Thiền sư để khám phá những người học đạo có sống được với tâm chân thật của mình qua tính nghe hay không?
 
Hằng ngày từ sáng sớm đến chiều tối, tai chúng ta chỉ lắng nghe tiếng lớn, tiếng nhỏ êm dịu hay chát chúa bên ngoài. Chính vì vậy mà bị âm thanh làm cho khỗ não do ta không chịu thừa nhận mình có tính biết sáng suốt nương nơi tai. Vừa nghe tiếng liền khởi niệm phân biệt phải quấy, đúng sai rồi sinh tâm yêu ghét; cho nên nói “chúng sinh khổ, lại có khổ chúng sinh” là vậy. Người không biết tu thì khổ đã đành mà người đang tu cũng lại như thế.
 
Sáng hôm sau, Thiền sư hỏi vị Tăng khác: “Bên ngoài có tiếng gì?” Vị Tăng quá thành thật nên trả lời: “Tiếng mưa rơi!” Thiền sư bảo: “Chúng sinh điên đảo quên mình theo vật.” Chỉ có người đã thật sự sống với tâm chân thật của mình mới không chạy theo âm thanh lớn nhỏ bên ngoài. Tai nghe tiếng thì biết mình đang nghe mà không chạy theo tiếng, lại biết mình có tính nghe thường hằng là pháp tu của Bồ tát Quán Thế Âm. Âm thanh lớn nhỏ, xa gần lúc nào cũng có, tính nghe hiện hữu nên mới thường nghe. Nếu tính nghe bị gián đoạn thì tai ta có lúc nghe, lúc không.
 
Qua câu chuyện Phật dạy trong Kinh Lăng Nghiêm cho ngài A Nan và những Thiền sư tu theo cách hành thẳng nơi tâm không thông qua phương tiện, không hai không khác. Mỗi hành giả tu theo hạnh nguyện Bồ tát Quán Thế Âm cần phải thể nghiệm sâu sắc lời dạy trên để được giác ngộ, giải thoát và thành Phật.
 
Khi nghe âm thanh, chúng ta biết mình có tính nghe, bao nhiêu âm thanh liên tục bên tai, ta không chạy theo chúng, chỉ nhớ mình đang có tính nghe, nghe tất cả tiếng lớn nhỏ, êm dịu hoặc nặng nề. Chúng ta nhớ tính nghe là không nhớ thanh trần, vì nghe chỉ là nghe. Tính nghe thì thường hằng, thinh trần vì động tịnh nên sinh diệt. Hằng nghe là giác tri, chính nó hiện tướng của tính giác.
 
Sống với tính nghe là sống với hiện tướng của tính giác chân thật, nên gọi là con đường vào cửa Niết-bàn. Trọn ngày chúng ta đi đứng nằm ngồi có bao nhiêu âm thanh lớn nhỏ văng vẵng bên tai, chúng ta chỉ vui vẻ nhẹ nhàng nhớ mình có tính nghe đang nghe mọi âm thanh. Khi tọa thiền cũng thế, từ tiếng tích tắc đồng hồ, tiếng thằn lằn chắc lưỡi, tiếng gió rì rào bên ngoài…, chúng ta đều nghe, mà chỉ nhớ mình đang có tính nghe, chớ không chạy theo tiếng để phân biệt lớn nhỏ, nặng nề hay êm dịu.
 
Như mắt chúng ta thấy hình ảnh sự vật, cảnh vật có thể đủ hình dạng màu sắc, nhưng cái thấy vẫn trước sau như một không bao giờ biến đổi theo thời gian. Khi có hình ảnh sự vật, mắt thấy rõ ràng, khi không có hình ảnh, mắt thấy không hình ảnh. Cảnh vật khi có, khi không biến đổi theo thời gian, cái thấy lúc nào cũng hiện tiền, cho đến khi mở mắt thấy sáng, nhắm mắt thấy tối. Thấy tối thấy sáng, là do sự nhắm mở của con mắt, chớ không ảnh hưởng gì đến cái thấy.
 
Ví như dòng điện lúc nào cũng sẵn có, gắn điện vào bóng đèn thì đèn sáng, gỡ bóng ra thì điện tắt. Nhẫn đến con mắt bị mù đi, cái thấy cũng không mất, nó sẽ phát hiện sang các bộ phận khác. Vì thế người mù thì lỗ tai nhạy, ý nhớ hay, cảm xúc nhanh. Như vậy, cái thấy không thuộc về cảnh, không tại con mắt, nó chính là tâm biết. Vì có thấy là có biết, biết tức là tâm, tâm tức Phật.
 
Cái nghe cũng lại như thế, có tiếng thì nghe tiếng, không tiếng nghe biết không tiếng. Tiếng thì lúc có lúc không, cái nghe lúc nào cũng có. Cho đến khi ngủ dường như không nghe, song có tiếng động mạnh liền giựt mình thức dậy. Khi tiếng động vang lên một lúc nhiều thứ, ta vẫn nghe rõ ràng tiếng nào ra tiếng ấy.
 
Dù là tiếng có đến trăm ngàn thứ nhưng cái nghe vẫn là một, cái nghe ấy quả thật là tâm. Thế là tâm thấy, tâm nghe vẫn hiện hữu thường trực nơi thân này. Cho nên chúng ta muốn quay lại chính mình để sống với tâm chân thật nương nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý chúng ta thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe mà không phân biệt ta người hoàn cảnh.
 
Khéo dùng phương tiện gợi cho người tham vấn nhận ra Phật tính sáng suốt của mình, thường biểu hiện qua sáu căn là một xảo thuật của các thiền sư. Thiền sư dùng hình ảnh sự vật để đánh thức tính thấy cho người, gọi là nanh vuốt trong tông môn, dùng âm thanh đánh thức tính nghe cho người, gọi là một giọt sữa sư tử.
 
Ở đây chúng tôi dẫn chứng kinh Lăng Nghiêm và đối chiếu với các vị thiền sư qua tính thấy, tính nghe để cho mọi người cùng nhận ra tâm vua của mình mà sống đời an vui, tự tại giải thoát. Hai căn mắt và tai này, hằng ngày chúng ta tiếp xúc nhiều nhất, thường thì mắt thấy, tai nghe từ sáng sớm cho đến khi chiều tối. Chỉ cần chúng ta ứng dụng tu nương nơi hai căn thấy nghe này thì mau thành tựu đạo giác ngộ, giải thoát, mũi lưỡi thân ý cũng lại như thế, một căn viên thông thì sáu căn cũng được viên thông theo.

Thích Đạt Ma Phổ Giác

Còn nữa...
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm