Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 06/08/2024, 08:52 AM

Trung hiếu là nền tảng đạo đức của dân tộc

Ngày xưa trung và hiếu là hai tiêu chuẩn đánh giá một con người. Bất cứ ai mà không có lòng ái quốc và hiếu kính cha mẹ thì không thể xứng đáng đứng trong trời đất.

Chữ hiếu còn được các vị vua coi như điều kiện để được tuyển chọn ra làm quan giúp nước và là nền tảng đạo đức của dân tộc Việt và Trung Hoa.

Truyện Nhị Thập Tứ Hiếu của Quách Cư Nghiệp viết từ Thế Kỷ XIII đời Nhà Nguyên còn lưu truyền tới ngày nay trong đó có những nhân vật nổi tiếng hiếu thảo như Đế Thuấn. Mẹ ông mất sớm cha là Cổ Tẩu lấy vợ khác sinh được một trai một gái. Dù bị mẹ kế và hai em đối xử tệ bạc nhưng Đế Thuấn vẫn một mực hiếu thuận, giữ đạo làm con. Còn ông Tăng Sâm tức Tăng Tử thừa kế và phát triển tư tưởng của Khổng Tử. Ông viết sách đề cao chữ hiếu. Chuyện kể lại như sau: Có lần ông làm chuyện gì đó bị mẹ đánh ông, ông khóc nức nở. Bà ngạc nhiên, dừng roi và hỏi: Sao từ trước đến nay ta đánh chẳng bao giờ con khóc hôm nay con lại khóc? Ông đáp: Thưa mẹ - mấy lần trước con đau nên biết mẹ còn khỏe nay con không thấy đau nữa nên thương mẹ đã già yếu. Ông thật là người con chí hiếu. Còn Lục Tích thời Tam Quốc, một hôm theo cha sang Quận Cửu Giang viếng Viên Thuật. Họ Viên làm việc thết đãi, Lục Tích thấy trong tiệc có quít ngon, bèn lấy hai trái dấu trong túi áo. Khi chào Viên Thuật ra về, vô ý để quít rớt ra ngoài. Viên Thuật nói đùa: Sao lấy quýt giấu như thế? Lục Tích đáp ngay: Mẹ tôi thích ăn quít lắm. Nhân tiện trong tiệc có quít ngon nên tôi giấu vài quả đem về biếu mẹ tôi. Viên Thuật khen Lục Tích là người con chí hiếu.

Còn Việt Nam ta cũng có rất nhiều gương hiếu thảo như vua Tự Đức dâng roi cho mẹ đánh đòn khi vua phạm lỗi. Rồi vua Trần Anh Tông là vị vua tôn trọng đạo hiếu, tuân theo lời dạy của cha. Ông bỏ rượu, trở nên minh mẫn hơn. Và một nhân vật độc đáo của hoàng tộc triều Nguyễn là sư bà Diệu Không (nhũ danh quận chúa Hồ Thị Hạnh). Đọc lại lịch sử mới thấy Quận Chúa Hồ Thị Hạnh có thể là hóa thân của ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát với dung nhan, tài đức và trung-hiếu vẹn toàn.

Có thể nói hầu hết các Nho gia Việt Nam đều đề cao trung-hiếu như cụ Đồ Chiếu trong Lục Vân Tiên viết: Trai thì trung hiếu làm đầu. Gái thì tiết hạnh là câu trau mình. Còn trong Gia Huấn Ca, cụ Nguyễn Trãi dạy con như sau: Kìa hiếu dưỡng Thành Chu gia pháp và Dâu hiền có hiếu tiếng ghi để đời.

Kể từ khi Đạo Phật du nhập vào Việt Nam, hình ảnh Đại Hiếu Mục Kiền Liên đã tô thắm thêm nền tảng đạo đức của dân tộc và đã trở thành tiêu biểu cho lòng hiếu thảo.

Kinh Vu Lan Bồn chép rằng: “Một thời, Đức Phật trú tại vườn của Trưởng Giả Cấp Cô Độc. Bấy giờ ngài Mục Kiền Liên mới chứng đắc thần thông, muốn cứu độ cha mẹ để báo công ơn dưỡng dục, dùng mắt quán sát khắp thế giới, thấy mẹ mình bị đọa trong loài ngạ quỷ, không được uống ăn nên thân hình chỉ còn da bọc xương. Tôn giả thấy vậy vô cùng xót thương, liền lấy bát đựng đầy cơm và vận dụng thần thông đem hiến dâng cho mẹ. Bà mẹ nhận được cơm, dùng tay trái che đậy, tay phải bốc ăn, cơm chưa vào miệng đã hóa thành than hồng nên không thể ăn được. Tôn giả Mục kiển liên lớn tiếng khóc than trở về bạch Phật, thuật lại đầy đủ sự việc. Đức Phật bảo: Này Mục Kiền Liên. Thân mẫu của ông tội chướng sâu dày, không phải một mình ông có thể cứu được. Tuy lòng hiếu thảo của ông vang động trời đất. Nhưng cho dù là những thiên thần, tà ma ngoại đạo, đạo sĩ và bốn vị thiên vương cũng không thể làm được. Nay ông phải nhờ vào oai lực của tăng ở mười phương cùng chú nguyện thì mới có thể siêu thoát. Này Mục Kiền Liên! Ngày rằm Tháng Bảy là ngày Tự Tứ của mười phương tăng chúng cùng các vị hiền thánh hoặc tu thiền định hoặc đi kinh hành. Nếu có người dâng cúng chư tăng thì tất cả cha mẹ bà con quyến thuộc trong đời hiện tại đã quá vãng sẽ được siêu sinh trong ba đường khổ liền được đầy đủ áo cơm. Nếu cha mẹ, thân quyến thuộc còn sống thì được hưởng phước lạc sống lâu trăm tuổi, còn cha mẹ quá khứ bảy đời thì được sinh lên cõi Trời Tự Tại. Rồi Phật bảo chúng tăng ở mười phương trước tiên phải chú nguyện cho cha mẹ bảy đời của thí chủ rồi sau mới thọ thực. Khi ấy, Tôn giả Mục Kiền Liên cùng với chư vị Đại sĩ, Bồ-tát đều rất hoan hỷ, tiếng than khóc bi thương của ngài Mục Kiền Liên cũng tan biến. Thân mẫu của ngài cũng trong ngày ấy được thoát khổ trong loài ngạ quỷ.” (Tài liệu Internet)

Chính vì sự tích Mục Kiền Liên mà ngày rằm Tháng Bảy đã trở thành Ngày Vu Lan Báo Hiếu (Ullambana). Phật tử khắp nơi, dù ở hải ngoại, nô nức tới chùa cúng dường chư Phật, dự lễ Vu Lan và xin chư tăng cầu nguyện cho cửu huyền thất tổ. Đây là nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Rồi trong Kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, Đức Phật bảo ngài A Nan rằng: Công ơn từ mẫu, gồm có mười điều, phàm kẻ làm con, phải lo báo hiếu. Những gì là mười điều?

1. Nhớ ơn mẹ ta, chín tháng mười ngày, cưu mang nặng nhọc.

2. Nhớ ơn mẹ ta, khi sinh lúc nở, đau đớn vô cùng.

3. Nhớ ơn mẹ ta, khi sanh lúc nở, quên cả âu lo.

4. Nhớ lại công ơn, mẹ ăn miếng đắng, lại nhả miếng ngon, dành dụm cho con.

5. Nhớ lại công ơn, chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo xê con.

6. Nhớ ơn mẹ ta, ba năm bú mớm, nuôi nấng thuốc thang, trong khi sài đẹn.

7. Nhớ ơn mẹ ta, giặt diệm hong phơi áo quần dơ dáy, ô uế tanh hôi mẹ đành cam chịu.

8. Nhớ ơn mẹ ta, khi đi đâu xa, vì thương nhớ con, trong lòng cầy cậy, một phút chẳng ngơi .

9. Nhớ công ơn mẹ, vì sanh nuôi con, mà mẹ cam lòng tạo bao nhiêu ác nghiệp.

10. Nhớ công ơn mẹ, lòng rất thương con, trọn đời yêu dấu, không phút nào ngơi.

Đạo Phật là đạo hi hữu, là đạo duy nhất trên thế gian này đề cao lòng hiếu thảo. Như chúng ta đã biết Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát đã phát lời nguyện “Địa Ngục Giai Không” cứu độ tất cả chúng sinh lâm vào vòng tù tội và là bộ kinh được Phật tử ưa chuộng, đọc tụng để  cầu nguyện cho cha mẹ mình. Tiền thân trong vô lượng kiếp trước, ngài là một cô gái dòng Bà la môn, tướng mạo đoan trang, được mọi người kính nể, đi đứng nằm, ngồi đều có chư Thiên hộ vệ. Thế nhưng bà mẹ lại là người mê theo tà đạo, khinh khi Tam Bảo. Khi chết, thần hồn bị đọa vào Địa Ngục Vô Gián (ānantarya) bị hành tội liên tục không ngừng nghỉ. Nghĩ đến mẹ, cô gái dùng tiền bạc mua sắm lễ vật đến cúng tại chùa có tượng thờ Đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương. Và cô cứ chăm chú nhìn vào tượng Phật mà khấn nguyện xin Phật cho biết mẹ cô thác sinh vào chốn nào. Rồi từ trên không có tiếng nói bảo rằng hãy mau về nhà ngồi ngay thẳng niệm danh hiệu Giác Hoa Định Tại Vương Như Lai thời sẽ biết chỗ thác sinh của mẹ. Quả nhiên với oai lực của Phật, cô gái được tới một nơi gọi là Địa Ngục Vô Gián nằm ở bờ biển nước sôi sùng sục trên đó có rất nhiều thú dữ thân thể bằng sắt, bay nhẩy trên mặt biển và rất nhiều trai gái chìm nổi trong biển và bị thú dữ ăn thịt. Tại đây cô được người cai quản là ông Quỷ Vô Độc tiếp đón và nói rằng nếu không phải nhờ  oai lực của Phật thì không một ai có thể tới đây, xin thánh nữ cứ yên tâm. Xin thánh nữ trở về nhà, chớ đem lòng nhớ thương buồn rầu. Mẹ của thánh nữ đã được sinh lên cõi trời ba ngày rồi. Và nhờ công đức của thánh nữ thờ phượng và cúng dường Đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương mà các tội nhân ở đây cũng đã được sanh lên cõi trời.

Cũng trong pháp hội tại Cung Trời Đao Lợi này, Thánh Mẫu Ma Gia (Maya) mẹ của Đức Phật đã hỏi Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát, “Chúng sinh trong cõi Diêm Phù Đề tạo nghiệp khác nhau, cảm thọ quả báo khác nhau như thế nào?” Địa Tạng Vương Bồ Tát thưa rằng, “Như có chúng sinh chẳng hiếu thảo với cha mẹ, cho đến giết hại cha mẹ, kẻ đó phải đọa vào Địa Ngục Vô Gián muôn nghìn ức kiếp không thể nào ra khỏi.”

Ngày nay, do sự bùng nổ của kỹ nghệ truyền thông, do có facebook, twitter, tiktok, điện thoại cầm tay… đã ảnh hượng nặng nề tới đầu óc trẻ thơ và thanh thiếu niên. Tốt lành thì ít mà nguy hại thì nhiều. Đã có những cô gái, thanh niên chết vì trò nhịn đói, nín thở được biểu diễn trên Tiktok. Do đó cha mẹ cần phải đưa con nhỏ tới chùa từ thuở đầu đời, chẳng phải lo cho mình mà lo cho cuộc đời của chính chúng nó. Đã có một số chùa tổ chức ngày báo hiếu, con cái rửa chân cho cha mẹ. Đây là việc làm vô cùng tốt đẹp cần phải được phát huy và dần trở thành truyền thống bên cạnh lễ cài hoa hồng nhân ngày Vu Lan.

Xin nhớ, đạo hiếu ngoài việc báo đền công ơn cha mẹ còn nâng cao phẩm giá con người. Cho nên bậc làm cha mẹ phải cho con cái tới chùa để học Phật và học vể đạo hiếu. Gia đình Phật tử và các câu lạc bộ Thanh Thiếu niên Phật tử là nơi tốt lành cho con trẻ. Phải giáo dục con cái ngay từ thuở đầu đời. Tại hải ngoại này, có những chùa nhỏ, tuy Phật tử không đông nhưng thật cảm động khi thấy các em nhỏ, tiếng Việt nói không rành mà khoác lên mình chiếc áo màu lam, dâng hương cúng Phật trong ngày Lễ Phật đản và cài hoa lên áo các ông, các bà, các cụ nhân ngày Lễ Vu Lan. Mầm mống Phật phải gieo trồng cho trẻ nhỏ. Mai mốt cha ông chết hết thì ai giữ đạo đây?

Đạo Phật là đạo đẹp tuyệt vời mà thế giới đang hướng tới như biểu tượng cho lương tâm của nhân loại. Chúng ta được tắm gội trong giáo pháp của Đức Phật thật là phước báu. Chúng ta phải có nhiệm vụ phát huy. Ngoài chức năng của giáo hội, chư tăng/ni và thiện tri thức - gia đình phải là nơi gieo trồng hạt giống Phật từ thuở đầu đời cho con cháu. Trong Kinh Pháp Cú bản dịch của Tây Tạng, nơi Phẩm Khả Ái, Đức Phật dạy rằng, “Người sống với giới đức được chư thiên ca ngợi. Người không có lỗi nào sẽ có niềm vui tuyệt hảo trên cõi Trời. Do vậy hãy làm việc thiện lành cũng để cho đời sau vì thiện nghiệp sẽ đón nhận các chúng sinh trong thế giới khác.” (*)

Xin nhớ cho hiếu thảo là thiện nghiệp lớn nhất.

Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát.

(*) Bản dịch của Cư sĩ Nguyên Giác

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Quả báo khủng khiếp từ thói hung hăng

Góc nhìn Phật tử 10:18 15/09/2024

Nay cô ta đã biết, chết không phải là hết, mà cô sẽ có một kiếp sống tiếp theo trong cảnh giới khác. Hơn nữa, có một quy luật liên kết giữa những gì cô đã làm khi còn sống và những kết quả cô phải chịu sau khi sang bên kia thế giới. Nhưng giờ mới biết thì đã quá muộn.

Học Phật, hiểu Phật, làm theo Phật

Góc nhìn Phật tử 09:50 15/09/2024

Trong cuộc sống đầy biến động, con người thường tìm kiếm bình an nơi những thành công, vật chất hoặc các mối quan hệ. Tuy nhiên, chúng ta ít khi nhận ra rằng sự bình an chân thật lại nằm trong chính tâm hồn mình.

Phật dụng cái tâm

Góc nhìn Phật tử 23:13 14/09/2024

“Phật dụng cái tâm mà! Miễn mình có lòng hướng Phật thôi cũng đủ rồi!”. Đó là câu mà một số người thường hay vận dụng mỗi khi có ai hỏi sao không cố gắng ăn chay, dẫu chỉ một tháng hai ngày.

Con cái trong liên hệ cộng nghiệp với cha mẹ

Góc nhìn Phật tử 13:00 14/09/2024

Ai cũng mong con cái ngoan hiền, hiếu thảo với cha mẹ và thành công trong cuộc sống. Hầu hết mọi người đều tin tưởng rằng, tình yêu thương và nỗ lực giáo dục nuôi dạy của cha mẹ sẽ khiến con cái nên người.

Xem thêm