Tinh thần dung hợp giữa Thiền tông và Tịnh độ
Thiền Tông và Tịnh Độ Tông là hai pháp môn tu tập có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đạo Phật tại Việt Nam, xét trên hai phương diện là sức ảnh hưởng và số lượng người tham gia.
Tuy có một số điểm khác biệt, nhưng cả hai pháp môn này lại có rất nhiều điểm tương đồng, dựa trên nền tảng cốt lõi của đạo Phật là lấy lòng Từ bi, diệt tham sân si, thực hành Bát chánh đạo, giữ gìn Giới luật, kiểm soát được Thân – Khẩu – Ý và hướng đến nhất tâm bất loạn. Chính những điểm tương đồng căn bản này tạo nên nền tảng cho sự dung hợp của Thiền tông và Tịnh độ Tông. Tuy nhiên cơ chế nào tạo nên sự dung hợp trên? Sự dung hợp trên có làm ảnh hưởng đến từng tông phái hay không? Những vấn đề tồn tại của sự dung hợp này là gì? Đây là những vấn đề đặt ra cho bài viết này. Bên cạnh đó, bài viết cũng tập trung làm sáng tỏ lịch sử của sự dung hợp giữa hai tông phái đồng thời rút ra một số nhận xét cho vấn đề nghiên cứu.
Khái quát về các tông phái Phật giáo
Sự dung hợp giữa Thiền tông và Tịnh độ
Nguồn gốc tư tưởng dung hợp Thiền – Tịnh
Tinh thần dung hợp giữa Thiền tông và Tịnh độ tông đã có từ buổi đầu lịch sử Phật giáo Việt Nam. Chư vị Tổ sư tu tập theo Thiền tông, nhưng các ngài cũng giảng dạy về pháp môn tu tập Tịnh độ, như Mâu Tử với tác phẩm Lý Hoặc Luận, Khương Tăng Hội với L ục Độ Tập Kinh. Khi đất nước giành được độc lập tự chủ thoát khỏi sự đô hộ của nhà Hán, tư tưởng Tịnh độ tiếp tục xuất hiện trong hai phái Thiền tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Thiền Uyển Tập Anh cho biết Thiền sư Tịnh Lực (1112-1175) thuộc thế hệ thứ 10 của dòng Thiền Vô Ngôn Thông đã chủ trương niệm Phật tam muội, kết hợp giữa thiền và niệm Phật (Lê Mạnh Thát, 2005).
Theo thiền Sư: “Phương pháp Thiền định bằng cách nhớ nghĩ đến Phật. Sự nhớ nghĩ này hoặc bằng một lòng quán tưởng những nét đẹp của xác thân Phật hay thật tướng của Pháp thân Phật thì gọi là quán tưởng niệm Phật, hoặc bằng mộ t lòng đọc tụng tên Phật thì gọi là xưng danh niệm Phật. Đây là nhân hành của việc niệm Phật. Đến khi vào thiền định mà thấy Phật hiện ra trước mắt hay thấy được pháp thân Phật, thì đấy là kết quả của niệm Phật tam muội” (Lê Mạnh Thát, 2005).
Đến thời các vua nhà Trần, vua Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ là hai nhân vật có ảnh hưởng trực tiếp và là người đặt nền tảng cho sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Trần Thái Tông bàn về tư tưởng Tịnh độ qua tác phẩm “Niệm Phật luận” (Ban Phật học, 1995; Viện Văn học, 1977). Tuệ Trung Thượng Sĩ thể hiện tư tưởng Thiền qua bài Phật Tâm ca, Trần Nhân Tông thể hiện tư tưởng Thiền tịnh qua bài Cư trần lạc đạo: “Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương. Di Đà là tánh sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc” (Nguyễn Đăng Thục, 1996; Trí Bửu, 2013). Cư trần lạc đạo nghĩa là ở đời mà vui đạo, là giác ngộ ngay giữa cuộc đời, giác ngộ không phải xa lánh cuộc đời hay quên đời của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Cõi trần là một giả cảnh, chỉ là một chặng đường trong luân hồi, nhưng lại là một giai đoạn không thể bỏ qua, chính là giai đoạn để giác ngộ chân lý. “Lạc đạo” vui với đạo là một tâm thế hành đạo, thuận theo lẽ đạo, tùy duyên mà hành đạo, tùy duyên nhưng bất biến (Trí Bửu, 2013). Tư tưởng Thiền trong Cư trần lạc đạo là tư tưởng nền móng cho phái Trúc Lâm Yên Tử do Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông xây dựng tiếp tục phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay (Nguyễn Công Lý, 2003).
Phật giáo Việt Nam có mấy tông phái?
Đến thế kỷ XVII – XVIII, các vị thiền sư như Minh Châu Hương Hải, Chân Nguyên tiếp tục thể hiện tư tưởng dung hợp Thiền – Tịnh trong tác phẩm của mình. Trong Giải Kim Cương kinh lý nghĩa, thiền sư Minh Châu Hương Hải có dẫn “Lời Vĩnh Minh” cho thấy ngài từng nghiên cứu tư tưởng dung hợp của Vĩnh Minh và áp dụng vào cuộc đời hoằng hóa của mình (Lê Mạnh Thát, 2000a). Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ là người đề xướng tinh thần dung hợp giữa Thiền tông và Tịnh độ tông tại Trung Quốc. Mặc dù tư tưởng này trước đó đã xuất hiện, nhưng đến đầu triều Tống, tinh thần dung hợp mới trở thành một trào lưu chủ đạo trong Phật giáo Trung Quốc. Theo ngài Vĩnh Minh, những ai có lòng tin vào giáo pháp nhưng do lòng tin chưa đủ, trí tuệ nông cạn, tâm còn dao động, chấp thủ thì họ sẽ tìm cầu việc sinh về Phật quốc, ở đó họ được hỗ trợ bởi môi trường tốt tiếp tục con đường tu hành của mình để đạt đến quả vị giải thoát.
Sự đối kháng mạnh mẽ giữa Thiền tông và Tịnh độ tông là nguyên nhân trực tiếp khiến sư Vĩnh Minh đề xướng sự dung hợp tư tưởng hai phái. Bấy giờ, hành giả Thiền tông chê bai tín đồ Tịnh độ là tìm cầu cái bên ngoài, không hướng về tự tánh chân thật của mình. Đáp lại, tín đồ Tịnh độ phê phán những thiền sư kiêu mạn, vô kỷ luật. Nhìn thấy được mối nguy bởi thái độ “cuồng thiền” của một số thiền sư chưa đắc pháp, cũng như sự xem thường Thiền tông của một số tín đồ phủ nhận lợi ích thiền định, sư Vĩnh Minh dung hòa niệm Phật vào Thiền tông để tránh việc thực hành một chiều đi đến kiến chấp sai lầm.
Tư tưởng dung hợp Thiền tông và Tịnh độ của ngài xoay quanh những lời chỉ dạy về lợi ích của sự dung hợp giữa hai pháp môn tu tập:
Có thiền không tịnh độ,
Mười người, chín lạc lộ.
Ấm cảnh khi hiện ra
Chớp mắt đi theo nó.
Không Thiền có Tịnh độ
Muôn tu muôn thoát khổ
Vãng sanh thấy Di Đà
Lo gì chẳng khai ngộ?
Có Thiền có Tịnh độ
Như thêm sừng mãnh hổ.
Hiện đời làm thầy người
Về sau thành Phật, Tổ.
Không Thiền không Tịnh độ
Giường sắt, cột đồng lửa!
Muôn kiếp lại ngàn đời
Chẳng có nơi nương tựa”.
Vì sao Phật giáo có nhiều tông phái?
Quan điểm dung hợp giữa Thiền và Tịnh của sư Vĩnh Minh nhằm khẳng định cả hai pháp môn đều là phương pháp tu tập đạt được giác ngộ giải thoát và là pháp môn thích ứng với số đông người tu học. Một lý do khác khiến sư Vĩnh Minh dung hợp Thiền – Tịnh là tình hình xã hội chính trị vào thời ông bất ổn, dân chúng đang đau khổ cần sự cứu giúp. Giáo pháp của Thiền tông còn cao siêu, đa số người dân khó tiếp nhận, thụ đắc tinh túy. Áp dụng Thiền – Tịnh song tu mở ra một lối đi mới, khiến giáo pháp thích hợp với mọi căn cơ.
Đức Phật dạy có 84.000 pháp môn, tùy theo căn cơ của mỗi người mà chọn pháp tu phù hợp để con đường thăng tiến tâm linh dễ dàng. Trải qua sự thăng trầm của lịch sử, chư Tổ bao đời đã uyển chuyển trong giáo hóa, dùng Thiền tông để hoằng dương tông Tịnh độ. Tuy mỗi tông phái khác nhau, phương pháp hành trì khác nhau nhưng mục đích nhắm đến đều là quy tâm. Tinh thần dung hợp đó luôn được các vị chư Tổ trao truyền tiếp nối.
Bản chất của tư tưởng dung hợp Thiền – Tịnh
Tình hình chính trị xã hội Việt Nam vào thế kỷ XVII, XVIII đầy biến động bởi phân tranh quyền lực Trịnh – Nguyễn, Nam Bắc phân triều. Các cuộc chiến tranh, khởi nghĩa liên tiếp xảy ra khiến đời sống nhân dân vô cùng lầm than cực khổ. Trình độ nhận thức của người dân khi đó còn rất thấp. Trong bối cảnh đó, việc áp dụng phương pháp Thiền định là điều khó khăn đối với những người tu tập và các Phật tử. Do đó, việc giới thiệu một cảnh giới tốt đẹp, kết quả của việc đạt được sự viên mãn của việc tu tập thích hợp với nhu cầu và khả năng của họ, giúp họ dễ tiếp nhận. Do đó phương pháp tu Tịnh độ trở nên phổ biến trong xã hội và được nhiều người đi theo hơn là phương pháp quán sát thân-tâm (tu Thiền).
Pháp tu Tịnh độ dạy về cõi Phật A Di Đà với cảnh giới an vui đầy những điều tốt đẹp, nuôi dưỡng niềm tin và hy vọng về một thế giới thanh tịnh và giải thoát. Cho nên, sự kết hợp Thiền với Tịnh độ cần thiết cho giai đoạn lúc bấy giờ, đáp ứng được nhu cầu tâm linh cho số đông. Sự dung hợp giữa Thiền và Tịnh độ sẽ tạo nên được tính linh hoạt, đơn giản, thực dụng, dễ tiếp cận, đem lại sự tu tập quân bình cho số đông tín đồ, không hạn chế ở cấp độ cao thấp. Chính vì thế, nhiều bậc cao tăng trong đó có thể kể đến Thiền sư Minh Châu Hương Hải đã đưa ra tư tưởng dung hợp giữa Thiền – Tịnh giáo hóa tín đồ và chúng sinh vào thế kỷ XVII. Sự dung hợp này chúng ta dễ dàng nhận thấy qua cách đặt tên nơi ở là Thiền Tịnh viện (Lê Mạnh Thát, 2000b; Thích Thanh Từ, 2005).
Điều kiện để người niệm Phật cầu vãng sinh tịnh độ
Trong tác phẩm Sự Lý Dung Thông, ngài cũ ng đ ã thể hiện tư tưởng dung hợp của mình rất rõ ràng:
“Chuyển vô minh, bối trần hiệp giác, Vui về bề diệu dược Liên bang” (Lê Mạnh Thát, 2000b). Theo Tịnh độ tông, niệm Phật đến nhất tâm được Đức Phật A Di Đà đến đón, nhưng muốn được vãng sanh cần phải có đủ Tín, Hạnh Nguyện. Trong Giải Di Đà Kinh, Thiền sư Minh Châu Hương Hải có giải thích rằng: “Tín Hạnh Nguyện, ba sự chẳng khá khuyết một. Tín là tin Di Đà bản nguyện, Thích Ca diễn thuyết, lục phương tán thán. Hạnh là tinh tấn chuyên cần, trì niệm danh hiệu, một lòng hằng nhớ, chẳng khi tán loạn. Nguyện là nguyện vãng sinh Tịnh Độ chẳng còn thối chuyển, kíp nên vô thượng Bồ Đề. Tín, hạnh, nguyện ba sự chẳng khá khuyết nhất. Ngàn người tin niệm, ngàn người vãng sinh, muôn người tin niệm, muôn người đều được vãng sinh. Hằng tin niệm danh hiệu Phật, lòng hằng ức tưởng Phật, miệng hằng niệm Phật, thân hằng kính Phật, mới gọi là thâm tín tâm, lấy làm thiết yếu vậy” (Lê Mạnh Thát, 2000c).
Thiền sư vui với việc sanh về cõi Cực Lạc và xem như một phương thuốc kỳ diệu. Bởi vậy, Thiền sư đã dịch giải nhiều kinh về Tịnh độ như: Giải Di Đà kinh, Vô lượng thọ, Quán vô lượng thọ cùng với soạn Khoa cúng Cửu phẩm… Để có thể đưa đến sự dung hợp giữa Thiền – Tịnh cần có sự tương đồng. Vậy phương pháp Thiền và Tịnh độ có những điểm tương đồng như thế nào? Thiền tông khởi nguồn từ tích “Niêm hoa vi tiếu”. Từ đời tổ Ca Diếp, tâm tâm tương ấn, tổ tổ tương truyền đến nhiều thế hệ đắc pháp sau này. Pháp môn Tịnh độ cũng được Đức Phật chỉ dạy để phù hợp với căn cơ của chúng sinh. Thiền chủ trương tự lực là pháp hành, quay trở lại quán sát chính mình để thanh lọc những tạp niệm ở nơi tâm. Trong khi đó, Tịnh độ nương vào tha lực trì danh hiệu Đứ c Phật đến nhất tâm bất loạn sẽ được Phật A Di Đà đến đón. Chỗ nhất tâm của người tu niệm Phật gọi là niệm Phật Tam muội cũng tương đồng với trạng thái tịch tĩnh của người tu Thiền. Cho nên, mục đích của sự tu tập là đưa đến sự giải thoát. Cho nên dù niệm Phật, hay tu Thiền mà tâm đạt được sự an định từ một ngày cho đến bảy ngày thì nhất định người đó đạt được đạo quả. Tu Tịnh thì được thấy Phật A Di Đà, còn tu Thiền thì chứng từ sơ quả đến tứ quả.
Sự đối kháng mạnh mẽ giữa Thiền tông và Tịnh độ tông là nguyên nhân trực tiếp khiến ngài Vĩnh Minh đề xướng sự dung hợp tư tưởng hai tông phái. Bấy giờ, các tín đồ theo phái Thiền tông chê bai tín đồ Tịnh độ là truy cầu cái bên ngoài, không hướng về tự tánh chân thật của mình (cái bản ngã bên trong của con người). Đáp lại, tín đồ Tịnh độ phê phán những thiền sư là kiêu mạn, vô kỷ luật (Lê Mạnh Thát, 2000c).
Đường về cực lạc, Tịnh độ nhân gian
Tín là niềm tin, người thực hành tin chắc có Phật A Di Đà, cũng tin chắc có cõi Tây phương Cực lạc. Nên hành giả phát nguyện sanh về cõi Cực lạc, phát nguyện ở đây không phải phát nguyện suông mà phải bằng hành động, khi hành giả tin chắc những điều này hành giả sẽ nỗ lực thực hành để đạt được sự tinh tấn (hạnh). Niềm tin (tín) và sự thực hành (hạnh) cùng song hành với nhau thì sự hành trì không bao giờ gián đoạn, cũng không bao giờ thoái chuyển, luôn hướng tâm vào Giới, Định, Tuệ cho đến bảy ngày đạt được nhất tâm (chánh định). Nếu tín và hạnh trọn vẹn, đạt được nhất tâm thì nguyện lực mong vãng sanh về thế giới Cực lạc tự nhiên thành tựu. Đến đây không còn nương tựa tha lực nào từ bên ngoài nữa mà dựa vào chính mình vì đã tìm được đường đi (tự lực) (Thích Chơn Thiện, 2000).
Ngược lại, nếu không có niềm tin, hành giả không thể thực hành (hạnh). Niềm tin và sự thực hành không đủ không thể đưa đến nhất tâm, nguyện lực cũng sẽ không đạt được kết quả. Điều này cũng đúng với Thiền tông. Nếu tâm không chánh niệm, không chú tâm vào đề mục thì không kiểm soát được Thân, Tâm, Ý và không đạt được tâm thanh tịnh (Nguyễn Đăng Thục, 1997). Hai pháp môn tuy khác nhau về phương pháp hành trì nhưng đều có điểm chung cốt lõi là trở về với bản tánh thanh tịnh của chính mình. Một bên thấy Bồ đề Niết Bàn, một bên thấy đức Phật A Di Đà tới đón. Vậy Kinh A Di Đà và Kinh Tứ niệm xứ trong A Hàm không quá khác biệt về nghĩa lý.
Người tu theo pháp môn Tịnh độ niệm Phật được nhất tâm tức là định, người tu Thiền thực hành đến chỗ không còn tạp niệm, tâm chuyên nhất đó là định. Tuy phương tiện sử dụng có khác nhưng đích đến là một, tùy theo trình độ nhận thức cao thấp và khả năng tiếp nhận của chúng sanh mà ứng dụng. để trải nghiệm quá trình tu tập đạt đến sự chứng đạo. Điều này chứng tỏ sự vận dụng khéo léo của chư Tổ. Các ngài đã bản địa hóa nghi thức tu tập hàng ngày, từ câu niệm Phật đến kinh văn tụng đọc, tùy theo trình độ nhận thức cao thấp mà chọn một phương pháp tu tập tham thiền hay niệm Phật, hoặc kết hợp cả hai. Tất cả đều đưa đến mục đích là giác ngộ và giải thoát vậy.
Hòa thượng Thích Trí Tịnh: Một đời tu Tịnh Độ
Kết luận
Thứ nhất, Tịnh độ và Thiền là hai tông phái tu tập có lịch sử lâu đời và có ảnh hưởng sâu rộng nhất tại Việt Nam xét theo tầm ảnh hưởng và số lượng các tín đồ Phật tử. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cả Tịnh độ và Thiền là hai mặt của một vấn đề. Ở Trung Quốc, hai tông phái có sự xung khắc, mâu thuẫn cho nên khiến sư Vĩnh Minh đề xướng sự dung hợp tư tưởng của hai tông phái. Ở Việt Nam, do đặc điểm văn hóa đạo đức của người Việt lấy tinh thần từ bi, tương thân tương ái làm trọng rất phù hợp với triết lý của đạo Phật, nên đạo Phật dễ dàng được chấp nhận và phát triển nhanh chóng. Tư tưởng “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” đã làm cho hai tông phái này khá hòa hợp, không có xung đột ở Việt Nam.
Thứ hai, cả hai tông phái ra đời để phục vụ cho nhu cầu, ước nguyện, đáp ứng các nhu cầu khác nhau, nhận thức và khả năng tiếp nhận khác nhau của các tín đồ Phật tử. Quan điểm dung hợp giữa Thiền và Tịnh của các nhà sư, tiêu biểu như sư Vĩnh Minh, là nhằm khẳng định cả hai pháp môn đều là phương pháp tu tập đạt được giác ngộ giải thoát và là pháp môn thích ứng với số đông của các tín đồ.
Thứ ba, dung hợp của tu Tịnh độ và tu Thiền là dựa trên các nguyên tắc bất di bất dịch của nguyên lý nền tảng trong triết lý của đạo Phật là tu tập để giải thoát khỏi mọi sự đau khổ, luân hồi cho bản thân và cứu giúp chúng sinh; triệt để áp dụng các giá trị về đạo đức của đạo Phật như: lòng từ bi, yêu thương muôn loài, loại bỏ tham sân si, giữ gìn giới luật, vận dụng quy luật Nhân quả trong đời sống hằng ngày. thực hành hoằng pháp để tuyên truyền quảng bá và phát triển các giá trị tư tưởng cốt lõi của đạo Phật. Trong Phật giáo Việt Nam, Thiền – Tịnh mang tính hài hòa, mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt là “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách” không phân biệt dân tộc, vùng miền, địa vị xã hội hay tuổi tác. Chính sự hòa hợp như vậy làm cho đạo Phật thích nghi và phát triển ở Việt Nam cho đến ngày nay.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Phật học chuyên môn (1995), Thiền học đời Trần, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.
2. Đại Tạng Kinh Việt Nam (1992), kinh Trung A Hàm tập 2, VNCPHVN.
3. Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Minh Châu Hương Hải, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Lê Mạnh Thát (2005), Nghiên cứu Thiền Uyển Tập Anh, Nxb Phương Đông.
5. Liên tông Lục Tổ Vĩnh Minh Diên Thọ Đại sư, HT. Thích Thiền Tâm dịch.
6. Nguyễn Công Lý (2003), Văn Học Phật giáo Lý – Trần diện mạo và đặc điểm, Nxb Đại học Quốc gia Thành Phố Hồ Chí Minh.
7. Nguyễn Đăng Thục (1996), Thiền học Trần Thái Tông, Nxb Văn hóa thông tin.
8. Nguyễn Đăng Thục (1997), Thiền học Việt Nam, Nxb Thuận Hóa.
9. Nguyễn Đăng Thục (1998), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
10. Nguyễn Duy Hinh (1999), Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội.
11. Nguyễn Hùng Hậu (1997), Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam, Nxb Khoa Học Xã Hội.
12. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn Học, Hà Nội.
13. Thích Chơn Thiện (1999), Tư tưởng Kinh Kim Cương, Nxb Tôn giáo.
14. Thích Chơn Thiện (2000), Tư tưởng Kinh Di Đà, Nxb Tôn giáo.
15. Thích Minh Tuệ (1993), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Thành Hội Phật giáo.
16. Thích Phước Đạt (2013), Giá trị Văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb Hồng Đức.
17. Thích Thanh Từ (2005), Hương Hải Thiền Sư ngữ lục, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
18. Thích Thanh Từ (2015), Thiền Sư Việt Nam, Nxb Văn Hóa – Văn Nghệ.
19. Ủy ban Khoa học xã hội – Viện Văn học (1977), Thơ văn Lý Trần tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
20. Viện Khoa học xã hội – Trung tâm nghiên cứu Hán Nôm (2000), Tuệ Trung thượng sĩ với Thiền Tông Việt Nam, Nxb Đà Nẵng.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo
Nghiên cứu 09:45 19/10/2024Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.
Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội
Nghiên cứu 09:30 06/10/2024Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.
Vài suy nghĩ về quyền động vật trong kinh, luật Phật giáo
Nghiên cứu 19:05 21/09/2024Cảnh giới trí tuệ của chư Phật đã thấy và biết như thật rằng “tất cả mọi loài chúng sanh đều có tính Phật”, do đó, họ cần phải được tôn trọng, bảo tồn và thương yêu bình đẳng. Nói cách khác, từ tuệ giác của Đức Phật, Ngài đã thừa nhận “quyền động vật” nói riêng và muôn loài chúng sanh nói chung.
Xem thêm