Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 03/03/2022, 10:32 AM

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Ngọn gió từ hòa thổi giữa nhân gian

Thiền sư Thích Nhất Hạnh tựa như một ngọn gió từ hòa giữa nhân gian, thổi sự từ bi trí tuệ, thổi nhịp hiểu và thương, gieo vào lòng mỗi người cảm giác thảnh thơi.

Nhắc đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh, phần đông Phật tử trong và ngoài nước đều hướng đến với một niềm tôn tính đặc biệt. Bởi dù không trực tiếp gặp Thiền sư - nhưng những thông điệp ý nghĩa của Đạo Phật đã được thầy lan tỏa tới đại chúng qua những câu nói, ý niệm, qua từng trang sách, và qua chính cuộc đời đẹp như một bài pháp thoại của Thiền sư. Tất cả như một mạch nguồn nuôi dưỡng tâm linh, nuôi dưỡng những sự lan tỏa và tiếp nối.

Đi cùng Thầy chân nở rộ hoa mai

Lần đầu tiên tôi gặp Sư ông Làng Mai (tên gọi thân mật Phật tử vẫn dành để gọi Thiền sư Thích Nhất Hạnh) là vào tháng 2 năm 2018 – khi tôi tham dự khóa tu “Đi giữa gió xuân” tại Làng Mai (Thái Lan). Thời điểm này, Sư ông đã đổ bệnh, xe cứu thương thường trực 24/24 bên ngoài, sẵn sàng đưa thầy đến bệnh viện khi nguy kịch.

Với sự chăm sóc tận tình của các y bác sĩ, cùng lòng nhất tâm cầu nguyện của Tăng thân Làng Mai cùng chư Tăng, Ni ở Việt Nam và trên thế giới, sức khỏe của Sư ông có những dấu hiệu dần bình phục. Các sư thầy, sư cô tại Làng Mai cũng khẩn trương thực hiện và khánh thành một bảo tàng nho nhỏ lưu giữ những tác phẩm nghiên cứu, văn học, thư pháp của Sư ông để làm quà dành tặng khi sức khỏe ngài bình phục. Những thân tre xanh được chẻ đôi, trang trí thành các giá đỡ để mang lại cảm giác gần gũi, ấm áp như đang ở giữa quê hương Việt Nam.

Ảnh tác giả bài viết (bên phải, quàng khăn) chụp cùng thiền sư Thích Nhất Hạnh trong một buổi thiền hành năm 2018

Ảnh tác giả bài viết (bên phải, quàng khăn) chụp cùng thiền sư Thích Nhất Hạnh trong một buổi thiền hành năm 2018

Buổi sáng cuối cùng của khóa tu, Sư ông Thích Nhất Hạnh xuất hiện trên xe lăn, thiền hành cùng đại chúng một đoạn đường ngắn, rồi trở về Sân trăng ngồi thảnh thơi đón bình minh, nghe đại chúng hát thiền ca.

Đó là lần đầu tiên tôi được gặp thầy bằng xương bằng thịt sau những trang sách đặc biệt mình đã đọc – những trang sách thức tỉnh triệu triệu người giác ngộ, hóa giải những hận thù để khởi lên lòng bao dung an lạc, xiển dương tinh thần đối thoại và hòa giải.

Tôi cứ ngắm nhìn mãi dáng hình ấy, từng ánh mắt, cử chỉ động tác của Sư ông. Hiểu trong vòng quay của sinh lão bệnh tử - những cơn bệnh đã làm thầy tiều tụy hẳn đi so với hình ảnh tôi vẫn thấy trong sách, trên phim. Nhưng sự an nhiên, thảnh thơi thì không biến mất, vẫn ngời trong đôi mắt ngước lên nhìn trời xanh, trong cử chỉ nghiêng tai đón nhận tiếng chim, trong hành động xòe tay đỡ hạt quả khô, khẽ khàng đưa lên mũi ngửi để cảm nhận rõ hơn từng mùi vị.

Hình ảnh ấy lắng đọng trong tôi, bình an đến lạ. Tôi nhìn theo bóng ô tô đưa người trở về khu nghỉ ngơi khuất dần sau những vòm cây xanh, trở về phòng và viết một bài thơ mang tên “Đi cùng thầy”, trong đó có đoạn:

“Thầy đã đến khi chúng sinh lạc bước

Thấu nhân gian ôm trọn mọi chúng loài

Đi cùng Thầy – chân nở rộ hoa mai

Và hơi thở ngời nụ cười của Phật.”

Trở về chùa tổ yêu thương

Ngày 28/10/2018 – Sư Ông trở về thăm viếng và tịnh dưỡng tại chùa Từ Hiếu (Huế) – sau hành trình gần 80 năm như cánh chim không mỏi – mang trái tim Việt Nam, chở ánh đạo vàng xua bóng tối u minh, gieo mầm xanh cho thế giới hòa bình. Và tôi quyết định trở lại Huế ngay trong tháng 11/2018, với hy vọng được gặp lại Sư Ông.

Tôi được biết các sư thầy ở Ban thị giả thường đẩy xe đưa Sư Ông ra ngoài để hít thở, cảm nhận không khí trong lành của thiên nhiên vào hai thời điểm trong ngày: Buổi sớm đầu ngày, và buổi cuối chiều”, nên tôi chọn ghé chùa vào một buổi sớm. Sau khi lễ Phật ở chính điện, tôi lang thang vừa ngắm cảnh, vừa chờ đợi khoảnh khắc được gặp Sư ông thiền hành.

Tranh vẽ thiền sư thích Nhất Hạnh - Lương Đình Khoa

Tranh vẽ thiền sư thích Nhất Hạnh - Lương Đình Khoa

Trong tiếng hót lảnh lót đầu ngày tinh khôi của những chú chim trên cây khế già cổ thụ dễ đến cả trăm tuổi phía sân sau của chùa ấy, Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ từ xuất hiện. Tôi đứng lặng người, nhìn xe lăn của Sư ông đang chầm chậm lăn đến gần. Vẫn dáng người gầy gầy, đầu đội chiếc mũ len, cổ quàng chiếc khăn nâu che gió. Vẫn bàn tay khe khẽ cử động, ra hiệu cho người đẩy xe lăn về những đoạn đường Sư ông muốn đi qua. Và vẫn ánh mắt từ hòa, chầm chậm nhìn ngắm xung quanh để lắng nghe, đón nhận thiên nhiên như tôi đã gặp trong khóa tu tại Làng Mai đầu xuân 2018.

Sức khỏe của Người dường như có phần yếu hơn, nhưng ánh mắt vẫn tinh anh và thăm thẳm một niềm yêu thương đến lạ. Tôi cứ nhìn sâu vào đôi mắt ấy, nước mắt tự dưng ứa ra, và quỳ xuống bên đường đảnh lễ Người - vị thầy tâm linh đã dành cả cuộc đời phụng sự sứ mệnh của Như Lai. Người đã chỉ ra “phép lạ của sự tỉnh thức” ngay trong mỗi bước chân, hơi thở hàng ngày để mỗi chúng ta có thể nhận diện và thực tập.

Tôi cùng đoàn người thiền hành buổi sớm theo xe lăn của Sư ông, qua hết các lối đi và không gian trong lòng chùa Từ Hiếu. Đoàn người dừng lại ở trước khu vực hồ bán nguyệt và cổng tam quan theo yêu cầu của Sư ông. Từ không gian này có thể nhìn bao quát được toàn cảnh cổ tự.

Tâm thái đón nhận, hòa cùng thiên nhiên qua ánh mắt, cử chỉ gợi nhắc trong tôi hai chữ: Trở về. Ai cũng có một nơi chốn để trở về, và cần trở về. Trở về với quê cha đất mẹ, với mỗi nhành cây ngọn cỏ, con đường mà thơ ấu mình đã yêu thương.

Không gian phòng triển lãm về Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Làng Mai Thái Lan - Ảnh Lương Đình Khoa

Không gian phòng triển lãm về Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Làng Mai Thái Lan - Ảnh Lương Đình Khoa

Cách đặc biệt để gặp gỡ với thiền sư

  “Có một người….

Chỉ cần nhìn thấy ảnh thôi, trong con cả một trời xúc động...

Từng nếp nhăn, cụ cười và ánh mắt

Tựa mây trời ru ấm trái tim xa…”

4 câu thơ ngắn ấy tôi đã viết, rất nhanh, rất thật cho dòng cảm xúc của mình khi buổi sáng truy cập internet, bắt gặp ai đó chia sẻ một bức hình Thiền sư Thích Nhất Hạnh kèm đôi dòng cảm xúc nhân Ngày tiếp nối (sinh nhật) của Sư ông.

Đó là hình ảnh Sư ông đứng trong một gian bếp nhỏ, tự thái một chút rau củ để chế biến món ăn. Một khoảnh khắc rất giản dị, và bất kỳ ai ngắm nhìn cũng có thể cảm nhận được sự bình an toát ra từ thần thái cho đến động tác cắt rau củ vừa chú tâm, vừa điềm đạm của Sư ông.

Không chỉ là bức ảnh này, khoảnh khắc này, mà với bất kỳ một bức hình nào về Sư ông, trong tôi cũng dấy nên một niềm xúc động đặc biệt. Cảm giác thân thương, gần gũi xuất hiện, khiến lòng tôi lắng lại, bình an hơn.

Và tôi đã chọn cách “gặp gỡ với Sư ông” như thế mỗi ngày – qua từng bức ảnh, từng trang sách, từng bài giảng Sư ông chia sẻ, thầm soi mình vào đó mà nuôi dưỡng lòng bao dung, sự từ bi và an vui cho từng bước chân và hơi thở. Mỗi sớm đầu năm trong Tết Nguyên Đán, tôi thường chọn ngắm một bức hình về Sư ông và khai bút đầu xuân với những dòng thơ đặc biệt hướng về thầy.

Bài thơ Đi cùng Thầy được tác giả viết ngay sau khoảnh khắc đầu tiên gặp gỡ Thiền sư Thích Nhất Hạnh - Ảnh Lương Đình Khoa

Bài thơ Đi cùng Thầy được tác giả viết ngay sau khoảnh khắc đầu tiên gặp gỡ Thiền sư Thích Nhất Hạnh - Ảnh Lương Đình Khoa

Tôi biết, ngoài kia có hàng triệu người khắp nơi trên thế giới cũng đang từng ngày, từng giờ chọn cách “gặp gỡ”, thực hành theo những lời dạy của Sư ông. Bởi Sư ông chính là một vị thầy lớn về tâm linh, chữa lành những vết thương, ôm ấp mọi nỗi khổ niềm đau để khai thông trí huệ, thắp lửa tình thương, gieo hạt bình an nảy nở trong mỗi tâm hồn.

Bình tâm tiễn một vầng mây qua trần

Hơn 5 giờ sáng ngày 22/1/2022, trên website của Làng Mai đăng cáo phó, báo tin Sư ông đã về với đất Mẹ. Tôi lặng người trong giây lát và quyết định đến cơ quan sớm hơn thường ngày hơn một giờ đồng hồ.

Tôi muốn dành cho mình khoảng lặng trước khi bắt đầu với công việc thường ngày, để viết một điều gì đó, thay nén nhang thơm kính biệt thầy:

“Những dòng sông gồng mình trôi mải miết

Giữa đêm sương giăng mắc gió mê lầm

Những con tàu lạc đường mãi trôi lăn

Sóng tử sinh mặn mòi từng thớ gỗ

Bài hát ru trong một đêm tịnh độ

Đóa sen ngời lặng lẽ ngát nhân gian.

95 năm – một hành trình

“Đường xưa mây trắng” tạc hình Như Lai

“Nẻo về của ý” độ đời

“Phép lạ của sự tỉnh thức” – là nụ cười, bàn chân

Bình an đi giữa thong dong

Bình an thưởng thức trong từng phút giây

Đẹp nhất – là mỗi sớm mai

Thức dậy đón nắng tinh khôi ngọt lành

Thở cùng hiện tại niết bàn

Thở cho cha mẹ, tổ tiên ngàn đời.

“Bông hồng cài áo” muôn nơi

Vu Lan hiếu nghĩa trọn lời Hiểu – Thương

Cùng “Đi như một dòng sông”

Thong dong hải đảo tự thân diệu kỳ

Và “Am mây ngủ” từ bi

“Trái tim của Bụt” quay về tựa nương

Rồi mai trong cõi vô thường

“Bước chân an lạc” ru hồn đại bi

Hôm nay Phật đón Thầy về

Bình yên như bóng thiên di nhiệm màu

Dẫu rằng thân xác tan mau

Nhưng Thầy nào có đi đâu… Mỉm cười!

Thầy còn trong đóa sen tươi

Còn trong hơi thở triệu người bình an

Thầy còn trong mỗi bước chân

Khi con tiếp nối vui từng phút giây

Xin đừng xây tháp cho Thầy

Bình tâm biệt một vầng mây qua trần

Tiễn Thầy với một câu kinh

Là an, là lạc, thắm tình Hiểu – Thương

Là đi qua những vô thường

Không sinh, không diệt soi đường chân như!

Mây còn trắng mãi đường xưa

Con còn tiếp nối - bốn mùa còn Xuân.

Bài thơ được hoàn thành vào lúc 8 giờ 20 phút, với tên một số tác phẩm của Sư ông đặt trong ngoặc kép. Và tôi đặt tiêu đề là: “Bình tâm tiễn một vầng mây qua trần”.

Tôi tiễn thầy bằng hai chữ “bình tâm” đang hiện diện trong lòng mình. Bởi biết 96 năm có mặt ở cõi nhân gian này, thầy đã hoàn thành sứ mệnh phụng sự đặc biệt của mình. Hôm nay thân xác thầy về với đất Mẹ, nhưng di sản thầy để lại, ánh sáng và hơi ấm của thầy trao truyền gửi lại.

Hiểu theo cách đó, thì sự ra đi của thiền sư ngày hôm nay, cũng nhẹ nhàng như một giấc ngủ dài. Vì thầy không đi đâu cả, vẫn luôn còn đó như ngọn hải đăng soi sáng cho triệu người đi qua những mê lầm. Thầy còn trong tất cả những ai đã – đang và sẽ tiếp xúc với con đường thầy đã truyền trao – bình an trong từng bước chân, hơi thở.

Thật trùng hợp là sau đó ít giờ, báo chí đồng loạt đăng tang lễ được tổ chức theo di huấn của Sư ông, với nghi thức tâm tang tại chùa Từ Hiếu, miễn tất cả phúng điếu, vòng hoa, quả, trướng liễng… Tang lễ kéo dài trong 7 ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng, nhẹ nhàng.

Hình ảnh Thiền sư Thích Nhất Hạnh được nhiều Phật tử Việt Nam và thế giới tạc tượng với lòng kính quý, biết ơn - Ảnh Lương Đình Khoa

Hình ảnh Thiền sư Thích Nhất Hạnh được nhiều Phật tử Việt Nam và thế giới tạc tượng với lòng kính quý, biết ơn - Ảnh Lương Đình Khoa

Trước đó ít lâu, thầy cũng từng căn dặn môn đồ rằng không muốn sau này xây tháp cho thầy, bởi “Xây tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp được những gì Thầy đang trao truyền. Thầy là một thực tại linh động, đang sống, đang có mặt khắp nơi… Ở chỗ nào mà có thiền hành, thiền toạ, có pháp đàm, có ăn cơm yên lặng, có Sám Pháp Địa Xúc là có Thầy”.

Với tôi và với triệu người đã có duyên tiếp xúc với pháp môn của thiền sư Thích Nhất Hạnh, thì Sư ông tựa như một ngọn gió từ hòa giữa nhân gian, thổi sự từ bi trí tuệ, thổi nhịp hiểu và thương, gieo vào lòng mỗi người cảm giác thảnh thơi.

Và từ đó, mỗi người sẽ tự nhận ra mình cần là một ngọn gió - luôn thổi để được là chính mình, tìm thấy mình: Thổi bước chân bền bỉ, nhẫn nại, không mỏi mệt, không bỏ cuộc giữa chừng để tìm thấy niềm vui nơi đích đến. Thổi sự tu sửa không ngừng trong mỗi ý niệm, lời nói, hành vi để ngày thêm tinh tấn, an khi thở, lạc khi đi. Thổi mát lòng mình, mát lòng người, để thảnh thơi, tươi mới được tưới tẩm mỗi ngày, gọi chồi hạnh phúc lên xanh.

Biết ơn thầy, và xin kính biệt thầy – một vị Phật của lòng tôi!

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Chúng sanh và lục thông

Góc nhìn Phật tử 12:20 18/04/2024

Lục thông là sáu thần thông ưu việt hơn những năng lực bình thường của đa số chúng sanh nhân giới. Sáu thần thông bao gồm: 

Nếu không có sự cảm thông và thấu hiểu thì đừng thị phi thêm dầu vào lửa

Góc nhìn Phật tử 11:45 18/04/2024

Mỗi người có quyền riêng tư và sự riêng tư này phải được tôn trọng. Khi ta không biết rõ về người đó và cuộc sống của họ, ta không nên kể những câu chuyện của họ cho người khác.

Chết có đáng sợ hay không?

Góc nhìn Phật tử 07:33 18/04/2024

Chúng sanh ai cũng sợ chết nhưng mong muốn khỏi già, khỏi chết là những sự kiện không thể có được như Đức Phật đã dạy:

Linh bất linh tại ngã

Góc nhìn Phật tử 16:51 17/04/2024

Trong một lần học đạo với thầy (cố HT.Thích Thái Không), tôi hỏi: Thầy có tin chuyện linh ứng, mầu nhiệm không? Thầy cười khà khà nói, có câu “Linh bất linh tại ngã”, rồi giảng rằng: Linh ứng hay không là do ở bản thân mình.

Xem thêm