Thiết lập truyền thông với tổ tiên
Dân Việt thiện lương hiền lành và tình cảm đơn thuần giản dị. Tấm lòng nhớ ơn tổ tiên, thương yêu giáo dưỡng con cháu qua bao thế hệ hun đúc thành truyền thống thờ ông bà thịnh hành trong đời sống người Việt.
Vào tiết trời cuối năm, khi gió lạnh bắt đầu thổi vào phố mỗi độ sớm mơi hay khi đêm về làm lòng người se se, những người con lại bắt đầu chộn rộn nhớ những dịp tụ tập về nhà, quét tước mồ mả, dọn dẹp ban thờ, chở mẹ chở bà đi chùa, thắp một nén nhang, như một cách để liên hệ, để kết nối tâm thức của các thế hệ con cháu với ông bà tổ tiên.
Ngàn năm thế sự, vùng đất này giao lưu và tiếp nhận nhiều tư tưởng văn hoá của Trung Hoa, Xiêm La, Chân Lạp...cùng với sự truyền bá Phật giáo và các tôn giáo bản địa, đời sống tín ngưỡng của Việt Nam khá phong phú, đa dạng. Những tập tục tâm linh vô cùng công phu phức tạp khi pha trộn và ảnh hưởng từ đa văn hoá. Song, bên cạnh lễ nghi cùng triết lí sâu sa gửi gắm cũng có những hủ tục nhân danh tôn giáo không có giá trị giải thoát mà chủ yếu nặng tính hình thức. Người con Phật trước sự biến đổi của thời đại càng cần cẩn trọng và suy ngẫm kĩ những tôn chỉ Phật dạy để việc kết nối truyền thông tâm linh của gia đình được trọn vẹn thành tựu trong chánh Pháp.
Cuối năm mọi nhà thường tụ tập con cháu, làm mâm cơm trước là cúng gia tiên ông bà, sau là con cháu sum vầy ăn uống. Cái nghĩa ở đây là sự đề cao đoàn viên, dù người còn kẻ mất nhưng cuối năm cũng muốn cùng nhau ăn bữa cơm, uống li rượu, nhìn lại một năm. Thế nhưng với lối sống chuộng hình thức, những bữa cơm thế này thường là cơ hội để gia chủ phô bày. Những mâm cao cỗ đầy, thịt cá ê hề, nhang khói ngập nhà, rượu bia tràn trề… là thứ để cho khách nhìn vào, chứ ông bà thì hưởng được bao nhiêu. Người mất rồi họ chỉ nhận được bằng tâm. Con cháu thắp nhang mà không nhớ tưởng tới, trong đầu chỉ rặt những tính toán lo toan, là mình đang gửi phiền muộn cho ông bà. Ở cảnh giới siêu hình, còn nhận thêm những trược khí thô nặng như vậy, ông bà không nhẹ nhàng an vui được.
Thứ nữa là mâm cúng đẫm nghiệp sát. Nhiều người quan niệm sống ăn gì, mất cúng đó, họ cũng từ tình thương, sợ ông bà cha mẹ mình mất rồi không được hưởng những đồ ăn ưa thích nữa, tranh thủ cúng thêm một ít. Đó là tình thương thế gian, trích xuất từ sự tham (ăn), tình thương như vậy chưa được sáng suốt và chưa giúp ông bà mình giải thoát được. Kinh Địa Tạng có một ví dụ: “Như người từ xứ xa đến, tuyệt lương thực đã ba ngày, đồ vật người đó mang vác nặng hơn trăm cân, bỗng gặp kẻ lân cận lại gửi một ít đồ vật nữa, vì vậy mà người đó càng khốn khổ nặng nề thêm.” Đồ nặng mà người xứ xa đó mang là gì? Chính là nghiệp trên lưng họ, thế mà gia quyến nào hay, còn chất thêm con gà luộc, mâm heo quay, đĩa thịt đầy…nhang chưa tàn, đã vội xá mang xuống, hỉ hả ăn cùng nhau, đâu có ngờ ở nơi mình không thấy, ông bà lại nợ thêm mạng của 1, 2, 3 cho tới vô số chúng sanh đó, nghiệp đã dày lại càng chồng chất thêm.
Có một tập tục rất lâu đời mà dạo gần đây nhiều vị giảng sư cũng đã thuyết giảng, đó là tục đốt vàng mã. Vốn không phải quan điểm Phật giáo, đốt vàng mã là từ tư tưởng “hầu hạ” đời sống của hoàng gia khi về bên kia thế giới thời cổ đại. Khi người mất, những vật dụng hàng ngày và cả vợ, người hầu, binh lính đều phải chôn theo để tiếp tục chăm sóc người mất. Hủ tục đáng sợ tàn nhẫn đấy thay đổi từ khi giấy được phát minh và được dùng để thay thế. Như vậy, đốt vàng mã chỉ là hình thức tiếp nối cho quan niệm cổ hủ phục vụ nhu cầu thượng đẳng của giới quý tộc dựa trên sự chấp vào thân, vào tài sản và quyền lực của nhóm người đứng đầu hình thái xã hội thời đó. Nhân loại đã đấu tranh rất lâu và hi sinh rất đau để giải phóng mình ra khỏi chế độ bất công và thao túng tư tưởng nặng nề, vì sao bây giờ chúng ta vẫn còn đâm vào ngõ tối mê mờ?
Bên cạnh đó, chậm lại một chút, Phật dạy rằng sau khi người mất, trừ nghiệp cực thiện phi thăng lên các cõi trời hoặc nghiệp cực ác đoạ thẳng xuống các tầng địa ngục, chúng sanh thường sẽ theo nghiệp thức hướng tới cảnh giới tái sanh. Như vậy, ta đốt tiền, vàng mã thì người thân sẽ nhận được gì? Nhận bằng cách nào? Lại xài vào đâu khi mà cõi vô hình chỉ phân theo nghiệp nhân mà hưởng?
Hàng Phật tử luôn nguyện cửu huyền được vãng sanh Cực Lạc, cũng nên chia sẻ với gia đình, rằng Cực Lạc của Đức A Di Đà đâu có cần tiền giấy phù phiếm của cõi Ta Bà này. Nơi tịnh độ thù thắng vi diệu đó, chúng thượng thiện nhơn tâm thức nghĩ tưởng cái gì, vậy ấy liền hiện ra trước mắt, đốt những thứ thô tháo nặng trược gửi đến ông bà, có phải vừa thêm phiền, vừa vô ích cho ông bà?
Vậy, con cháu chúng ta thương nhớ ông bà biết làm thế nào để kết nối với tổ tiên nếu không phải là dâng cúng gia yến rượu thịt, giấy tiền ngập trời? biết làm thế nào để thế hệ sau noi gương mà truyền thừa tập tục? Tất cả chẳng thể qua chữ Tâm – tâm thành tất ứng. Phật dạy rất nhiều việc ta có thể làm để lợi lạc cả kẻ sống người mất, chỉ cần ta bỏ bớt hình thức, quay về nương theo Chánh Pháp, sẽ thấy sợi dây liên kết với ông bà hiện lên rất nhẹ nhàng, mà rõ ràng.
Một ngày trọn vẹn dành hết cho ông bà, bắt đầu bằng buổi sáng cả nhà cùng lên chùa, lễ Phật, hưởng không gian thiền vị, khi ta cúi đầu khiêm hạ trước Phật, ông bà cũng đang lễ Phật cùng ta, ở chiều không gian khác. Buổi trưa cả nhà cùng nhau lau dọn bàn thờ, trưng hoa quả, chuẩn bị mâm chay thanh tịnh, cũng là thời gian các bậc trưởng bối nhắc nhớ về chuyện gia đình thời xưa, để con cháu biết về chuyện cũ phủi bụi nhà mình, là tổ tiên cũng đang hiện lên trong tâm mỗi người, vui vẻ, sống động. Xong mâm cơm cúng thì cả nhà cùng tụ tập, chân thành mà tha thiết dâng nén tâm hương gửi đến ông bà mình cùng sự thương nhớ biết ơn. Chính lòng hiếu của gia đình mà ông bà sẽ nhận được sự ấm áp, cũng là cội phước mà gia đình đang vun tạo. Trong không khí trang trọng thiêng liêng đó, mỗi cá nhân sẽ cảm được sự kết nối và trân trọng của gia tộc, đó chính là sự phù hộ của ông bà mà mình hay khấn nguyện. Buổi tối, dành thêm chút thời gian cùng nhau đọc một bộ kinh, hồi hướng công đức để nhờ tha lực của chư Phật gia hộ cho ông bà mình an lạc ở cảnh giới tốt lành. Dù ông bà có ở cảnh nào thì vẫn được công đức và hiếu tâm của con cháu, đó chính là sự kết nối tương tục không giới hạn của huyết thống.
Những ngày cuối năm tiệc vui bộn bề khiến ta như con thoi đẩy đưa mình tới lui các cuộc ăn uống. Nếu có thể nhín một chút thời gian cho gia đình, cho tổ tiên, cho bản thân một chút an tĩnh để tâm hồn lắng dịu lại giữa huyên náo phồn hoa cũng là một pháp truyền thông thiện lành với gia tiên và với bản tâm của mình.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm