Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 17/08/2021, 11:51 AM

Tình cha giữa mùa Covid - 19

Giữa biến động của Sài Gòn còn rất nhiều mảnh đời mỏng manh vì sự mưu sinh phải xa vòng tay của gia đình nơi đó có cha và mẹ đoạn đường về nhà dường như rất khó khăn đối với mỗi người, nơi đô thị phồn hoa này những cánh hồng đang dần hé nụ để đón một mùa Vu Lan nữa trở về.

Cuộc đời vốn không bằng phẳng và bình yên như mặt nước hồ thu mà chúng ta hằng mong ước. Ngược lại, con người luôn phải gánh chịu hết đợt sóng này đến đợt sóng khác chẳng bao giờ ngưng nghỉ. Tuy nhiên, bình yên lớn nhất sau chuỗi ngày dài mệt mỏi ngược xuôi trong dòng đời tấp nập đó chính là trở về với căn nhà bé nhỏ thân thương nơi đó có cha và mẹ là cả bầu trời yêu thương bất tận. Nương tựa Mẹ để thấy được cõi lòng bình an, ta nhận ra bến sông đời không êm ái và quá nhiều khúc khuỷu. Về núp bóng cha là lúc thấy mình bé nhỏ mong manh quá đỗi.

Trong xã hội loài người có rất nhiều mối quan hệ được gắn kết với nhau trong thâm tình, ý niệm của sự thương yêu và cũng cần thể hiện trách nhiệm bổn phận giữa các mối quan hệ với nhau, với ý niệm đó sự tồn tại thiêng liêng nhất đó chính là sợi dây gắn kết giữa cha mẹ và con cái được tạo thành dựa trên ý niệm nhân duyên trong Phật giáo. Điều này được đức Phật dạy trong kinh Trung Bộ, có ba yếu tố cần thiết tạo nên một bào thai để sau này trở thành người con. “Ba yếu tố đó là cha mẹ có giao hợp, người mẹ trong thời kỳ có thể thụ thai, và hương ấm hay tâm thức có hiện tiền”.[1] Chính vì điều này nên cả ba yếu tố đều nương vào nhau mà hình thành nên mối “nhân duyên” tạo ra sợi dây gắn kết quyết định sự có mặt hiện hữu sinh linh mới trong cõi đời này.

Hiếu phải được cô đọng bằng những việc làm cụ thể và ở đây là phải hầu hạ và phụng dưỡng mẹ cha. Ảnh minh họa.

Hiếu phải được cô đọng bằng những việc làm cụ thể và ở đây là phải hầu hạ và phụng dưỡng mẹ cha. Ảnh minh họa.

Tình cha trong đạo Phật và cách để làm người cha tốt

Do đó tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái là vô điều kiện tất cả đã được ăn sâu vào tâm thức mỗi người qua những vầng thơ bất hữu vượt thời gian:

“Mẹ là hương sắc mùa xuân

Cha mang hơi ấm ủ từng giấc đông

Cho con giấc ngủ ấm lòng

Tình thương cha mẹ biển dâng sóng trào”

(Nguyễn Quang Long)

Giữa mùa đại dịch Covid thành phố yên ắng đến lạ chỉ còn những tiếng còi xe inh ỏi vang lên giữa màng đêm thanh vắng không bóng người qua lại. Những chú công an làm nhiệm vụ đã lặng người khi nhìn thấy một ông bố đang chở một bình oxy để kịp mang về cứu đứa con bị bệnh đang nằm khắc khoải đợi cha trong căn nhà nhỏ vì một chứng bệnh nan y. Thành phố đang bước sang giai đoạn căng mình chống dịch nên tất cả đều phải dừng các hoạt động đi lại trước 18 giờ nhưng với sợi dây kết nối tình mẫu tử thiêng liêng nếu không ra đường chiếu theo quy định người cha sẽ mất con mình mãi mãi đây chính là động lực lớn nhất người đàn ông này bỏ qua tất cả đi tìm nguồn oxy để duy trì được sự sống cho đứa con. Vì là người con ngoan nằm trên giường bệnh, thấy ba mẹ tìm mọi phương cách lo lắng cho mình đứa trẻ với giọng nói yếu ớt: “Ba cứ ở nhà, thở hết nhiêu đây oxy con đi cũng được. Nghe giọng con, chân tay anh càng thêm luống cuống. Làm cha nghe vậy sao thấu. Tôi xuống nhà dắt xe phi ngay ra đường”[2].

Diễn biến sau đó theo nguồn tin Thanh Niên tại Công viên Hoàng Văn Thụ, tổ công tác đã yêu cầu tất cả các xe dừng lại kiểm tra giấy tờ. Một người đàn ông áo ướt đẫm mồ hôi, đeo bao tay y tế, cầm theo chai xịt khuẩn đang chở bình oxy phía sau rưng rưng nước mắt khi CSGT yêu cầu dừng xe.

Anh cho biết tên Lê Đình Vân (40 tuổi) vừa từ đường Phạm Văn Đồng qua trung tâm phân phối bình oxy ở Kênh Tân Hóa để đổi bình về cho con trai bị u gan nguyên bào. “Chiều tự nhiên nó mệt quá, bình oxy trong nhà thì cạn kiệt. Tôi biết đã giờ giới hạn ra đường theo Chỉ thị 16 nên tôi phải cầm bệnh án của cháu để công an hỏi thì mình sẽ đưa ra để mấy anh hiểu mình ra đường là để cứu con. Một bình oxy 40 kg chạy được 24 tiếng. Bé phẫu thuật ở BV Nhi đồng 2 từ 30.4 năm ngoái, không may tháng 3 vừa rồi bị tái phát lại, gia đình đưa đi viện nhưng bác sĩ trả về, chỉ nằm ở nhà. Giờ không có oxy là chết, nên tôi phải đi đổi bình để cứu con, anh chia sẻ.

Để CSGT tin tưởng, anh Vân mở điện thoại có hình con trai đang nằm bên cạnh bình oxy. CSGT đang cầm giấy tờ của anh trên tay đã lặng người vì xúc động. Thiếu tá Lê Hoàng – tổ trưởng tổ công tác đã động viên chia sẻ cùng anh Vân, đồng thời nhắc anh khi thật cần thiết ra ngoài cố gắng sắp xếp trước 18 giờ.

Nhận món quà nhỏ mang ý nghĩa động viên từ tổ công tác, anh Vân rưng rưng xúc động, nghẹn giọng: Tôi xin cảm ơn rất nhiều. Tôi hiểu quy định nhưng vì cứu con mới phải ra ngoài giờ này. Trước khi rời đi, anh Vân liên tục gật đầu nói cảm ơn. Thiếu tá Lê Hoàng cùng đồng nghiệp lại lặng người nhìn theo bóng người đàn ông chở theo bình oxy khuất dần.[3]

Chính cha và mẹ là người đã mang ta đến cuộc đời này mặc dù bên cạnh đó còn rất nhiều yếu tố được cấu thành nên nhưng nếu không có sự hiện hữu này chúng ta không thể có được mạng căn như ngày hôm nay.

Chính cha và mẹ là người đã mang ta đến cuộc đời này mặc dù bên cạnh đó còn rất nhiều yếu tố được cấu thành nên nhưng nếu không có sự hiện hữu này chúng ta không thể có được mạng căn như ngày hôm nay.

Tình cha mùa Vu Lan

Chính vì lẽ đó nên trong không gian vắng lặng thưa thớt người qua lại của Sài Gòn nơi đang chịu giặc Covid tung hoành khắp mọi cung đường, ngõ hẻm với tiếng lạnh người khi xe cứu thương nhấn còi vang dội cả một thành phố nhưng vẫn có một trái tim rất ấm từ nhịp đập yêu thương lan tỏa một tình yêu thương bất tận của tình mẫu tử thiêng liêng đó là “tình cha” và bài học từ sự cảm thông giữa tình người sâu sắc. Đối với người Phương Tây họ cho rằng hoa bồ công anh tượng trưng cho người cha, từ đó có thể tưởng tượng được tình yêu của người cha mênh mông vĩ đại như hoa bồ công anh thầm lặng rải bụi phấn hoa vào lòng đất, tuy thầm lặng nhưng thật trang nghiêm và đầy phóng khoáng. Vì thế cho nên chúng ta đừng tưởng rằng cha ít nói có nghĩa là ít tình cảm! Cha là người ban sự sống cho chúng ta, là cả bầu trời xanh, là mảnh đất phì nhiêu đang ươm hạt mầm bé nhỏ cho ta lớn lên từng ngày hơn thế nữa chính là vầng thái dương, hơi ấm và cả sự hy vọng…

Chúng ta ai cũng có giấc mơ của thời niên thiếu đi tìm hạnh phúc thì chính người cha là tấm gương soi chiếu của một người anh hùng hào kiệt luôn hằng sâu trong ký ức, và được lưu giữ trong trái tim nhỏ bé chứa chan tình yêu thương bất tận, do đó khi con người trong cuộc đời đi tìm tiêu bản cho người đàn ông thì cha mãi mãi là điểm tham chiếu đầu tiên!

Trong cuộc sống, mỗi cuộc hành trình là ẩn chứa nhiều sự gian nan vất vả ví như đứa con thơ đang mắc căn bệnh hiểm nghèo luôn từng ngày giành giật lại sự sống trước sự rình rập của tử thần. Chính cha đã mang lại một phần sự sống cho con và là điểm tựa vững chắc để có được dũng khí chiến thắng với bao khó khăn gian khổ, tìm về cho con từng hơi thở trước bao khó khăn gian nan thử thách đầy nguy hiểm của sự tấn công của giặc Covid đang ẩn núp chực chờ trong mỗi ngõ ngách, nơi có sự hiện diện của con người! Chỉ có cha người anh hùng siêu năng lực đứng giữa trời biển mênh mông với cuồng phong nộ vũ như thế! Hơn thế nữa, tính cách cương nghị và thái độ lạc quan mà cha đã dành cho đứa con của mình đó chính là chiếc chìa khóa thần kỳ giúp con mở ra được cánh cửa của hạnh phúc. Những con đường đầy chông gai dưới đôi chân rắn chắc nhưng hằn sâu vết chai sạn chính là sự nối dài của ước mơ chân cứng đá mềm mà tình cha luôn dành cho người con thân thương của mình. Nếu ví tình mẹ là viên ngọc đẹp không tỳ vết thì tình cha chính là viên kiêm cương cực phẩm lấp lánh tình yêu thương vĩnh hằng của nhân loại.

Công ơn cha mẹ sinh thành nuôi dưỡng con cái và xây dựng cho đến ngày thành nhân là công ơn rất lớn lao mà cổ nhân đã đúc kết thành 9 yếu tố gọi là 9 chữ cù lao như Kinh Thi nói: “Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao… Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, nhũ ngã, súc ngã, trưởng ngã, dục ngã, cố ngã, phúc ngã, phục ngã; dục báo chi đức, hạo thiên võng cực.”[6] (Xót thương cha mẹ, sinh ta khó nhọc… Cha sinh ra ta, mẹ nâng đỡ ta, cho ta bú mớm, nuôi nấng vỗ về ta, bồi bổ cho ta khôn lớn, dạy cho ta lời khôn lẽ phải, lo lắng theo dõi khi ta đi đâu, dựa theo tính ta mà khuyên răn ta, che chở giữ gìn cho ta. Muốn báo đền ơn đức cha mẹ, công đức đó như trời rộng không có giới hạn).

Chính cha và mẹ là người đã mang ta đến cuộc đời này mặc dù bên cạnh đó còn rất nhiều yếu tố được cấu thành nên nhưng nếu không có sự hiện hữu này chúng ta không thể có được mạng căn như ngày hôm nay ví như “Người vào thai mẹ phải nhờ nơi tinh cha huyết mẹ, mới có được thân căn, có được mạng căn. Rồi khi nào bào thai đã hình thành đủ 5 căn (Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân) thì mới duyên được 5 trần” [7]. Do đó đức Phật đã dạy về sự bày tỏ lòng biết ơn vì lòng từ bi của cha mẹ bằng cách phụng sự họ, trong Kinh Tương Ưng tập I, trang 208, nói rằng sữa mẹ nuôi con trải qua nhiều đời nhiều kiếp, nhiều hơn bể cả nên Ngài đã hỏi các vị Tỳ kheo:

“Các người nghĩ thế nào, này các Tỳ kheo? Cái gì là nhiều hơn? Sữa mẹ mà các ngươi đã uống, trong khi các ngươi di chuyển luân hồi trong thời gian dài, hay là nước trong bốn biển?

“Bạch Thế Tôn, theo như lời Thế Tôn thuyết pháp, chúng con hiểu rằng cái này là nhiều hơn, tức là sữa mẹ chúng con đã uống, trong khi chúng con lưu chuyển liên hồi trong một thời gian dài, chớ không phải nước trong bốn biển”.

Tình cha qua ngòi bút của một sư cô

Giữa biến động của Sài Gòn còn rất nhiều mảnh đời mỏng manh bất hạnh vì sự mưu sinh phải xa vòng tay của gia đình nơi đó có cha và mẹ đoạn đường về nhà dường như rất khó khăn đối với mỗi người. Ảnh minh họa.

Giữa biến động của Sài Gòn còn rất nhiều mảnh đời mỏng manh bất hạnh vì sự mưu sinh phải xa vòng tay của gia đình nơi đó có cha và mẹ đoạn đường về nhà dường như rất khó khăn đối với mỗi người. Ảnh minh họa.

Ngoài ra trong Kinh Tăng Chi tập I, trang 74, cha mẹ được ví như những ngọn lửa đáng cung kính, vì chính người cha người mẹ đã đem lại sự sống cho các người con, như ngọn lửa đem lại nguồn nóng, sức sống cho loài người: “Thế nào là lửa đáng cung kính? Ở đây, này Bà La Môn, những người mẹ những người cha của người ấy. Này Bà La Môn, đây gọi là lửa đáng cung kính. Vì cớ sao? “Từ đấy, này Bà La Môn, khiến cho mang lại, khiến cho sinh ra (ato yamàhùto sambhùto). Do vậy, lửa đáng cung kính, được tôn trọng, được cúng dường, đem lại chánh lạc”[8]

Như thế có thể thấy được công ơn cha mẹ quả thật bao la không bến bờ vì tình yêu thương đối với đứa con do chính mình tạo ra không màng đến những khó khăn, gian khổ đang hiện hữu mà bản thân mình phải gánh chịu. Việc chăm sóc con cái đó cũng chính là một trong những bổn phận của cha mẹ như đức Phật dạy trong kinh Thiện Sinh: “Cha mẹ cũng lấy năm việc để chăm sóc các con. Năm việc đó là gì? Một là thương yêu con cái. Hai là cung cấp không thiếu. Ba là khiến con không mang nợ. Bốn là gả cưới xứng đáng. Năm là cha mẹ có của cải vừa ý đều giao hết cho con. Cha mẹ bằng năm điều ấy mà chăm sóc các con”[4]. Song song với năm điều này đó chính là nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ, đây là điều không thể thiếu trong sợi dây kết nối yêu thương của tình mẫu tử đã được đức Phật dạy: “Người con phải có năm điều thờ kính, phụng dưỡng cha mẹ. Năm điều đó là gì? Một là tăng thêm của cải. Hai là cáng đáng mọi việc. Ba là dâng lên cha mẹ những gì người muốn. Bốn là không tự tác, không trái ý. Năm là tất cả vật riêng của mình đều dâng hết cha mẹ. Người con làm năm việc như trên để phụng dưỡng, thờ kính cha mẹ”[5]. Trong kinh Mangalasutta (Hạnh Phúc Kinh), khi được một Thiên nhân hỏi làm sao được vận may (Mangala), với hy vọng đức Phật sẽ dạy cho một hình thức lễ nghi lễ cầu may cầu phước, đức Phật lại dạy cho ba mươi tám hành động phải làm để được may mắn và một trong những hành động ấy là phụng dưỡng mẹ cha:

“Màtàpitu upatthànan …

Etam mangalamuttamam “

“Phụng dưỡng cha và mẹ …

Là vận may tối thượng”[9]

Do đó sự hiếu thảo không phải là những gì nói suông bằng miệng, bằng những nghi lễ cầu may cầu phước. Hiếu phải được cô đọng bằng những việc làm cụ thể và ở đây là phải hầu hạ và phụng dưỡng mẹ cha. Như vậy có thể thấy được đối với Phật giáo đạo hiếu là một trong những vấn đề được đức Phật xem trọng và luôn khuyến hóa chúng đệ tử cần phải thực hành. Dựa trên nhiều sự tích về tấm gương hiếu hạnh vượt qua chiều kích của không gian và thời gian để được hiện hữu cho hàng hậu thế đó chính là đức Thế Tôn nghiêng mình khiên quan tài của phụ vương song đó lên cung trời thuyết pháp cho hoàng hậu Maya, ngoài ra có tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ dưới địa ngục, hay Xá Lợi Phất đã về quê nhà từ biệt mẹ để báo đáp thâm ân. Sau thời đức Phật cũng có nhiều tấm gương hiếu hạnh sáng ngời như Đại sư Ngẫu Ích đời nhà Minh bốn lần cắt cánh tay, cầu mẹ hiền mắc bệnh hiểm nghèo sống thọ. Hòa thượng Hư Vân ba năm chầu lễ núi Ngũ đài để báo đáp thâm ân cha mẹ. Ngoài ra theo Phật giáo đạo hiếu không chỉ đơn thuần là những việc làm nêu trên mà còn phải dẫn dắt cha mẹ quy hướng về đạo Phật vượt thoát vòng sinh tử lẩn quẩn của kiếp tử sinh đây mới là cách báo hiếu trọn vẹn nhất của người con Phật.

Do đó nên “Kinh Hiếu tử dạy: Làm con nuôi dưỡng cha mẹ dùng trăm vị ngon ngọt để làm vừa miệng, dùng mọi thứ nhạc hay để làm vui tai, dâng y phục quý tốt để làm đẹp hình thể, một vai cõng mẹ, một vai cõng cha dạo chơi khắp bốn biển. Người đời thực hành đạo hiếu mà được như vậy thật là to tát, khó làm hơn nữa. Nhưng Phật dạy rằng đó cũng chưa phải là hiếu. Nếu cha mẹ ngang ngược tối tăm, chẳng kính thờ Tam bảo, ngỗ nghịch bạo tàn, tạo các nghiệp ác, thì kẻ làm con phải can gián, khiến cho phát lòng tin, quy y Chính đạo, thường thực hành sáu pháp Ba la mật, phát tâm từ bi hỷ xả, đối với bậc thiện tri thức thường cung kính, nghe theo giáo pháp, niệm Phật tu hành, nguyện thoát khỏi luân hồi khổ não, sinh về Cực Lạc. Nếu y theo như vậy mà thực hành đạo hiếu mới có thể gọi là báo ân. Nếu chẳng làm được như vậy chỉ là đứa con tầm thường mà thôi” [10].

Nghĩ về tình cha qua câu chuyện người bố chết rét sau khi nhường chăn cho con

Công ơn cha mẹ sinh thành nuôi dưỡng con cái và xây dựng cho đến ngày thành nhân là công ơn rất lớn lao mà cổ nhân đã đúc kết thành 9 yếu tố gọi là 9 chữ cù lao như Kinh Thi nói: “Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao… Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, nhũ ngã, súc ngã, trưởng ngã, dục ngã, cố ngã, phúc ngã, phục ngã; dục báo chi đức, hạo thiên võng cực.”

Công ơn cha mẹ sinh thành nuôi dưỡng con cái và xây dựng cho đến ngày thành nhân là công ơn rất lớn lao mà cổ nhân đã đúc kết thành 9 yếu tố gọi là 9 chữ cù lao như Kinh Thi nói: “Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao… Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, nhũ ngã, súc ngã, trưởng ngã, dục ngã, cố ngã, phúc ngã, phục ngã; dục báo chi đức, hạo thiên võng cực.”

Giữa biến động của Sài Gòn còn rất nhiều mảnh đời mỏng manh bất hạnh vì sự mưu sinh phải xa vòng tay của gia đình nơi đó có cha và mẹ đoạn đường về nhà dường như rất khó khăn đối với mỗi người, nơi đô thị phồn hoa này những cánh hồng đang dần hé nụ để đón một mùa Vu Lan nữa trở về, nhưng khác với mọi năm mùa Vu Lan này thật đáng nhớ và mang đầy dấu ấn của bao cung bậc cảm xúc đau thương, nhớ nhung da diết. Những người làm cha làm mẹ nơi quê hương đang âm thầm quỳ dưới chân đức Như Lai để nguyện cầu cho con mình đang xung phong tình nguyện trong cuộc chiến chống dịch Covid. Nghe sao nhói lòng thời bình nhưng hóa hiện đâu đây bóng hình của những cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, những người con đã và đang xa quê hương để làm nhiệm vụ xông pha nơi thao trường chiến trận. Và lòng càng quặn thắt với nhiều nỗi mất mát chi ly của những người con đã bị giặc Covid cướp mất đi đấng song thân trong cơn đại dịch mà không được cận kề chăm sóc. Những chuyến đi không hẹn ngày về, những cuộc chia xa không bao giờ có thể hội ngộ. Vì thế cho nên đừng để quá muộn màng hãy làm tròn bổn phận của một người con hiếu đạo khi còn có thể, vì có những bước chân đã quên mất đường về và hôm nay đây đường về xa xôi dịu vợi ánh hoàng hôn đã khuất tận chân trời.

Vẫn câu nói rất quen thuộc của bao người dành tặng cho đô thị hoa lệ này “Sài Gòn ơi cố lên! mau khỏe nhé!” để những cánh hồng rực màu đỏ thắm khoe sắc lunh linh khắp mọi cung đường, góc phố hòa chung nhịp đập thiêng liêng giữa mùa Vu Lan ngát hương hiếu hạnh!

Chú thích:

1. Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ, Đại kinh Đoạn tận ái, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 328.

2. “Ngập tràn yêu thương gửi ông bố ra đường sau 18 giờ chở bình oxy cứu con” , https://thanhnien.vn/doi-song/ngap-tran-yeu-thuong-gui-ong-bo-ra-duong-sau-18-gio-cho-binh-o-xy-cuu-con-1421497.html, truy cập ngày 31/7/2021.

3. “Lặng người trước ông bố chở bình oxy cứu con”, https://thanhnien.vn/doi-song/csgt-tphcm-xu-phat-sau-18-gio-lang-nguoi-truoc-ong-bo-cho-binh-oxy-cuu-con-1420898.html, truy cập ngày 31/7/2021.

4. Hán Dịch: Tam Tạng Tăng-Già-Đề-Bà, Việt Dịch: Tuệ Sỹ, Kinh Trung A-Hàm Tập 1, 135. Kinh Thiện Sinh, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2008, tr. 1027.

5. Hán Dịch: Tam Tạng Tăng-Già-Đề-Bà, Việt Dịch: Tuệ Sỹ, Kinh Trung A-Hàm Tập 1, 135. Kinh Thiện Sinh, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2008, Trang 1027.

6. Thích Phước Sơn, Giải Trình Ý Nghĩa Vu Lan, 9. Những Đức Tính Tốt Của Con Người, Nxb. Văn Hóa Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, 2006, tr. 156.

7. Tỳ Kheo Ni: Thích Nữ Diệu Không, Luận Đại Trí Độ Tập II, Quyển 23. Phẩm thứ nhất Tiếp theo – Thập Tưởng (10 Quán tưởng thuộc nhóm vô thường). Phẩm thứ nhất Tiếp theo – Thập Nhất Trí (11 Trí). Phẩm thứ nhất Tiếp theo – Hữu Giác Hữu Quán Tam Muội – Vô Giác Hữu Quán Tam Muội – Vô Giác Vô Quán Tam Muội. Phẩm thứ nhất, tr.106.

8. Thích Minh Châu, Đạo Đức Phật Giáo & Hạnh Phúc Con Người, Chữ Hiếu trong kinh tạng Pàli, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2002, tr.175.

9. Thích Minh Châu, Chánh Pháp Và Hạnh Phúc, Người Việt Nam thương mẹ kính cha qua ca dao tục ngữ Việt Nam, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2001, tr.137.

10. Đại Sư Tông Bổn – Dịch Và Chú Giải: Nguyễn Minh Tiến – Hiệu Đính Hán Văn: Nguyễn Minh Hiến, Quy Nguyên Trực Chỉ, 13. Con Hiếu Thờ Cha Mẹ Không Sát Sinh, Nxb.Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2011, tr. 578.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Nhất tâm niệm Phật

Góc nhìn Phật tử 10:07 21/11/2024

Trong giáo lý của đạo Phật, pháp môn niệm Phật được xem là con đường dễ hành trì, nhưng lại mang đến lợi ích lớn lao cho những ai chí tâm tu tập.

Nhớ về một người Thầy

Góc nhìn Phật tử 09:12 21/11/2024

Trong cuộc sống, ắt hẳn rằng mỗi người ai trong chúng ta cũng mong muốn có một cuộc sống thật tốt đẹp và hạnh phúc nhưng đối với tôi một cuộc sống hạnh phúc đã không còn tồn tại vào năm tôi lên ba tuổi khi thần chết đã cướp đi người mẹ mà tôi yêu quý và người cha mà tôi luôn kính trọng.

Những người Thầy khả kính

Góc nhìn Phật tử 21:55 20/11/2024

Sự thật thì làm cha mẹ, ai cũng muốn con của mình được sống hạnh phúc, thành công. Họ chấp nhận hy sinh mọi thứ để đánh đổi cuộc đời cho những đứa con thơ, bởi lẽ không có cha mẹ nào mà chẳng thương núm ruột của mình dứt ra.

Đồng tiền có thể tạo ra sự tham lam và sự bất mãn vô tận

Góc nhìn Phật tử 18:30 20/11/2024

Trong xã hội hiện đại, đồng tiền đã trở thành một yếu tố quan trọng quyết định đến cuộc sống của chúng ta. Không thể phủ nhận rằng tiền bạc mang lại sự tiện ích và tiến bộ, nhưng khi ta bị chi phối quá mức bởi nó, tiền bạc có thể trở thành cơn ác mộng và làm chúng ta trở thành nô lệ.

Xem thêm